Cuộc tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày sinh và 10 năm Ngày mất của GS,TS Bùi Danh Lưu theo sự khởi xướng và đề xuất của CLB “Trái tim Người lính” cùng sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình ông.
GS,TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh) sinh ngày 28-8-1935, tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, xuất thân trong một gia đình nho học.
Năm 1953, khi đang là học sinh cấp ba, ông tham gia Ban vận tải tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc, ông về trường học tiếp rồi được điều về Tổng cục Đường sắt làm liên lạc viên, bảo đảm giao thông trong kháng chiến chống Mỹ ở Khu 4.
Năm 1970, ông được cử sang Tiệp Khắc du học, về nước năm 1976 với tấm bằng Phó Tiến sĩ và đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Kỹ thuật giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.
Vừa làm công tác quản lý, nhưng ông vẫn tham gia và trực tiếp thực hiện nhiều công trình khoa học, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn.
Ghi nhận và đánh giá cao năng lực cũng như hiệu quả công việc của ông, năm 1982, ông được đặc cách bổ nhiệm vụ trưởng khoa học kỹ thuật và sau đó là thứ trưởng giao thông vận tải và bưu điện chỉ trong thời gian ngắn.
Trong những năm đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng, GS,TS Bùi Danh Lưu đã có nhiều đóng góp trong các chủ trương và công việc của Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, thúc đẩy ngành giao thông phát triển.
Trong đó, nổi bật là công trình cầu sắt vĩnh cửu Chương Dương bắc qua sông Hồng tại Hà Nội do Việt Nam tự thiết kế và thi công từ nguyên vật liệu tận dụng từ công trình cầu Thăng Long do Liên Xô trước đây viện trợ.
Công trình do Thứ trưởng Bùi Danh Lưu trực tiếp chỉ huy thi công trong thời gian ngắn kỷ lục có một năm chín tháng, vượt tiến độ 12 tháng, cho thấy khả năng và sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong nước. Đây cũng là công trình đầu tiên cho hàng loạt dự án cầu, đường do Việt Nam tự làm trong cả nước, mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ngành giao thông vận tải nước ta.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên T.Ư Đảng và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII. Đặc biệt là khóa VIII, ông không thuộc diện nhân sự T.Ư giới thiệu tái cử, nhưng cơ sở vẫn giới thiệu để bầu và ông vẫn trúng phiếu cao.
Trong cuộc bầu cử ngày 19-4-1987, ông trúng cử đại biểu quốc hội khóa viii. tháng 12-1987, tại đại hội thành lập hội khoa học kỹ thuật cầu đường việt nam tổ chức tại hà nội, ông được bầu làm chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời, năm 2010.
GS,TS Bùi Danh Lưu đảm nhiệm chức Bộ trưởng Giao thông vận tải và Bưu điện năm 1986, thời kỳ đầu đổi mới và chuyển đổi kinh tế - xã hội đầy khó khăn của đất nước. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã có những quyết sách sáng suốt đạt nhiều thành quả khi đưa ra Chương trình 11 điểm phát triển ngành giao thông vận tải, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động giao thông vận tải trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.
Trong thời kỳ này, nhiều chính sách được thực thi mang lại hiệu quả cao, giúp ngành giao thông vận tải từng bước chuyển đổi và phát triển, trong đó có việt thành lập các Tổng công ty Kinh doanh vận tải, phát động chương trình phát triển giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên phạm vi cả nước, thực hiện xã hội hóa kinh doanh vận tải, huy động xe tư nhân tham gia vận tải.
Một quyết sách đúng đắn khác của Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đó là chủ trương “lấy đường nuôi đường, lấy công trình nuôi công trình” (thu phí giao thông) để tạo vốn xây dựng và duy tu hạ tầng cơ sở giao thông.
Những phương sách này đã tạo tiền đề cho việc triển khai hàng loạt dự án bot và ppp sau này. bộ trưởng bùi danh lưu cũng đưa ra các quyết sách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi tắt đón đầu, mang tính đột phá với sự ra đời của hàng loạt công trình cầu lớn, như: mỹ thuận, phong châu, đò quan, lạc quần,...
Với những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải, GS,TS Bùi Danh Lưu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.