Sau khi TP. Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với Covid-19 vào đêm ngày 6/3/2020, một số người dân có tâm lý mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lượng khách hàng đến các chợ, siêu thị trong ngày 7/3/2010 tăng gấp 4 đến 5 lần so với bình thường. Tuy nhiên, đến ngày 9/3, lượng người mua sắm đã giảm bớt, giá cả thị trường ổn định trở lại.
Hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu, người dân đã yên tâm, không tích trữ |
Tại các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân (gạo, thịt bò, gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, mỳ gói, gia vị…) tương đối ổn định so với những ngày trước đó, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Tại các siêu thị, giá các mặt hàng ổn định so với ngày hôm trước do các đơn vị đã chủ động về nguồn cung, ký hợp đồng với nhà cung cấp. Các đơn vị cam kết giá cả các mặt hàng ổn định, không tăng giá.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: Phản ứng trên của người dân có tính chất tâm lý hốt hoảng và không có căn cứ kinh tế. Việc tích trữ hàng hóa trong cùng một thời điểm đã đẩy giá của các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt lợn, rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống tại một số chợ dân sinh tăng vọt. Ông Lê Đăng Doanh khẳng định, giá sản phẩm tăng cao là giá ảo nên nó sẽ gây ra tác động xấu đến thị trường, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Từ việc tăng giá ảo, sẽ dẫn đến việc có người lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá các sản phẩm thực phẩm cũng như các mặt hàng cần thiết để phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay…
Đánh giá cao việc vào cuộc giải quyết vấn đề ổn định thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu của Bộ Công Thương và TP. Hà Nội, ông Lê Đăng Doanh cho hay, việc này được thể hiện qua việc Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, UBND thành phố, Bộ Công Thương ngay từ đêm 6/3 đã yêu cầu các siêu thị đưa nguồn hàng từ các tỉnh về để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Trước hiện tượng người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng mong rằng, chính mỗi người dân cần có ý thức cộng đồng, thể hiện trách nhiệm với xã hội, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, cùng nhau chia sẻ, vượt qua khó khăn, không tích trữ hàng hóa để gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Dẫn ví dụ tại Nhật Bản, ông Lê Đăng Doanh nói: “Dịch Covid- 19 diễn ra, tuy nhiên, người dân Nhật Bản khi đi mua sắm họ vẫn xếp hàng rất trật tự, đợi đến lượt để mua và không ai mua quá số gạo mình cần dùng, không ai mua quá thực phẩm cần thiết do đó Nhật Bản đã không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ hay tăng giá ảo các mặt hàng”.
Để tiếp tục ổn định giá thị trường, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị phân phối chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội, không để quầy kệ trống hàng, không để thiếu hụt hàng hóa. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa để người dân yên tâm, không hoang mang, tích trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.