Báo Nhà báo và Công luận xin lược ghi một vài suy nghĩ, trải nghiệm của Đoàn Bổng (sinh năm 1993 tại Nghệ An), một nhà báo xông xáo, nhiệt huyết và nồng cháy tình yêu với nghề báo, trong chuyến tác nghiệp đáng nhớ ấy. Nhà báo Đoàn Bổng chia sẻ:
Vào một ngày cuối năm, từ Hà Nội tôi ngược đường tìm đến vùng đất ngã ba biên giới – Mường Nhé, Điện Biên để viết về cuộc hồi sinh vùng biên viễn. Mảnh đất và con người nơi đây là trải nghiệm của một người trẻ đi viết về những khởi sắc trên Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Kết quả chuyến đi đã đem đến cho tôi một phóng sự 5 kỳ “Bông hồng thép” và cuộc hồi sinh nơi ngã ba biên giới” được lọt vào Vòng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ IV- năm 2019.
Hành trình của tôi bắt đầu vào một chiều muộn ở Thủ đô Hà Nội, tôi nhấc máy liên lạc với Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng. Ở đầu dây bên kia, giọng bác ấy từ tốn, nhẹ nhàng. Tôi đề đạt muốn được viết về công tác Đảng ở vùng biên, về các nỗ lực đẩy lùi các âm mưu của các thế lực chống phá ở vùng đất có vị trí địa lý, chính trị quan trọng của Tổ quốc.
Mảnh đất Mường Nhé trong suy nghĩ đầu tiên của tôi là nơi có vị trí giáp ranh với 2 quốc gia khác là Lào và Trung Quốc. Các vấn đề di dân tự do, các chuyên án đập tan âm mưu thành lập “Vương quốc” và “Nhà nước H’Mông” đang ngày đêm được các lực lượng nỗ lực đấu tranh.
Tôi đã đi Trường Sa với những ngày lênh đênh trên biển, những khó khăn khi đi qua những con sóng lớn nhưng thú thực, cung đường đến với Mường Nhé thật sự thêm một lần thử thách sự kiên nhẫn của bản thân.
Hành trình tác nghiệp đưa tôi qua những khúc cua tay áo trên đèo cao, có những lúc chợp mắt ngắn ngủi, tôi cảm tưởng như mình đang đi trên các tầng mây, rồi qua ô cửa sổ, núi rừng trùng điệp hiện ra hùng vĩ, lừng lững giữa vùng biên viễn.
Khác với những hành trình trước đó từng đi, để đến với Mường Nhé, tôi trải qua nhiều chuyến xe khách khác nhau, chuyến này nối chuyến kia, có những chuyến tôi phải chờ cả tiếng giữa các thị trấn nghèo ở Tây Bắc. Những chuyến xe khách ở trên này khá đặc biệt, vì đơn giản các nhà xe chủ yếu tải hàng, còn người đi xe lại thưa thớt. Rồi sau những hành trình chắp nối, tôi đặt chân đến thị trấn Mường Nhé vào thời điểm đêm muộn, thị trấn vắng lặng hiện lên trong màn sương trong tiết trời se se lạnh.
Vì quỹ thời gian có hạn, tôi bắt tay công việc ở xã Sín Thầu (xã giáp ranh với 2 nước Lào và Trung Quốc). Ở Sín Thầu, điều khiến tôi ấn tượng mạnh nhất là chân dung nữ Bí thư Đảng ủy xã tuổi 8X Pờ Mỳ Lế. Ấn tượng bởi từ trước tới nay, xã của đại đa số đồng bào người Hà Nhì mới có một người phụ nữ giữ chức vụ đầy trọng trách này.
Việc một nữ Bí thư Đảng ủy xã là người Hà Nhì gần như đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người dân về vai trò của người phụ nữ trong đời sống thường nhật, rằng phụ nữ Hà Nhì có thể cáng đáng những việc lớn mà bấy lâu nay họ vẫn cho rằng, những việc này chỉ dành cho cánh mày râu. Từ lúc tiếp xúc với chị Lế, tôi tin rằng ở vùng đất ấy, tôi đã gặp một “bồng hồng thép” đang ngày đêm cùng nhân dân đưa xã vùng biên ngày một khởi sắc.
Là một đảng viên, từ Hà Nội tôi đã nhiều lần tò mò về một buổi họp chi bộ ở vùng ngã ba biên giới sẽ có gì đặc biệt, cuộc họp ở vùng biên viễn, sơn cước sẽ có gì khác biệt so với những nơi tôi từng trải qua. Trùng hợp với thời điểm tôi lên, chi bộ A Pa Chải tổ chức cuộc họp định kỳ hàng tháng, ở đây các đảng viên bàn bạc những câu chuyện rất gần gũi và thực tế. Họ bàn về những cây trồng, về vật nuôi, về thay đổi cách làm kinh tế để phát triển.
Các đảng viên ở đây đi sâu vào gốc rễ các vấn đề, cụ thể từ việc lý giải vì sao mất mùa vụ lúa, vì sao lại bị dịch tả lợn… rồi khi tìm ra nguyên nhân, họ tuyên truyền và giải quyết, việc thiết thực nhất mà tôi chứng kiến là chính đảng viên là người xắn tay vào cùng nhân dân vượt qua những khó khăn.
Nhìn những gương mặt đảng viên trẻ người Hà Nhì thật thà, tận mắt chứng kiến những trang trại bò hàng trăm con nuôi tập trung ở mỏm đồi mà chính những đảng viên đi tiên phong ứng dụng, nhìn vụ mùa hối hả khắp cánh đồng lọt giữa thung lũng… đôi mắt người dân nơi đây ánh lên sự quyết tâm thật sự tạo cho người viết niềm tin về sức mạnh, sự lan tỏa của công tác Đảng đối với bà con đồng bào nơi đây.
Có người nói vui với tôi rằng, lên Điện Biên, đặc biệt là Mường Nhé thì thật thiếu sót nếu không đề cập về sự kiện tụ tập hàng nghìn người H’Mông ở bản Huổi Khon. Nhưng đặc biệt hơn, có một điều ít được báo chí đề cập đến mà tôi tình cờ nghe được – chuyện Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với 7.000 người H’Mông.
Viết về sự hồi sinh của vùng đất ngã ba biên, tôi tập trung nhấn mạnh về yếu tố ổn định về chính trị nơi đây. Trong đó, các chuyên án đập tan các âm mưu thành lập “Vương quốc H’Mông”, “Nhà nước H’Mông” là điển hình cho việc giữ bình yên nơi cực Tây Tổ quốc.
Những điều đó thôi thúc tôi đến với bản Huổi Khon (xã Nậm Kè) để có một góc nhìn và quan sát trực tiếp, gần gũi nhất khi đề đập đến sự kiện năm 2011. Để vào Huổi Khon, tôi phải liên hệ với tổ công tác Bộ đội Biên phòng tại đây để được hướng dẫn về trình tự tác nghiệp. Rồi trên chiếc xe máy, tôi đi qua những địa điểm “nóng bỏng” một thời.
Buổi trò chuyện với Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè Lò Văn Sung, tôi bất ngờ biết đến việc vào thời điểm năm 2011, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đã vào sâu trong khu vực tụ tập 7.000 người để đối thoại. Với tôi, cuộc đối thoại này có nhiều điều để cắt nghĩa, có nhiều điều mà đến khi chấp bút viết ra những bản thảo tôi đã tin rằng đây là cuộc gặp không đơn thuần của một lãnh đạo tỉnh với nhân dân mà còn là cuộc trò chuyện giữa những đồng bào người dân tộc H’Mông với nhau, họ nói ngôn ngữ của nhau, chia sẻ với nhau để giải quyết sự việc một cách trọn vẹn nhất.
Rồi sau những hành trình rong ruổi dọc cung đường biên viễn, tôi có cuộc trò chuyện đáng nhớ với Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng. Tôi và đồng chí Bí thư ngồi đối diện nhau trong căn phòng giản dị ở Huyện ủy. Tiếp nhận công việc Bí thư từ một Mường Nhé đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giải quyết xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí… Tất cả những khó khăn này được ông Sáng đặt làm nhiệm vụ để giải quyết trong một nhiệm kỳ của mình.
Và rồi, những con số biết nói về các tỷ lệ giảm đi đáng kể, nhìn vào túi quà quê bên trong là gà, là kilogam thịt, là bó rau của dân bản mang đến tặng vị Bí thư Huyện để thay lời cảm ơn, tôi hiểu chuyến đi ấy của tôi thật sự gặp đúng người, đúng thời điểm.
Rồi như sự trùng hợp, bản thảo 5 kỳ phóng sự “Bông hồng thép” và cuộc hồi sinh nơi ngã ba biên giới” được tôi chấp bút bên ô cửa sổ nhìn ra dòng Nậm Rốm hiền hòa giữa thành phố Điện Biên Phủ đang từng ngày “thay da đổi thịt” vươn mình hội nhập cùng cả nước.