Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Hậu vụ người dân “phong tỏa” bãi rác Nam Sơn: Không chỉ là vấn đề thay đổi công nghệ

(MangYTe) - Đến thời điểm này, vụ việc người dân hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn) tổ chức chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã tạm lắng xuống. Song, theo nhiều chuyên gia, nếu không có sự thay đổi trong phương thức xử lý rác thải thì những vụ việc tương tự như trên sẽ tiếp tục tái diễn.

Công nghệ xử lý đã lỗi thời

Trong những năm qua, việc xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp là một trong những biện pháp chủ yếu được thực hiện tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, lượng rác thải và những hệ lụy của biện pháp này ngày càng lớn thì biện pháp trên đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân sống lân cận các khu chôn lấp rác.

Cụ thể, theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), hiện hai khu vực xử lý lớn nhất hiện nay của Hà Nội là Nam Sơn với 4.000 tấn/ngày và Xuân Sơn là 900 tấn/ngày đều đang trong tình trạng quá tải và thời gian tiếp nhận còn lại ngắn, phương pháp chôn lấp tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến dân cư lân cận. Việc người dân 2 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn) tiến hành chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn cũng xuất phát từ một trong những lý do như vậy.

 Thu gom rác tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Phân tích sâu hơn về việc này, nhiều chuyên gia cho biết, trung bình cứ 1m3 rác thải được chôn xuống đất sẽ sinh ra 1,3m3 nước rỉ rác gây ô nhiễm. Mặc dù, trong những năm qua, để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý rác, Urenco đã áp dụng các biện pháp chôn lấp hiện đại nhất để tăng hiệu quả xử lý, giảm thời gian chôn lấp.

Dù đã nỗ lực, nhưng việc loại bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng là điều không thể. Cụ thể, theo các chuyên gia, trong quá trình chôn lấp rác vẫn phải có khoảng hở để tiếp nhận rác, từ khoảng hở này không tránh khỏi có mùi. Ngoài ra, các hồ chứa nước rỉ rác còn tồn đọng khá nhiều, chưa xử lý hết nên gây mùi… ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Rác là một loại tài nguyên

Theo TS Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ TN&MT) chôn lấp rác thải là một phương pháp xử lý đã lỗi thời, lạc hậu. Tại nhiều quốc gia, rác thải không còn là thứ bỏ đi mà đã trở thành một nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cuộc sống của người dân. Thậm chí, tại một số quốc gia, các DN còn phải nhập khẩu rác để phục vụ hoạt động sản xuất của các nhà máy, do lượng rác trong đáp ứng được nhu cầu.

Đơn cử tại Đức, từ năm 1950, nước này có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại. Chính phủ Đức đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng.

Theo ước tính, việc tái chế rác và biến rác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỷ euro mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải, đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng. Đây cũng là cách mà các nước như Nhật Bản, Singapore… đã và đang thực hiện nhằm xử lý lượng rác thải phát sinh.

Trong khi đó, tại Thụy Điển, quốc gia đầu tiên trên thế giới tái chế được 99% lượng rác thải của mình, 55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học. Công nghệ phát triển đến mức, nước này đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.

Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, từ nhiều năm nay TP Hà Nội đã quy hoạch các vị trí như xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì; Nam Sơn, Sóc Sơn; Đồng Ké, Chương Mỹ; Châu Can, Phú Xuyên; Bắc Sơn, Sóc Sơn… để xây dựng các dự án nhà máy đốt rác và phát điện. Đặc biệt, dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Thiên Ý với công suất 4.000 tấn/ngày đang khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng. Theo dự kiến, khi dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ rác thải chôn lấp tại Hà Nội sẽ giảm xuống dưới 5%, thay vì khoảng 80% như hiện nay.

Cần có những giải pháp tổng thể

Như vậy có thể thấy, việc thay đổi phương thức xử lý rác, biến rác thành một loại tài nguyên đã nằm trong tính toán của TP từ lâu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện là chưa đủ, điều quan trọng nhất là ý thức của người dân, đặc biệt là công tác phân loại rác thải tại nguồn.

Bởi, để nhà máy xử lý điện rác hoạt động được hiệu quả sẽ cần bảo đảm các điều kiện khắt khe, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn khoa học, thu gom rác bằng các xe chuyên dụng cho từng loại rác và có quy trình xử lý đối với các loại rác thải nguy hại… Tuy nhiên, từ trước đến nay, công tác phân loại rác thải nguồn tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn là một bài toàn khó.

Còn nhớ, giai đoạn từ năm 2002 - 2006, Urenco đã phối hợp với trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) trên địa bàn phường Phan Chu Trinh. Tiếp đó, từ năm 2007 - 2009, cũng tại phường Phan Chu Trinh, Urenco phối hợp với quận Hoàn Kiếm và dự án 3R tiếp tục thực hiện thí điểm PLRTN.

Tuy nhiên, qua hai lần thí điểm chưa đạt kết quả thành công như mong muốn. Rút kinh nghiệm từ những lần thí điểm trước, hiện Urenco Chi nhánh Hoàn Kiếm đã tham mưu cho lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng chương trình “Quản lý, phân loại rác, phòng chống rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Ông Đặng Hữu Bình - Giám đốc Urenco Chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết, để hoàn thành được mục tiêu trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã và đang xây dựng mô hình quản lý nguồn thải để tái sử dụng hiệu quả. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, DN, tổ chức, đặc biệt là các đối tượng học sinh trên địa bàn về việc cần thiết phải PLRTN. Đồng thời, lên kế hoạch quản lý được người bới rác tự do trên địa bàn quận cùng tham gia bảo vệ môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ tham gia bảo vệ môi trường…

Song, theo nhiều chuyên gia, nếu không có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân thì câu chuyện phân loại rác tại nguồn nói riêng và việc phát huy hết hiệu quả của các nhà máy đốt rác phát điện, khó có thể phát huy hết hiệu quả.

Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương cuối năm 2017, do Công ty CP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75 MW điện/giờ.

Mạng Y Tế
Nguồn: Kinh tế đô thị (http://kinhtedothi.vn/hau-vu-nguoi-dan-phong-toa-bai-rac-nam-son-khong-chi-la-van-de-thay-doi-cong-nghe-390874.html)

Chủ đề liên quan:

bãi rác nam sơn hà nội sóc sơn

Tin cùng nội dung

  • Mangyte -Toàn bộ các hộ dân tổ 14 cụm 3 Tứ Liên - Tây Hồ Hà Nội lâm vào tình cảnh mất nước sạch hơn 1 tháng nay. Một số gia đình đã phải sơ tán đến nhà người thân, còn lại, những hộ dân tại đây san sẻ nhau nước giếng vàng khè của một hộ gia đình trong khu.
  • Tại các điểm quán giải khát vỉa hè, hàng loạt các loại nước giải khát tự chế, tự gắn mác đủ hương vị, màu sắc được bán tràn lan với giá cực... rẻ.
  • Cùng là những ngày nóng nực nhưng ở Hà Nội và Sài Gòn có rất nhiều điểm khác biệt thú vị.
  • Chủ tịch thành phố yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
  • Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Đây cũng hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích nào trong đó.
  • Ngoài 4 tuyến phố hiến máu đã có, thành phố Hà Nội sắp có thêm một tuyến phố hiến máu nữa ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ.
  • Chào Mangyte. Xin vui lòng có thể cho tôi một vài địa chỉ phòng khám và số điện thoại liên lạc của những bác sĩ trên địa bàn Hà Nội chuyên về Nhi khoa được không ạ? Xin cảm ơn Mangyte rất nhiều ạ. (Minh Hòa - Long Biên - Hà Nội),
  • Chào Mangyte, Mình ở Thanh Hóa, bố mình bị sỏi mật có chỉ định phải mổ, mình muốn hỏi bệnh viện nào ở khu vực miền Bắc là tốt nhất? chi phí bao nhiêu? Rất mong Mangyte trả lời giúp mình. Cảm ơn. (Cao Thi Tuyen - Thanh Hóa)
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY