Những ý tưởng này cùng những sáng kiện khác về cách theo dõi những người đã khỏi virus corona đang bị các chuyên gia y tế chỉ trích vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là vì chúng dựa trên một giả định chính: rằng một người đã nhiễm virus corona sẽ được bảo vệ khỏi bị bệnh lần thứ hai.
Nhưng khả năng miễn dịch với virus corona vẫn là một câu hỏi lớn - đặc biệt là liệu những người đã bị nhiễm và có kháng thể có được bảo vệ khỏi tái nhiễm không và trong bao lâu. Một số nhà khoa học lo ngại rằng kháng thể suy yếu có nghĩa là những người đã khỏi COVID-19 sẽ không được miễn dịch nếu bị phơi nhiễm với căn bệnh này một lần nữa. Nhưng đã có một số bằng chứng đáng khích lệ ban đầu về khả năng bảo vệ chống tái nhiễm.
Để hiểu phản ứng của cơ thể người với virus, các nhà khoa học đang xem xét các kháng thể và hơn thế nữa là những phản ứng sinh học phức tạp khác, như tế bào T và tế bào ghi nhớ, khiến hệ thống miễn dịch của người nhận ra virus từ lần nhiễm trùng trước đó và loại bỏ mầm bệnh trước khi nó xâm nhập vào tế bào.
Hiểu được các cơ chế sinh học này phản ứng với virus corona như thế nào là chìa khóa để xác định liệu những người đã bị nhiễm một lần có thể được bảo vệ khỏi tái nhiễm hay không bởi hệ thống miễn dịch của họ đã “ghi nhớ” virus.
Shane Crotty, chuyên gia về virus và vắc-xin tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California giải thích: “Chúng ta biết rằng, bằng cách nào đó, không phải tất cả ký ức miễn dịch đều được tạo ra như nhau. Một số ký ức có thể kéo dài hàng thập kỷ và ổn định, đối với những thứ khác, có vẻ như ký ức miễn dịch chỉ tồn tại trong một vài năm. Rất khó dự đoán điều này, đó là lý do khiến cho ký ức miễn dịch với COVID-19 chắc chắn là một thứ không chắc chắn”.
Cơ thể người có hai tuyến phòng thủ chính chống lại virus xâm nhập: hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích nghi.
Đáp ứng miễn dịch bẩm sinh là một cơ chế bảo vệ tổng quát hơn, được khởi động sớm khi phát hiện ra virus xâm nhập. Hệ thống báo động có sẵn này sẽ kích hoạt tế bào chủ giải phóng protein cố gắng cản trở sự nhân lên của virus hoặc tham gia vào cố gắng của hệ thống miễn dịch “đóng cửa” các tế bào bị tổn hại.
Mặc khác, đáp ứng miễn dịch thích nghi là tuyến phòng thủ đặc hiệu hơn nhiều, và do đó phức tạp hơn nhiều. Nó cũng không phải là đáp ứng ngay lập tức, bởi vì trước tiên hệ thống phải nhận diện tác nhân xâm nhập ngoại lai trước khi tiến hành một cuộc tấn công đặc hiệu.
Kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch thích nghi. Chúng được tạo ra bởi tế bào B một khi virus hoặc mầm bệnh khác đã được nhận diện. Kháng thể có thể gắn với virus và ngăn chặn chúng xâm nhập vào tế bào, nhưng có những giới hạn.
TS Daniel Kuritzkes, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston cho biết lý giải: “Chúng ta thực sự không biết về mức độ bảo vệ của các kháng thể đang hình thành chống lại tái nhiễm. Có kháng thể dương tính không phải là dấu hiệu rõ ràng về khả năng miễn dịch hoặc bảo vệ”.
Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về những người bị tái nhiễm virus corona, nhưng Kuritzkes cho biết điều này rất khó theo dõi vì một số bệnh nhân tiếp tục xét nghiệm dương tính với virus khá lâu sau khi họ hồi phục.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh nhân nhiễm virus corona tạo ra kháng thể, là protein bảo vệ mà hệ thống miễn dịch sản sinh ra để đáp ứng với nhiễm trùng. Nhưng vẫn chưa biết liệu kháng thể có mang lại bất kỳ dạng miễn dịch dài hạn nào đối với COVID-19 hay không.
Một nghiên cứu gần đây được công bố vào ngày 18 tháng 6 trên tạp chí Nature Medicine đã kiểm tra 37 người không có triệu chứng và 37 bệnh nhân có triệu chứng cho thấy cả hai nhóm đều phát triển kháng thể virus corona, nhưng kháng thể đều tồn tại khá ngắn. Điều này đặc biệt đúng trong số những bệnh nhân không có triệu chứng trong nghiên cứu.
Trong vòng 2 đến 3 tháng, 40% số người không có triệu chứng có nồng độ kháng thể giảm xuống dưới ngưỡng dương tính trên xét nghiệm kháng thể, so với 12,9% những người có triệu chứng.
Các phát hiện gợi ý rằng kháng thể virus corona có thể giảm đi nhanh chóng, nhưng Kuritzkes cho biết mức kháng thể thấp vẫn có tác dụng bảo vệ nhất định.
“Ngay cả khi nồng độ kháng thể trong máu giảm đi, điều đó không nhất thiết có nghĩa là người đó đang mất khả năng miễn dịch”, ông nói.
Tuy nhiên, nếu kháng thể biến mất nhanh chóng, có khả năng mọi người sẽ bị tái nhiễm, mặc dù vẫn còn quá sớm để biết được điều này, và vẫn chưa có đủ dữ liệu.
Nhưng cũng có thể có những yếu tố khác ngoài kháng thể đóng vai trò trong miễn dịch bảo vệ.
“Các kháng thể là rất tốt, nhưng chúng ngăn chặn virus bên ngoài tế bào - chúng không thể ngăn được bên trong”, Croty nói. “Một khi một tế bào đã bị nhiễm, bạn sẽ không muốn tế bào đó sinh sôi thêm virus nữa”.
Do đó, hệ thống miễn dịch thích nghi có các công cụ khác trong kho vũ khí của nó, và các “đáp ứng miễn dịch tế bào” này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống tái nhiễm.
Cụ thể, hai loại tế bào T được thiết kế để nhận diện và tấn công mầm bệnh. Đầu tiên là tế bào T trợ giúp, rất quan trọng để điều chỉnh phản ứng kháng thể. Loại kia, được gọi là tế bào T độc tế bào, hay tế bào T diệt, là những tế bào diệt tinh vi.
Sheena Cruickshank, nhà miễn dịch học tại Đại học Manchester, Anh cho biết: “Tế bào T độc tế bào có thể nhận diện đặc hiệu virus, gắn và tiêu diệt nó. Trong bối cảnh virus corona, tế bào T độc tế bào có thể là những tế bào quan trọng nhất trong việc đối phó với nhiễm trùng”.
Theo bà, những bệnh nhân đã bị nhiễm virus cũng tạo ra cái gọi là tế bào ghi nhớ, có thể nhớ lại một số mầm bệnh nhất định và khởi động bất kỳ phản ứng miễn dịch cần thiết nào.
“Các tế bào ghi nhớ sẽ nhớ rằng nó đã “nhìn thấy” virus và vì nó có tất cả thông tin đã được lập trình từ lâu, nên nếu gặp lại virus, nó có thể triển khai vũ khí hoặc kháng thể gần như ngay lập tức".
Nói cách khác, ngay cả khi nồng độ kháng thể của bệnh nhân yếu dần theo thời gian, hệ thống miễn dịch thích nghi vẫn có cách để bắt kịp.
Và trong các nghiên cứu trước đây về các bệnh nhiễm trùng khác, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng ký ức miễn dịch có thể tồn tại trong một thời gian dài.
“Thực ra chúng ta đã nghiên cứu điều này cho vắc-xin đậu mùa, đây là một ví dụ thú vị vì bệnh đậu mùa đã được xóa sổ”, Crotty nói. “Chúng tôi muốn xem liệu có lấy được tế bào máu từ những người đã được tiêm chủng từ 50 năm trước hay không, liệu có còn những tế bào lưu thông trong máu có thể nhận diện virus đó. Và đúng là có”.
Các nghiên cứu tương tự đã được thực hiện với những người sống sót sau đại dịch cúm năm 1918 và các nhà khoa học đã chứng minh rằng “ký ức miễn dịch” của bệnh nhân có thể nhận ra loại virus cúm đặc hiệu này.
Nhưng ký ức miễn dịch rất khác nhau giữa các virus, và chưa rõ tại sao những khác biệt này tồn tại. Ví dụ, chưa rõ tại sao hệ thống miễn dịch có thể nhận ra một số virus nhiều thập kỷ sau đó, trong khi đối với một số khác, đáp ứng ghi nhớ rất yếu hoặc không ổn định. Cũng chưa biết đáp ứng ghi nhớ với virus corona sẽ rơi vào loại nào.
Các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu tất cả các khía cạnh của khả năng miễn dịch tiềm tàng với virus corona, nhưng đã có một số kết quả ban đầu đáng khích lệ. Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 trên tạp chí Cell, Crotty và các đồng nghiệp đã nghiên cứu những tế bào từ 10 bệnh nhân COVID-19 nhẹ đã hồi phục.
Họ cho các tế bào miễn dịch của những người này phơi nhiễm với các mảnh virus và thấy rằng tất cả các bệnh nhân đều có tế bào T trợ giúp có thể phát hiện protein gai dấu ấn của virus corona và 70% bệnh nhân có tế bào T độc tế bào có thể cảm nhận và tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh.
“Chúng tôi thấy rằng đáp ứng của tế bào T không có vẻ tồn tại trong thời gian ngắn, và đó là một phản ứng tốt, mạnh, trông giống như phản ứng với các loại virus khác”, theo Alessandro Sette, chuyên gia miễn dịch học tại Viện Miễn dịch La Jolla ở California, người đã làm việc với Crotty trong nghiên cứu.
Mặc dù đây là một nghiên cứu nhỏ, Sette cho biết những phát hiện này cung cấp một nền tảng tốt cho nghiên cứu vắc-xin, vì lý tưởng nhất là vắc-xin virus corona sẽ cố gắng tạo ra phản ứng miễn dịch tương tự.
Sẽ cần nghiên cứu thêm, nhưng Cruickshank cho rằng nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch thích nghi đang làm sáng tỏ những hoạt động phức tạp của cơ thể người, và làm thế nào các hệ thống sinh học phức tạp này có thể chống lại các tác nhân gây bệnh như virus corona.
“Đó là một hệ thống tinh vi và được lập trình chặt chẽ. Chúng ta chỉ cần đảm bảo rằng nó được bật lên đúng lúc, và sau khi thực hiện xong công việc của mình, nó sẽ được tắt đi”, bà nói.
Theo NBC News