Ho ra máu có thể là những trường hợp đơn giản với một vài tia máu nhỏ lẫn trong đờm cho đến rất nặng với nhiều máu hoặc các trường hợp xuất huyết nguy hiểm đến tính mạng.
Cần phân biệt với các trường hợp nôn ra máu, cho dù cũng có khi máu từ đường hô hấp trên bị nuốt vào cũng có thể nôn trở ra sau đó. Các trường hợp chảy máu ở miệng, mũi hoặc nướu cũng rất dễ nhầm là ho ra máu.
Do khả năng có thể là rất nghiêm trọng nên tất cả các trường hợp ho ra máu đều cần phải được xem xét và theo dõi thật thận trọng.
Nguyên nhân trực tiếp là do bị vỡ các mạch máu ở khí quản, phổi, mũi hoặc họng. Vì thế, hầu như bất cứ bệnh nào gây ho kéo dài đều có thể là nguyên nhân gây ho ra máu, vì làm cho các mạch máu bị giãn ra quá mức.
Các bệnh nhiễm trùng như viêm xoang, viêm amiđan, viêm phổi, viêm phế quản, lao... do phế quản và phế nang bị viêm gây tổn thương thành mạch máu.
Các trường hợp u ác tính, ung thư phổi cũng có thể gây ho ra máu do có sự xói mòn thành mạch máu ở thanh quản, phế quản hoặc phế nang.
Các trường hợp ung thư di căn đến phổi có biểu hiện rõ hoặc đáng ngờ... đều cần được chẩn đoán xác định vì rất có thể là nguyên nhân gây ho ra máu. Chẳng hạn như một bệnh nhân ung thư vú nguyên phát bị di căn đến phổi có thể đi khám bệnh khi thấy ho ra máu.
Chẩn đoán phân biệt các nguồn chảy máu khác nhau, chẳng hạn như họng có thể chảy máu nếu khám thấy amiđan bị viêm. Kiểm tra lồng ngực để phát hiện viêm phổi hay viêm phế quản.
Quan sát kỹ các hạch vùng cổ hay nách nếu có nghi ngờ ung thư biểu mô. Kiểm tra trọng lượng cơ thể để phát hiện sụt cân nếu nghi ngờ dạng ác tính.
Trong tất cả các trường hợp không xác định được nguyên nhân và bệnh tiến triển theo khuynh hướng ngày càng xấu hơn, cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.
Ho ra máu có thể làm cho bệnh nhân rất căng thẳng vì lo lắng, cần có sự trấn an hoặc chăm sóc thích hợp về mặt tâm lý. Có thể dùng viên uống diazepam (Seduxen, Valium...) hoặc tiêm tĩnh mạch để làm dịu bớt những trường hợp quá căng thẳng.
Nguồn: Internet.