Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Hướng dẫn viên trẻ làm gì để nuôi dưỡng đam mê trong mùa dịch?

(Tổ Quốc) - Gần 2 năm nay, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song song các hoạt động nuôi dưỡng đam mê, nhiều HDV du lịch trẻ phải làm nhiều ngành nghề khác nhau như sale bất động sản, bảo hiểm, giáo viên ngoại ngữ, bán hàng online, thậm chí làm shipper… để cầm cự cuộc sống.

Tài sản lớn nhất là người lao động

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn ra đã có những tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, trong đó, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề nhất. Cấm những chuyến bay quốc tế, chuyến bay trong nước hoạt động cầm chừng, các lệnh hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách về dịch bệnh đã khiến nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch ể ẩm, doanh thu ngành du lịch sụt giảm rất mạnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu tới tình hình du lịch 7 tháng đầu năm 2021. Tất cả các chỉ số về khách quốc tế, dịch vụ lữ hành, lưu trú đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như bị tê liệt.

HDV Nguyễn Hữu Khánh (đang công tác tại ĐH Sài Gòn) cùng nhiều người trẻ tham gia tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM

Trong khi đó, Hà Nội và TP.HCM là 2 đầu tàu về du lịch cả nước, hàng loạt doanh nghiệp du lịch lữ hành phải đóng cửa, giải thể, hoạt động cầm chừng, cắt giảm tối đa nhân sự. Trong tháng 7, Hà Nội chỉ ước đón khoảng 17 nghìn lượt khách (giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2020), doanh thu chỉ ước đạt 59 tỷ đồng (giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước). Tại TP. HCM, ngành du lịch cũng lao đao, hàng loạt doanh nghiệp đã phá sản; đến tháng 5/2021, TP. HCM chỉ còn 567/1049 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động.

Cũng theo thông tin một cuộc khảo sát mới đây do Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam thực hiện chỉ ra, hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.

Theo các chuyên gia du lịch, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành chính là chất xám của người lao động. Song đến nay, hơn 2/3 nhân sự ngành du lịch đã chuyển hướng làm công việc khác và con số này chưa chắc đã dừng lại.

Hiện nay trên cả nước có hơn 27.000 HDV quốc tế và nội địa, trong đó các Sở Du lịch quản lý đội ngũ hướng dẫn viên lớn nhất nước là Hà Nội (5.846 HDV), Đà Nẵng (4.728 HDV), TPHCM (6.105 HDV). Trong khi đó, theo một báo cáo về nhân lực du lịch khác trong nước, mỗi năm có thêm 15.000 sinh viên/học viên ra trường (2020) và ước tính có khoảng 2.600 HDV được cấp thẻ.

Làm gì để "giữ lửa" nghề?

Trước tác động của dịch Covid-19, ngành du lịch thất thu đã gần hai năm (từ đầu năm 2020 đến nay), nguồn nhân lực ngành du lịch phải chuyển sang các nghề khác để kiếm thu nhập, từ kinh doanh bất động sản, bảo hiểm, giáo viên ngoại ngữ, bán hàng online, shipper, về quê tránh dịch, các chủ doanh nghiệp có khả năng tài chính thì hoạt động cầm chừng chờ thời. Đội ngũ HDV rơi vào tình cảnh thất nghiệp, cố gắng "cầm cự" hoặc chuyển đổi ngành nghề lúc khó khăn.

TP. HCM từng là trung tâm du lịch sầm uất của cả nước nhưng giờ hiu hắt. Ảnh: Hải Long

Vũ Nguyễn Minh Trí (SN 1996, TP.HCM) đã liên kết các anh chị đi trước, các chuyên gia tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến với "dân trong nghề". Đây là một cách hữu hiệu để nuôi dưỡng đam mê nghề khi đang giãn cách. Qua những buổi giao lưu, những chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích. Qua các buổi giao lưu, sinh viên ngành du lịch vừa ra trường chưa kịp vào nghề và sinh viên đang có thêm sân chơi bổ ích với các nội dung trao đổi được chọn lọc sao cuốn hút, gần gũi, sát với đời sống và công việc sau này.

"Mong muốn tổ chức buổi đầu tiên chỉ là các bạn trẻ trong ngành du lịch cùng tụ họp qua phần mềm Zoom, giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm trong nghề và những chuyện buồn vui mùa dịch. Đến nay, chương trình đã thu hút gần 2.500 lượt tham dự đến từ 30 đơn vị doanh nghiệp, trường ĐH-CĐ-TCCN có đào tạo ngành du lịch trên toàn quốc. Đây là nguồn động lực to lớn để chúng mình đầu tư nội dung kịch bản để các số tiếp theo được chuyên nghiệp hơn. Hơn nữa đây cũng trở thành không gian uy tín để "dân trong nghề" giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm thực tế, người xem được mở mang tầm mắt", Minh Trí cho biết.

Trong khi đó, Hoàng Nhật Linh (SN1995, Thanh Hóa) đã học làm Vblog để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm du lịch những nơi mà mình đã trải qua. Hoàng Nhật Linh biết dịch bệnh bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn lạc quan chia sẻ, vào thời gian giãn cách xã hội đã học được cách làm clip và cho "ra lò" các Vblog trên mạng xã hội từ niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Thông qua các Vlog, Hoàng Nhật Linh mong muốn chia sẻ kiến thức để giới thiệu, quảng bá các địa danh, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam đến người xem. Đây cũng là dịp để trau dồi và vận dụng kiến thức tích lũy được.

Còn Lê Minh Trực (SN 1994, Bến Tre) lại tự rèn luyện sức khỏe cho mình. Bởi theo Trực, gắn bó với công việc trong lĩnh vực du lịch phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt để có thể theo đuổi công việc này. Bởi, nếu không có sức khỏe thì không thể nào triển khai tour tốt và chăm sóc khách chu đáo được. Đối với những tour dẫn khách ra nước ngoài, sức khỏe là yếu tố quan trọng giúp HDV hoàn thành tốt chuyến đi.

"Thay vì ngồi than thở vì những ngày ở nhà nhàm chán, mình và đồng nghiệp rủ nhau làm "workout challenge" (thử thách tập thể dục) để xây dựng thói quen tốt - khoa học đã chứng minh 21 ngày là thời gian đủ để hình thành một thói quen mới. Trong cuộc đua dài hạn mang tên "thành công", không có khái niệm dừng lại, dừng lại nghĩa là chậm, chậm nghĩa là thua", Minh Trực nói.

Cũng là cách để tìm niềm vui trong nghề, Nguyễn Hữu Khánh (An Giang) và Đào Duy Thắng (TP.HCM, cùng SN 1996) cùng tham gia công tác phòng chống dịch, đóng góp sức trẻ trong công cuộc phòng chống dịch tại TP.HCM.

"Mình đã tình nguyện tham gia hỗ trợ khu cách ly từ hơn một tháng nay, nhiệm vụ tuy vất vả nhưng mình rất vui khi được đóng góp một phần công sức với hi vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh và tất nhiên chúng ta sẽ sớm được làm du lịch trở lại", Hữu Khánh tâm sự.

Dẫu biết dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và sẽ còn tiếp tục phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp, HDV trẻ luôn kỳ vọng, sang năm 2022, khi đã kiểm soát được dịch bệnh, ngành du lịch thế giới sẽ khả quan hơn, để du lịch Việt Nam lại trở lại thời kỳ "thần kỳ" - là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Nhật Nam

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/huong-dan-vien-tre-lam-gi-de-nuoi-duong-dam-me-trong-mua-dich-20210811103015799.htm)

Chủ đề liên quan:

hướng dẫn viên

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY