Ở người bình thường, chỉ số HA trung bình là 120/80mmHg, vì vậy lúc nghỉ ngơi thoải mái mà chỉ số HA vẫn thấp hơn mức trên, nặng hơn là dưới 90/60mmHg thì có thể gọi là HA thấp. Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh HA thấp như rối loạn chức năng tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp gây thiếu hụt hormon tuyến giáp hoặc do giảm đường huyết, thiếu hụt hemoglobin gây nên hiện tượng HA thấp. Tình trạng này còn gặp ở những người bị bệnh về tim mạch, béo phì, đái tháo đường, làm việc quá sức, người gầy yếu và có thể do stress. Một số người cao tuổi bị chứng HA thấp do chế độ ăn uống thất thường. Ăn với số lượng ít hoặc các bữa ăn cách xa nhau quá, thậm chí bỏ bữa hoặc ngại uống nước, ngại ăn canh, rau, quả... làm cho chất lượng máu bị giảm, gây hạ HA.
Các nguyên nhân gây HA thấp cũng có thể là một bệnh cấp tính gây mất dịch trong cơ thể như tiêu chảy nhiều, ói mửa nhiều, say rượu... Nhưng có một số người hay bị hạ HA tư thế, tức là bị hoa mắt chóng mặt khi đang nằm mà ngồi dậy, hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tình trạng này hay xảy ra vào buổi sáng sớm và không có nguyên nhân nào rõ rệt. Ngoài ra, những người ít vận động hoặc lười vận động do bệnh tật, do thói quen hoặc do đặc thù của nghề nghiệp phải ngồi lâu một chỗ... cũng là những nguyên nhân gây HA thấp.
Ngày nay, HA thấp do stress, môi trường ô nhiễm, lạm dụng hóa chất đã được đưa vào danh sách các bệnh thời đại và trở thành mối đe dọa không trừ một ai. Theo các số liệu thống kê, trước đây, HA thấp thường chỉ tập trung nhiều ở phụ nữ với tỷ lệ mắc cao gấp khoảng 30 lần nam giới. Nhưng gần đây, có đến 5-7% người trưởng thành bị HA thấp và đang gia tăng cả ở người trẻ.
Tụt HA do stress không chỉ gây đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, giấc ngủ, rối loạn chức năng T*nh d*c, gây choáng váng, tạo ra cảm xúc lo âu, buồn rầu, căng thẳng, dễ bị kích thích, giật mình, bị trầm cảm... mà còn có thể gây tai biến mạch máu não.
Một số triệu chứng có thể giúp nhận diện được tình trạng HA thấp, đó là choáng váng, chóng mặt, người khó chịu bứt rứt; cảm giác đói lả, mệt mỏi; buồn nôn, ra mồ hôi nhưng cảm thấy lạnh; thở mạnh khi làm việc nặng. Người bệnh lúc đầu thấy hoa mắt chóng mặt nhưng sau khi nghỉ ngơi 15-20 phút thì thấy dễ chịu hơn dù huyết áp vẫn không tăng lên. Các triệu chứng choáng váng, chóng mặt, người khó chịu bứt rứt có khi khá rầm rộ trong những trường hợp huyết áp thấp cấp tính làm bệnh nhân rất mệt mỏi và phải nhập viện ngay. Nhưng cũng có khi chỉ hoa mắt chóng mặt thoáng qua, hay cơ thể chỉ hơi khó chịu một chút đối với những người HA thấp mạn tính.
Bệnh nhân bị xơ cứng hay xơ mỡ động mạch thì khả năng thích nghi này giảm nhiều và có thể gây ra tổn thương tại não tạm thời hay vĩnh viễn. Thực tế, cũng có tới 30% tỷ lệ nhồi máu não do huyết áp thấp. Đặc biệt, HA thấp nếu duy trì lâu rất nguy hiểm vì có thể làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi bị suy nhanh chóng.
Có thể ngăn được tình trạng HA thấp mạn tính bằng một số biện pháp thay đổi lối sống như sau: Ngủ đủ giấc: 7-8 tiếng/ngày. Thức dậy đúng cách: Khi thức dậy, người bệnh cần nằm thêm một lúc, vận động các khớp xương chân tay, sau đó ngồi dậy từ từ, ngồi một lúc rồi mới ra khỏi giường. Khi đứng dậy nên vịn vào ghế một lúc rồi mới di chuyển. Tăng cường tập luyện thể dục: Các môn thể dục rất có lợi cho người bị HA thấp như đi bộ, bơi, các trò chơi thể thao. Tuy nhiên bệnh nhân không nên chọn các môn thể thao vận động quá mạnh.
Duy trì chế độ ăn hợp lý 3-4 bữa/ngày (ăn giảm khối lượng, tức chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày). Không được dùng chế độ ăn kiêng để giảm cân nhanh. Một số đồ uống có tác dụng làm tăng HA như cà phê, nước chè đặc, rau cần tây, nước nho. Với phụ nữ, đa số HA thấp là do tình trạng thiếu máu, chị em có thể tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như: thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau dền, quả lựu, táo.
Tránh stress, cân bằng về tâm lý. Với một số người bị HA thấp vô căn có thể tập dưỡng sinh, yoga đúng cách rất có lợi cho sức khỏe và hệ tuần hoàn. Quản lý tốt những bệnh mạn tính mà mình đã mắc phải như: đái tháo đường, suy gan, viêm phế quản mạn tính... những người trên 40 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ 2 lần trong năm để điều chỉnh những rối loạn trong cơ thể có thể dẫn đến huyết áp thấp bất ngờ.