Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Kế hoạch 50 tỷ USD phủ rộng vaccine Covid-19 toàn cầu

Kế hoạch do IMF đề xuất hướng tới mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 60% dân số thế giới vào cuối năm 2022, qua đó phục hồi kinh tế toàn cầu.

Thế giới sẽ khó phục hồi sau đại dịch nếu không chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Tiêm chủng là giải pháp cho cả hai vấn đề này. Đó là nhận định của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, bao gồm Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Ngozi Okonjo-Iweala, tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu, hôm 21/5.

Quá trình triển khai vaccine đã có tiến bộ ấn tượng, với những thành tựu chưa từng có từ các nhà khoa học, cũng như nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Song, khoảng cách về vaccine giữa các nước giàu và nghèo vẫn còn đó.

Một số nước giàu đang thảo luận về việc tiêm mũi vaccine nhắc lại, nhưng đa số người dân ở các nước đang phát triển, ngay cả nhân viên y tế tuyến đầu, vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên. Cho đến nay, các quốc gia có thu nhập thấp đã nhận được ít hơn 1% số vaccine toàn cầu.

Phân phối vaccine không đồng đều khiến nhiều người dễ bị tổn thương, đồng thời tạo điều kiện cho các biến thể nguy hiểm trỗi dậy và lây lan khắp thế giới. Khi virus lây truyền, ngay cả những nước có chương trình vaccine tiên tiến cũng phải áp dụng các biện pháp y tế nghiêm ngặt và hạn chế đi lại. Đại dịch đang khoét sâu chênh lệch giàu nghèo, kéo theo hệ lụy cho tất cả. Do đó, cần chấm dứt đại dịch để đem lại lợi ích của tất cả người dân trên thế giới.

Nhân viên bảo vệ tiêm vaccine covid-19 tại nairobi, thủ đô của kenya, tháng 3/2021. ảnh: ny times

Tình hình có thể được cải thiện. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 trong tháng 6, IMF sẽ kêu gọi xây dựng chiến lược phối hợp với nguồn tài trợ mới để mang vaccine đến khắp nơi.

Kế hoạch của IMF được đưa ra với mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực tế và chi phí hợp lý. Kế hoạch dựa trên các dự án hiện tại của WHO, các đối tác của WHO trong cơ chế ACT-A (Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19), Liên minh Covax cũng như Ngân hàng Thế giới, WTO và nhiều đơn vị khác.

Với nguồn tài trợ ước tính khoảng 50 tỷ USD, kế hoạch sẽ giúp các nước thu nhập thấp và trung bình khống chế dịch bệnh nhanh hơn, giảm lây nhiễm và thiệt hại về người, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, tạo ra 9 nghìn tỷ USD cho kinh tế toàn cầu cho tới năm 2025. Đó là chiến thắng cho tất cả song chỉ đạt được khi thực hiện các điều kiện sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh tốc độ triển khai vaccine cho nhiều người hơn. WHO và Liên minh Covax đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối 2021. Thông qua các thỏa thuận khác và nguồn quỹ tăng đột biến, 40% dân số toàn cầu có thể được tiêm phòng trong năm nay và ít nhất 60% vào nửa đầu năm 2022.

Điều này đòi hỏi tài trợ thêm cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, thông qua hình thức viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi. Để nhanh chóng tiêm chủng cho nhiều người, vaccine cần được quyên góp ngay lập tức cho các nước đang phát triển, phù hợp với chương trình vaccine từng quốc gia. Hợp tác thương mại cũng cần thiết nhằm đảm bảo giao thương tự do và tăng nguồn cung nguyên liệu cũng như vaccine.

Thứ hai, việc tiêm nhắc giúp ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Điều này đòi hỏi nâng cao năng lực sản xuất vaccine thêm ít nhất một tỷ liều, đa dạng hóa sản xuất cho các khu vực có năng lực thấp, đồng thời chia sẻ công nghệ, lên kế hoạch dự phòng về xử lý đột biến virus hoặc vấn đề về nguồn cung.

Mọi yếu tố gây cản trở việc tăng nguồn cung phải được loại bỏ. Các thành viên WTO nên đẩy nhanh các cuộc đàm phán, hướng tới các giải pháp thực tế về quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Một số quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang đầu tư vào năng lực sản xuất tại địa phương. Đây là chìa khóa để chấm dứt đại dịch này và chuẩn bị cho các dịch bệnh trong tương lại.

Thứ ba, ngay lập tức tăng cường xét nghiệm, sản xuất oxy y tế, cũng như các biện pháp điều trị, đồng thời đẩy mạnh triển khai vaccine và sáng kiến ACT-A. WHO, UNICEF, Ngân hàng Thế giới và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đã đánh giá mức độ sẵn sàng ở hơn 140 quốc gia đang phát triển, cũng như hỗ trợ tại thực địa và cung cấp kinh phí để triển khai vaccine.

Tốc độ và sự phối hợp đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn tài trợ, quyên góp vaccine, đầu tư và lập kế hoạch phòng ngừa phải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Việc phối hợp toàn cầu dựa trên sự minh bạch trong quá trình mua và phân phối vaccine cũng rất quan trọng. Thành công phụ thuộc vào tất cả các bên tham gia bao gồm nhà nước, tư nhân, tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ. Đầu tư 50 tỷ USD để chấm dứt đại dịch sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng và sức khỏe toàn cầu. Càng chần chừ, cái giá phải trả càng lớn.

Các tổ chức đang nỗ lực để biến cam kết toàn cầu thành hiện thực. imf chuẩn bị phân bổ quyền rút vốn đặc biệt chưa từng có để tăng cường dự trữ và thanh khoản của các nước thành viên. who tìm cách xác định nguồn tài chính để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược và quan hệ đối tác act-a. quỹ tiếp cận công nghệ phòng chống covid-19 (c-tap) thúc đẩy việc chia sẻ công nghệ.

Ngân hàng Thế giới sẽ có các dự án vaccine ở ít nhất 50 quốc gia vào cuối tháng 6. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) huy động khu vực tư nhân tăng cung ứng vaccine cho các nước đang phát triển. Trong khi đó, WTO đang nỗ lực thúc đẩy tự do trong chuỗi cung ứng, giúp kế hoạch đi đến thành công.

Mai Dung (Theo Washington Post)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/ke-hoach-50-ty-usd-phu-rong-vaccine-covid-19-toan-cau-4287701.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY