Kinh tế xã hội hôm nay

Ken và hành trình thoát ly chuồng gỗ

Với những căn nguyên phần lớn còn nhiều bí ẩn và những biểu hiện có ảnh hưởng không tốt đến đời sống cộng đồng...
Với những căn nguyên phần lớn còn nhiều bí ẩn và những biểu hiện có ảnh hưởng không tốt đến đời sống cộng đồng, bệnh tâm thần đòi hỏi quá trình điều trị luôn tiến hành song song các giải pháp giúp người bệnh ổn định tâm thần. Trong thời gian qua, trên thế giới có hàng ngàn người bệnh tâm thần bị cách ly do thiếu điều kiện chăm sóc và chữa trị. Mới đây, ở tỉnh Quảng Trị có một trường hợp người bệnh tâm thần phân liệt phải ở trong chuồng gỗ đã được ngành y tế phối hợp gia đình và cộng đồng đưa ra khỏi nơi nuôi nhốt trong tinh thần tôn trọng nhân phẩm, giúp người bệnh tâm thần tiếp cận những liệu pháp chữa trị và phục hồi chức năng cần thiết.

Ngày thường ở thôn Ra Man 2 của xã Xy, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị rất yên ắng với những nếp nhà sàn giản dị, những vườn cây xanh tốt. Người lớn lên nương, rẫy và con trẻ đến trường. Lặng lẽ, Hồ Văn Ken dõi mắt qua khoảng trống giữa những thân gỗ nhìn ra bên ngoài. Ken khiến người vừa gặp thảng thốt giật mình bởi một nỗi kinh ngạc khó tin rằng trong chiếc chuồng gỗ này là cuộc sống của một thanh niên rất hay nói, cười và bên cạnh vẫn có mấy cuốn sách giáo khoa... Xế trưa, một người vợ trẻ cùng người chồng chuẩn bị bữa ăn của gia đình mà khi người chồng mang cơm và thức ăn ra chuồng gỗ thì cơm và thức ăn của bữa ăn trước đó vẫn còn trong những tô hoặc chén được đặt trên thân gỗ.

Trong 18 tháng qua, người dân thôn Ra Man 2 đã quen với cảnh tượng này. Mọi người đều biết Ken mắc bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2003 nhưng không ai biết khi nào thì cảnh tượng này chấm dứt. Sinh năm 1985, Hồ Văn Ken học khá giỏi trong những năm cấp I và vào kỳ nghỉ Hè năm lớp 7, Ken bỗng thích dùng rựa chém vật nuôi của gia đình đang được chăn thả trên rẫy hoặc lang thang khắp trong thôn, muốn gì làm nấy mặc cho nhiều người can ngăn, nhất là thích chặt cây cối mang về. Bố mẹ đã đưa Ken đến bệnh viện đa khoa huyện rồi bệnh viện đa khoa tỉnh để chữa bệnh. Nhưng chỉ ở bệnh viện được một tháng thì bố mẹ phải đưa Ken trở về nhà vì những khó khăn của một gia đình người dân tộc Vân Kiều thuộc diện hộ nghèo. Tiếp tục điều trị bệnh của Ken, cán bộ của Bệnh viện Đa khoa phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa và cán bộ Trạm Y tế xã Xy thường xuyên đến nhà khám và cấp Thu*c, cùng tổ chức họp gia đình để tư vấn, hướng dẫn cách chữa bệnh cho Ken. Rồi bố mẹ qua đời, 8 anh, chị, em của Ken đều có gia đình riêng và đều nghèo đói, người em trai là Hồ Ka Lô (còn gọi là Pả Bông) nhận việc chăm sóc Ken. Nhưng hàng ngày Ka Lô phải lên nương, rẫy để làm lụng kiếm cái ăn cái mặc cho vợ con nên việc chăm sóc Ken cũng gián đoạn, bệnh của Ken ngày một nặng hơn. Thu*c do bệnh viện và trung tâm y tế huyện, khoa tâm thần của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cấp, Ka Lô quên cho anh trai uống còn Ken do không có ai trông nom lại chạy vào rừng hoặc đi khắp thôn quậy phá, chặt cây cối, chém gia súc khiến người thân nhiều lần phải đền bù thiệt hại và người trong thôn dần xa lánh Ken. Đến tháng 3/2014, người em Hồ Ka Lô và người anh cả Hồ Văn Cum (còn gọi là Pả Thông) đành phải làm một cái chuồng gỗ rộng chừng 3 mét vuông cạnh nhà để nhốt Ken. Ở trong chuồng gỗ, lúc nào thích thì Ken thò tay ra khỏi tấm chăn luôn trùm kín thân thể ít khi chịu mặc áo quần để bốc cơm và thức ăn đã được Ka Lô đặt trên thanh gỗ ở bên ngoài nhưng nhất định không chịu uống Thu*c khi người nhà hay cán bộ y tế đưa cho vì nghĩ rằng bởi mình học giỏi nên có người muốn “thư” mình. Hồ Ka Lô cho biết: “Từ lúc đau đến giờ, khi anh Ken không lên cơn thì vẫn có thể đọc được chữ nhưng khi bị đau nặng thì chịu. Bản thân tôi vì phải chăm lo cho các con nhỏ và suốt ngày đi làm nên cũng không thể nào chăm sóc anh Ken tốt được. Còn cơm nước nếu thấy ngon thì anh ấy ăn còn không là anh ấy vứt... Nếu được ra ngoài, hễ thấy lợn hay gà, vịt của gia đình và hàng xóm là anh Ken bắt rồi nướng ăn, có khi ăn sống và chặt cây cối”... Nén một nỗi xúc động, Hồ Văn Cum- người anh cả của Ken nói: “Từ lúc em trai phải ở trong chuồng gỗ, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc!”.

Ngày 31/8/2015, người dân thôn Ra Man 2 đã chứng kiến một sự kiện rất đặc biệt là cán bộ của Trạm Y tế xã Xy và Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị, cán bộ của văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị cùng gia đình Pả Thông, Pả Bông đưa Hồ Văn Ken ra khỏi chuồng gỗ. Trước đó, đại diện của các cơ quan, tổ chức này đã thường xuyên đến thăm và bàn với người thân của Ken về cách phục hồi thể chất cũng như phục hồi về mặt xã hội cho Ken. Từ ngày 15/7 đến ngày 15/8/2015, mỗi ngày Ken dùng hai viên olanzapine điều trị bệnh tâm thần phân liệt đã được người nhà trộn vào món canh Ken ăn trong bữa tối. Bệnh tình trở nên ổn định sau hơn một tháng dùng Thu*c, Ken phân biệt được người quen hay người lạ nhưng chỉ nói chuyện hoặc xin Thu*c lá với người quen và mặc dù vẫn trả lời các câu hỏi của người khác theo ý thích của mình nhưng Ken đã bày tỏ mong muốn được nuôi dê khi hết bệnh, không còn ở trong chuồng gỗ. “Hiện sức khỏe Ken đã có tiến triển tốt nên nói năng được, không quậy phá, nhận ra những người thân trong gia đình và nói rằng mình ưng lên nhà vì đã khỏe hơn rồi. Về công việc của bản thân, Ken đã nói là mình muốn chăn nuôi, nhất là chăn nuôi dê”, y sĩ Phạm Văn Dũng-Thư ký Chương trình Tâm thần của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa “dịch” những câu nói bằng tiếng Vân Kiều của Ken với chúng tôi. Ngay sau phút được đưa ra khỏi chuồng gỗ, Ken nhất quyết từ chối thay chiếc quần mặc đã lâu bằng bộ áo quần mới được tặng nhưng vui vẻ nói chuyện với anh trai, với trưởng thôn về việc đi sim (tục đi tìm người yêu của con gái, con trai khi đến tuổi dựng vợ gả chồng của dân tộc Vân Kiều), về việc mình bị điên làm ảnh hưởng đến nhiều người, việc mình muốn chăn nuôi dê. Đáp ứng mong muốn này, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã hỗ trợ Ken hai con dê làm sinh kế, hướng tới cải thiện cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Vậy mà chỉ hai ngày sau, người nhà phải đưa Ken trở vào chuồng gỗ vì Ken lại đi vào rừng và Trạm Y tế xã Xy tiếp tục cấp Thu*c, giám sát việc cho Ken uống Thu*c mỗi ngày. Y sĩ Cù Giặc Hiền- Trưởng Trạm Y tế xã Xy cho biết: “Với sự chỉ đạo của các bác sĩ khoa Tâm thần của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cùng sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã Xy tiếp tục điều trị bệnh của Hồ Văn Ken thông qua việc cho uống Thu*c theo cách mà Ken không biết để chống đối đồng thời theo dõi và giám sát bệnh tình của Ken hàng ngày. Hiệu quả cho thấy đến nay sức khỏe tâm thần của Ken đã ổn định hơn. Tuy vậy, vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhất là gia đình không có người có thể ở bên cạnh trông nom Ken hàng giờ nên những lúc bệnh tái phát, Ken lại khiến người nhà lo lắng...”.

Với nỗ lực điều trị và giúp đỡ người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng, cán bộ y tế và đại diện chính quyền địa phương đã bàn về việc đưa Ken đi bệnh viện. Trao đổi với các anh trai của Ken về các giải pháp giúp Ken không còn bị nhốt và ở trong chuồng gỗ, đã có một số giải pháp được cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, Trạm Y tế xã Xy, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đưa ra như chọn người Ken yêu thích là con trai của Pả Thông hoặc các cụ ông sống gần nhà có thể bầu bạn, chơi với Ken hàng này trong khoảng ba tháng và những người này sẽ được Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tặng quà mỗi tháng,... Đồng thời, BS.Lê Bá Bình-Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị đã đến thăm, hướng dẫn người thân của Ken về cách cho Ken uống Thu*c. Sau nhiều thảo luận, người nhà của Ken đã đồng ý cùng đưa Ken vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để chữa bệnh với sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam. Về giải pháp này, BS.Nguyễn Thị Ngọc Lan-cán bộ Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam nói: “Vì gia đình nghèo đói mà tất cả người lớn trong gia đình phải đi làm trên nương rẫy vào ban ngày, các cháu nhỏ đi học nên không có điều kiện đưa Ken đi chữa bệnh cũng như bố trí người trông giữ hay chăm sóc Ken khi ở nhà cũng như ở bệnh viện. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã cùng cán bộ y tế của địa phương và gia đình bàn về việc đưa Ken vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Người nhà của Ken đã đồng ý cùng đưa Ken đi bệnh viện và cán bộ ở văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị đã góp được 1,3 triệu đồng hỗ trợ người thân chăm sóc Ken tại bệnh viện trong một tháng. Khi sức khỏe tâm thần của Ken ổn định, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam sẽ cùng y tế địa phương giúp Ken phục hồi chức năng và trở lại hòa nhập cộng đồng”.

Ngày 16/10/2015, câu hỏi của nhiều người dân thôn Ra Man 2 về việc bao giờ thì cảnh tượng Hồ Văn Ken ở trong chuồng gỗ được chấm dứt đã có câu trả lời vì từ hôm ấy Ken đã được người thân và cán bộ y tế đưa vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng trong cố gắng giúp Ken thoát khỏi những rối loạn tâm thần làm biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm; giúp Ken được bảo vệ, chăm sóc, chữa trị bằng các phương pháp và phương thức giúp phục hồi chức năng như dùng Thu*c, liệu pháp tâm lý phù hợp,...

Bài và ảnh: NGUYỄN BỘI NHIÊN

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-ken-va-hanh-trinh-thoat-ly-chuong-go-20465.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY