Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Vượt khó sau đại dịch

(HNM) - Nhìn lại năm 2022, hầu hết các lĩnh vực đều có những dấu hiệu khởi sắc sau đại dịch. Thế nhưng, riêng với ngành Y tế nói chung và Y tế Thủ đô nói riêng, năm qua là một năm đầy sóng gió và cả những “biến cố” lớn. Chưa bao giờ, ngành Y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn đến thế.

(hnm) - nhìn lại năm 2022, hầu hết các lĩnh vực đều có những dấu hiệu khởi sắc sau đại dịch. thế nhưng, riêng với ngành y tế nói chung và y tế thủ đô nói riêng, năm qua là một năm đầy sóng gió và cả những “biến cố” lớn. chưa bao giờ, ngành y tế phải đối mặt với nhiều khó khăn đến thế. đứng trước một đại dịch covid-19 lớn chưa từng có, những chiến sĩ áo trắng đã âm thầm, lặng lẽ dấn thân, cống hiến, hy sinh tình cảm và lợi ích cá nhân để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. sau đại dịch, những con người đó lại tiếp tục nỗ lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

 Ảnh: Xuân Lộc

Giữ vững “lửa nghề”

Từ ngày 15-3-2022, Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện "bình thường mới". Kéo theo đó, các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ… trên địa bàn Thủ đô dần hồi sinh. Dù tình hình dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống, những bộ đồ bảo hộ dần được cởi bỏ, các bệnh viện lần lượt đón người dân đến khám, chữa bệnh, nhịp sống thường ngày lại bắt đầu. Tuy nhiên, lúc này, đối với ngành Y tế, những ngày tháng chống dịch vẫn chưa kết thúc. Nhiều vấn đề bất cập “hậu Covid-19” nảy sinh, các dịch bệnh khác xuất hiện, khiến những chiến sĩ áo trắng lại tiếp tục đối diện với những khó khăn, thách thức mới.

Sau một thời gian dài dồn tổng lực chống dịch Covid-19, hầu như toàn bộ hệ thống y tế rơi vào kiệt quệ cả về tài chính lẫn nhân lực, vật lực. Kéo theo đó là “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập. Cùng với sự thâm hụt về nhân lực, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc cũng là vấn đề khó khăn mà nhiều cơ sở y tế phải trải qua trong năm 2022. Thiếu thốn trăm bề và trong khi dịch Covid-19 chưa qua, thì ngành Y lại phải đối mặt với Adenovirus, sốt xuất huyết bùng phát. Dù trong thời khắc khó khăn chồng chất khó khăn, đâu đó, hình ảnh những y, bác sĩ vẫn nỗ lực không ngừng, đem kiến thức, kỹ năng của mình để chữa bệnh cứu người. Trên hành trình ấy, lời thề Hippocrates vẫn luôn ghi khắc trong tim, giúp họ có thêm sức mạnh để tận tâm cống hiến, giữ vững “lửa nghề”.

Nhìn ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, mái tóc buộc vội, đôi bàn tay thoăn thoắt lật giở hồ sơ từng bệnh án, dặn dò điều dưỡng viên lưu ý đến những trẻ sơ sinh mới vào khoa…, phóng viên chúng tôi đã phần nào hiểu được sự bận rộn, vất vả của bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) - nữ bác sĩ được mọi người quen gọi là “người mẹ thứ hai” của trẻ.

Tâm sự với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nga chia sẻ: “Sau Covid-19, nhân viên y tế chúng tôi lại đối mặt với sự quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Do số lượng bệnh nhân đông nên ngoài Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đã bố trí thêm giường bệnh và các y, bác sĩ ở những khoa khác để tiếp nhận điều trị kịp thời người bệnh. Thậm chí, nhân viên y tế của bệnh viện cũng tăng cường làm thông ca với tinh thần khẩn trương nhất”.

Lần đầu tiên tiếp nhận 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, trong đó trường hợp nhỏ nhất mới có 5 ngày tuổi, đối với bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, đó là điều hết sức đặc biệt. Bởi theo y văn, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết thường rất thấp. Khác với những trẻ lớn, diễn biến ở trẻ sơ sinh thay đổi rất nhanh, có thể chỉ sau 2 giờ khám, tình trạng bệnh đã khác. Nếu không theo dõi sát, có những tiên lượng, đánh giá kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Do đó, việc chăm trẻ sơ sinh đòi hỏi các bác sĩ phải có nhiều kinh nghiệm, rất tỉ mỉ, cẩn thận và chịu khó.

“Chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh mắc bệnh hay sinh non là một cuộc chiến thầm lặng, đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng. Không chỉ theo dõi từng nhịp thở, nhịp tim trên máy móc mà chúng tôi còn phải liên tục dõi theo các con, thậm chí kê ghế ngồi cạnh lồng kính, quan sát từng nét nhăn mặt, từng cái cựa mình, gồng bụng hay tình trạng nôn trớ để biết con bị làm sao còn kịp thời điều chỉnh”, bác sĩ Nga tâm sự.

Áp lực trước sự gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vào những tháng cuối năm khiến các y bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) không biết đến thời gian, không biết đến ngày nghỉ. Trung tâm có 20 bác sĩ, 50 điều dưỡng, 2 nhân viên kỹ thuật và một số hộ lý nhưng phải quán xuyến hơn 100 giường bệnh, lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Nhân lực mỏng trong khi lượng bệnh nhân tăng nhanh, khiến nhân viên y tế tại đây phải gánh khối lượng công việc gấp 2-3 lần bình thường.

Vừa sắp xếp bệnh án, vừa trao đổi với đồng nghiệp về những ca bệnh mới nhập viện, điều dưỡng Trung tâm Bệnh nhiệt đới Đào Thị Dung thổ lộ: “Chúng tôi đang làm với hơn 200% sức lực. Bệnh nhân không chỉ bị sốt xuất huyết đơn thuần, mà còn kèm theo các bệnh lý nền nặng, như: Ung thư máu, suy thận, chạy thận nhân tạo, tiểu đường, suy tim…, nên các điều dưỡng phải theo dõi mọi diễn biến để kịp đối phó với tình huống bệnh bất ngờ xảy ra. Làm việc thông trưa, thậm chí miếng cơm nuốt vội, có lúc khát cũng không kịp uống nước, vì bệnh nhân nhập viện liên tục. Chưa xong ca này, ca khác đã vào, lại khám, sắp xếp giường bệnh, giải thích cho người nhà bệnh nhân. Nhiều lúc mệt mỏi, áp lực lắm, nhưng cũng không dám xin nghỉ phép. Bởi, chỉ một người nghỉ, gánh nặng công việc lại dồn lên vai người khác”.

Nụ cười của người bệnh là lẽ sống

Với các nhân viên y tế, thêm một người bệnh khỏe mạnh ra viện là món quà trân quý mà nghề nghiệp mang lại. Vì thế, gạt sang một bên những nhọc nhằn, áp lực và biết bao thiếu thốn, những “thiên thần” khoác áo blouse âm thầm lấy niềm vui, nụ cười của người bệnh làm lẽ sống cho mình.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) tâm sự: “Làm việc tại Khoa Sơ sinh, chúng tôi luôn lấy sức khỏe, tiếng cười của các bé là niềm vui, động lực để cố gắng mỗi ngày. Khi các bé khỏe mạnh, được xuất viện trở về với vòng tay của mẹ chính là một phần thưởng vô giá với chúng tôi”.

Nhớ lại thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần cách đây 1 năm, bác sĩ Nga kể: “Vào đúng chiều mùng 1 Tết, chúng tôi đón một em bé sinh non, chỉ nặng có 700gram. Trước đó, mẹ bé mắc Covid-19 rất nặng, phải can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Khi thai nhi được 27 tuần tuổi, nhận thấy tình trạng của sản phụ khó qua khỏi, các y bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Khi bé chào đời bị ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã cố gắng hồi sức tim, phổi cho bé ngay tại phòng sinh. Lúc tim đập trở lại, cháu bé được cứu sống, cảm giác của cả ê kíp y, bác sĩ lúc đó sung sướng, hạnh phúc vỡ òa”.

Không cam tâm chứng kiến những đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thậm chí tử vong khi vừa chào đời, thời gian qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mạnh dạn triển khai kỹ thuật khó nhất trong sản khoa thế giới, đó là can thiệp bào thai hay nói cách khác là chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 260 ca can thiệp bào thai, tỷ lệ thành công rất cao. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Việc cứu sống, khắc phục những dị tật của trẻ ngay từ trong bào thai rất có giá trị để nâng cao chất lượng giống nòi”.

Một mùa xuân nữa lại về mang theo những niềm tin và hy vọng mới. và những người thầy thuốc bằng tâm huyết, tấm lòng yêu nghề đang thắp lên niềm hy vọng về sự sống, sự hồi sinh cho bệnh nhân, góp phần mang hơi thở mùa xuân đến với mọi người, mọi gia đình.
 

Những người thầy thuốc bằng tâm huyết, tấm lòng yêu nghề đang thắp lên niềm hy vọng về sự sống, sự hồi sinh cho bệnh nhân, góp phần mang hơi thở mùa xuân đến với mọi người, mọi gia đình..

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1053375/vuot-kho-sau-dai-dich)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY