thở - hay hô hấp - là hoạt động vô thức của cơ thể, song các chuyên gia sức khỏe khẳng định nếu biết cách tối ưu hóa quá trình này chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tổng thể.
Thở là một quá trình trao đổi không khí phức tạp bên trong cơ thể, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của phổi, cơ hoành và cơ gian sườn (các cơ ở giữa các xương sườn). Tuy đó là hoạt động tự nhiên của con người, song đôi lúc chúng ta thở sai cách.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA), có nhiều cách để hít thở hiệu quả. Chẳng hạn, thở qua mũi giúp làm chậm hơi thở và khiến phổi hoạt động hiệu quả hơn. Quá trình này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận khí Nitric oxide (NO), phụ trách vận chuyển khí ôxy đi khắp cơ thể. Hơn nữa, thở bằng mũi còn cho phép lọc bỏ các độc tố và tác nhân gây dị ứng trong không khí, ngăn chúng xâm nhập vào cơ thể, cũng như làm ấm không khí khi trời lạnh hoặc giữ ẩm cho không khí khi trời khô nóng. Nhưng chúng ta cũng có thể đổi sang thở bằng miệng vào những lúc bị nghẹt mũi hoặc tập thể dục.
Tuy vậy, cách thở hiệu quả nhất là dùng bụng, còn gọi là “thở sâu”. Theo đó, bạn phải hít không khí vào từ từ và đi sâu qua mũi, khiến phổi đầy không khí và bụng căng lên. Theo các chuyên gia ALA, sở dĩ kỹ thuật “thở bằng bụng” hiệu quả vì nó kéo phổi xuống, tạo áp lực âm bên trong lồng ngực, giúp không khí tràn vào phổi.
+ khử độc, tăng cường hệ miễn dịch. do cơ thể đào thải 70% độc tố qua đường hô hấp, nên thở sâu có thể giúp tránh nguy cơ tích tụ độc chất trong cơ thể vốn dễ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. nếu thở đúng cách, cơ thể còn nhận được nhiều ôxy, tăng hiệu quả chuyển hóa các dưỡng chất và vitamin, nhờ đó tăng cường cả hệ miễn dịch.
+ giảm căng thẳng tinh thần (stress) và giảm đau tự nhiên. thở sâu đúng cách giúp cơ thể nhận được lượng khí ôxy nhiều hơn, tức não cũng được cung cấp khí ôxy tốt hơn nên mang đến lợi ích giảm stress, lo âu quá mức. hơn nữa, thở sâu còn được chứng minh là có thể giúp giảm đau do hoạt động này làm cơ thể giải phóng endorphin, hoóc-môn có chức năng giảm đau tự nhiên và tăng sức đề kháng.
+ Tốt cho nội tạng và máu. Những cử động của cơ hoành khi thở sâu có công dụng như bài xoa bóp cho nhiều nội tạng quan trọng như tim, gan, tụy, dạ dày và ruột non. Hoạt động này còn giúp loại bỏ tất cả khí CO₂, trong khi tăng cường lượng khí ôxy trong dòng máu, nên cũng gián tiếp cải thiện chất lượng máu.
+ cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân. kỹ thuật thở đúng giúp dạ dày nhận nhiều không khí hơn, nên cũng hoạt động hiệu quả hơn. điều này giúp cải thiện hoạt động tiêu hóa, đồng thời tăng khả năng đốt cháy mỡ thừa nên cũng giúp giảm cân hiệu quả.
Để cải thiện hoạt động hô hấp, việc đầu tiên cần làm là duy trì một lối sống lành mạnh, như tập thể dục đều đặn, tránh ăn quá nhiều, duy trì cân nặng ở mức cân đối và không hút Thu*c để bảo vệ phổi. Bên cạnh đó, cần theo dõi chất lượng không khí ở nơi sống và làm việc nhằm hạn chế hít phải các chất ô nhiễm ảnh hưởng tới hoạt động hô hấp.
Riêng với người mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn hay phổi tắc nghẽn mãn tính (copd) thì đặc biệt cẩn trọng trong việc bảo vệ sức khỏe hô hấp và phổi. đối tượng này cần bổ sung nước đầy đủ để tránh khô đường thở, có biện pháp giảm thiểu tiếp xúc các nguồn gây ô nhiễm trong không khí (bằng cách dùng máy lọc không khí, đeo khẩu trang) tại nơi ở và làm việc, tiêm vaccine cúm/viêm phổi đầy đủ.
Nói chung, mỗi người nên dành ra một ít thời gian mỗi ngày để tập thở, nhằm tăng hiệu quả hô hấp và chức năng phổi. ví dụ, để luyện thở bằng bụng, đầu tiên bạn hít vào bằng mũi đến khi bụng to ra và lồng ngực căng lên. sau đó giữ hơi thở và đếm nhẩm đến 3, sau đó thở ra qua đôi môi khép hờ và đếm tới 5. kiên trì dành 10 phút tập thở như thế hằng ngày sẽ giúp bạn quen dần với cách thở đúng.