Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Không ở vùng có người mắc bạch hầu, có nên tiêm phòng? Giá cả ra sao?

MangYTe - Miễn dịch của vaccine bạch hầu thường duy trì đến 10 năm và giảm dần theo thời gian.

Hiện tại khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận khoảng 80 ca mắc bạch hầu. Mới nhất, tại Đắk Lắk trong hôm nay đã ghi nhận thêm 3 ca. Một trong số những ca này đã tiêm vaccine phòng bệnh nhưng không đủ mũi.

Trong số khoảng 80 ca dương tính khuẩn bạch hầu, có những ca dù đã tiêm đủ mũi vaccine vẫn mắc bệnh.

Tiêm vaccine cho trẻ ở Tây Nguyên. Ảnh: Võ Thu

Lý giải về điều này, TS Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho hay trong tiêm chủng thì không phải được hiệu quả phòng bệnh 100% (đã tiêm thì chắc chắn không mắc bệnh). Điều đó có nghĩa là sẽ có tỷ lệ nhất định không đáp ứng miễn dịch...

"Do đó, khi gặp được nguồn bệnh với một mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh, cụ thể bao nhiêu thì hiện nay các nhà khoa học cũng chưa xác định được" - ông Chiến nói.

Đồng quan điểm, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết vaccine phòng bạch hầu có hiệu quả phòng bệnh trên 90%. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng giảm hay suy giảm miễn dịch vẫn có thể mắc bệnh.

Vaccine bạch hầu là một trong những vaccine cơ bản được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu hơn 50 năm qua. Tại Việt Nam đã có hàng chục triệu liều vaccine được triển khai cho trẻ nhỏ.

Tiêm vaccine được coi là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất với dịch bệnh này.

Vaccine bạch hầu dưới dạng vaccine phối hợp với vaccine uốn ván và ho gà. Hiện nay còn có vaccine bạch hầu dưới dạng 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 để phòng đồng thời bệnh bạch hầu và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Vaccine bạch hầu được cung cấp miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho trẻ 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi 4 lúc 18-24 tháng tuổi với vaccine 5 trong 1.

Miễn dịch của vaccine bạch hầu thường duy trì đến 10 năm và giảm dần theo thời gian. Vì thế theo các chuyên gia, những người có nguy cơ, kể cả không nhớ hay tiêm vaccine bạch hầu đã lâu thì đều nên tiêm lại.

Cụ thể, TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho hay đối với người lớn, dù đã tiêm vaccine khi còn nhỏ tuổi thì miễn dịch phòng bệnh cũng giảm dần theo thời gian.

Đánh giá huyết thanh gần đây trên đối tượng nữ tuổi sinh đẻ (18-25) cho thấy trên 90% số này không còn kháng thể bảo vệ phòng bệnh bạch hầu. Do vậy, cần tiêm nhắc vaccine đến khi hoàn thành lịch tiêm chủng 6 mũi vaccine bạch hầu.

Trường hợp người lớn nếu không còn nhớ chính xác đã tiêm bao nhiêu mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu từ lúc nhỏ, thì cần phải tiêm 3 mũi vaccine phòng bệnh theo lịch như sau:

Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt

Mũi 2 cách mũi 1 một tháng

Mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 6 tháng

Đối với trẻ lớn trên 7 tuổi và người lớn (bao gồm phụ nữ có thai) thì phải sử dụng vaccine bạch hầu giảm liều, phối hợp với vaccine uốn ván (Td), hoặc phối hợp với cả vaccine uốn ván và ho gà (Tdap). Để đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài, có thể tiêm bổ sung 2 mũi tiếp theo với khoảng cách 1 năm giữa mũi 3 và mũi 4, mũi 4 và mũi 5.

Người lớn có thể đến các cơ sở y tế để được tư vấn về việc tiêm vaccine phòng bạch hầu.

Theo TS Huyền, vaccine Td đã được sản xuất trong nước do Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sản xuất, với giá dưới 25.000 đồng/liều. Ngoài ra, nếu sử dụng vaccine Tdap nhập khẩu, giá khoảng 500.000-600.000 đồng/liều. Các vaccine này đều an toàn, có hiệu quả cao trong phòng chống bệnh bạch hầu và uốn ván.

Quỳnh An

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/khong-o-vung-co-nguoi-mac-bach-hau-co-nen-tiem-phong-gia-ca-ra-sao-20200714185335935.htm)

Chủ đề liên quan:

bạch hầu tây nguyên vaccine

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY