Say nắng, say nóng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề
Theo bs.cki hồ thị hương thảo - chuyên khoa nhi thuộc trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao thiện nhân (đà nẵng), trẻ em có sức đề kháng và hệ miễn dịch còn non yếu. vào mùa nắng nóng, độ ẩm không khí cao không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mà còn khiến cơ thể của trẻ khó thích ứng với nhiệt độ môi trường nên dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng sẽ dễ bị say nắng, say nóng
Một trong các bệnh lý nguy hiểm trẻ thường gặp phải trong mùa nắng nóng mà phụ huynh cần hết sức lưu ý là say nắng, say nóng. Khi trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào cơ thể khiến trung tâm điều hoà thân nhiệt bị rối loạn và gây nên tình trạng mất nước. Khi bị say nắng, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu…“thân nhiệt của trẻ khi bị say nắng, say nóng có thể lên tới 39,5 độ hoặc cao hơn. ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như da nóng, đỏ và khô, mạch nhanh… tình trạng nặng hơn là trẻ bị hôn mê, rối loạn ý thức. say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được điều trị kịp thời”, bscki hồ thị hương thảo khuyến cáo.
Cùng với đó là bệnh lý về đường hô hấp. Trong thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ tăng cao. Tuy nhiên sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời làm trẻ không thích nghi kịp, dẫn đến dễ bị cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng…
Nguy cơ trẻ mắc thêm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác
Bệnh lý về đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy… cũng cần được phụ huynh lưu ý cho trẻ khi vào mùa nắng nóng. Nguyên nhân khiến trẻ bị mắc các bệnh lý này là do dụng cụ ăn uống hoặc tay chân không vệ sinh sạch sẽ; bảo quản thực phẩm không đúng cách, để đồ ăn bên ngoài nhiệt độ thường làm cho chúng bị ôi thiu hoặc lên men.
BSCKI Hồ Thị Hương Thảo nhấn mạnh: “Thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh và lây lan mầm bệnh nhanh chóng. Vì vậy phải đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế địa phương gần nhất khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…”.
Cũng do thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao làm virus, vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết… Các bệnh này đều có thể để lại di chứng về sau nếu không kịp phát hiện và điều trị sớm.
Ngoài ra, nắng nóng sẽ làm cho tuyến mồ hôi và các chất nhầy hoạt động nhiều để giảm nhiệt và thải độc tố, tạo nên những vùng ẩm ướt ở các vùng da lưng, trán, dưới cổ, kẽ ngón tay, khu vực dưới cánh tay, cổ chân, bẹn… sự ứ đọng, tích tụ dưới lỗ chân lông của cơ thể kết hợp cùng các loại vi khuẩn gây ra bệnh nấm ngứa, rôm sảy, mụn nhọt, viêm nhiễm cho da, sốt cao…
Nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh để bảo vệ con trẻ
Theo BSCKI Hồ Thị Hương Thảo, để bảo vệ con trẻ trước các bệnh lý nguy hiểm trong mùa nắng nóng, phụ huynh cần nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh. Cụ thể là rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa; chế biến, bảo quản đồ ăn, thức uống bảo đảm quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa.
Giữ môi trường sống thông thoáng, trong lành, phát quang bụi rậm, vệ sinh ao tù nước đọng; lau sạch các vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế… mà trẻ thường xuyên tiếp xúc; bổ sung nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin giúp cơ thể trẻ luôn mát mẻ và nâng cao sức đề kháng;
“Phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm vaccine phòng ngừa những bệnh lý nguy hiểm để giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng. Ngoài ra, không được tự ý cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ. Đưa trẻ đi thăm khám nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường hoặc có các biểu hiện bệnh trở nặng…”, BSCKI Hồ Thị Hương Thảo nhấn mạnh.
Hải Châu
Link bài gốc Lấy link
Hải Châu