Tô Đông Pha có một bài thơ tôi chỉ nhớ ý thôi. Đó là tiếng đàn không nằm trong cây đàn. Bởi nếu tiếng đàn có sẵn trong cây đàn thì tại sao khi mình bỏ cây đàn vào trong hộp, hoặc khi không có người chơi thì cây đàn không có ra tiếng đàn. Còn nếu nói rằng tiếng đàn nằm trong ngón tay thì tại sao mình rời cây đàn, không chạm vào cây đàn nữa thì bản thân ngón tay không tạo ra tiếng đàn. Như vậy tiếng đàn không nằm trong cây đàn, cũng không nằm trong ngón tay người chơi đàn; mà nó chỉ có khi nào ngón tay người chơi đàn kết hợp với sợi dây đàn mới ra tiếng đàn. Đó là một chuyện.
Vạn pháp ở đời, vạn hữu do duyên mà có. Không có gì tự nhiên nó có. Từ đó có một nguyên tắc bằng vàng, một bài học giáo lý rất sâu, đó là người học A tỳ đàm và người tu tập Tứ niệm xứ đều hiểu: “Trên đời này không có gì tự nó có sẵn”. Thí dụ câu chuyện ma sau đây.
Có một thư sinh đi qua đò. Thấy cô lái đò xinh đẹp, anh trêu chọc. Cô lái đò mới nói: “Em tuy làm nghề chèo đò nhưng chỉ muốn gặp người chữ nghĩa để trao thân. Nếu em đọc câu thơ này anh đối được thì chúng ta tiếp tục quen biết nữa. Còn không thì chúng ta chia tay trên bến này. Cổ mới đọc câu thơ thế này: “Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”.
Có nghĩa là trong cục đá lửa có lửa. Nhưng đem cục đá lửa liệng xuống nước một ngàn năm thì lửa đó không mất. Mà khi nào nó đủ điều kiện thì nó sẽ có. Còn khi không đủ điều kiện thì lửa đó không có. Khi mà đốm lửa đó chưa xẹt ra được thì dầu mình có liệng cục đá lửa xuống nước một ngàn năm đem lên vẫn xài được.
Anh học trò này nghe vậy nghĩ hoài, nghĩ hoài không ra câu đối. Cuối cùng vì quá yêu mê cô này mà không lấy nhau được, ảnh hận mà chết. Chết rồi ảnh thành hồn ma cứ vất vưởng trong khu rừng đó. Đêm đêm ảnh ra đọc hoài “Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”. Đọc hoài như vậy mà vong hồn không tan. Nói theo kinh Phật là làm loài phi nhơn mà không chịu nghĩ tới chuyện đi nơi khác, cứ vất vưởng ở đó hoài. Sau, có một vị thiền sư đi ngang. Thiền sư nghe chuyện, đêm đó quyết định ở lại bến sông bên cạnh khu rừng đó để gặp anh học trò. Đúng giờ ảnh ra vất vưởng lại ngâm ngợi câu thơ đó. “Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”. Vị thiền sư nghe vậy trả lời thế này: “ Nguyệt tại thiên không, chiếu nhân gian thiên niên trường tại”.
Nghĩa là câu kia là “Lửa nằm trong đá, đem đá liệng xuống sông ngàn năm đem lên vẫn đánh lửa được”. Đối lại câu này là: “Mặt trăng nằm trên trời, chiếu soi ngàn năm vẫn còn hoài không mất”. Đến hẹn trăng về, hết hẹn trăng đi. Khi ảnh nghe câu đó thì ảnh siêu thoát ngay.
Đó là một câu chuyện Tàu, nhưng ngẫu nhiên trùng khớp với giáo lý trong Kinh Phật, và trùng khớp với tinh thần câu thơ của Tô Đông Pha: “Vạn hữu không cái gì có sẵn hết”. Cái hộp quẹt mình bỏ trong túi quần cả ngày không bị phỏng là do khi bánh xe không chạm vào viên đá lửa và không chạm vào nút bật gas thì cái hộp quẹt gas không cháy. Khi hộp quẹt Zippo mà không mở nắp, khi bánh xe chưa quẹt vào viên đá lửa thì bấy giờ xăng không bật cháy được. Khi hội đủ các điều kiện thì lửa mới có. Khi chưa hội đủ các điều kiện thì mình để hộp quẹt cả ngày trong túi quần không sao hết.
Tôi nhắc lại. Thứ nhứt: Vạn hữu ở đời không có gì tự nhiên mà có.
Chuyện thứ hai: Nếu mọi sự do duyên mà có thì điều đó cho thấy mọi thứ trên đời không có gì là có sẵn hết.
Thí dụ mình nói mỗi người đều có Phật tánh, mỗi người đều có tánh giác ngộ. Có hai cách hiểu. Cách hiểu nôm na thì cái trí giác ngộ (Phật tánh) nó nằm sẵn đâu đó trong tàng thức, tiềm thức của mình. Nhưng theo Kinh Phật nguyên thủy thì không nên hiểu như vậy. Mà tất cả những lần chúng ta nói ác, nghĩ ác, làm ác; những lần chúng ta nói thiện, nghĩ thiện, làm thiện; thì chúng ta đều để lại một cái mà trong A tỳ đàm gọi là “Thường cận y”, có nghĩa là “thói quen”. Nó chỉ là thói quen thôi và nó vô hình vô tướng. Mai này, một lúc nào đó trong đời này hay trong một kiếp khác mà gặp đúng điều kiện, đúng môi trường, đúng hoàn cảnh thì thói quen kia nó sống dậy.
Có một hiểu lầm rất lớn trong không ít Phật tử nghe ba chớp ba nháng lời thuyết giảng cũng hơi sơ sài và bất cẩn của các vị giảng sư, mà tôi đã nghe rất nhiều lần. Đó là cho rằng một người đã tự sát thì 500 kiếp sẽ không được làm người. Thật ra cái đó là hiểu sai! Nên hiểu chuyện đó như vầy: Khi mình đã một lần tự sát được thì chuyện đó trở thành ấn tượng tâm lý, nó đọng lại thành một thói quen tâm lý, thành một phản xạ tâm lý. Mai này đời sau kiếp khác khi gặp chuyện khó khăn không thể giải quyết, khi cần phải trốn tránh một niềm nỗi nào đó; thì theo thói quen chúng ta sẽ tìm đến cái chết như là kiếp xưa mình đã từng phản ứng như vậy. Đó là cái “thói quen”. Cứ gặp khó là như vậy. Đau buồn quá, sợ hãi quá, thấy mình bất lực không còn hướng giải quyết là liền T* t* - vì nó đã đọng thành thói quen.
Có nghĩa là Phật tánh, tánh giác ngộ của mỗi người không phải là một viên ngọc, một cục gì đó nằm sẵn đâu đó chờ mình. Không phải! Mà nó chỉ là thói quen. Do nhiều đời sanh tử sống trong phiền não không được nghe chánh Pháp, không suy tư chánh pháp, không hành trì chánh pháp nên phản xạ tâm lý của chúng ta khi 6 căn biết 6 trần thường là chúng ta phản ứng bằng phiền não thôi.
Thí dụ mình gặp cảnh bất toại không như ý, cái làm mình bực. mình giận, mình ghét sợ thì mình phản ứng bằng tâm sân. Còn khi gặp cái gì ngọt ngào, hứng thú, hấp dẫn mình phản ứng nó bằng tâm tham. Hiếm khi nào trước một trần cảnh đắng hay ngọt mà chúng ta phản ứng bằng tâm thiện. Có nghĩa là “thói quen” của mình nó chỉ là “viên đá lửa” thôi. Cộng với “phiền não” của mình là “xăng hay gas”. Rồi cộng với “trần cảnh” nó giống như “bánh xe” vậy đó. Khi cái căn, cảnh, thức mà nó gặp nhau, mà nó cộng với thói quen tiền kiếp nữa thì nó mới tạo ra phản ứng tâm lý thiện hay bất thiện. Mình tu tập Giới - Định - Tuệ chính là mình kiểm soát được cái hộp quẹt của mình. Lúc nào là lúc nên bật và lúc nào là lúc không nên bật
Tác giả: Tiểu Ngọc