Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Kỹ thuật tiên tiến tạo đường hầm lọc máu cho bệnh nhân suy thận

(CTO) - Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa triển khai kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff, tạo

(CTO) - Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa triển khai kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff, tạo "đường hầm" dưới da lọc máu cho bệnh nhân thận mạn giai đoạn 5 lọc máu chu kỳ. Đây là một trong những kỹ thuật tạo đường lọc máu tạm thời tiên tiến nhất đang được áp dụng thường quy tại BV.

Bác sĩ thực hiện thủ thuật tạo đường lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Ảnh: BV

Bác sĩ thực hiện thủ thuật tạo đường lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn. Ảnh: BV

Bệnh nhân H.C.G (61 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) suy thận mạn giai đoạn 5, lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Bệnh nhân lọc máu trên AVF (Arteriovenous fistulation) là phương pháp phẫu thuật tạo rò động - tĩnh mạch (hay còn gọi là tạo cầu nối động - tĩnh mạch) là phẫu thuật bắt buộc đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối để có đường mạch máu lọc thận lâu dài. Bệnh nhân nhập viện BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vì viêm tấy, đau nhức AVF tay trái. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, giảm đau, tiếp tục lọc máu chu kỳ theo lịch lọc máu. Tuy nhiên do AVF tay trái đang nhiễm trùng, nên bệnh nhân G được bác sĩ tư vấn và chỉ định đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff tạo đường hầm để lọc máu. Thủ thuật đặt catheter khoảng 30 phút. Sau thủ thuật, người bệnh tỉnh, tiếp xúc tốt, không đau, không mệt, được lọc máu ngay trên catheter vừa đặt.

Trường hợp khác, bệnh nhân T.T (72 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) suy thận mạn giai đoạn 5, bị nhồi máu cơ tim, có chỉ định lọc máu chu kỳ. Tuy nhiên, do bệnh nhân chưa được phẫu thuật tạo AVF nên được chỉ định đặt catheter tĩnh mạch cảnh.

BS CKII Nguyễn Thị Mai Lan, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Người bệnh suy thận mạn giai đoạn 4, 5 có điều trị thay thế thận đều cần có đường mạch máu lâu dài. Trước đây, bệnh nhân được chỉ định đặt catheter tĩnh mạch đùi trong thời gian chờ đợi tạo AVF. Tuy nhiên catheter tĩnh mạch đùi có thời gian sử dụng ngắn, khoảng 1-2 tuần; dễ nhiễm trùng do khó vệ sinh. Bệnh nhân phải hạn chế vận động chỗ chân đặt catheter vì sợ chảy máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải đặt nhiều lần catheter tĩnh mạch đùi trong thời gian chờ AVF trưởng thành (khoảng 8-10 tuần) mới sử dụng được, làm tăng chi phí điều trị.

Hiện Khoa Thận tiết niệu, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã triển khai kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch cảnh 2 nòng có cuff, tạo đường hầm dưới da lọc máu cho bệnh nhân suy thận cần lọc thận. Đặt catheter 2 nòng có cuff, tạo đường hầm là một thủ thuật cần thao tác tỉ mỉ với độ khó cao, là một trong những kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành thận nhân tạo. Kỹ thuật này có các ưu điểm: thời gian sử dụng catheter lâu, có thể kéo dài trên 6 tháng; catheter đặt vị trí này ít ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như vệ sinh của bệnh nhân nên hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng; tiết kiệm chi phí hơn so với đặt catheter tĩnh mạch đùi. Đặc biệt, sau khi đặt catheter tĩnh mạch cảnh có thể sử dụng lọc máu ngay; bệnh nhân không phải nằm viện nội trú và có thể xuất viện trong ngày.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, suy thận mạn là bệnh lý nội khoa thường dẫn tới nhiều biến chứng làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống. Việc điều trị đúng phương pháp giúp làm chậm diễn tiến bệnh.

THU SƯƠNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/ky-thuat-tien-tien-tao-duong-ham-loc-mau-cho-benh-nhan-suy-than-a162068.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY