Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Lên thượng ngàn sông Mã

Nhà báo, nhà văn Võ Hồng Thu và sự mạnh dạn làm báo theo cách của riêng mình

Bài liên quan

Dấu ấn nghề với đồng nghiệp Điện Biên: Vật vã “chào đời” sau lũ ống Mường Lay

Xa xôi, cách trở nên báo chí dưới xuôi gần như chẳng đâu lui tới; nhưng lại là điểm tôi mong muốn trong chuyến tác nghiệp này.

Chiếc u oát cũ mèm bị khuất phục bởi tay lái cự phách của tòa báo sòng sọc, miết mải leo đèo, vượt suối gần nửa ngày trời mới đưa được Tổng Biên tập Hoàng Văn Thành, nữ nhà báo Lê Lan (nay là PV báo Nhân Dân), Trần Thắng, cùng Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Đội trưởng Đội công tác xây dựng cơ sở chính trị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và tôi người ngoại tỉnh nhoài nhược thân xác mới tới được chặng dừng chân thứ nhất. Cùng nhập đoàn còn có Lầu A Vàng phóng viên “cắm bản” của Báo Điện Biên Phủ tại 2 xã kể trên. Anh đi xe máy dẫn đường, cũng còn để có phương tiện khi ở lại với dân nơi “cắm bản”. Tổng Biên tập (biệt danh Thành Râu) kéo tôi sang bên vệ đường lầm bụi sậm sụi, anh khoát tay, rành giọng: Đây là trung tâm xã Pú Hồng. Bên ngọn núi cao ngất, mây viền trắng xốp như bông ấy là xã Phình Giàng. Địa bàn hai xã này đều ngự ở thượng nguồn sông Mã, huyện Điện Biên Đông. Đất dốc, người thưa, núi cao, vực thẳm, canh tác khó khăn. Diện tích tự nhiên tương tự nhau, Pú Hồng 126km2 thì Phình Giàng cũng rộng tới 102km2. Dân số một bên là 3.570 khẩu thì bên kia cũng có tới 3.700. Hai xã đều có đông dân tộc H’Mông và Khơ Mú. Khác là bên này có thêm dân tộc Thái; dân tộc Lào. Điều hệt nhau nữa là diện đói nghèo đều “quá bán”. Pú Hồng đói nghèo đậm hơn, chiếm tới 64% dân số. Hơn nữa cả 2 xã này đều trong tình trạng kinh tế xã hội rất kém phát triển, chậm chuyển đổi kinh tế, tiếp cận thị trường lúng túng. Tình trạng du canh, du cư tự do thường diễn ra. Dân số tăng nhanh, rừng bị tàn phá, đất bạc màu. Nhiều cán bộ chưa biết việc, kém trách nhiệm v.v... Bởi vậy, tỉnh mới giao cho Báo Điện Biên Phủ có trách nhiệm giúp 2 xã Thượng ngàn này thoát nghèo! - Thoát nghèo! Tôi sửng sốt thốt lên, rồi dồn nhời như ma đuổi: Lũ nhà báo chúng ta thiên hạ lạ gì. “Nói thì như rồng leo, làm thì như mèo mửa”. Công sức đâu, tiền của đâu, nghề ngỗng gì, hiểu biết gì để giúp dân cơ chứ? Không khéo lại nhờ dân xoá bữa thì có!... Tôi cứ nói, Thành Râu cứ nghe. Tôi cạn nhời thì hắn thủng thẳng: - Cho nên em rất cần bác lên với thượng ngàn!

Trung tâm xã Pú Hồng mà trụ sở xã chả hơn gì một cái lán hồi sơ tán dựng tạm trong rừng sâu. Trạm xá xã cũng tựa hồ như mấy cái lán trại. Phòng bệnh nhân kiêm luôn cả phòng đỡ đẻ. Giường bệnh không màn chống muỗi, không có chăn chống rét. Cơ ngơi để cứu người bệnh là thế còn nói gì đến chuyện thiết bị này thiết bị kia, Thu*c này Thu*c nọ... Việc phòng bệnh, chống bệnh cho hơn chục dân bản vẫn do “thầy mo” đảm nhận. Xã xa, bản sâu, điện chưa về, đường xe chưa có,  kinh tế lụi, văn hoá lùn, thiên tai liên tiếp, mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa, cỏ ch*t, rừng cháy, vì miếng ăn phải lần hồi từng bữa, từng ngày... Mùa Giống Vàng, Chủ tịch xã Pú Hồng, lo toan, lam lũ, vất vả hiển hiện tất cả trên dáng vóc, khuôn mặt, giọng nói: - Sinh đâu âu đấy. Đói khổ như số phận truyền kiếp đeo bám lấy dân bản mình mà!...

Chúng tôi tới thăm trường tiểu học của xã. Ngôi trường mới được xây bằng vốn từ chương trình 135 của Chính phủ. Nhà ở của giáo viên mà chỉ là những chiếc lán che đậy tềnh toàng. Từ bàn soạn giáo án cho đến những chiếc giường nằm đều kết bằng những phên nứa oặt ẹo! Bám víu chênh vênh bên rệ trường là mấy chục chiếc lều nhỏ xíu, xiêu vẹo, mái gianh, vách lá, giường phên, được gọi là: Khu bán trú dân nuôi với 80 em học sinh tiểu học đến từ các bản xa lắc xa lơ. Hết thảy sinh hoạt, học hành, ngủ nghê, nấu nướng đều chen chúc trong túp lều vài ba mét vuông. Em nào em nấy, gầy mòn, mặt mày xanh le xa lét. Chui vào các lều, hỏi các em: - Thức ăn trong bữa cơm em ăn có những gì? - Muối trắng! Chúng tôi nâng bao gạo mầu chàm, đóng bằng chân của chiếc quần vá đùm vá đụp, hỏi: - Mới đầu tuần, sao em đem ít gạo thế? - Bữa nấu cơm. Bữa nấu cháo mà! Nước mắt ào ra trên gò má của hết thảy chúng tôi!...

Đến bản Nậm Mạ, nét hoang dã thượng ngàn xa xăm ập vào mắt chúng tôi. Hàng chục cháu, có đứa tuổi 13 - 14 vậy mà vẫn ở chuồng ngay cả trong những ngày trời lạnh, giá buốt. Em nào cũng bụng ỏng đít vòn. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu màn che muỗi, thiếu Thu*c chữa bệnh, không được đến lớp, đến trường. Cả bản có 128 khẩu với 20 hộ dân toạ dựng trên những chiếc nhà sàn tuềnh toàng, gầm sàn thấp tè, mái gianh. Lợn, dê thả rông, trâu bò thả rông, trẻ nhỏ cũng thả rông. Không nhà nào có công trình vệ sinh; nguồn nước sinh hoạt dồn vào dòng suối thượng nguồn sông Mã ô nhiễm nghiêm trọng. Đường đi lối lại ngập ngụa phân trâu, phân lợn bởi tập tục nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn nhà. Mùa mưa về, lầy lội, ẩm ướt, bùn bẩn trộn với phân gia súc, gia cầm dưới gầm sàn tạo mùi xú uế tởm lợm; ruồi muỗi, dòi bọ bu bám, sinh nở gây bệnh đau mắt, giun sán, tiêu chảy... khiến cho dân số mấy năm nay gần như nguyên trạng!...

Lối nào sẽ là đường ra cho Nậm Mạ bây giờ? Câu hỏi lay lói tôi suốt đêm ngủ lại ở bản Ten của dân tộc Lào, cách Nậm Mạ không xa. Câu hỏi ấy cũng cứ lẽo đẽo theo tôi khi tới Phình Giang đất trú ngụ của dân tộc Mông đâu đâu cũng khổ, cũng nghèo! “Cắm bản” để giúp dân bản xóa nghèo ư! Một chủ trương lớn, một cách làm hay của tỉnh Điện Biên. Nhưng với Báo Điện Biên Phủ thì sao? Lần lần tôi đã nhận ra... Xe đưa chúng tôi lên thượng ngàn sông Mã mà họ mang theo lỉnh kỉnh nồi niêu, bát đũa, mắm muối, rau củ, quả để tự lo bữa hoặc để góp với dân bản cùng ăn, cùng ở....

Tới thượng ngàn, mới hay, Ban biên tập Báo Điện Biên Phủ đang dồn sức lực cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên địa vực được tỉnh phân công. Đây là mục tiêu kinh tế - mục tiêu chính trị - xã hội quan trọng của tỉnh. Hiện Điện Biên có 57 xã đặc biệt khó khăn. Các xã kể trên đều do Sở, Ban, ngành hoặc đoàn thể phụ trách. Đây là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, lâu dài nên các đơn vị được phân công giúp đỡ đều kiên trì, tâm huyết, trách nhiệm. Giải pháp với đồng bào dân tộc là phải cầm tay chỉ việc. Xây dựng các mô hình kinh tế để họ nhìn thấy, làm theo. Phải cắm xã, cắm bản, sát sao từng việc; dùng khoa học, bằng khoa học để đổi mới cách làm, cách nghĩ cho dân; gắn bó máu thịt với dân, với cán bộ địa phương... Cùng đó phải tìm kiếm cách huy động vốn để có vốn giúp dân, hỗ trợ cho dân theo tinh thần trao “cần câu” giúp cho họ để họ tự câu - tránh chỉ nhăm nhăm lo cho họ “xâu cá”, dễ sinh thói ì! Nhà báo Lầu A Vàng như một tấm gương “Cắm bản”. Vàng nhanh chóng dấn mình vào công việc: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm - cùng tham gia công tác chính trị xã hội với xã, với bản và cùng nói tiếng dân tộc. Nhanh trí, chịu đi, chịu đến, chịu nghe, chịu hiểu. Vốn gốc là dân tộc Mông, anh năng động lặn lội tới các bản, ở với dân, nói thạo cả tiếng Thái, tiếng Lào, Khơ Mú và tiếng của người Dao v.v... Phong cách ấy giúp Lầu A Vàng sớm định ra cách thức xây dựng các mô hình xoá đói, giảm nghèo giàu tính thực tiễn, giúp dân bản chuyển đổi nhận thức canh tác, xây dựng môi trường ăn ở trong sạch... Giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm; tạo dựng mô hình trình diễn, vận động cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản gương mẫu làm trước để dân bản làm theo!...

Để đàn trâu, đàn bò của dân bản khỏi ch*t đói vì thiếu cỏ kéo dài trong mùa khô hanh; để dân bản có thêm cái ăn, có nguồn hàng xuất khẩu, theo đề xuất của Vàng, tòa soạn đã huy động hàng chục triệu đồng, huy động công sức của tập thể, mua và thuê xe chuyển hàng tấn cỏ voi, cỏ fat (giống cỏ chịu hạn, giàu dinh dưỡng); mua hàng ngàn gốc tre điền trúc, tre bát độ (giống tre cho măng xuất khẩu) chuyển về trồng giúp một số hộ dân ở bản Phiêng Muông, Tin Tốc A, (xã Pú Hồng); bản Hổi Có, Sa Mua A (xã Phình Giàng)... Trích quỹ, hỗ trợ dân các bản vay hàng chục triệu đồng trong hai năm không lấy lãi để những gia đình khó khăn được mua con giống về nuôi, thay giống đã quá còi cọc. Giúp dân làm thủy lợi nhỏ trên đất dốc, ruộng bậc thang có nhiều khe suối để thâm canh, tăng vụ lúa nước, giữ cho rừng khỏi bị tàn phá ở Cảnh Lai, Huổi Có (Phình Giàng), ở Bản Chả B, Na Nếch (Pú Hồng)... Hỗ trợ vốn giúp 40 hộ dân làm chuồng để di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà, giữ môi trường sạch sẽ nơi ăn ở. Giúp non trăm triệu tiền vốn, cùng công xá xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho học sinh trường tiểu học khang trang ở xã Pú Hồng...

Việc làm của đồng nghiệp báo chí Điện Biên Phủ khiến tôi luôn ngẫm ngợi về bổn phận của mình. Trở về Hà Nội, tôi viết bài nhờ Chuyên đề An ninh thế giới của Báo Công an nhân dân loan tin trong số ra ngày 21/3/2007 kêu gọi lòng hảo tâm: “Hãy đến với dân bản nơi hoang dã thượng ngàn” kèm theo bức ảnh với chú thích “Trẻ em ở đây thiếu ăn, thiếu mặc và không được đến trường”. Bài báo để lại niềm xúc động sâu sắc trong lòng bạn đọc cả nước. Chỉ trong mấy ngày đầu tuần đã có hàng chục lượt người tìm đến báo, tìm đến tác giả nhờ chuyển tiền và hàng lên giúp Nậm Ma. Công ty Vinh Hạnh chở đến 50 phích nước, 120 chiếc chăn, màn, quần áo, sách vở, giày dép... cùng 5 triệu đồng. Các phật tử chùa Linh Sơn, Thanh Nhàn, Hà Nội tổ chức quyên góp, gửi gấp 100 thùng hàng gồm gạo, bột canh, mì tôm, quần áo cùng 2,5 triệu đồng. Ông Lâm Tấn Lợi - chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, phải thuê nhà cho gia đình mình ở, rộng lòng từ thiện vẫn trực tiếp từ thành phố Hồ Chí Minh bay ra, mang 30 triệu đồng trực tiếp trao cho dân bản Nậm Ma. Ông Vũ Văn Thảo - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch nhờ báo Điện Biên Phủ giúp 20 triệu đồng. Cụ Nguyễn Văn Giá 86 tuổi lão thành cách mạng, ở xã Quân Khê, Hạ Hòa, Phú Thọ nhờ cán bộ của HNBVN chuyển qua Báo ANTG 300 ngàn đồng. Chị Lê Loan - Ngân hàng Nhà nước Phú Thọ nhờ chuyển 100 ngàn đồng cùng 30 bộ quần áo. Ông Hồ Đức Phước - Bí thư Thị trấn Cửa Lò (nay là Tổng Kiểm toán Nhà nước) chuyển lên 5 triệu đồng. Chị Trần Thị Vân ở thành phố Hồ Chí Minh gửi ra 500 ngàn đồng; ông Nguyễn Tiến Đạt gửi 2 triệu đồng, chị Kim, Trà Đỗ Huy, Ban Kỹ thuật E28, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cùng nhiều người ở Củ Chi, Đồng Nai đã gửi ra nhiều trăm ngàn đến nhiều triệu đồng mong chuyển tận tay dân bản... Một phụ nữ ở Đồng Nai (đề nghị giấu tên), qua điện thoại chị thổ lộ: Em người xứ Bắc, vào đây sinh sống. Gia đình em còn khó khăn xin nhờ tác giả chuyển giúp 3 triệu đồng là tấm lòng của em đến dân bản Nậm Ma!... Tiếp nối, nhiều và nhiều nữa... hướng về Điện Biên, về những bản nghèo... Những bạn đọc với tấm lòng như thế, họ chẳng mong chi được đặt chân tới Nậm Mạ nhận sự tri ân, nhưng họ đã sống vì lương thức làm người. Hôm dân bản nhận quà từ tay nữ nhà báo Việt Hà - An Bình của Báo CAND trao tặng, nhiều người không giấu nổi những giọt nước mắt. Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ - Hoàng Văn Thành giọng rưng rưng: Thưa với bà con dân bản! Số tiền tình nghĩa này, chúng tôi đã thống nhất với chính quyền địa phương gom lại để mua trâu bò hỗ trợ các hộ nghèo. Báo Điện Biên Phủ sẽ giúp trồng cỏ voi để nuôi trâu bò, giúp bà con làm một số chuồng cho các hộ nuôi nhốt theo kiểu trang trại để giữ sạch môi trường sống!...

Cảnh đói khổ xưa ở những bản làng của 2 xã kể trên giờ đã chìm vào dĩ vãng. Đời sống đã đổi thay, bản làng mới đang hình thành. Tình dân - tình người no đói có nhau luôn thức thả tôi gắn với Điện Biên với đồng nghiệp thân yêu của mình!

Tháng 8, mùa thu 2020 nhớ lại

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển

(Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – HNBVN)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/len-thuong-ngan-song-ma-post94375.html)

Tin cùng nội dung

  • Đã từ lâu, khoảng cách luôn là vấn đề không nhỏ trong hẹn hò tình yêu. Do vậy, khi bạn và chàng làm việc cùng nhau, không có lý gì mối quan hệ của cả hai không tiến triển thuận lợi, tốt đẹp.
  • Sau khi nước dòng suối Hồng Khếnh, đoạn qua Đội 18, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên bất ngờ xuất hiện màu đỏ như máu, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ.
  • Em đã “ân ái” và trao đi sự sự trinh trắng cho một người đàn ông khác trên chính chiếc giường cưới hạnh phúc của chúng tôi. Liệu tôi có nên tha thứ và kết hôn với người con gái đã phản bội tôi trước hôn nhân ba ngày không?
  • Lúc mới phát hiện chồng chát với bạn gái trên mạng, Yến - cô bạn thân của tôi đã làm ầm lên vì ghen.
  • Trong các giấc mơ về “chuyện ấy”, có khi bạn là người trong cuộc, có thể bạn nhìn thấy người khác làm “chuyện ấy”… Ngoài các cung bậc cảm xúc khi mơ, chắc bạn cũng muốn “đoán mộng” xem lành dữ thế nào khi mơ về “chuyện ấy”?
  • Những thông tin về gia cảnh, những lời ăn năn và ân hận muộn mằn của đồng nghiệp Tường làm tôi càng thêm xót xa, nặng trĩu, nuối tiếc và cả hoang mang nữa về nghề nghiệp của mình, tương lai của mình.
  • Bệnh viện có thêm 2 nhân viên mới: 1 bác sĩ (BS) và 1 dược sĩ đại học (DSĐH) mới tốt nghiệp từ Hà Nội về nhận công tác.
  • Khi TS. Ngô Kim Chung - nguyên Giám đốc Bệnh viện 175 TP. Hồ Chí Minh trao đổi cùng tôi về những trường hợp tai biến sản khoa gần đây, ông kể: “Hồi còn làm việc ở Bệnh viện Việt Đức, thời gian đó có nhiều tai biến phẫu thuật, thầy Tôn Thất Tùng đã từng than thở: série noire (loạt đen)”.
  • Trong nghề y chúng ta từng chứng kiến sai lầm của đồng nghiệp và dĩ nhiên là cũng có đồng nghiệp chứng kiến sai lầm của chúng ta.
  • Hòa hợp với đồng nghiệp trong công việc không chỉ nâng cao năng suất lao động, mà nó còn nâng cao sức khoẻ và tuổi thọ.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY