Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Mẹ cùng hai con xuống lấy hàng, vừa rời mắt vài giây, con trai liền biến mất, tiếng khóc vọng ra từ vị trí bất ngờ làm mẹ tá hỏa

Do lúc lấy đồ không quan sát, khi ngoảnh lại nhìn thì người mẹ giật mình sợ hãi vì không thấy con trai 2 tuổi đâu cả.

Mới đây, tại khu vực tầng trệt của một khu căn hộ ở Ôn Châu, Chiết Giang (Trung Quốc) đã xảy ra một sự cố khiến nhiều phụ huynh giật mình.

Cụ thể vào hôm xảy ra sự việc, người mẹ dắt hai đứa con nhỏ xuống nhà để lấy hàng ở khu vực tủ chuyển phát. Trong lúc loay hoay lấy đồ, người mẹ đã không để mắt tới con trai. Chỉ trong vòng vài giây ngắn ngủi, cô giật mình nhìn lại thì con trai vừa đứng ngay bên cạnh đã biến đi đâu mất.

Lúc này, từ bên trong tủ đựng đồ bỗng nhiên có tiếng khóc vang vọng. Hóa ra lúc người mẹ mở tủ không chú ý, cậu bé 2 tuổi nghịch ngợm đã trèo vào bên trong. Cánh cửa tủ sau đó tự động đóng sập lại và khóa lại.

Người mẹ hoảng sợ, vội vàng gọi điện ngay cho đội cứu hộ đến giúp đỡ. Vì không gian trong tủ rất hẹp, đứa trẻ hoảng sợ khóc lớn, nếu chần chừ lâu, có thể bên trong sẽ giảm oxy gây ngạt thở và tăng nguy cơ bé tự làm mình bị thương.

Vừa đến hiện trường, nhân viên cứu hộ một mặt xoa dịu đứa trẻ bằng lời nói, mặt khác cố cạy một khe hở ở cánh cửa tủ, giúp không khí lưu thông tốt hơn. Khoảng 15 giây sau, đội cứu hộ đã mở được cánh cửa tủ thành công. Một nhân viên cảnh sát nhanh chóng bế đứa bé ra ngoài, giao lại cho người mẹ. May mắn thay, đứa trẻ không gặp bất cứ tổn thương nào, chỉ khóc lớn vì quá hoảng sợ.

Đội cứu hỏa địa phương sau đó cũng chia sẻ lời nhắc nhở đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ, phải luôn đề cao cảnh giác, quan sát con cẩn thận hơn vì trẻ em vốn dĩ rất nghịch ngợm, tò mò và hiếu động. Một giây sơ suất có thể khiến các bậc cha mẹ phải hối hận cả đời.

Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra cảnh báo về một số khu vực nguy hiểm mà trẻ nhỏ hay bị mắc kẹt.

Tay vịn ghế, lan can, khoảng trống chỗ cửa kính ở trung tâm thương mại, cửa sổ ô tô, khung cửa sổ chống trộm... là những vị trí trẻ dễ bị kẹt đầu nhiều nhất. Khi bị mắc kẹt, trẻ sẽ rất hoảng sợ và phản ứng bằng cách vùng vẫy. Tuy nhiên hành động này thường khiến đầu bị căng hơn, một khi bị chèn ép vào đường hô hấp có thể gây ngạt thở.

Lúc này phụ huynh nên cố gắng trấn an, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn. Nếu cơ thể trẻ bị treo lên cao, phụ huynh cần bế trẻ lên càng sớm càng tốt để không chèn vào đường thở. Không nên hấp tấp giải cứu mà hãy gọi đội cứu hộ. Đặc biệt khi trẻ mắc kẹt đầu ở cửa kính, cửa sổ, nếu mạnh tay đập bể sẽ có khả năng gây tổn thương thứ cấp cho trẻ.

Những loại nắp vặn, lỗ vặn ốc, lỗ khóa, vòng, móc chìa khóa, các lỗ nhỏ trên vật dụng gia đình, dây xích xe đạp, lỗ trên đồ chơi, khe cửa... là nhưng vị trí trẻ dễ bị kẹt ngón tay hoặc ngón chân. Tuy không gây nguy hiểm như bị mắc kẹt đầu nhưng nếu để lâu, tình trạng thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến việc hoại tử chi.

Việc bố mẹ cần làm khi xảy ra T*i n*n là phải bình tĩnh, không được kéo mạnh tay chân vì sẽ gây tổn thương nặng hơn, thậm chí bị gãy. Tìm các loại chất bôi trơn như dầu ăn, dầu massage, dầu gội, sữa tắm... bôi vào chỗ mắc kẹt, từ từ rút ngón tay, ngón chân của trẻ ra. Nếu các bộ phận bị sưng tấy, đừng cố sức kéo thêm vì sẽ khiến trẻ đau đớn, hãy gọi ngay cho cứu hộ.

(Nguồn: Sohu)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/me-cung-hai-con-xuong-lay-hang-vua-roi-mat-vai-giay-con-trai-lien-bien-mat-tieng-khoc-vong-ra-tu-vi-tri-bat-ngo-lam-me-ta-hoa-20210912145938039.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY