Chị Nguyễn Thị Bình (36 tuổi), giáo viên tại Hà Nội gần đây chia sẻ những hộp cơm trưa tự làm cho con trai và đăng lên một nhóm nấu ăn. Con trai chị - Nguyễn Khôi Minh, đang học lớp 4 một trường quốc tế trong thành phố. Trường của Minh cho phép học sinh lựa chọn ăn cơm của nhà trường hoặc mang từ nhà.
Từ mẫu giáo đến lớp 2, chị Bình đăng ký cho con ăn cơm tại căng-tin trường để giáo dục tính cộng đồng như biết xếp hàng lấy đồ ăn, tập ăn những món không thích và mang bát đĩa vào đúng nơi quy định. Đến khi Minh học lớp 3, mẹ bắt đầu chuẩn bị những bữa trưa cho con mang đi.
"Tôi muốn qua mỗi bữa ăn con cảm nhận được tình yêu thương, rằng cha mẹ luôn cạnh bên ngay cả khi con ở trường", Bình nói và cho hay khi chị còn bé, mẹ chị cũng thường dậy sớm nấu cơm cho con. "Đó là tình yêu con tự nhiên mà tôi học được từ mẹ mình".
Do công việc của chồng bận rộn nên ít khi bữa tối có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Bởi vậy bữa tối chị Bình nấu rất đơn giản. Con trai lại hay đi ngủ sớm nên chị cố gắng chăm chút bữa ăn cho con vào buổi trưa.
Để có bữa cơm trưa nóng sốt, chị Bình thường dậy từ 6h sáng, mất khoảng một tiếng để nấu bữa sáng và bữa trưa để hai mẹ con mang đi vào lúc 8h. Thực đơn và nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước, chị cùng con ghi ra giấy thực đơn cho cả tuần. Người mẹ này thường làm song song các món ăn cùng nhau, trong thời gian đợi các món mặn chính, chị sẽ nhặt, rửa rau, gọt trái cây rồi nấu tiếp món thứ hai.
Món mặn trong thực đơn được thay đổi linh hoạt, chủ yếu được chế biến từ thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá hồi. Hộp cơm của Minh còn được mẹ chuẩn bị nhiều loại rau xanh, hạn chế đồ chế biến sẵn hay các món chiên, rán nhiều dầu mỡ. Ngoài cơm trắng, chị còn khuyến khích con ăn đa dạng các loại tinh bột như cơm gạo lứt, xôi hoặc phở. Món ăn khi chuẩn bị xong đều được để nguội rồi mới cho vào hộp, tránh hấp hơi, mất mùi vị.
Người mẹ 36 tuổi thường chuẩn bị món tráng miệng là trái cây theo mùa. Mỗi ngày chị dành 5-10 phút gọt sẵn hoa quả, đặt vào cùng hộp cơm để khi đến trường con trai chỉ việc thưởng thức. Đặc biệt, nữ giáo viên này còn gửi gắm thông điệp yêu thương tới con bằng cách viết lên vỏ chuối, cam những dòng chữ như "Mẹ yêu con", "Ngon miệng" hay "Yummy".
Chi phí mỗi bữa ăn từ 30-60.000 đồng, ngày có thêm món cá hồi thì chi phí đắt hơn, khoảng 100.000 đồng. Trước khi ăn, Minh thường tự cho vào lò vi sóng của trường hâm nóng. Nhiều hôm mẹ đi làm nửa ngày thì đến trưa mới mang hộp cơm đến trường cho con.
Gần 2 năm nấu cơm trưa cho con, chị Bình phải học hỏi và rút kinh nghiệm nấu nướng từ những bà mẹ khác. Có hôm chuẩn bị thịt gà hấp, rau cải luộc nhưng đọc báo thấy kết hợp như vậy không tốt, lần sau chị không đưa vào thực đơn cùng một ngày nữa.
"Dù trẻ con thích các món chiên rán, nhưng tôi rất hạn chế. Món rau thì thường xuyên làm rau luộc, hấp hoặc canh chứ không làm rau xào, để đảm bảo sức khỏe cho con", chị chia sẻ kinh nghiệm của mình. Bà mẹ này cũng cho biết, Minh hay được mẹ nấu cho món cá hồi. Dù giá cả đắt hơn so với các món khác nhưng theo chị vì tốt cho sự phát triển của con nên một tuần cũng xuất hiện trong hộp cơm từ 1-2 lần.
Trong lớp Minh có nhiều bạn được bố mẹ chuẩn bị cơm trưa nên có thể trao đổi thức ăn với nhau. Bởi vậy, bữa trưa thường được chị Bình chuẩn bị với số lượng khá nhiều để con trai trao đổi với các bạn. "Mình muốn con hiểu rằng cuộc đời này cần phải biết cho đi, không ai tạo ra được tất cả mọi thứ", người mẹ nêu quan điểm dạy con.
Cơm mẹ nấu, Khôi Minh luôn tỏ ra thích thú. "Đồ ăn trưa mẹ làm siêu ngon, con và các bạn đều mê tít", cậu bé 11 tuổi tíu tít kể mỗi lần tan trường. Có lần mẹ đang chuẩn bị đồ ăn, cậu bé chạy lại ôm từ phía sau: "Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ vì luôn nghĩ cho con", chị Bình kể lại niềm vui của con mỗi khi được mẹ nấu bữa trưa mang đến trường.
Bài viết của chị Bình khi được chia sẻ đã nhận được hàng trăm bình luận và hàng nghìn lượt yêu thích, hầu hết đều khen ngợi tài nấu nướng và cách dạy con thông qua bữa ăn của người mẹ. Nữ giáo viên hy vọng gia đình nào có hoàn cảnh giống mình có thể tham khảo sự chia sẻ, gợi ý để sáng tạo ra những bài học nuôi dạy con tốt hơn.