Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Do đó, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Và theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở |
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ông Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam hiện đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cùng với cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ lượng Thu*c men liên quan đến việc khám, chữa bệnh, nhu cầu sử dụng Thu*c của người bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh nhân bị cách ly, dù là cách ly tập trung hay tại nhà có nhu cầu khám chữa bệnh, ngoài chi phí đặc trị cho Covid-19 còn những chi phí còn lại của người có thẻ BHYT sẽ được BHXH chi trả 100%.
Ngoài ra, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus Covid-19. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.
Theo Công văn số 505/BYT-BH của Bộ Y tế, trường hợp được miễn chi phí khám, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/12/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, bao gồm: Ca bệnh nghi ngờ nhiễm; ca bệnh có thể nhiễm; ca bệnh xác định nhiễm nCoV.
Đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, đang trong thời gian cách ly mà mắc phải các bệnh khác phải khám, điều trị hoặc đang điều trị bệnh khác mà bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, trường hợp người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí đã được miễn. Còn nếu điều trị tại nơi không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp cấp cứu, trừ chi phí khám chữa bệnh đã được miễn. Riêng người không có thẻ BHYT thì phải tự thanh toán chi phí điều trị bệnh khác.
Về các chế độ, quản lý, kinh phí đối với người bị cách ly y tế, Thông tư 32/2012 của Bộ Tài chính quy định: Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại cửa khẩu, tại các cơ sở, địa điểm khác sẽ được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày bị cách ly; miễn phí di chuyển đến cơ sở bị cách ly.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với Ban Chỉ đạo quố gia phòng chống dịch Covid-19 về vấn đề kinh phí điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, đối với người nước ngoài, nếu mắc Covid-19, được điều trị tại các cơ sở y tế tại Việt Nam thì phải trả phí điều trị. Tuy nhiên, người nước ngoài không phải trả chi phí khi cách ly tập trung và xét nghiệm ban đầu tại Việt Nam.