Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Mở lại các đường bay quốc tế: Lợi bất cập hại!

Cục Hàng không nói về mở lại đường bay quốc tế về Việt Nam

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 1/4, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại quốc tế các chuyến bay chở công dân Việt Nam hồi hương được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao.

Việc dừng khai thác thương mại các đường bay quốc tế đã khiến ngành hàng không, du lịch thiệt hại nghiêm trọng. Mặc dù các hãng hàng không đã triển khai mọi giải pháp hạn chế nhưng hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề. Thống kê tính riêng trong năm nay, các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại lên tới hơn 4 tỷ USD.

Trên thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” trở nên hấp dẫn.

Theo đó, Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển. Những người sống trong khối có thể đi lại tự do bằng các phương tiện giao thông  và tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.

Trong bối cảnh “ngặt nghèo” như vậy thì vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế đến một số nước đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xây dựng quy trình cụ thể thực hiện phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 trong vận tải hàng không để cho phép khách du lịch nhập cảnh Việt Nam nếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Đây không phải lần đầu tiên có cơ quan, tổ chức đề xuất mở lại đường bay quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Tháng 7/2020, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối".

Tuy nhiên, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo cần hết sức cân nhắc, thận trọng khi xem xét, quyết định mở lại đường bay quốc tế, chỉ nên ưu tiên những hoạt động đi lại thực sự cần thiết.

Thông tin từ TS. Kidong Park - giám đốc WHO tại Việt Nam, các quốc gia cần căn cứ trên ba yếu tố dịch bệnh đã được kiểm soát hay chưa (ở cả hai đầu chuyến bay), hệ thống y tế có khả năng ứng phó với việc gia tăng ca bệnh khi mở lại đường biên và nối lại các chuyến bay quốc tế hay không, hệ thống giám sát có khả năng phát hiện, truy vết, quản lý các ca bệnh xâm nhập hay không.

Khi đặt ra vấn đề mở cửa quốc tế trở lại cần phải cân nhắc đến phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không) cùng với năng lực ứng phó của hệ thống y tế, khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Còn theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) việc mở lại các đường bay quốc tế là cần thiết để phục hồi, phát triển kinh tế. Nhưng với điều kiện phải quản lý được con người, qua việc giám sát, cách ly, phát hiện nhóm người nhập cảnh, không để lây lan ra cộng đồng.

Hiện Việt Nam đã và đang tiếp tục đón công dân về nước theo chính sách bảo hộ công dân. Ngoài ra, cho phép nhập cảnh đội ngũ lao động lành nghề, kỹ thuật cao, các chuyên gia,...để cùng Việt Nam phát triển kinh tế. Trong đó đã phát hiện nhiều ca bệnh mắc Covid-19.

Nhiều chuyên gia bày tỏ, thời gian qua, việc nới lỏng việc đi lại và không kiểm soát tốt người nhập cảnh vào nước ta đã khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại, điển hình là tại Đà Nẵng. Hiện một số quốc gia khi nới lỏng các biện pháp giãn cách cũng đã khiến phát dịch trở lại nên việc mở lại các đường bay quốc tế lúc này là không an toàn.

Hiện tại, các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình, người nước ngoài có thẻ cư trú và một số đối tượng đặc biệt là thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên,...

Khi nhập cảnh phải cách ly 14 ngày tại gia đình (đăng ký với chính quyền) hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền sở tại kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ.

Hoàng Lan

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/mo-lai-cac-duong-bay-quoc-te-loi-bat-cap-hai-post92653.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY