Ngày 17.4, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) lại tiếp tục gửi 1 lá đơn cầu cứu tới Thủ tướng. Đây là lá đơn lần thứ 4 được ông Bình gửi đi, chỉ vỏn vẹn trong mấy ngày qua.
Ba lần trước, đơn của ông Bình kiến nghị giải quyết khẩn cấp về những khó khăn của doanh nghiệp do những lô hàng không xuất đi được đang nằm chờ ở cảng. Còn trong đơn lần 4 này, ông Bình nhờ Thủ tướng xem xét, chỉ đạo không để cho đơn vị Hải quan dựa vào các quy định của ngành, để những lô hàng cập cảng bị chậm thông quan.
Trong đơn, ông Bình trình bày, từ ngày 12.4.2020 đến nay, rất nhiều nông dân, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là Chính phủ đã phải "hao tâm tổn sức" do Hải quan thực hiện chỉ đạo về việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo cho tháng 4.2020.
Giám đốc này cho rằng, việc thực hiện chỉ đạo trên một cách không bình thường, và gây thiệt hại rất nhiều đến doanh nghiệp. Ba lần gửi đơn tới Thủ tướng vào những ngày trước, ông Bình kể ra những khó khăn, tổn thất của doanh nghiệp gặp phải do những lô hàng đang nằm chờ ở cảng.
Ông cho rằng, các doanh nghiệp biết Thủ tướng Chính phủ và các cấp lãnh đạo sẽ giải quyết vấn đề trên trong một vài ngày sớm nhất, để ngành hàng lúa gạo không bị thiệt hại thêm nữa.
Trong lần gửi đơn thứ 4, ông nhấn mạnh, phía công ty có 1 kiến nghị nữa là nhờ Thủ tướng xem xét, chỉ đạo không để cho đơn vị Hải quan dựa vào các quy định của ngành, để những lô hàng bị chậm thông quan, tiếp tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp do phải tốn thêm các khoản chi phí phát sinh.
"Vừa là doanh nghiệp vừa là thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tôi tha thiết kính mong Thủ tướng Chính phủ giải quyết thấu đáo vấn đề này. Để rồi các doanh nghiệp lại tiếp tục phản ảnh khiếu nại và các bộ, ngành lại báo cáo Chính phủ giải quyết", đơn gửi Thủ tướng lần 4 của ông Bình nêu.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, đến hôm nay 17.4, lại phát sinh vấn đề về chi phí kiểm hóa. Theo đó, nếu trước kia Hải quan chỉ đến mở các container xem có phải hàng hóa là gạo không, thì nay phía Hải quan đã yêu cầu doanh nghiệp phải đóng tiền để đi cân container gạo, cũng như soi container. Tổng cộng chi phí cho 3 khâu trên khiến doanh nghiệp phải tốn thêm 1,95 triệu đồng/container.
Một điều quan trọng nữa là ngoài chi phí, thời gian để thực hiện các gia đoạn trên cũng rất nhiêu khê, mất thời gian. Từ đó nguy cơ có nhiều đơn hàng khả năng không giao kịp cho khách hàng trong tháng 4 này.
Chủ đề liên quan:
cầu cứu chi phí container doanh nghiệp gửi đơn hải quan kiến nghị nghiệp thủ tục thủ tướng về việc xuất khẩu xuất khẩu gạo