Tháng 10/2014, tại bản Pieng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đã xảy ra một vụ dịch sởi lớn với 48 trẻ từ 1 - 14 tuổi mắc. Nguồn lây bệnh dịch được xác định do trước đó có 2 trẻ em người Lào ở bản Phà Đảnh (cách bản Piềng Cọc hơn 1 giờ đi bộ, có 10 trường hợp Tu vong do sởi) bị sốt và được đưa tới điều trị tại Trạm y tế xã Mai Sơn, lưu trú tại địa phương 3 ngày. Vụ dịch xảy ra, ngành y tế Nghệ An đã thành lập Bệnh viện dã chiến để điều trị cũng như tiến hành dập dịch...
Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An: Qua vụ dịch, bên cạnh những điểm chưa tốt về công tác phòng chống dịch biên giới, điểm sáng nổi lên là đó là vai trò, năng lực của tuyến y tế cơ sở. Trong đó nổi lên vai trò của bác sĩ Và Bá Tủa (Trạm trưởng Trạm Y tế Nhôn Mai điều động sang giúp đỡ Mai Sơn) và các y sĩ của Trạm Y tế xã Mai Sơn. Các y bác sĩ tuyến y tế cơ sở của huyện Tương Dương đã kịp thời cứu chữa người bệnh, có biện pháp ngăn chặn và dập dịch nhanh, không để lây lan rộng.
Bác sĩ Trần Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho hay: Qua bài học ở Pieng Cooc, huyện Tương Dương xác định rõ để Phòng, chống dịch bệnh thì cần phải thực hiện tốt Đề án phát triển y tế miền Tây Nghệ An của tỉnh. Cụ thể là nâng cao năng lực phòng bệnh, khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở bằng việc đầu tư nhân, vật lực cho đến phát triển kỹ thuật khám chữa bệnh. Từ năm 2015 trở lại đây, y tế Tương Dương đã được đầu tư và có nhiều bước phát triển mới.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Quan tâm thực hiện Đề án phát triển y tế miền Tây Nghệ An, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm bổ sụng các trang thiết bị khám chữa bệnh cho Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế các xã, thị trấn nhằm đảm bảo và hiệu quả trong lĩnh vực khám chữa bệnh cho đồng bào nhân dân trên địa bàn huyện.
Ở tuyến xã, đến nay, 18/18 Trạm Y tế xã, thị trấn có bác sĩ. 16/18 Trạm Y tế đã được xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị từ các nguồn kinh phí (riêng Trạm Y tế xã Tam Hợp, Hữu Khuông đã xuống cấp đang trình xin sửa chữa, xây dựng mới). 14/18 xã đạt bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế. 83,1% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động. Đội ngũ y tế thôn bản thực hiện nghiêm túc công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và Phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.
Ở tuyến huyện, hiện Trung tâm Y tế có 159 cán bộ người làm công tác điều trị (27 bác sĩ); 20 người làm công tác dự phòng (4 bác sĩ). Trung tâm đã được đầu tư xây dựng khang trang, với 156 giường bệnh. Đơn vị đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cơ bản như hồi sức tích cực, mổ nội soi ổ bụng, mổ kết hợp xương, nội soi tai – mũi – họng, nội soi đường tiêu hóa, truyền máu... Mỗi ngày Khoa khám bệnh tiếp nhận 110-115 lượt khám bệnh, số bệnh nhân nội trú duy trì 130-150 người.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: Thực hiện Đề án phát triển y tế miền Tây Nghệ An, hệ thống y tế dự phòng từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường, nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện luôn được kiểm soát hiệu quả. Số ca mắc bệnh truyền nhiễm giảm, 100% ca bệnh truyền nhiễm gây dịch được phát hiện và xử lý kịp thời. Chương trình tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi được duy trì. Công tác Phòng, chống các bệnh xã hội được quan tâm đẩy mạnh, tỷ lệ người mắc giảm rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được triển khai rộng khắp. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 17,1%.
Đề án phát triển y tế miền tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 là 1 trong 3 Đề án quan trong của Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện đề án này, không riêng gì Tương Dương mà cả 11 huyện của miền Tây Nghệ An đều có sự đầu tư lớn và đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc về chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An: Từ năm 2015 - 2018, Tỉnh – ngành – các địa phương – tổ chức Quốc tế đã bố trí đầu tư xây dựng 3 Bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện là Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc, Trung tâm y tế huyện Tương Dương, Trung tâm y tế huyện Nghĩa Đàn; đầu tư 12 Trạm Y tế. Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản là trên 214 tỷ đồng... Bố trí đầu tư gần 86 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị. Đến nay, các cơ sở y tế cơ bản đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Sau 3 năm thực hiện Đề án, chất lượng khám chữa bệnh ở khu vực miền Tây đã được nâng lên. Cụ thể: Tại 2 Bệnh viện đa khoa khu vực đã hoàn chỉnh kỹ thuật của Bệnh viện hạng 2, làm được một số kỹ thuật của Bệnh viện hạng 1, cơ bản thực hiện được 75-85% danh mục kỹ thuật phê duyệt, phẫu thuật nội soi ở nhiều chuyên ngành. Tại Trung tâm Y tế và Bệnh viện huyện đã nhận được sự chuyển giao về chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện tuyến tỉnh như kỹ thuật mổ ngoại khoa, mổ phaco, mổ kết hợp xương, mổ cắt tử cung, hồi sức nhi khoa. Đến nay, 9/9 Bệnh viện và Trung tâm Y tế đã triển khai thường quy kỹ thuật mổ nội soi. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ở 11 huyện miền Tây có chiều hướng gia tăng qua các năm, trung bình các Bệnh viện huyện tăng từ 20-30%, ở Bệnh viện Đa khoa khu vực tăng 40-50%.
Được sự quan tâm đầu tư đúng mức, ở 11 huyện miền tây, tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn xảy ra. Các dịch bệnh nguy hiểm, dịch sốt rét, sốt xuất huyết... được giám sát chặt chẽ. Năm 2015 có 65,4% số xã ở khu vực đạt bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế và đến nay có 81,65% số xã đạt bộ tiêu chí, tỷ lệ chung toàn tỉnh là 87,4%.
Bên cạnh những thành quả đạt được, y tế miền Tây vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là: Nguy cơ dịch bệnh cao; chất lượng khám chữa bệnh và phát triển kỹ thuật mới còn hạn chế; mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc trước và trong sinh gặp nhiều khó khăn; nhân lực cán bộ y tế chưa bảo đảm cả về số lượng cơ cấu trình độ; thiếu bác sĩ công tác tại Trạm Y tế, có tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế từ miền núi về vùng thuận lợi; trang thiết bị y tế còn thiếu; một số cơ sở y tế còn tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được đầu tư.v.v...
TTƯT, PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Quyền Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để đưa y tế miền Tây Nghệ An tiếp tục phát triển bền vững, thời gian tới, Ngành y tế Nghệ An sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Đề án phát triển y tế miền tây tỉnh Nghệ An của UBND tỉnh. Theo đó, ngành sẽ đào tạo và tuyển dụng bổ sung thêm 238 bác sĩ để đến năm 2020 các Bệnh viện và Trung tâm y tế có đủ bác sỹ các chuyên khoa, 90% số xã có bác sĩ; triển khai hiệu quả đề án 1816 của Bộ Y tế; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Đề án nâng cao y đức; quy tắc ứng xử giao tiếp trong Bệnh viện; chỉ đạo các Bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện... Ngành chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực chủ động Phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chương trình mục tiêu Y tế Dân số; thực hiện tốt hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiên thông tin đại chúng; nâng cao chất lượng hoạt động Trạm y tế, với việc xât dựng mới 30 Trạm Y tế, nâng cấp cải tạo 30 Trạm Y tế, phấn dấu đến năm 2020 có 92% xã đạt bộ tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế xã./.
Chủ đề liên quan:
chất lượng miền tây nâng cao nâng cao chất lượng nCoV Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona y tế