Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Nể phục trước tinh thần sáng tạo tột bậc của người Việt giữa mùa dịch: Hàng loạt sáng kiến chống Covid-19 ra đời nhờ lòng nhân ái

Từ trước tới nay, người Việt nổi tiếng là cần cù và thông minh. Vì thế, chẳng lạ gì khi họ có thể dễ dàng nghĩ ra những sáng kiến có ích cho cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Và dịch Covid-19 lần này cũng không phải ngoại lệ.

Với tấm của mình, người dân Việt Nam đã liên tục tìm tòi, nghiên cứu để sáng tạo nên những thiết bị, dụng cụ hữu ích nhằm hỗ trợ các bác sĩ và y tá chiến đấu chống dịch Covid-19, cũng như giúp đỡ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dưới đây là một số tuyệt vời đang được bà con trong nước áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam.

Mũ giọt bắn

Mũ giọt bắn do tiểu thương Quách Mỹ Linh (TP. HCM) làm tặng các y bác sĩ. (Ảnh: Văn Tiên/Tổ quốc)

Khẩu trang và bộ đồ bảo hộ là hai thứ đồ vật “bất ly thân” của các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tuy nhiên ở nhiều nơi, do kinh phí hạn hẹp nên trang thiết bị còn thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu.

Do đó, nhiều y bác sĩ đã cho ra đời loại mũ bảo hộ y tế ngăn giọt bắn mới, được làm bằng những nguyên vật liệu sẵn có như tấm mica trong suốt, dây chun co giãn, mút xốp, băng dính… Nhờ vậy, họ cũng yên tâm hơn khi khám và điều trị cho người bệnh.

Ưu điểm hàng đầu của chiếc mũ này là ngăn giọt bắn - con đường lây nhiễm chính của SAR-CoV-2 - một cách hiệu quả mà lại không tốn quá nhiều thời gian và công sức để sản xuất. Chỉ mất 10 phút và một chút khéo tay là ai cũng có thể sở hữu một chiếc mũ giọt bắn không thua kém gì bất cứ mũ bảo hộ y tế nào.

Theo nhiều nhân viên y tế, do thường được lót bằng xốp mềm nên họ có thể đeo cả ngày mà không bị đau, thông thoáng và không bị mờ kính. Đặc biệt, chiếc mũ này có thể tái sử dụng nhiều lần nếu được vệ sinh đúng cách.

Trao đổi với tờ Lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết: “Cái mũ đó có lớp nhựa che trước mặt, khi mình đội thì giọt bắn sẽ bắn vào lớp đó nên rất yên tâm khi sử dụng. Nhiều người đội mũ còn cẩn thận đeo khẩu trang bên trong nữa thì càng tốt”.

Với chi phí chỉ khoảng 5.000, không chỉ các y bác sĩ mà ngay cả người dân cũng có thể tự làm cho mình một mũ giọt bắn và kết hợp cùng khẩu trang bảo vệ bản thân ở những nơi đông người trong mùa dịch Covid-19. Trên thị trường cũng bày bán đủ loại mũ ngăn giọt với nhiều mức giá khác nhau.

Đai đeo khẩu trang

Đai đeo khẩu trang bằng silicon dẻo (Ảnh: Long Quyền/Trí thức trẻ)

Đối với các nhân viên y tế, việc đeo khẩu trang trong thời gian dài thường khiến họ bị đau tai, đau đầu do dây đeo siết chặt vào vành tai. Tuy nhiên, vì tính chất công việc bắt buộc, họ không còn cách nào khác là chịu đựng điều này mỗi ngày.

Hiểu được nỗi vất vả của các y bác sĩ, một số người dân ở Hà Nội đã bắt tay vào sản xuất những chiếc đai đeo khẩu trang bằng silicon dẻo để tặng họ. Được biết, ý tưởng này bắt nguồn từ một bạn nhỏ nước ngoài đang sinh sống tại Canada.

Chiếc đai đeo khẩu trang này chỉ là một dải silicon dẻo hình chữ nhật, với các nấc cài được khía ở hai bên đầu. Nhân viên y tế có thể mắc dây khẩu trang vào các nấc cài này tùy theo kích cỡ đầu. Nhờ vậy mà họ sẽ không phải chịu đựng áp lực đè lên tai trong nhiều tiếng đồng hồ. Chưa kể, chiếc đai này còn giúp cố định tóc cho các nhân viên y tế nữ trong quá trình làm việc.

Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang (30 tuổi) - một trong những người kêu gọi chế tạo đai khẩu trang cho các y bác sĩ - đã chia sẻ với Trí thức trẻ: "Các bác sĩ bên Viện Huyết học Truyền máu trung ương phản hồi sau khi dùng thì bảo rất tốt, hiệu quả, giảm đau. Các chị trong viện cũng trêu "phải đeo khẩu trang mà như không đeo vì nó thoải mái hơn rất nhiều" mình cũng vui và bắt đầu làm ra nhiều chiếc hơn”.

Đặc biệt, do được làm từ chất liệu silicon dẻo, những chiếc đai đeo khẩu trang này có thể dễ dàng được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Máy ATM nhả gạo

"Máy ATM nhả gạo" ở TP. HCM. (Ảnh: Tứ Quý/Trí thức trẻ)

Trên thế giới không thiếu những loại máy ATM “độc lạ” như ATM nhả vàng vàng, ATM rút kim cương, ATM rút bitcoin… nhưng chắc chỉ ở Việt Nam mới có loại “máy ATM biết nhả gạo”.

Đây là một phát minh độc đáo của anh Hoàng Tuấn Anh (chủ một công ty về cảm biến vân tay tại TP. HCM”. Với mong muốn hỗ trợ Chính phủ thực hiện chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, anh đã tận dụng hiểu biết của mình đề sáng chế “máy ATM nhả gạo” nhằm giúp người nghèo có lương thực miễn phí vượt qua được quãng thời gian khó khăn này.

Mỗi người nghèo sẽ được nhận một bịch gạo khoảng 1,5kg bằng cách bấm nút trên máy "ATM gạo". Trong lúc chờ đến lượt, họ sẽ đứng cách nhau 2m để đảm bảo tuân thủ đúng quy định về giãn cách xã hội, khắc phục nhược điểm tập trung đông người như cách phát đồ truyền thống.

“Cấu tạo máy bao gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo. Khi một người tới nhấn nút, gạo sẽ tự động theo đường ống được nối trong với thùng chứa gạo, đến túi nilon đựng gạo được người dân cầm sẵn", anh Tuấn Anh chia sẻ với Trí thức trẻ. Đặc biệt, hệ thống này sẽ hoạt động 24/7 để phục vụ người dân.

"Máy ATM nhả gạo" dùng chân tại Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Thắng/Tổ quốc)

Hưởng ứng phong trào “ATM nhả gạo” từ TP. HCM, TS. Nguyễn Mạnh Hùng và anh Doãn Thanh Tùng cũng đã sáng chế ra một loại “máy ATM nhả gạo” để lắp đặt tại Hà Nội. Ưu điểm của loại máy này là người dân chỉ phải dùng chân nhấn pê-đan để gạo chảy ra, không cần bấm bằng tay để hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm. Ngoài ra, số gạo mỗi lần nhả cũng tăng lên 3kg.

Hiện tại, “máy ATM nhả gạo” cũng sắp được triển khai ở nhiều địa phương khác như Huế và Đà Nẵng. Chủ nhân của chiếc máy tại TP. HCM cũng nói thêm, anh sẵn sàng tặng và chuyển giao công nghệ cho các địa phương muốn phát gạo cho người nghèo

Ròng rọc giao hàng

(Ảnh: Ngô Tùng/Tiền phong)

Nhằm hạn chế việc tiếp xúc với khách hàng và đảm bảo giãn cách xã hội đủ 2m, một chủ tiệm phở tại TP. HCM đã chế tạo ra một hệ thống ròng rọc để giao hàng và nhận tiền.

Chiếc ròng rọc này dài khoảng 3,5m, bên trên có đặt một chiếc rổ hình chữ nhật khá to để đựng đồ. Bên trong chiếc rổ này cũng có một ngăn riêng để đựng tiền. Theo ông Lê Hoài Nhân - chủ tiệm phở chia sẻ với Tiền phong, để làm được thiết bị này chỉ cần vài trăm nghìn đồng và 3 tiếng mày mò. Nhờ sáng kiến này mà khách hàng khi đi mua đồ không cần phải xuống xe mà có thể nhanh chóng nhận hàng và rời đi.

Ban đầu, nhiều khách hàng còn bỡ ngỡ vì chưa quen, nhưng rồi thấy ý tưởng này rất hay, lại có thể phòng chống dịch Covid-19 nên họ càng đến mua ủng hộ nhiều hơn nữa.

Theo Linh Hân

Mạng Y Tế
Nguồn: CafeBiz (https://cafebiz.vn/ne-phuc-truoc-tinh-than-sang-tao-tot-bac-cua-nguoi-viet-giua-mua-dich-hang-loat-sang-kien-chong-covid-19-ra-doi-nho-long-nhan-ai-20200413152718755.chn)

Tin cùng nội dung

  • TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, nói về xu hướng chạy theo những kỷ lục “nhất” của người Việt
  • Ở nước ngoài nghe tiếng xe cứu thương là lập tức họ dẹp ra ngay, còn người Việt mình thì không dẹp đâu. Nếu họ có dẹp thì phải trong trường hợp đường rộng.
  • Tính năng camera hữu dụng nhất với người sử dụng điện thoại thông minh smartphone tại Việt Nam.
  • Ông cảnh sát Nhật tầm 50 tuổi người to béo đã rất nhẹ nhàng giải thích cho người thanh niên Việt hiểu hành động của mình là đồng phạm và em ấy đang đánh mất cả tương lai của mình.
  • Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo ra hiệu quả kép, thể hiện ở việc người tiêu dùng ngày càng ưa thích hàng Việt
  • Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp.
  • Cuộc sống tinh thần ở người cao tuổi (NCT) có tính chất nền tảng, quyết định điều khiến nhịp độ lão hóa. Ngược lại, mục đích cơ bản của việc làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ là nhằm kéo dài thời gian lao động có ích và ước vọng sống lâu, khỏe mạnh.
  • Sỏi thận không chỉ gây đau đớn cho người mắc bệnh mà còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn tính với tỷ lệ Tu vong lên đến 90%.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Những nhà nghiên cứu y học đang tìm hiểu hậu quả của chế độ ăn uống đối với tâm trạng cũng như sức khoẻ tinh thần. Hiện tượng này đôi lúc được gọi là mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng. Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Ví dụ như việc thiếu vitamin có làm cho con người dễ bị trầm cảm hơn không? Có phải thực phẩm chức năng chỉ giúp cải thiện sức khoẻ tinh thần của người bị suy dinh dưỡng? Cần cung cấp bao nhiêu thực phẩm chức năng là đủ để cải thiện sức khoẻ tinh thần của môt người
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY