Tâm linh hôm nay

Nếp sống đạo (phần V)

Giáo pháp của đức Phật mênh mông và sâu thẳm, chúng ta phải học và thực tập từ thấp đến cao. Chúng ta nên tu tập những giáo pháp nào phù hợp với căn tính và những lời dạy nào mà chúng ta cảm thấy hợp duyên và có thể tu ngay bây giờ
  • Nếp sống đạo (phần IV)
  • Nếp sống đạo (Phần III)
  • Nếp sống đạo (Phần II)
  • Nếp sống đạo (Phần I)


Cuộc sống hằng ngày

Lục Tổ Huệ Năng có dạy:

“Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày

Gắng công suy xét nguyên lai là gì”.

Một ngày so ra chẳng là bao với cuộc sống của chúng ta, nó lại chẳng thể so sánh với số kiếp vô lượng và số kiếp A-tăng-kỳ mà chúng ta đã trải qua trong luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, một ngày mà ta biết tu là một ngày ta đã gần với Phật, một ngày ta quay lại soi sáng chính mình để trả lời câu hỏi của Tổ Huệ Năng. Hiện tại ta là ai? Từ đâu đến?. Và sau khi ch*t ta về đâu?

Khi nghĩ về những câu hỏi lớn đó, ta sẽ buông bỏ những điều xấu ác và thực hành những điều thiện để quay trở về với bản tính chân thật vốn có của mình. Trong mỗi phút giây, nếu tâm ta không khởi lên những vọng niệm xấu ác, thì giây phút đó ta đã có một niệm tu. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rõ mục đích của mình. Tu để làm gì? Khi ta xác định rõ được mục đích, thì mục đích ấy sẽ là động lực thúc đẩy tâm hồn ta chuyển hóa một cách nhanh chóng. Còn nếu không xác định rõ con đường mà mình sẽ đến, thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Bởi vì những ngoại cảnh và nghịch duyên tác động vào chúng ta làm cho ta dễ bị thối thất tâm Bồ-đề. Những chướng ngại đó nằm ngay trong tâm, làm cho chúng ta phải khổ đau phiền não. Không khổ về cái mắt cũng khổ về cái tai, không khổ về cái tai thì cũng khổ về cái lưỡi. Không khổ về cái lưỡi thì cũng có thể khổ về cái thân, cái ý. Những thứ khổ này làm cho chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi lẩn quẩn. Khổ vì ta còn vướng tiếng, lưỡi còn vướng vị ngon, miệng còn thích thị phi, ác khẩu, ý còn chạy rong như con ngựa hoang nơi đồng nội, như vượn chuyền cành.

Giáo pháp của đức Phật mênh mông và sâu thẳm, chúng ta phải học và thực tập từ thấp đến cao. Chúng ta nên tu tập những giáo pháp nào phù hợp với căn tính và những lời dạy nào mà chúng ta cảm thấy hợp duyên và có thể tu ngay bây giờ. Hãy tu tiến từng bước chậm và chắc để giáo pháp của đức Phật thấm sâu vào trong tâm thức chúng ta.

Nếp sống đơn giản

Đức Phật đã dạy: “Đa dục vi khổ” nghĩa là còn ham muốn nhiều thì còn khổ nhiều, càng hy vọng nhiều thì càng thất vọng nhiều, càng chứa nhiều thì tâm ta càng trĩu nặng. Xã hội văn minh cho ta những vật chất, nhưng nó đã cướp mất ở ta cuộc sống đơn giản thường tình, cướp mất cái hạnh phúc chân thật ở chính ta, làm cho ta đánh mất đi lương tâm và sự truyền thống với những người mà chúng ta thương mến, đó là cái mà người ta quý hơn tất cả mọi thứ tiền tài vật chất trên đời. Mà bất hạnh thay, đôi khi ta lại chửi rủa họ vì những thứ vật chất rất tầm thường.

Muốn tránh cảnh làm nô lệ cho vật chất tiện nghi, hãy tập cho mình cuộc sống đơn giản. Càng ít nhu cầu bao nhiêu thì càng ít lo bấy nhiêu. Nói như thế không có nghĩa là mình phải đi lùi với đời sống xã hội bên ngoài. Chúng ta sống một cách thanh thản và tạo ra của cải vật chất để làm tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và thế hệ mai sau. Nhưng điều cốt yếu là chúng ta đừng chạy theo vật chất và làm nô lệ cho vật chất. Hãy tập sống đơn giản không phải quá ưu tư, lúc đó tâm ta tự nhiên sẽ được nhàn nhã hơn. Ta có một đời sống ý nghĩa và có lợi ích cho mọi người, còn không ta cứ sống theo vật chất thì chẳng khác nào con thiêu thân lao vào đèn tự giết mình. Nên là người học Phật, ta hãy dành những thời giờ quý báu của cuộc sống này để giúp đỡ và mang niềm vui làm vơi bớt những nỗi đau khổ của người khác. Hãy tập cho mình sống như những vị Bồ-tát hóa thân, vị tha với hạnh nguyện giúp cho mọi người thoát ra vũng bùn đau khổ. Sống dấn thân vào đời để cứu độ nhân sinh.

Tác giả Thích Nhuận Thạnh

Theo: Nếp Sống Đạo

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nep-song-dao-phan-v-d9169.html)
Từ khóa: nếp sống

Chủ đề liên quan:

nếp sống

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY