Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Ngại đẻ -quả bom hẹn giờ ở Trung Quốc

Áp lực kinh tế, gánh nặng chăm sóc con cái và mong muốn phát triển sự nghiệp khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc trì hoãn hoặc không kết hôn.

Tháng 12/2015, Trung Quốc chính thức chấm dứt "chính sách một con" kéo dài hơn 4 thập kỷ. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tăng dân số, cải thiện tình trạng già hóa. Song đến nay, phụ nữ nước này có xu hướng chú trọng sự nghiệp thay vì nhanh chóng lập gia đình. Nhiều người trì hoãn kết hôn, sinh con hoặc từ bỏ hoàn toàn hai điều này.

Trong khi chính quyền mạnh tay kiểm soát các hoạt động xã hội, phong trào nữ quyền vẫn phát triển rầm rộ. Phụ nữ đòi bình đẳng tại nơi làm việc và cả trong gia đình.

Song vấn đề dân số vẫn là "quả bom hẹn giờ" làm đau đầu nhà chức trách. với mạnh, lực lượng lao động già đi nhanh chóng, chủ tịch tập cận bình và các lãnh đạo nòng cốt đứng trước áp lực phải đưa ra chính sách khắc phục tình trạng này.

Helena Lu, 26 tuổi, sống tại Bắc Kinh, cho biết thái độ của cô với việc lập gia đình thay đổi sau khi lớn lên và bắt đầu đi làm.

"Tôi lo lắng việc có con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. Những vấn đề kiểu này chỉ xảy ra với phụ nữ, đặc biệt là ở Trung Quốc - nơi mà nhiệm vụ chăm sóc trẻ em chủ yếu thuộc về nữ giới", cô nói.

Lu hiện theo học chuyên ngành nghiên cứu phát triển tại các trường đại học ở Trung Quốc, Hong Kong và châu Âu.

"Một số nguyên nhân sâu xa dẫn đến thách thức cơ cấu dân số của Trung Quốc là do cách đối xử với phụ nữ, trẻ em và sự bất bình đẳng trong xã hội. Chính phủ cần bắt đầu giải quyết những vấn đề này", cô nói.

Tại Đại hội Nhân dân Toàn quốc hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tăng dần tuổi nghỉ hưu trong thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (giai đoạn 2021-2025) và cố gắng đạt "mức sinh phù hợp".

Người dân đưa con đi dạo tại một con phó ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Người dân đưa con đi dạo tại một con phố ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Tỷ lệ sinh năm 2020 tại một số tỉnh thành được công bố hồi tháng 2 cho thấy lượng trẻ sơ sinh giảm đáng báo động, một số nơi ở mức 30% so với năm trước. Các con số cuối cùng của năm 2020 dự kiến công bố trong tháng 4 tới. Các chuyên gia nhân khẩu học cho biết chúng có thể giảm sâu hơn do ảnh hưởng của đại dịch. Xu hướng này được thúc đẩy vì số người kết hôn giảm, số cặp đôi ly hôn ngày càng tăng.

Năm 2019, Trung Quốc có 18,94 triệu người kết hôn, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Theo thống kê chính thức, kể từ năm 2013 đến năm 2019, số người kết hôn lần đầu tiên giảm 41%, từ 23,8 triệu người xuống còn 13,9 triệu người. Dự báo của các nhà nhân khẩu học ở Trung Quốc và nước ngoài cho thấy dân số nước này đạt đỉnh năm 2029, khoảng 1,44 tỷ người và sẽ giảm dần xuống còn 732 triệu người vào năm 2100.

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến đạt 300 triệu trong 5 năm. Đồng thời, lực lượng lao động từ 16 đến 59 tuổi đã giảm trong 8 năm liên tiếp. Xu hướng này làm tăng chi phí lương hưu và chăm sóc sức khỏe, giảm sức sống kinh tế. Đây không phải điều kiện tạo nên sự ổn định xã hội và chính trị mà chính quyền hướng đến.

Sun Li, chủ một quán trà ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, cho biết cô rời khỏi Bắc Kinh vì chi phí nhà ở cao và không có nhiều trường học cho con trai. Chồng cô quyết định ở lại thủ đô.

"Ở Thái An, gánh nặng tài chính giảm bớt. Chúng tôi có thể mua một căn hộ và một chiếc xe hơi", Sun nói.

Hai vợ chồng Sun chần chừ việc có con thứ hai, nhưng cuối cùng vẫn bị cha mẹ thuyết phục. Con gái của họ gần hai tuổi. Sun được mẹ và chồng hỗ trợ trông con.

"Việc chăm hai đứa trẻ rất mệt mỏi, đặc biệt là khi con gái đầu của tôi chưa đầy hai tuổi. Ban ngày tôi phải làm việc và ban đêm về nhà chăm sóc chúng", cô chia sẻ.

Sun không hối tiếc về quyết định của mình, song hầu hết bạn bè cô chưa tính đến chuyện sinh hai con. Chen Yaya, nhà nghiên cứu về bình đẳng giới tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết ít nam giới Trung Quốc không giúp đỡ vợ mình chăm sóc con cái. Trong khi đó, ngày càng nhiều phụ nữ đi làm toàn thời gian, có sự nghiệp riêng.

Sun Li, 35 tuổi, chủ một tiệm trà tại Thái An. Ảnh: Sun Li

Sun Li, 35 tuổi, chủ một tiệm trà tại Thái An. Ảnh: Sun Li

Đây chỉ là một mặt của vấn đề. "Thay đổi quan niệm của các ông bố thôi chưa đủ. Để tạo điều kiện cho họ san sẻ nhiệm vụ chăm sóc con cái, văn hóa doanh nghiệp cũng cần thay đổi", Chen nhận định.

Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với những vấn đề tương tự. Hai nước đã đưa ra các biện pháp tích cực để giải quyết chúng, chẳng hạn cấp thêm số ngày nghỉ phép có lương dành cho các ông bố.

Cả ba nền kinh tế lớn của châu Á đều nặng nề văn hóa gia trưởng, đang trải qua những thay đổi cơ cấu nhân khẩu tương tự nhau và cùng gặp vấn đề mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Bốn thập kỷ của "chế độ một con" kết hợp văn hóa "chuộng con trai", đặc biệt tại vùng nông thôn, khiến nam giới Trung Quốc đông hơn nữ giới tới 30 triệu người.

Theo báo cáo của Global Times, các nhóm tuổi có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất là từ 10 đến 19. Điều đó có nghĩa tỷ lệ kết hôn và sinh sản tiếp tục giảm.

Giới chức dường như lúng túng khi giải quyết vấn đề. Chuyên gia và nhà nghiên cứu bắt đầu đưa ra những đề xuất kỳ lạ. Wu Xiuming, từ Hiệp hội Phát triển Think Tank ở tỉnh Sơn Tây, cho rằng có thể ghép đôi đàn ông độc thân ở nông thôn với phụ nữ độc thân ở thành thị. Ý tưởng này được lan truyền rộng rãi tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Chen Yaya chỉ ra hầu hết nam giới nông thôn lên thành phố làm việc. Tại đây, họ bị phân biệt đối xử và khó tìm bạn đời.

Thục Linh (Theo SCMP)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/ngai-de-qua-bom-hen-gio-o-trung-quoc-4245436.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY