Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Người bệnh thoát “án tử” từ tâm dịch Hạ Lôi

Tại tâm dịch Hạ Lôi giữa những ngày cách ly, một phụ mang thai ngoài tử cung bị vỡ, một bệnh nhân bị tắc mạch vành... họ may mắn vượt qua thời khắc sinh tử nhờ vào đội ngũ cán bộ y tế tận tuỵ và trách nhiệm…

Ca cấp cứu nghẹt thở tại Phòng khám dã chiến

Ngày 6/5, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) – một trong những điểm nóng dịch bệnh của Hà Nội đã chính thức được dỡ phong tỏa sau 28 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Với chị Đặng Thị H. (39 tuổi, Hạ Lôi, Mê Linh), cảm xúc có lẽ còn đặc biệt hơn bởi chị đã từng phải vượt qua thời khắc sinh tử khi ở trong tâm dịch. Gần một tuần sau khi Hạ Lôi bị cách ly, chị H. bỗng xuất hiện cơn đau bụng dữ dội kèm theo biểu hiện hoa mắt, chóng mặt và khó thở.

Người dân được thăm khám theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường tại Phòng khám dã chiến Hạ Lôi

Tại Phòng khám dã chiến Hạ Lôi, hình ảnh siêu âm của bệnh nhân H. cho thấy có nhiều ổ dịch trong bụng, sơ bộ chẩn đoán thai ngoài tử cung bị vỡ. Các y bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh được phân công, huy động tăng cường ở phòng khám dã chiến đã nhanh chóng áp dụng quy trình chuẩn để đưa bệnh nhân thẳng từ Hạ Lôi về Bệnh viện này cấp cứu vào lúc 0 giờ 10 phút ngày 13/4. Chị H. được hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu trong đêm.

Cùng lúc đó, công tác khử khuẩn liên tiếp được tiến hành từ lúc tiếp nhận bệnh nhân, cho tới khi đưa vào phòng mổ. Khu phòng mổ được thiết lập một hành lang cách ly riêng. Đặc biệt, kíp phẫu thuật cũng giảm thiểu tối đa, chỉ còn 5 y bác sĩ, trong khi ca mổ thông thường phải có 7-8 người.

5 giờ sáng cùng ngày, ca phẫu thuật đã thành công. Cuộc chạy đua dành tính mạng cho bệnh nhân mang thai ngoài tử cung bị vỡ đã chiến thắng ngoạn mục. Việc thực hiện chuẩn quy trình khám chữa bệnh trong mùa dịch, đảm bảo nguyên tắc vệ sinh môi trường không những đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, y bác sĩ trực tiếp tham gia kíp cấp cứu mà còn giúp Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh yên tâm tiếp tục duy trì hoạt động của mình.

"Trong điều kiện bình thường thì việc điều trị, phẫu thuật cho ca bệnh trên không khó, tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh nhân là người dân tại tâm dịch thì tất cả đều phải tuân thủ theo một quy định cực kỳ nghiêm ngặt. Làm sao để vừa đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19, lại không chậm trễ để cứu bệnh nhân", Bác sĩ Đỗ Viết Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh chia sẻ khó khăn.

Ngoài trường hợp của chị H., bệnh nhân N.H.M bị đau ruột thừa, hay bệnh nhân P.T.Q (thôn Hạ Lôi) bị tắc mạch vành ở vùng cách ly, dù tình trạng nguy hiểm nhưng cũng đã được cấp cứu thành công nhờ vào đội ngũ y bác sĩ ngày đêm cắm chốt tại phòng khám dã chiến.

Hiện tại, sức khỏe của chị H. đã hồi phục trở lại. Để tiếp tục bảo vệ sức khỏe của mình sau ca mổ, bệnh nhân tiếp tục duy trì thói quen xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn theo lời khuyên của các y bác sĩ. Một mặt đảm bảo sức khỏe và quy trình điều trị cho bệnh nhân, một mặt đảm bảo điều kiện vệ sinh để ngăn chặn sự lây lan trong bệnh viện, trong cộng đồng là một thách thức mà những người hùng của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc tại Hạ Lôi.

An tâm cách ly để sớm trở lại cuộc sống bình thường

Tại Phòng khám dã chiến ở thôn Hạ Lôi, nữ điều dưỡng Bùi Thị Dung lần lượt đón tiếp từng bệnh nhân tới khám với quy trình nghiêm ngặt. Đeo kính mắt, khẩu trang, vận bộ đồ bảo hộ bao kín cơ thể, điều dưỡng Dung tiến hành đo nhiệt độ của từng người dân kèm theo hướng dẫn người dân sử dụng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi ra vào phòng khám, đảm bảo khoảng cách ngồi giãn cách 2 mét trong khi chờ đợi.

Nữ điều dưỡng Dung làm việc ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh, tuy nhiên, khi Hạ Lôi trở thành "điểm nóng", chị được điều động về để hỗ trợ đội ngũ cán bộ y tế xã. Được đào tạo, trang bị đầy đủ những kiến thức đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế, nên khi bắt tay vào công việc, chị Dung cùng các đồng nghiệp của mình đều thực hiện một cách chặt chẽ, tạo niềm tin cho những người dân tới khám chữa bệnh. Chị và đồng nghiệp đều thực hành rửa tay khử khuẩn, thay quần áo sau khi kết thúc ca trực…

"Những người dân tới khám có một trong nhưng biểu hiện ho, sốt, đau rát họng, khó thở sẽ được hướng dẫn phân loại sàng lọc và chuyển người bệnh sang phòng khám COVID-19 ngay để tiến hành xử lý theo quy định của Bộ Y tế", điều dưỡng Dung cho hay.

Có mặt tại phòng khám dã chiến, bà Nguyễn Thị Nương (74 tuổi, thôn Hạ Lôi, Mê Linh) cho biết mình bị mắc bệnh tiểu đường hơn 10 năm nay. Giữa tâm dịch, bà cảm thấy may mắn khi không phải đi xa nhưng vẫn có thể nhận Thu*c điều trị căn bệnh mãn tính.

"Công tác vệ sinh, khử khuẩn ở đây rất đảm bảo. Chúng tôi đều được hướng dẫn rửa tay trước khi vào phòng khám, phun xịt khử khuẩn xe máy xe đạp. Các bác sĩ luôn nhắc nhở chúng tôi giữ đúng khoảng cách, đeo khẩu trang đúng cách trong suốt quá trình thăm khám bệnh. Thay vì lên Trung tâm y tế huyện, tôi được nhận Thu*c ngay tại đây mà không lo sợ bị lây nhiễm", bà Nương nói.

Trước sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, bà Nương cho hay, bản thân mình và những người hàng xóm đều cảm thấy an tâm chấp hành tốt việc cách ly. Họ "nằm lòng" thực hiện những khuyến cáo của Chính phủ và ngành y tế từ tránh ra ngoài khi không cần thiết, đeo khẩu trang tới rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch có trên 60% cồn, giữ khoảng cách khi giao tiếp... "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm quay trở lại với cuộc sống thường ngày, khi chưa có bệnh dịch, và cố gắng duy trì những thói quen vệ sinh mà các bác sĩ đã hướng dẫn suốt thời gian cách ly để dịch không bùng phát trở lại", bà Nương hào hứng.

Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y Tế, thì vi rút SARS-CoV-2 có thể lây trực tiếp từ người sang người do hít phải các giọt bắn trong không khí khi người mang vi rút ho, hắt hơi, nói chuyện. Hoặc thông qua tiếp xúc gián tiếp do các giọt bắn có chứa vi rút rơi xuống đất và các bề mặt xung quanh và lây truyền qua bàn tay khi chúng ta cầm nắm, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, bàn phím, điện thoại… sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt. Các nghiên cứu cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong vòng vài giờ đến nhiều ngày tùy loại bề mặt vật liệu. Do vậy, việc thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng để cắt đứt đường lây truyền của bệnh COVID-19 cũng như các dịch, bệnh truyền nhiễm khác lây qua đường hô hấp, tiêu hóa.

PV

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/song-khoe/nguoi-benh-thoat-an-tu-tu-tam-dich-ha-loi-20200507063007197.htm)

Tin cùng nội dung

  • Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng cây phế quản, hệ thống ống mang khí đến hai lá phổi.
  • Thói quen uống rượu bia, hút Thu*c lá, thừa cân ở nam giới...không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn ảnh hưởng cả vấn đề sinh sản
  • Không khí bị ô nhiễm là không khí bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các loại khí, những giọt chất lỏng hay những phần tử nhỏ lơ lửng trong không khí.
  • Máy tính xách tay giúp cho chúng ta có thể làm việc linh hoạt và năng động hơn nhưng chúng cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh có liên quan đến lưng, cổ và vai.
  • Các động tác xoa bóp đúng cách và phù hợp với tình trạng từng thai phụ sẽ giúp họ nhanh chóng giảm những cơn đau và sự mệt mỏi.
  • Tất cả chúng ta đều có lúc cảm thấy căng thẳng. Cách đối mặt với căng thẳng sẽ quyết định ảnh hưởng của nó đối với chúng ta như thế nào. Khi có thể, hãy thực hiện các bước để ngăn chặn căng thẳng và khi không có thể, hãy cố gắng kiềm chế nó.
  • Ngay cả những người có sức khỏe tinh thần tốt đôi khi cũng có vấn đề về tình cảm hoặc bị các bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần thường có một nguyên nhân vật lý, chẳng hạn như một sự mất cân bằng hóa chất trong não. Căng thẳng và các vấn đề với công việc, gia đình, trường học đôi khi có thể gây ra bệnh tâm thần hoặc làm cho nó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, những người có sức khỏe tinh thần tốt học được cách để đối phó với sự căng thẳng và các vấn đề nảy sinh. Họ biết khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ
  • Tâm linh giúp bạn luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm hy vọng, sự an ủi và bình yên nội tâm trong cuộc sống. Nhiều người tin vào tâm linh qua tôn giáo. Một số tin vào nó thông qua âm nhạc, nghệ thuật, kết nối với thiên nhiên. Những người khác tin vào tâm linh của bản thân qua các giá trị và nguyên tắc của họ.
  • Bài viết này giới thiệu một số lời khuyên giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái khi đi du lịch nước ngoài.
  • Phụ nữ khi đang mang thai có rất nhiều việc cần phải lo nghĩ, tuy nhiên cũng nên cần phải lưu tâm đến sức khỏe răng miệng.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY