Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Người nhà bệnh nhân thất nghiệp

Hà Nội-10 năm qua, mỗi lần bà Mai đưa chồng đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận nhân tạo đều phải túc trực để thay ga giường, đổ bô; nay không cần làm mọi việc nữa.

Ông Hùng, 53 tuổi đang chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. 10 năm bám viện cũng là bấy nhiêu thời gian bà Mai, vợ ông, theo chồng chữa bệnh. Cả hai sống trong căn phòng chỉ 10 m2 trong xóm trọ của bệnh nhân chạy thận. Hàng tuần, bà đẩy xe lăn đưa chồng đi lọc máu vì ông không thể tự đi lại. Tuy nhiên, từ lúc khoa Thận nhân tạo sáp nhập với khoa Thận tiết niệu thành Trung tâm Thận tiết niệu - Lọc máu, công việc của bà chỉ gói gọn là đưa chồng đến viện, ngồi chờ 3 tiếng và đưa chồng về.

"Trước đây, tôi thường phải túc trực thay ga, xoa bóp, đổ bô, chăm sóc vệ sinh cho ông ấy từng chút một. Còn giờ thì có y tá, điều dưỡng làm hết tất cả công việc này, thành ra tôi 'mất việc', nhưng không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào", bà Mai cho biết.

Triển khai thí điểm chăm sóc toàn diện tại các khoa phòng là một trong những thay đổi ở bệnh viện bạch mai trong thời gian qua. theo lãnh đạo bệnh viện, sự thay đổi này nhằm hỗ trợ gia đình người bệnh tới từ các tỉnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch từ cộng đồng vào bệnh viện qua người chăm sóc.

Bà Mai nhớ lại cảnh người nhà, bệnh nhân nằm la liệt ở bệnh viện trước đây. "Tôi không ngờ một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước lại có cảnh quan lộn xộn, nhếch nhác chẳng khác bến xe, bãi chợ", bà nói. Đã vậy, điều khiến bà Mai từng bức xúc là thái độ "ban phát, làm ơn" của một số nhân viên y tế. "Tôi đã chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân hỏi nhưng bác sĩ không trả lời. Y tá điều dưỡng mắng xối xả người nhà bệnh nhân dù họ đáng tuổi cha chú", bà kể.

Cũng chạy thận ở Bạch Mai, anh Tuấn thấy nhẹ nhàng hơn khi được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, không phải nhờ đến người nhà. Anh chạy thận đã hơn 25 năm, mỗi tuần ba buổi vào thứ hai, tư, sáu. Lâu dần thành quen, cứ chạy thận xong là anh có thể tiếp tục đi làm, kiếm sống.

Anh kể, từ lúc sáp nhập khoa, khâu kiểm soát nhiễm khuẩn là điều anh hài lòng nhất. Bệnh nhân trước khi lọc máu sẽ có phòng riêng để khám, thay đồ trước và sau khi rời khỏi phòng. Ca một lọc máu xong thì ca hai mới được vào, không có người nhà đi lại trong khoa. Nhân viên bệnh viện chuẩn bị sẵn ga trải giường hay ga lót tay, đầu giường bệnh nhân được đánh mã số và gắn chuông để gọi bác sĩ khi cần.

Không điều trị ở viện thường xuyên, bà ngọc đưa chị gái từ phú thọ đến bạch mai từ 6h sáng để nội soi dạ dày. lần thứ hai thăm khám, bà được hướng dẫn đến tận khu khám bệnh, làm thủ tục, số thứ tự khám là 26. toàn bộ việc khám và nhận kết quả có ngay trong buổi sáng, ngày 20/4.

"Do được hướng dẫn và đặt lịch trước nên chúng tôi không phải chờ lâu. Tuy nhiên, bệnh viện quá đông bệnh nhân khiến việc đi lại mệt mỏi, vất vả", bà Ngọc nói.

Nhân viên bệnh viện bạch mai mặc áo dài, có mặt từ 5h sáng hàng ngày để hướng dẫn và hỗ trợ bệnh nhân. ảnh: thành dương

Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt. Đây cũng là cơ sở y tế công đầu tiên áp dụng mô hình tự chủ toàn diện, có hội đồng quản lý, được quyết định về đầu tư, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện ưu tiên đẩy chất lượng dịch vụ lên trước một bước để hướng tới sự hài lòng người bệnh, lấy bệnh nhân là trọng tâm.

Một trong những thay đổi rõ nét của bệnh viện viện là khâu tiếp đón bệnh nhân. Hơn 50 nhân viên mặc áo dài xanh đứng ở cổng bệnh viện, khu khám bệnh, khu tái khám, khu nội trú... để hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà.

"Tất cả thay đổi là khó khăn, song bệnh viện vẫn đang nỗ lực sửa đổi, cân nhắc để tạo thuận lợi tối đa cho bệnh nhân và nhân viên y tế dựa trên mục tiêu trọng tâm, phát triển bệnh viện", ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, nói.

Hơn 200 nhân viên y tế nghỉ việc từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021, tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, hơn 100 trường hợp là lao động phổ thông đã chấm dứt hợp đồng vì không còn các đơn vị chức năng như dịch vụ tang lễ, vận chuyển bệnh nhân, bán nước hay trông giữ xe thu tiền... Lãnh đạo bệnh viện giải thích nhiều người nghỉ việc không phải bị chảy máu chất xám mà do viện sắp xếp lại biên chế, hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính và số người nghỉ việc không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

Nghỉ việc từ tháng 3, một điều dưỡng nam (giấu tên) cho biết anh gửi đơn thôi việc tới lãnh đạo ngay sau Tết Nguyên đán vì nhiều lý do. Trong đó, nguyên nhân chính là do cơ chế của bệnh viện thay đổi khiến anh phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn.

"Một điều dưỡng có khi phải chăm sóc nhiều bệnh nhân nhưng thu nhập giảm so với trước", anh cho biết.

Trong khi đó, bệnh nhân Tuấn chia sẻ "là bệnh nhân, tôi chỉ quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh thôi".

2020 là một năm khó khăn với bệnh viện bạch mai do covid-19, là năm đầu tiên bệnh viện chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. tháng 3-4/2020, bệnh viện bị phong tỏa do liên quan chùm ca nhiễm ncov. thu nhập của nhân viên y tế (bao gồm các khoản ngoài lương) giảm. thu nhập thêm giảm tùy khoa, công việc, vị trí việc làm. những tháng cuối năm qua, hai nguyên lãnh đạo cấp cao bị bắt do liên quan đến vụ kê khống giá mua sắm trang thiết bị.

*Tên nhân vật thay đổi

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/nguoi-nha-benh-nhan-that-nghiep-4266073.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY