Ban đầu chị mỏi vai gáy, sau đó cơ cổ đau nặng dần, không thể ngước đầu hay giữ cổ thẳng. Chị đi khám, được chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ, uống Thu*c nhiều nơi trong 3 năm không khỏi. 8 tháng nay chị phát hiện bệnh Parkinson, bác sĩ điều trị nội khoa. Gần đây các triệu chứng bệnh nặng dần, tê hai tay.
Bác sĩ Vũ Tam Trực, Khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết bệnh nhân yếu cơ dựng cổ, có triệu chứng chèn ép thần kinh ở tư thế cổ cúi. Bệnh nhân không đáp ứng với Thu*c hay nẹp điều trị bảo tồn.
"Trường hợp này nghĩ nhiều đến hội chứng đầu gập (dropped head syndrome) liên quan bệnh Parkinson", bác sĩ Trực nói. Các cận lâm sàng thấy rõ dấu hiệu chèn ép thần kinh, khả năng vận động bị ảnh hưởng, cần phẫu thuật.
Ngày 15/3, các bác sĩ tiến hành mổ đặt dụng cụ cố định, nắn chỉnh cột sống cổ để phục hồi tầm nhìn, tư thể cổ cho bệnh nhân. Cuộc mổ thành công sau 4 giờ, giúp hình dáng cột sống trở về bình thường.
Ngày 26/3, bà Hương hồi phục tốt, có thể vận động cổ thoải mái. Ảnh: Lê Phương. |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tín, Trưởng Khoa Cột sống B, cho biết kíp mổ sử dụng 18 ốc vít để nắn chỉnh cột sống. "Đường mổ rất hẹp, chỉ cần thao tác không cẩn thận, xê dịch vài mm có thể ảnh hưởng tủy, mạch máu nuôi não gây liệt, nguy hiểm cho bệnh nhân", bác sĩ Tín nói.
Theo bác sĩ Tín, đây là biến chứng hiếm gặp của bệnh Parkinson. Ca đầu tiên phát hiện trên thế giới năm 1976, trước đó mọi người nghĩ là thoái hoá cột sống cổ gây biến dạng còng. Hiện y văn ghi nhận 129 ca báo cáo, phần lớn bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền, chỉ phẫu thuật 15 trường hợp.
Ngày 26/3, chị Hương cho biết có thể xoay gập vận động cổ thoải mái, dáng đứng thẳng trở lại. "Giờ tôi ngước lên ngước xuống dễ dàng, không còn gục cổ xuống cả ngày, tay cũng bớt tê, người khỏe khoắn hơn", chị nói.
Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chi phí mổ hơn 120 triệu đồng bệnh viện đang vận động nhà hảo tâm quyên góp.