Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Người sống ở nông thôn, trại giam dễ nhiễm lao

Việt Nam hiện đứng thứ 12 trong tổng số 22 nước có tỷ lệ mắc lao cao nhất thế giới.
Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, người sống ở các khu vực nông thôn, trại giam và nơi đông dân cư có nguy cơ nhiễm lao cao nhất. Trong 3 ngày (24-26/10) tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn công tác phòng, chống lao cho hơn 120 cán bộ Hội Nông dân khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

Những tuyên truyền viên xung kích Tại lớp tập huấn, các học viên được giới thiệu về Chương trình Phòng, chống lao quốc gia và Dự án Quỹ toàn cầu về phòng, chống lao (2011-2015). Bên cạnh đó, học viên được trang bị 4 chuyên đề cơ bản như: Tình hình bệnh lao trên thế giới và ở Việt Nam; Kiến thức về bệnh lao; Kỹ năng truyền thông cho cán bộ, hội viên nông dân, kỹ năng tư vấn giúp đỡ phát hiện sớm người nghi mắc bệnh lao; Vai trò phối hợp của Hội Nông dân thực hiện truyền thông và huy động cộng đồng tham gia phòng, chống lao. Với những kiến thức này, cán bộ hội viên Hội Nông dân sẽ trở thành những tuyên truyền viên xung kích tham gia phòng, chống lao ở cơ sở. Ông Lê Anh Dũng- Giám đốc điều hành Tiểu dự án Quỹ toàn cầu Vòng 9- Trung ương Hội Nông dân, đơn vị tài trợ cho lớp tập huấn cho biết, những tỉnh có tỷ lệ nông dân mắc lao cao là Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng… Nguyên nhân khiến nhiều nông dân mắc lao là do mức sống thấp, môi trường sống ở nông thôn bị ô nhiễm, công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu yếu kém và lạc hậu nên không phát hiện bệnh sớm.

Chính vì vậy, Quỹ toàn cầu Vòng 9 đã chọn 17 tỉnh, thành phố đang là những địa bàn có gánh nặng về lao để thực hiện chương trình nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống lao cho nông dân. Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân cho biết, đến thời điểm này, đã có 23 cơ sở Hội Nông dân ở 17 tỉnh, thành triển khai dự án và xây dựng được mô hình “Chi Hội Nông dân phát hiện lao sớm”, Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”.

Những mô hình này phát huy tốt vai trò của Hội Nông dân các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ hàng nghìn người nghèo mắc lao điều trị khỏi lao theo Chiến lược điều trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS)…

Huy động xã hội phòng, chống lao!

Ths-BS Lê Văn Đức - Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng cho biết: Với đặc điểm dịch tễ học của bệnh lao hiện nay, tình hình lao đa kháng Thu*c và lao siêu kháng Thu*c sẽ làm cho công tác điều trị lao trở nên khó khăn, phức tạp và tốn kém kinh phí, thời gian cho người bệnh và cộng đồng.

Tác động của dịch HIV/AIDS có nguy cơ làm cho tình hình bệnh lao ở Việt Nam thêm phức tạp, gánh nặng bệnh tật tác động mạnh đến kinh tế - xã hội đất nước; vấn đề tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong chiến lược hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp của nhân viên y tế (DOTS) đối với vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, dân nghèo thành thị và nông thôn... là thách thức đối với công tác phòng, chống lao.

"Các nghiên cứu cho thấy, mỗi bệnh nhân lao sẽ mất trung bình 3-4 tháng lao động, làm giảm 20-30% thu nhập bình quân của gia đình. Những gia đình có người ch*t sớm vì bệnh lao có thể sẽ mất tới 15 năm thu nhập. " Ông Lê Anh Dũng

Đối với địa bàn miền Trung, BS Đức nhấn mạnh: “Trước đây, bà con xem thường bệnh lao, sau khi có tư vấn, bà con mới thấy được sự nguy hại của bệnh tuy nhiên, khả năng nắm được những kỹ năng cơ bản về phòng, chống lao vẫn chưa cao”.

Vì vậy, theo BS Đức, công tác phòng, chống lao của các tỉnh, thành miền Trung phải đặt mục tiêu làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh lao cho chính mình và cho cộng đồng. Phải huy động mọi nguồn lực xã hội vào cuộc, đặc biệt, đối tượng dễ mắc nhất là nông dân phải tiên phong đi đầu.

Theo Vũ Vân Anh - Dân Việt

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nguoi-song-o-nong-thon-trai-giam-de-nhiem-lao-10064.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY