Sau những đóng góp của doanh nghiệp Việt cho công cuộc chống Covid-19 của cả đất nước, ủng hộ hàng Việt Nam - bao gồm các sản phẩm công nghệ Made in Vietnam - là hoàn toàn hợp lý. Vậy, người dùng Việt còn đang gặp trở ngại gì khi muốn ủng hộ các sản phẩm nội địa?
Do ngành công nghiệp hi-tech Việt Nam phát triển khá muộn so với thế giới, các doanh nghiệp Việt bước chân vào hành trình chinh phục người dùng Việt thường có quy mô khá nhỏ, lại phải đầu tư lớn để xây dựng nền tảng xuất phát. Điều này đã từng khiến giá sản phẩm Made in Vietnam có giá thành cao hơn các sản phẩm ngoại.
Tuy vậy, khi ngành công nghiệp hi-tech của chúng ta đã trưởng thành, giá cả ngay lập tức trở thành lợi thế của sản phẩm Việt so với sản phẩm ngoại. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến smartphone Vsmart, thương hiệu thậm chí còn phá giá cấu hình hơn cả smartphone Trung Quốc. Những sản phẩm thành công của Vsmart như Vsmart Live hay Vsmart Joy 3 đều có cấu hình rất tốt so với sản phẩm cùng tầm giá.
Hay, dịch vụ đám mây "Made in Vietnam" là Bizfly cũng có lợi thế lớn về giá thành so với các sản phẩm ngoại. Trong lĩnh vực viễn thông, mức giá siêu rẻ đã giúp cho các doanh nghiệp Việt giữ nguyên được vị thế dù bị các đối thủ nước ngoài liên tiếp tấn công suốt 3 thập kỷ qua. Sắp tới đây, các nhà mạng, các nhà phát triển và các thương hiệu smartphone Việt sẽ còn liên kết với nhau để phổ cập kết nối 4G qua smartphone giá 500.000 đồng. Như vậy, ngay lúc này đây, giá thành sản phẩm Việt đang còn hấp dẫn hơn cả sản phẩm ngoại.
Phát triển công nghệ muộn hơn thế giới là một thử thách, bởi khách hàng Việt Nam đã quá quen với trải nghiệm tiêu chuẩn do các công ty đi đầu trên thế giới thiết lập.
Các doanh nghiệp hi-tech Việt Nam đã không ngần ngại đạp đổ thử thách này. Kết quả thử nghiệm mạng 5G của Viettel vào năm ngoái cho thấy tốc độ 5G của nhà mạng số 1 Việt Nam dao động trong mức 600 đến 700 Mbps, tương đương với mạng 5G của nhà mạng Verizon tại Mỹ. Chiếc Vsmart Live 3 năm ngoái được đánh giá là smartphone đáng mua nhất tầm giá 3 triệu đồng. Đám mây Bizfly được xây đựng để chỉ mất 60 giây điều chỉnh cấu hình CPU/RAM hay 2 giây để tăng dung lượng ổ cứng, tỷ lệ uptime trên 99,99%. Trong mùa dịch Covid, mạng xã hội Lotus đang trở thành "lá chắn" hữu hiệu cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc, đồng thời bảo vệ họ trước nạn tin giả, tin xấu độc.
Cũng giống như hàng tiêu dùng/thời trang trước đây, "Made in Vietnam" giờ là biểu tượng cho chất lưọng.
Một trong những điểm yếu cố hữu khác của các thương hiệu mới thành lập là chất lượng dịch vụ hỗ trợ - thông thường, để xây dựng dịch vụ tốt, các thương hiệu phải có một thời gian tìm hiểu và thích ứng với khách hàng. Nhưng khi đối đầu với doanh nghiệp ngoại, lợi thế "sân nhà" sẽ nhanh chóng giúp các thương hiệu Việt san phẳng khoảng cách, thậm chí là vượt mặt đối thủ.
Minh chứng tiêu biểu là chương trình bảo hành 18 tháng cho điện thoại bán ra của Vsmart. Nắm rõ tâm lý "ăn chắc mặc bền" của người Việt, cũng như tự tin vào chất lượng sản phẩm, các dòng Vsmart giá phổ thông đã thực sự gây sốc thị trường khi được bán kèm chế độ bảo hành hấp dẫn chưa từng có này. Sau khi Live và Joy 3 đạt doanh số thành công, các đối thủ cũng đã nhanh chóng phải nâng chế độ bảo hành lên 18 tháng để bắt kịp thương hiệu điện thoại của Vingroup. Như vậy, dù là kẻ đi sau nhưng Vsmart đã định hình cho cả thị trường.
Hoặc, đám mây Bizfly của VCCorp có dịch vụ hỗ trợ 24/7 qua Hotline, Email và Livechat bằng tiếng Việt. Đây là một lợi thế rất mạnh trong bối cảnh nhiều công ty Việt Nam cần chuyển đổi online nhưng lại gặp rào cản bằng ngôn ngữ khi sử dụng các đám mây nước ngoài. Khi các thế mạnh khác của Bizfly không hề thua kém các đối thủ (trọn bộ giải pháp, trải nghiệm đơn giản, tinh gọn/tối ưu…), chính ngôn ngữ tiếng Việt đã đưa đám mây này trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp Việt thời đại chuyển đổi online.
Câu hỏi duy nhất còn lại, là người tiêu dùng Việt đã sẵn sàng tin tưởng sản phẩm Việt hay chưa? Có lẽ, đây chính là trở ngại duy nhất dành cho người Việt muốn yêu hàng công nghệ Việt. Bởi qua nhiều năm, nền công nghiệp hi-tech của chúng ta đã thực sự bắt kịp với nước ngoài trên các khía cạnh giá bán, chất lượng và dịch vụ hỗ trợ. Doanh số đáng bất ngờ của điện thoại Vsmart, những bước tiến thần tốc của Viettel trong lĩnh vực 5G hay sự xuất hiện của những công nghệ "xương sống" như đám mây chính là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy một bước chuyển quan trọng: sau nhiều năm đi sau, doanh nghiệp Việt giờ đã sẵn sàng để đáp ứng cho những nhu cầu hi-tech thử thách nhất của người dùng Việt.
Không ít quốc gia đã từng đứng trước thời khắc quyết định như Việt Nam lúc này, khi thành bại không chỉ do duy nhất các doanh nghiệp tự quyết định mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần ủng hộ của người dùng quốc nội. Thập niên 60, 70, hàng hóa từ Nhật Bản từng bị coi là chất lượng kém. Nhưng người Nhật vẫn ủng hộ, đến mức mà ngay cả giờ đây ở Nhật Bản gần như chỉ có xe hơi của các hãng Nhật lưu hành. Từ chỗ bị coi là thương hiệu hạng hai so với xe Âu Mỹ, những cái tên Nhật Bản như Toyota, Honda hay Nissan giờ nổi danh không kém gì GM hay Ford. Toyota trong nhiều năm còn đứng số 1 thế giới về thp
Với các đế chế Hàn Quốc, tinh thần dân tộc cũng mang ý nghĩa quan trọng không kém. Một hãng điện tử đã không còn mặn mà với lĩnh vực smartphone là LG vẫn có doanh số nội địa đáng để khoe trong khi thị phần quốc tế đã "bốc hơi". Dù ban đầu cũng gặp trở ngại về chất lượng, đế chế smartphone số 1 thế giới hiện nay là Samsung không thể cất cánh nếu thiếu sự ủng hộ của người dùng trong nước. Mỗi năm, doanh số Galaxy S/Note tại Hàn Quốc đều được coi là "kim chỉ nam" cho thành công của các dòng smartphone này trên toàn cầu.
Và gần gũi nhất, đáng chú ý nhất không ai khác ngoài các hãng smartphone Trung Quốc. Khi cuộc cách mạng smartphone bắt đầu vào thập niên trước, các tên tuổi như Huawei, BBK Electronics (OPPO, Vivo, Realme, OnePlus...) hay Xiaomi đều đi sau các hãng Mỹ và châu Âu. Chỉ mất vài năm, họ đã góp phần đẩy lùi toàn bộ các thương hiệu kỳ cựu như Nokia, Motorola, Sony và HTC vào dĩ vãng. Năm 2019, trong số 10 thương hiệu đứng đầu thế giới có đến 7 thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Rõ ràng là đã có thời điểm, năng lực sản xuất thượng thừa, sức mạnh thương hiệu hay nguồn vốn khổng lồ của Samsung đã không thể đánh bại được tinh thần ủng hộ của người Trung Quốc. Khi nỗi lo về độ bền "Made in China" vẫn còn, người dùng Trung Quốc đã sẵn sàng đặt các thương hiệu quốc nội lên trên các thương hiệu nước ngoài, mở màn cho một cuộc mở rộng chưa từng có trong lịch sử công nghệ.
Liệu người tiêu dùng Việt Nam có giúp cho ngành công nghiệp hi-tech Việt Nam tạo lập được kỳ tích tương tự? Hãy cùng chờ xem.