Tâm linh hôm nay

Người xuất gia (Phần 1)

Xuất-gia nghĩa là bỏ tất cả: Bỏ gia đình, bỏ hình đẹp, bỏ bà con, bỏ thân mạng, bỏ cả tự lợi. Đó là năm tư cách của người Xuất-gia. Mà bỏ tức giải thoát, nên bỏ năm điều trên thì đạt đến sự Giải-thoát chỉ vì chánh-pháp và vì muôn loài.

1. Thế nào là người Xuất gia?


Kinh Phước-Điền nói: "Có năm đức tính mà Sa-Di (cấp bậc đầu tiên của người Xuất-gia) phải biết: Thứ nhất, phát tâm xuất-gia, vì cảm mến đạo-pháp; thứ hai, hủy bỏ hình đẹp vì để xứng pháp y; thứ ba, cắt bỏ ân ái, vì không còn thân thuộc; thứ tư, khinh thường tánh mạng, vì tôn sùng chánh-pháp; thứ năm, chí cầu đại-thừa, vì cứu độ tất cả".


Vì dịch không hết ý, nên đoạn văn này cần phải giải thích thêm:


Thứ nhất, vì cảm mến đạo pháp có năng lực diệt khổ, có phương pháp cứu người nên phát tâm xuất-gia, nghĩa là quyết chí mong cầu giải thoát mà thoát ly gia-đình.


Thứ hai, vì để ăn hợp với pháp y thanh tịnh mà trang nghiêm nên hủy bỏ hết những phục sức hoa lệ, những trang điểm duyên dáng nơi thân hình.


Thứ ba, vì không còn phân biệt ai quyến thuộc, ai xa lạ, ai thân, ai sơ, mà tất cả đều đau khổ và mình có nhiệm vụ cứu độ, nên cắt bỏ ân ái, từ giã thân thuộc.


Thứ tư, vì quí trọng chánh-pháp, tha thiết muốn học hỏi chánh-pháp, tu hành chánh-pháp, truyền bá chánh-pháp, nên khinh thường tánh mạng, không kể sức khỏe, không tiếc năng lực, không từ gian lao, nguy hiểm.


Thứ năm, vì để cứu độ tất cả nên quyết chí cầu pháp đại-thừa để có đủ phương pháp mà tự giác giác tha.


Nói tóm, Xuất-gia nghĩa là bỏ tất cả: Bỏ gia đình, bỏ hình đẹp, bỏ bà con, bỏ thân mạng, bỏ cả tự lợi. Đó là năm tư cách của người Xuất-gia. Mà bỏ tức giải thoát, nên bỏ năm điều trên thì đạt đến sự Giải-thoát chỉ vì chánh-pháp và vì muôn loài.


Nói tóm, tinh thần của Phật-Pháp là tinh thần "nghịch lưu", ngược đời. Mà có ngược đời mới cứu đời được.


Đời chúng ta là gì? Nói đến tâm lý thì không tham lam, sân hận tất tàn bạo, ngu si. Nói đến hành vi thì không bóc lột, đàn áp tất cuồng bạo, lưu manh. Nói đến tư tưởng thì phi cổ võ cạnh tranh để sống tất rập đầu trước khổ não. Cuộc đời như thế, từ đời sống cá nhân đến đời sống tập hợp, từ sự tập họp giữa vài người trong gia đình đến sự tập hợp giữa quần chúng trong xã-hội, đời sống ấy chạy đâu cho khỏi bể khổ mênh mông do các dòng nước của tâm lý, hành vi và tư tưởng trên đổ về, đang đổ về và còn đổ về mãi, nếu không quay ngược dòng nước ấy lại?

Quay ngược dòng nước ấy lại, đó là tinh thần căn bản của Phật-Pháp mà tinh thần đó, như ta đã thấy, có nó thì đời tiến hóa, không nó thì đời tiêu diệt. Mà đời sống người Xuất-gia là hiện thân của tinh thần ngược dòng ấy. Cho nên thay vì hình thức và sự sống của đời là hình thức và sự sống hiện hình của tội lỗi, phát sinh từ tội lỗi và phát sinh ra tội lỗi, thay vì hình thức và sự sống đó, hình thức và sự sống của người Xuất-gia phản ảnh tinh thần nghịch lưu, xuất thế, nên hình thức ấy khoác mặc pháp phục, sự sống ấy đồng hóa chánh-pháp. Và chỉ có vậy mới có thể đổi bỏ phiền não nơi tâm lý, độc ác nơi hành vi và lầm lạc nơi tư tưởng mà đem lại cho mình và người tâm lý thanh tịnh, hành vi hữu ích và tư tưởng sáng suốt.

Xuất-gia, nguyên nghĩa chữ ấy là tinh thần nghịch lưu của đạo pháp xuất-thế rồi, nên người Xuất-gia thật là bực Đại-Sĩ.

3. Đời sống ngược dòng của người xuất gia


Kinh Đại-Thừa-Diệu-Pháp-Liên-Hoa có dạy: "Vào nhà của đức Như-Lai, mặc áo của đức Như-Lai, ngồi chỗ của Như-Lai. Nhà của đức Như-Lai là tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh. Áo của đức Như-Lai là nhu hòa nhẫn nhục. Chỗ của đức Như-Lai là tất cả các pháp đều không".


Ngược với hình thức thế gian mà khoác mặc pháp phục, ngược với sinh hoạt thế gian mà sống như chánh-pháp, sống ngược dòng như vậy để làm gì? Hay hỏi một cách khác, người Xuất-gia sống như thế nào mà gọi là đời sống ngược dòng? Người Xuất-gia không muốn xuôi theo dòng đời đi đến lầm lỗi và khổ não nên ngược dòng lại, rời bỏ nhà cửa, phục sức và chỗ ngồi của thế gian mà vào nhà của Phật, mặc áo và ngồi chỗ của Ngài, đứng trên lập trường các pháp đều không mà đem nhu hòa nhẫn nhục để hoạt dụng tâm đại từ bi.


Tâm đại từ bi có hai tính cách: Tính cách cứu khổ thì thay thế chúng sinh mà chịu mọi khổ não cho họ; tính cách cho vui thì có thể bỏ hết tất cả phước lạc mà cho chúng sinh. Tâm đại từ bi như vậy là nhà cửa của Phật-Pháp. Bắt đầu vào Phật-pháp là ngược lại với tâm tánh tham tàn mà bước vào tâm đại từ bi đó.


Nhu hòa nhẫn nhục là dẻo dai và chịu đựng, dẻo dai từ tâm lý đến sắc mặt, nụ cười; chịu đựng từ hoàn cảnh đến chướng ngại, ngang trái. Nhu hòa nhẫn nhục như vậy là năng lực của Phật-Pháp, muốn thực hiện tâm đại từ bi thì phải khoác mặc năng lực ấy để chế ngự tất cả chán nản, bước lui, mà kiên nhẫn bước tới.

Nhưng có tâm đại từ bi và có nhu hòa nhẫn nhục là vì xác nhận các pháp đều không, nghĩa là không có đặc tánh cố định. Không có đặc tánh cố định thì khổ có thể tiêu diệt mà vui có thể kiến thiết. Ngồi trên sự xác nhận này thì thế nào cũng có tâm đại từ bi và có nhu hòa nhẫn nhục. Nên "các pháp đều không" là chỗ ngồi, chỗ lập cước, là lập trường của đời sống người Xuất-gia, đời sống nghịch lưu chỉ chăm chăm cứu khổ cho vui cho người. Trái lại, mê mờ mà cho các pháp thực có thì đã tham lam không rời cái mình thích mà lại khổ não không nguôi cái mình ghét bỏ; không những như vậy mà lại còn thấy khổ không thể hủy diệt, vui không thể thực hiện. Chấp các pháp thực có, đó là lập trường của cuộc sống thế gian, nên cuộc sống ấy xuôi dòng sinh tử, gây ra tội ác và bị tội ác nhận chìm mãi mãi. Sự nhận chìm ấy chỉ có sự xác nhận ngược dòng tư tưởng chấp có, nhận xét các pháp đều không mới làm cho đời mình nổi lên và thoát ra được.


Nói tóm, đứng trên sự xác nhận các pháp đều không mà dùng năng lực nhu hòa nhẫn nhục để cho vui và cứu khổ cho tất cả và hết thảy bằng tâm đại từ bi, đó, tất cả đại cương đời sống người Xuất-gia, một đời sống quả thật là ngược dòng, xoay ngược dòng sống chảy xuôi xuống hầm hố của đời mà đưa đời bước lên đường quang minh chánh đại.

4. Đại cương giáo lý của người xuất gia hệ thống của giáo lý


Toàn bộ giáo lý của Đức Phật có ba hệ thống:


1. Giáo lý chung thông của năm thừa

2. Giáo lý chung thông của ba thừa

3. Giáo lý đặc biệt của đại thừa.


Thừa nghĩa là cỗ xe, có tác dụng vận tải đến đích; giáo lý của Phật dạy có năng lực đưa người đến mục đích giải thoát (niết-bàn) và giác ngộ (bồ đề) nên mệnh danh theo danh từ ví dụ ấy, gọi là thừa . Giáo lý (hay Thừa) ấy, để cung cấp cho tất cả trình độ cao thấp bất đồng nên có 5; 5 thừa phân ra 3 hệ thống và là thành phần của 2 loại chánh.


1. Pháp thế gian.

2. Pháp xuất thế.


Giáo-lý "năm cấm giới" của nhân thừa (thừa thứ nhất) và giáo lý "mười thiện-nghiệp" của thiên-thừa (thừa thứ hai) nếu chỉ vì mục đích phước lạc mà thực hành thì kết quả chỉ đạt đến phước lạc ở loài người và chư thiên, nghĩa là vẫn còn trong phạm vi luân hồi, nên thuộc về "pháp thế gian" và đứng riêng một hệ thống, hệ thống thứ nhất. Giáo lý "bốn đế lý" của thanh-văn-thừa (thừa thứ ba) và giáo lý "mười hai nhân duyên" của duyên giác thừa (thừa thứ tư) thì chỉ thật hiện được mục đích giải thoát cho mình trong một phạm vi đoạn trừ kiến-hoặc và tư-hoặc, nên dầu thuộc về "pháp xuất thế" nhưng vẫn thành một hệ thống riêng, hệ thống thứ hai. Còn giáo-lý "thật tướng" của đại-thừa (hay tối-thượng-thừa, tức thừa thứ năm) thì diệt trừ đến tận vô thỉ vô minh, thật hiện đại giải thoát và đại giác ngộ cho mình và cho tất cả, nên tuy thuộc về "pháp xuất thế" mà nội dung bao gồm hết thảy, nên đứng riêng một hệ thống đặc biệt, hệ thống thứ ba.


Hiểu đại loại như vậy rồi, giờ quay lại để nhận định sự tương quan của ba hệ thống giáo-lý trên. Trước hết, nên để ý chữ chung thông và chữ đặc biệt. Chung thông thì cái gì của "thừa" dưới có là các "thừa" trên bao gồm cả; nói một cách khác để rõ ràng hơn, giáo pháp gì thừa dưới có, thừa trên cũng phải thực hành (nhưng thực hành với mục đích của mình) mới đạt đến mục đích mình mong mỏi. Trái lại, đặc biệt thì giáo-lý gì của thừa trên có, thừa dưới không có giáo-lý ấy, nghĩa là người tu thừa dưới đã không thực hành nổi mà cũng không liên quan gì đến mục đích của họ.

Hãy lấy một thí dụ trèo thang cho dễ hiểu: Nấc dưới là những nấc mà người muốn lên tột bực phải trèo qua, còn nấc tọât bực không phải là nấc phải kinh quá và có thể kinh quá của người chỉ trèo các nấc dưới. Hiểu như vậy mới thấy cái hệ thống phân minh của năm thừa, đồng thời cũng thấy sự tương quan giữa năm thừa ấy, và do đó, điều quan trọng này tự nhiên lộ diện ra: như một người chỉ muốn hoàn thành nhân cách để được phước lạc trong nhân loại mà thực hành 5 cấm-giới, thì năm cấm giới đó chỉ thật hiện mục đích tương đương như thế mà thôi; trái lại, một người có chí nguyện đại thừa, vì mục đích đại-giải-thoát và đại-giác-ngộ mà thực hành giáo-pháp cơ bản đầu tiên là năm cấm-giới trên thì năm cấm-giới ấy la øcái viễn nhân thật hiện mục đích vô thượng của đại thừa. Cứ liên tưởng đến cái thí dụ trèo thang trên cũng hình dung được ý niệm này.


Danh từ chung thông và đặc biệt cho ta vài nhận định cần thiết như vậy, tự nhiên ta thấy ba hệ thống của 5 thừa:


1. Năm cấm-giới và mười thiện-nghiệp là hệ thống giáo lý thứ nhất, tuy thuộc về "pháp thế gian" nhưng đồng thời cũng là nấc thang thứ nhất và nấc thang thứ nhì của ba thừa trên, nên gọi là " giáo lý chung thông của năm thừa".


2. Bốn đế-lý và 12 nhân duyên là hệ thống giáo lý thứ hai, tuy thuộc về "pháp xuất thế" nhưng chỉ thật hiện mục đích tự giải thoát, và tuy chỉ tự giải-thoát nhưng cũng là nấc thang thứ ba và nấc thang thứ tư của đại thừa, nên gọi là " giáo lý chung thông của ba thừa".


3. Thật tướng là hệ thống giáo lý có hai mặt: Mặt cao thì diễn đạt thật-tướng của các pháp và thật hiện mục đích vô thượng; mặt rộng thì bao gồm tất cả giáo lý của các thừa dưới, nói khác đi, các thừa dưới chỉ là giáo lý của hệ thống này, nhưng để cung cấp cho tất cả trình độ nên Phật tỉa thừa này ra mà thiết lập. Bởi hai mặt cao và rộng tột bực như vậy nên nó là " giáo lý đặc biệt của đại thừa" mà thôi.


Bây giờ, tự nhiên có hai câu hỏi mà ta phải giải thích trước khi giải thích đại cương của ba hệ thống giáo lý trên. Hai câu hỏi ấy là:


a/ Nếu năm cấm giới và mười thiện-nghiệp là nhân thừa và thiên thừa thì giáo lý ấy có khác gì đạo đức luân lý của thế gian mà để nó vào hệ thống giáo lý của Phật? Hỏi như vậy cũng như hỏi 5 cấm giới và 10 thiện-nghiệp làm sao thành viễn nhân của mục đích giải thoát trong khi hình thức nó không hơn mấy luân lý và đạo đức thế gian?


b/ Trong 5 thừa (hay 3 hệ thống giáo lý) đó, thứ nào mới thật là Phật-Pháp, bao gồm toàn diện giáo lý và đạt đến mục đích cuối cùng của Ngài?


Muốn giải đáp câu hỏi thứ nhất, ta phải nhớ đến "ba qui y". Ba qui y là mục đích của người tu học Phật-Pháp. Mục đích ấy có nghĩa là qui ngưỡng người dẫn đạo mình (Tăng) thật hành các giáo lý cao rộng (Pháp) để thật hiện mục đích vô thượng (Phật). Khi thệ nguyện thọ trì và tu tập 5 cấm-giới hay 10 thiện-nghiệp thì phải thọ "ba qui y" như thế để nhận thức mục đích. Và do 3 qui y (nói cách khác, là do mục đích đó) mà 5 cấm giới và 10 thiện-nghiệp vừa là nguyên nhân trực tiếp đem lại phước lạc tương đương với giá trị của nó, vừa là viễn nhân gián tiếp bước lên mục đích vô thượng của Phật-Pháp. Vì vậy, hình thức của 5 cấm giới và 10 thiện-nghiệp, tuy luân lý đạo đức có giống nó đôi phần, nhưng nó, vì giá trị trên, vốn cũng là những pháp vị đề hồ, những giọt sữa thật chất, chảy ra từ chân như giác hải của Phật-đà. Cũng do theo đây, "ba qui y" vừa là cơ bản, vừa là mục đích suốt từ đầu chí cuối của tất cả 5 thừa.


Còn câu hỏi thứ hai, muốn giải đáp, ta phải nhấn mạnh mục đích vô thượng của Phật-Pháp. Mục đích ấy là đại giải thoát và đại giác ngộ, nói tóm, mục đích ấy là thành Phật. Mà Phật-Pháp là gì? Là giáo-pháp do Phật nói ra và đi đến địa vị Phật. Đi đến địa vị Phật, đó là mục đích vô thượng của Phật-Pháp. Nhưng giáo-lý nào có thể đạt mục đích đó ngoài giáo-lý đại thừa? Cái cao của mục đích Phật-Pháp là trí giác vô thượng, cái rộng của mục đích Phật-Pháp là giác ngôï tận cùng; cái cao cái rộng ấy phi tính chất cao và rộng của giáo lý đại thừa, không có giáo lý chi đạt thấu, thật hiện được.


Đại cương của các hệ thống giáo lý

Mọi sự tương quan cần thiết đã nhận thức rồi, ta phải bước vào đại cương của ba hệ thống giáo lý trên.

1. Đại cương của hệ thống "Giáo lý chung thông của năm thừa."

Tức 5 cấm giới và 10 thiện-nghiệp thiết lập trên cơ bản, trên mục đích "ba qui y".

Năm cấm giới của nhân thừa có hai phần:

Một, đình chỉ tánh tội, tức bốn giới trước, năng lực của nó là tiêu diệt sự tàn sát, sự cướp lột, sự gian dâm, sự lừa láo; những tội ác mà thế gian sinh ra là đã có và thế gian đại loạn vì nó.

Hai, đình chỉ giá tội, tức giới thứ năm, năng lực của nó là giữ thăng bằng cho tâm lý trước sự say sưa để khỏi sa vào 4 tánh tội. Thế giới loạn là loạn từ tâm lý con người, thế giới mất thăng bằng là mất thăng bằng từ tâm lý con người ấy. Nên giáo lý 5 cấm-giới chứng tỏ rằng muốn cải tạo xã-hội thì phải cải tạo con người; đưa con người ra khỏi cái loạn, cái mất thăng bằng của nó thì luôn theo đó, thế giới con người cũng chấm dứt sự đại loạn, sự vô tổ chức. Và con người cũng như thế giới của con người sẽ được xây dựng với những điều kiện lành mạnh từ trong đến ngoài, từ gốc đến ngọn, trong mặt tích cực của 5 cấm-giới là bảo vệ lẫn nhau, tương trợ cho nhau, thanh khiết như nhau, thành thực với nhau và soi sáng cho nhau.

Còn mười thiện-nghiệp của thiên-thừa thì có 3 phần: Ba thứ đầu đình chỉ sự tàn sát, sự trôïm cướp, và sự gian dâm của thân thể; bốn thứ giữa đình chỉ lời nói dối trá, lời nói thêu dệt, lời nói ly gián, lời nói thô ác của miệng lưỡi; ba thứ sau đình chỉ lòng tham lam, lòng sân giận, lòng si mê của tâm ý. Pháp tu để đạt đến phước lạc chư thiên, ngoài 10 thiện-nghiệp này có pháp ly dục (để đạt đến sắc giới) và pháp ly thân (để đạt đến không giới) nữa, nhưng chỉ là chi tiết đi sâu một chút của 10 thiện-nghiệp. Tuy vậy, đạt đến phước lạc chư thiên là kết quả thấp nhất của 10 thiện-nghiệp thô sơ, nên nói 10 thiện-nghiệp là thiên-thừa mà thôi; chứ 10 thiện-nghiệp sâu rộng thì chính là cơ bản của tất cả, việc ấy lại là một phương diện khác.

Giáo-lý chung thông của năm thừa tức 5 cấm-giới của nhân-thừa và 10 thiện-nghiệp của thiên-thừa trên đây chứng minh một giáo lý quan trọng: Hành vi là nguyên động lực của sự sống. Sự sống có ra và có sai biệt là do hành vi. Giáo lý này một mặt chứng tỏ sự sống khổ do hành vi ác gây ra, sự sống vui do hành vi thiện kết quả, một mặt chứng tỏ sự sống ấy lại do hành vi cải tạo. Nên muốn hết khổ thì đừng làm ác, mưốn vui sướng thì phải lo làm điều thiện. Chỉ có lý thuyết hành vi là nguyên động lực của sự sống đó mới được nói một cách to lớn rằng tương lai đời ta ở chính trong tay của ta. Lý thuyết này thuật ngữ thường gọi là nhân quả luân hồi . Mục đích của nó cốt để cho người ta đừng ỷ thị vào thượng đế, đừng đổ trách nhiệm cho hoàn cảnh mà phải nhìn vào hành vi của mình, chính hành vi của mình đã tạo ra tất cả những gì của sự sống mình có. Không những như vậy, lý thuyết nhân quả luân hồi còn chứng minh và khuyến khích ta lọc sạch ngã chấp cho hành vi thanh tịnh thì sự sống sẽ giải thoát luân hồi.

2. Đại cương của hệ thống "Giáo-lý chung thông của ba thừa."

Tức 4 đế lý của thanh-văn thừa và 12 nhân duyên của duyên-giác-thừa.

Đại cương 4 đế lý là thế này: Sự sống là "Khổ" bởi vì sự sống ấy chỉ là thức, danh sắc, lục nhập, sinh, lão tử kết hợp mà liên tục. Khổ ấy nguyên nhân là "Tập" tức do vô minh, hành, xúc, thọ, ái, thủ, hữu kết hợp mà phát sinh. Nếu tập, nguyên nhân của khổ đã "Diệt" thì khổ, kết quả của tập, cũng không còn: sự diệt tận không còn đó là niết-bàn. Nhưng muốn thật hiện niết-bàn, thì phải thực hành phương pháp diệt khổ, phương pháp ấy gọi là "Đạo". Bởi vậy bốn đế lý là:

Khổ: thực trạng của khổ;
Tập: nguyên nhân của khổ;
Diệt: nguyên nhân của khổ tiêu diệt;
Đạo: phương pháp tiêu diệt nguyên nhân của khổ.

Phật-đà đưa ra giáo-lý này cũng như ông thầy Thu*c tìm ra.

- Bệnh,
- Nguyên nhân của bệnh,
- Nguyên nhân của bệnh hết,
- Thu*c để trị nguyên nhân của bệnh.

Bởi vậy 4 đế lý tìm vạch được hai hệ thống nhân quả: Hệ thống nhân quả "khổ não phát sinh", tức khổ (quả) và tập (nhân); và hệ thống nhân quả "khổ não tiêu diệt", tức diệt (quả) và đạo (nhân).

Đó là giáo-lý 4 đế lý của thanh-văn-thừa. Khuếch trương giáo-lý này ra là giáo-lý 12 nhân-duyên của duyên-giác-thừa. Bởi vậy, giáo-lý 12 nhân-duyên có 2 phần:

a. Phần "lưu chuyển", tức hệ thống khổ não phát sinh;
b. Phần "hoàn diệt", tức hệ thống khổ não tiêu diệt.

Sánh với 4 đế lý, 12 nhân-duyên nói rõ hệ thống khổ não phát sinh mà ẩn lược hệ thống khổ não tiêu diệt, chứ không có gì đáng phải giải thích thêm về phần đại cương.

Nhưng nếu chỉ phân tích sự sống và nguyên nhân của sự sống ra bằng khổ và tập, hay bằng 12 nhân duyên không thôi, thì sự phân tích ấy đâu khác gì ngoại đạo? Và dù ở 4 đế lý có nói diệt và đạo, hay ở 12 nhân duyên có nói phần hoàn diệt, nhưng nói thế không thôi, không đủ để cắt nghĩa tại sao khổ và nguyên nhân khổ có thể diệt đi được để thật hiện niết-bàn. Do đó, cái tinh túy chánh của Phật-Pháp trong 4 đế lý và 12 nhân duyên là 3 pháp ấn sau đây.

1. Vô thường,
2. Vô ngã,
3. Niết-bàn.

Đau khổ và nguyên nhân của đau khổ vốn chỉ là những hiện tượng mà về thì gian thì do từng giai đoạn liên tục trong khi về không gian, căn bản là do các yếu tố kết hợp: Là hiện tượng do từng giai đoạn liên tục nên chúng vô thường (không có cái thực trong tính cách thì gian), là hiện tượng do các yếu tố kết hợp nên chúng vô ngã (không có cái thực trong tính cách không gian). Nguyên nhân đau khổ sở dĩ gây ra được đau khổ là vì nó vô thường và vô ngã (không thường còn và duy nhất). Đau khổ sở dĩ đau khổ là vì vô thường và vô ngã. Và sau hết, cũng chính đau khổ và nguyên nhân của đau khổ là vô thường và vô ngã nên có thể diệt sạch đi được: sự diệt sạch ấy tức là niết-bàn.

Vô thường, vô ngã, niết-bàn, 3 pháp ấn như vậy là những định lý mà có nó, 4 đế lý và 12 nhân duyên mới là Phật-Pháp. Trái lại, xác nhận khổ đế, vạch ra tập đế, phân tích 12 nhân duyên, nhưng chấp là thường là ngã, là thường còn và duy nhất thì không làm sao nói đến chuyện diệt đi được để đến niết-bàn; nên không có các pháp ấn vô thường, vô ngã và niết-bàn thì khổ đế, tập đế, hay 12 nhân duyên ấy chỉ là thuyết của ngoại đạo. Mà cũng vì vậy, dù có nói diệt đế, đạo đế và phần hoàn diệt của 12 nhân duyên đi nữa, cũng chỉ là lý tưởng suông, không thể thực hiện được và không biết thực hiện do nguyên lý nào.

3. Đại cương của hệ thống "Giáo-lý đặc biệt của Đại thừa"

Tức là giáo lý thực-tướng, giáo lý thuyết minh rõ ràng tánh, tướng và dụng của các pháp, thuyết minh đầy đủ phương pháp thực chứng tánh tướng dụng đó (tức lục độ vạn hạnh), và thuyết minh những kết quả vô thượng sau khi thực chứng tánh tướng dụng (tức đại giải thoát và đại giác ngộ ở Phật quả). Hệ thống giáo lý này có ba phần do cách trình bày có lý do riêng:

1. Pháp không quán huệ,
2. Pháp tướng duy thức,
3. Chân như tịnh đức.

Hệ thống thứ nhất là giáo lý thuyết minh sự thực của các pháp, sự thực ấy là không có tự tánh nếu dùng trí tuệ mà quán sát thấu đáo, nên gọi là "pháp không quán huệ".

Hệ thống thứ hai là thuyết minh tướng dụng của các pháp, tướng dụng ấy tuy không có tự tánh nhưng chính vì không có tự tánh mà do tâm thức biến hiện có ngàn sai muôn khác, gọi là "pháp tướng duy thức".

Hệ thống thứ ba thuyết minh các pháp do tâm thức biến hiện ngàn sai muôn khác là vì chân như của tâm thức vốn cụ thể tất cả khả năng vi diệu, nên gọi là "chân như tịnh đức".

Tất cả hai loại phước đức và trí tuệ của hạnh nguyện Bồ-tát, tất cả hai kết quả đại niết-bàn và đại bồ-đề của quả vị Phật-đà đều thiết lập trên ba hệ thống giáo lý đặc biệt của đại-thừa này. Ba hệ thống giáo lý đăïc biệt của đại thừa này vì những tính chất vĩ đại sau đây nên nó mới là giáo lý chánh của Phật-Pháp, bao gồm tất cả giáo, lý, hạnh, quả của Phật-Pháp; những tính chất ấy là:

1. Cảnh đại (đối tượng vĩ đại) là thể nhập giáo pháp cao rộng, tức giáo pháp đại-thừa.
2. Hạnh đại (hành động vĩ đại) là thực hiện hành vi cao rộng, tức tự lợi lợi tha.
3. Trí đại (trí giác vĩ đại) là giác ngộ toàn thể pháp tánh, tức nhân không pháp không.
4. Tiến đại (tinh tiến vĩ đại) là nỗ lực thời gian lâu dài, tức ba vô số-kiếp.
5. Phương tiện đại (khéo léo bực nhất) là không mắc sinh tử mà cũng chẳng ở niết-bàn.
6. Chứng đắc đại (kết quả vô thượng) là thực hiện tất cả đại giải thoát và đại giác ngộ.
7. Nghiệp dụng đại (hoạt dụng vô cùng) là cùng tận vị lai, làm tất cả Phật sự độ tất cả chúng sinh.

Nói tóm, tất cả ba hệ thống giáo lý của toàn bộ Phật Pháp đều có giáo, lý, hạnh và quả của nó:

Giáo: sự trình bày.
Lý: tức lý thuyết.
Hạnh: tức phương pháp.
Quả: tức hiệu quả.

Riêng giáo, lý, hạnh, quả của Đại-thừa thì bao gồm tất cả giáo lý của tất cả hệ thống thứ hai và hệ thống thứ nhất, nghĩa là tất cả giáo pháp ở nhân thừa cho đến duyên giác thừa đều bao gồm trong đại thừa, bởi vậy, chỉ có đại thừa mới có hai tính cách của Phật-Pháp: a) do Phật nói ra, b) đi đến Phật quả. Còn 4 thừa dưới (hai hệ thống đầu) chỉ có tính cách thứ nhất mà thôi, có đồng hóa trong chí nguyện của Đại-thừa mới thành viễn nhân của Phật quả được. Bởi vậy, người Xuất-gia đem "chí cầu đại thừa để cứu độ tất cả" thì chỉ qui tâm về đại thừa, tín thọ, học hỏi, nghiên cứu, thực hành giáo pháp đại-thừa mà thôi. Còn trong sự giáo hóa, có vì trình độ họ mà tỉa trong giáo pháp đại-thừa, rút nhân thừa, thiên thừa và thanh văn thừa, duyên giác thừa ra giáo hóa họ đi nữa, ở "ba qui y" cũng phải đem chí nguyện đại thừa mà hướng dẫn họ phát bồ đề tâm mong cầu Phật-quả, để nhờ đó, trong khi những thừa trên vừa đem đến cho họ kết quả tương đương mà lại vừa làm cái viễn nhân đi đến trí giác vô thượng của Phật-đà.

Thực hành đại thừa, con đường ấy có 4 bước mà người xuất-gia cần phải biết và phải kinh quá;

1. Tín - Xác nhận giáo lý đại-thừa là vô thượng,
2. Giải - Thể nhập giáo lý đại-thừa ấy,
3. Hạnh - Tu tập giáo lý đại-thừa ấy,
4. Quả - Đạt đến quả vị Phật-đà.

Nói giản dị, tín ngưỡng, lý giải, thực hành giáo pháp Đại-thừa cho kết quả là đạt đến trí-giác Vô-thượng, và như vậy mới là vừa hiểu, vừa làm, vừa được tất cả đại cương cùng chi tiết của toàn bộ Phật-Pháp.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang
(Còn nữa...)


Thích Trí Quang

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nguoi-xuat-gia-phan-1-d25058.html)
Từ khóa: xuất gia

Chủ đề liên quan:

xuất gia

Tin cùng nội dung

  • Ý nghĩa ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật. Do đó kỷ niệm ngày Phật xuất gia nhằm nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia noi theo gương sáng của Ngài để tu hành, để tinh tấn, để tăng trưởng trí tuệ và để giải thoát.
  • Người xuất-gia thực đúng như kinh Pháp-Hoa đã dạy, là người bỏ nhà thế gian vào nhà của Phật, cởi áo thế gian mặc áo của Phật, bỏ chỗ thế gian ngồi chỗ của Phật. Ngồi chỗ của Phật là xác nhận các pháp đều không nên không thấy có gì quan trọng hết và không một việc gì không làm được. Mặc áo của Phật là vận dụng đức tánh nhẫn nhục nên chông gai không sờn mà thế sự không chuyển nổi.
  • Phật là cha, Pháp là mẹ. Thuận lời Phật, làm theo Pháp, ấy là hành động đúng với cha mẹ. Người Xuất-gia từ bỏ tất cả, thoát ly gia đình, lấy Phật làm cha, lấy Pháp làm mẹ, thì phải có sự sinh hoạt đúng với cha mẹ ấy. Cho nên vấn đề hành trì được coi là phần chánh, là kết quả phải có của sự lý giải và nguyên nhân cần thiết của sự chứng ngộ mà Người Xuất-gia, đúng với danh nghĩa của mình, không thể không có.
  • Đạo Phật rất cần những người tu trẻ, có tài đức để làm mới đạo Phật. Ngược lại, những người có hoàn cảnh éo le trong đời, thất bại trong sự nghiệp hoặc tình duyên đi tu, theo Phật họ là những người ẩn dương nương Phật.
  • Trước khi xuất gia, ta cần có quyết tâm, thấu rõ động cơ tốt, hiểu được bản thân, xác định lý tưởng. Không nên lấy thiện cảm hay tình cảm với một vị thầy nào để làm mục đích xuất gia, vì như thế sẽ không có giá trị.
  • Yêu cầu trụ trì các Tự viện thực hiện đầy đủ các quy định tại điều 28 chương VI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; khoản B phần 1 Thông tư 005/TT. HĐTS ngày 15/01/2016 đối với việc cho phép xuất gia, nhận người vào tập tu tại Tự viện.
  • Khi bước chân vào đạo, quy y Tam bảo, người đệ tử Phật đã phát lời thệ nguyện: “Con nay quy y Phật-Pháp-Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y trời, thần, quỷ, vật; không quy y ngoại đạo, tà giáo; không quy y thầy tà, bạn xấu”. Làm trái, nghĩa là bội nghịch với Tam bảo.
  • Dù vẫn hết lòng tuân theo tín ngưỡng của mình nhưng sư thầy Tuân vẫn không dứt bỏ hồng trần bằng việc nhận nuôi 11 đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi.
  • Người tu Thiền xả là luôn luôn để cho tâm thanh tịnh, khi làm việc chỉ biết làm việc, hoàn toàn làm chủ mình, không để tạp niệm xen lẫn.
  • Buổi lễ qua rồi nhưng hình ảnh bà mẹ già đứng phía ngoài nhìn vô cứ in đậm trong lòng tôi, khiến tôi cứ mãi nặng lòng.