Tâm linh hôm nay

Người xuất gia (Phần cuối)

Người xuất-gia thực đúng như kinh Pháp-Hoa đã dạy, là người bỏ nhà thế gian vào nhà của Phật, cởi áo thế gian mặc áo của Phật, bỏ chỗ thế gian ngồi chỗ của Phật. Ngồi chỗ của Phật là xác nhận các pháp đều không nên không thấy có gì quan trọng hết và không một việc gì không làm được. Mặc áo của Phật là vận dụng đức tánh nhẫn nhục nên chông gai không sờn mà thế sự không chuyển nổi.

7. Người xuất gia trước thời hiện tại


Nguyên nghĩa chữ xuất-gia đã có cái ý thoát ly tất cả lĩnh vực và thời thế, không hệ thuộc mình vào không gian hay thời gian nào hết. Hệ thuộc vào tức không còn tính cách xuất-gia nữa. Nhưng nói như vậy không phải cái nghĩa xây lầu trên không. Không. Người xuất-gia tu hành và thành tựu trong chúng sinh và cho chúng sinh. Người xuất-gia là kẻ xây lâu đài trên đất bằng phẳng và xây như thế mới thành được chứ không cất lầu giữa không gian, một việc không bao giờ có. Và, chính vì tu hành và thành tựu trong tất cả chúng sinh và cho tất cả chúng sinh, nên người xuất-gia phải thoát mình ra ngoài sự chi phối của thời thế, đồng thời, không phải không có trách nhiệm với thời thế, cái trách nhiệm mà tôi muốn nói chính là sự thoát mình ra ngoài sự chi phối đó, chứ không chỉ khác.


Vấn đề không có gì phức tạp cả. Nó gay go hết chỗ nói nhưng mà giản dị đến nỗi đáng lẽ không phải bàn nữa. Ấy là người xuất-gia "Phải và chỉ làm tròn bổn phận của mình." Bổn phận ấy tối thiểu là mấy điều này:


Không tham dự vào thế sự.

Người xuất-gia là sở hữu của Chánh-pháp, là sứ giả của Phật-đà. Người xuất-gia phải để trọn vẹn tư tưởng năng lực của mình vào sự thực hiện chánh-pháp và hướng dẫn sự thực hiện ấy. Do đó, người xuất-gia không thể thương ai ghét ai, thiên vị bên này bỏ rơi bên khác. Người xuất-gia thoát ly một cách hoàn toàn, ra ngoài sự chi phối phi Chánh-pháp của cá nhân, của đảng phái, của chủ nghĩa, của chính mình. Không tham dự thế sự như vậy không có nghĩa là không hoạt động gì cả và bỏ rơi quần chúng. Chữ trung lập vô nghĩa trong trường hợp này. Mục đích không tham dự thế sự thực là rõ rệt: để thực hiện Chánh-pháp cho quần chúng mà không để mình và quần chúng xuôi theo thế sự lầm lỗi, vô thường.


Chỉ hành trì và giáo hóa.


Chỉ biết mục đích đạo Phật.

Kinh Giải-Thâm-Mật nói: "Ví như phấn uế, đã là phấn uế thì dù ít dù nhiều, vẫn hôi vẫn thối. Chúng sinh bản chất là các hành thì, các hành dù nhiều dù ít, khổ vẫn là khổ". Cho nên ăn mặc ở không phải hạnh phúc của đời người, không phải mục đích của sự sống. Phải ăn phải mặc phải ở, phải có như thế mới sống thì đã là khổ mà thêm nữa chỉ là trên khổ thêm khổ. Cho nên người xuất-gia, đối với bản thân và quần chúng, chỉ ngó mục đích cuối cùng của Đạo Phật mà tự hướng dẫn và hướng dẫn người. Mục đích ấy là đại giải thoát đi đôi với đại giác ngộ. Nói khác đi là thành Phật. Phải làm cho tất cả con người đều trở thành những đức Phật, đó mới là mục đích của người xuất-gia phải đeo đuổi. Vì, sự thật từ thực tế đến lý luận, chỉ có mục đích ấy mới hạnh phúc và cao hơn hạnh phúc tuyệt đối, vĩnh viễn.


Trước thời thế, bất cứ là thời thế nào, nhất là thời thế này, người xuất-gia muốn được như vậy, phải nhất tâm theo 3 điều sau đây:


Đừng cầu hoàn cảnh như ý.

Tôi muốn nói đừng ham tìm đến hoàn cảnh yên ổn, đừng bao giờ cầu được thời thế êm tịnh. Thế giới nhà lửa này không đâu yên ổn và êm tịnh cả. Giá hai điều ấy, một nơi nào một thời thế nào tương đối khá hơn thời thế như nước dâng lửa cháy này đi nữa, người xuất-gia cũng đừng để tâm niệm cầu mong có ở trong trí. Bởi lẽ người xuất-gia phải xác nhận thấy ở trong thời thế bất an, bất như ý từng nào, mình càng dễ tinh tiến tự độ và cứu độ mọi người. Thời thế như ý chỉ thuận với tánh giải đãi và tăng thêm sự cầu an mà thôi, không làm cho mình cảm được một cách thống thiết đời là khổ và cần phải tinh tiến để giải thoát cái khổ ấy.


Quán tưởng cái ch*t.

Người xuất-gia luôn luôn quán xét sự đau khổ, vô thường, vô ngã của thời thế. Quá khứ, những điều kiện nào gây ra thời thế cũng như vị lai, những gì củathời thế gây ra, đều chỉ là vô thường, đau khổ, vô ngã. Phải quán xét như vậy để diệt trừ tâm tham trước thế sự và thấy đời cần phải giải thoát và nhất là có thể giải thoát được. Nhưng trong tất cả pháp quán của người xuất-gia, "tư tưởng" là pháp môn vi diệu nhất. "Tư tưởng" là luôn luôn nghĩ đến cái ch*t. ch*t, sẵn sàng đến bất cứ lúc nào và bằng hàng vạn lý do, ch*t không bao giờ hẹn hò với ta và ta không thể biết trước, đề phòng. ch*t, vì vậy, một điều không thể tránh nên không cần tránh, đã không thể tránh và không cần tránh thì không sợ ch*t mà chỉ lo cho cái ch*t đúng với ý muốn của mình. Sự nghĩ ngợi đó sẽ làm cho mình tinh tiến mãnh liệt, đem lại cho mình đức vô úy kiên cố và năng lực dũng cảm.


Nghĩ nhớ đến Phật.

Lời này người Xuất-gia phải nhớ với tất cả tha thiết mình có.


8. Người xuất gia trước Phật giáo hiện tại


b. Thứ nữa, người xuất-gia cần phải quyết chí xả thân cho Phật-Giáo, nhất là nền Phật-Giáo thống nhất. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy những vấn đề hệ trọng trong Phật-Giáo được nêu ra cả, nhưng nêu ra vì cao hứng nhất thời hay vì khoái thích trước tính cách vĩ đại của nó, rồi sau đó, số người chủ động thì vì kém tinh thần vô úy, trách nhiệm, chịu đựng, và tệ nhất là vì sự đối chọi giữa cá nhân, nên đã rút lui mà còn quấy rối công việc; còn quần chúng thì hầu hết, sau khi rộn ràng nhất thời rồi, ai đâu về nấy, không thấy vấn đề nêu ra có liên quan gì đến mình, mình không có trách nhiệm gì cả, nghĩ rằng đó chỉ là những chuyện của một số người háo sự bày đặt ra. Bởi vậy, lá cờ thống nhất kéo lên, nhưng còn kéo cao lên hay có thể hạ xuống, không ai hay biết và chịu trách nhiệm. Người xuất-gia, trước tình trạng như vậy, phải tự mình quyết chí làm một cán bộ trung kiên, đeo đuổi phong trào, sống ch*t với phong trào cho đến kỳ cùng bằng ba đức tánh cần thiết là vô uý, trách nhiệm,và kiên nhẫn.


Nói tóm, với nền thống-nhất Phật-giáo, "quyết chí làm một cán bộ trung kiên" được xem như là điều cốt yếu của người xuất-gia.


Đối với giáo lý


Tuy vấn đề Phật-giáo Thống-Nhất là quan trọng nhưng vẫn chưa phải là vấn đề chủ chốt. Vấn đề chủ chốt và căn bản đối với người xuất-gia, tự cổ chí kim, vẫn là vấn đề giáo-lý. Đối với giáo-lý, người xuất-gia phải hành trì và truyền bá. Nhưng muốn hành trì và truyền bá thì phải nhận thức cho xác thực. Mà nhận thức cho xác thực quả là một điều không giản dị. Bởi vậy, người xuất-gia phải chú ý mấy điều sau đây đối với giáo lý Phật-giáo hiện tại:

1) Ai cũng biết giáo-lý của Phật-giáo được còn lại trong ba văn hệ chánh hiện giờ, là văn hệ Ba-ly, văn hệ Tây-tạng, văn hệ Trung-hoa.Văn hệ Ba-ly chỉ là giáo-lý tiểu-thừa. Văn hệ Tây-tạng phần nhiều là giáo-lý đại-thừa. Duy văn hệ Trung-hoa thì tiểu thừa, nhất là đại thừa, đều đầy đủ cả. Bởi vậy, sự thực ít ai rờ tới 4 bộ kinh A-hàm và 6 bộ luận Lục-túc trong văn hệ Trung-hoa (các nước Phật-Giáo chịu ảnh hưởng của văn hệ này vốn chỉ trọng thị Đại-thừa) nên nghĩ rằng giáo lý nguyên thỉ trong văn hệ Trung-hoa thiếu sót hay thất thiệt. Nghĩ như vậy (và viết, nói như vậy) chỉ là theo đuôi bọn học giả đầu mùa của phương tây. Nhưng đó là điều không quan trọng. Điều quan trọng là ta phải biết "toàn bộ giáo lý" của Phật-Giáo gồm có cả đại-thừa và tiểu thừa (điều này sẽ chứng minh ngay sau đây) mà trong ba văn hệ của Phật-Giáo trên, văn hệ Ba-ly chỉ được cái nguyên thỉ mà thiếu hẳn bề rộng và chiều sâu của toàn bộ Phật-Pháp, còn văn hệ Tây-tạng thì chỉ được cái gồm đủ tất cả Phật-Pháp thời kỳ cực thịnh của đại-thừa (quãng thế kỷ thứ 10 và 11 sau khi Phật niết-bàn: thời kỳ Trung-quán và Duy-thức toàn hiện và Mật-tông sáng ra trong mặt thực tiễn). Duy văn hệ Trung-hoa dịch lại từ Phật-Pháp chữ Phạn và cả chữ Ba-ly, vì vậy, toàn bộ giáo lý của Phật-Giáo đều có đủ cả.

Đấy là sự thực bằng giấy trắng mực đen đã mấy đời và còn mãi đấy, chứ không phải ý kiến của ai thiên vị mà tác thành hay thiên kiến của ai phủ nhận mà khuất lấp được. Chỉ hiềm một nỗi văn hệ Trung-hoa ấy quá nhiều và toàn là dịch phẩm mà thôi. Bởi vậy, chúng ta, nhất là người xuất-gia, đúng ra, trong việc học giáo lý, phải lấy văn hệ Trung-hoa làm căn bản, rồi học thêm văn hệ Ba-ly để bổ túc mặt nguyên văn cho phần giáo lý Tiểu-thừa, và học thêm văn hệ Tây-tạng để bổ túc mặt đầy đủ cho phần giáo lý Đại-thừa.

2) Tại sao toàn bộ giáo-lý của Phật-giáo gồm có cả đại thừa và tiểu-thừa? Muốn nhận thức vấn đề, chúng ta phải xét cái nguyên lý "Phật-giáo vì căn cơ chúng sinh mà thiết lập", nói khác đi cho dễ hiểu, là do nhu cầu mà có và phải có. Vì vậy, vấn đề lịch sử của giáo lý Phật-giáo chưa tìm xét đầy đủ, nhưng giá tìm xét được đầy đủ đi nữa cũng không đủ để phủ nhận hay thành lập giáo lý Đại-thừa. Đức Phật đã tuyên bố bất cứ giáo lý nào của Ngài cũng do căn cơ—do nhu cầu của người mà thiết lập và phải thiết lập. Tiểu-thừa có là có vì sự nhu cầu giáo lý ấy. Đại-thừa cũng vậy, sự nhu cầu đã có và còn có mãi thì Đại-thừa đã có, phải có và còn có mãi trong toàn bộ giáo-lý của Phật-giáo. Cho nên đối với giáo lý ngày nay, không phải tranh chấp giáo lý nào nguyên thỉ, giáo lý nào tiến triển mà cần phải chú ý vấn đề nhu cầu. Mà nói đến vấn đề nhu cầu thì giáo lý nào cũng vậy, dầu nguyên thỉ, dầu tiến triển, nếu cung ứng cho sự nhu cầu được là có, cần có và có mãi một cách có giá trị, trái lại, nếu không cần cho sự nhu cầu của con người thì dầu có cũng không có giá trị, nữa là cần có và có mãi. Xưa, sự nhu cầu nào đã vì đó mà có ra giáo lý Đại-thừa thì ngày nay và ngày sau, sự nhu cầu ấy vẫn còn và vẫn còn đòi hỏi giáo-lý Đại-thừa.


Sự nhu cầu ấy là gì? Là thật hiện trí giác vô thượng và cứu vớt chúng sinh khổ não, nói tóm là thành Phật. Phải thật hiện trí giác vô thượng mới giác ngộ hoàn toàn và thanh tịnh triệt để, phải giáo hóa chúng sinh khổ não mới tự lợi cứu cánh và lợi tha viên mãn, nói tóm là phải thành Phật mới đạt đến, mới thật hiện tất cả nhu cầu cao tột của con người. Thành Phật, như vậy, là sự nhu cầu hợp lý tuyệt đối phải có. Mà sự nhu cầu ấy phi giáo-lý Đại-thừa, không có giáo lý chi có thể cung cấp cho nó, làm cho nó thật hiện.


Đức Phật chưa bao giờ tuyên bố không ai có thể thành Phật. Ở tiểu-thừa vì sự nhu cầu này chưa có căn cơ còn kém cõi nên Ngài chưa tuyên bố gì, nhưng vẫn tuyệt nhiên không tuyên bố có ai không thể thành Phật, không tuyên bố địa vị La-hán tức là địa vị Phật-đà, nhất là không tuyên bố chỉ có ngài mới là đức Phật. Trái lại, chính trong giáo lý tiểu-thừa, ở đâu đức Phật cũng tỏ lộ ra cái ý La-hán chưa phải Phật-đà, mà lại chủ trương bình đẳng: ai cũng có thể như Ngài. Bởi vậy, đến một giáo lý cao hơn để cung ứng cho một nhu cầu xứng hợp với ý muốn của Phật, nhu cầu muốn thành Phật, thì đức Phật minh bạch tuyên bố "ai cũng có Phật-tánh", "tất cả đều có thể thành Phật", và "Ngài xuất hiện giữa thế gian này chỉ vì một đại sự duy nhất: khai thị Phật-tri-kiến cho chúng sinh ngộ nhập." Giáo lý ấy, vì vậy, đức Phật mệnh danh là Đại-thừa.


Nhưng địa vị Phật-đà có những gì? Phải có những gì mới thành Phật? Giáo-lý Đại-thừa có gì mà chỉ nó mới làm cho ta thành Phật? Tại sao giáo lý tiểu-thừa không thể cung ứng cho sự nhu cầu ấy được? Đó là 4 câu hỏi để chứng minh toàn bộ giáo lý của Phật-Giáo có Đại-thừa, phải có Đại-thừa. Dưới đây là sự giải đáp tuần tự.


Trước hết, địa vị Phật-đà là địa vị có đủ ba đức: 1) trí-đức, là giác ngộ tận cùng tất cả tánh tướng dụng của các pháp, 2) đoạn-đức, là diệt hết sạch phiền não si mê, 3) ân-đức, là giáo hóa cứu độ tất cả muôn loài. Do ba đức này, địa vị Phật-đà là Địa vị vô thượng: địa vị hoàn toàn. Như vậy, phải có ba đức mới gọi là Phật. Chính vì ba đức này mà địa vị La-hán không phải tức là địa vị Phật-đà. Mà ba đức đó, tiềm năng của chúng nó là bi, trí, dũng, những tiềm năng mà hễ có tâm thức là có đủ tất cả, cho nên ba đức không một hữu tình nào không thể hoàn thành, chứ đừng nói là loài người. Nói khác đi, ai cũng có thể thành Phật như đức Phật đã chứng minh và tuyên bố, vì ai cũng cụ thể tất cả tiềm năng của ba đức ở địa vị Phật-đà cả.


Thứ hai, địa vị Phật-đà đã có 3 đức vĩ đại như vậy thì hoàn thành nó, tất phải có những cái nhân vĩ đại. Cái nhân ấy, như vừa nói, thì có thể thấy là bi trí dũng chứ không chi khác. Nhưng bi trí dũng phải hoạt dụng ra cho thành trí-đức, đoạn đức, ân-đức, nói tóm, là phải thực hành bồ-tát hạnh: có bồ-tát hạnh mới thành quả vị Phật-đà. Bồ-tát hạnh gồm có hai phần căn bản phải có, là 1) đại nguyện, 2) đại hạnh. Đại nguyện là trên, quyết chí thật hiện cho được trí giác vô-thượng, dưới, quyết chí giáo hóa cho khắp muôn loài chúng sinh. Vì đại-nguyện đó mà phải có đại-hạnh. Đại-hạnh là đại-phước-đức tức thật hành mọi sự tự lợi lợi tha, và là đại-trí-tuệ tức thật hành mọi cách tự-giác-giác-tha. Có đại-nguyện và đại-hạnh như vậy mới thật hiện đại-quả là địa vị Phật-đà.


Thứ ba, chỉ có giáo-lý đại-thừa có 7 thứ vĩ đại (trong phần đại cương giáo lý đã trình bày) mới chỉ rõ Bồ-tát-hạnh, làm cho ta trải qua ba vô số kiếp thật hiện được quả vị Phật-đà. Điều này không còn phải thảo luận gì nữa. Vấn đề đã hết nghi địa. Bởi một lẽ rất giản dị, Phật-quả chỉ là đại quả mà Bồ-tát-hạnh chỉ là đại hạnh của giáo-lý đại-thừa. Giáo lý nào có tính chất như vậy cũng tức là giáo lý đại-thừa rồi, dù giáo-lý ấy nằm trong kinh luận tiểu-thừa chăng nữa.


Nhưng sự thực, trong kinh luận tiểu-thừa không có giáo-lý đó, nên giáo-lý này không thể thay vì giáo lý đại-thừa, làm cái việc của đại-thừa là làm cho người thành Phật. Tại sao, đó là lời giải thích của câu hỏi thứ tư. Sự giải thích ấy là chúng ta không thể tìm thấy những đức tánh vĩ đại của quả vị Phật-đà và dĩ nhiên cũng không tìm thấy những hành vi vĩ đại của Bồ-tát-hạnh trong giáo-lý tiểu-thừa. Giáo-lý phải có lý, có hạnh, có quả, mới là giáo-lý. Nghĩa là phải có lý thuyết, có phương pháp thực hiện lý thuyết, và có kết quả của sự thực hiện ấy, mới là một giáo-lý cụ thể. Mà ở tiểu-thừa, về "lý", tuy thỉnh thoảng Phật đã chỉ dạy một cách quan trọng, những căn bản của giáo-lý đại-thừa, nhưng chỉ hé ra một vài câu lưa thưa, đôi ba chữ rải rác. Đến như "hạnh" và "quả" thì tuyệt nhiên không có tính chất vĩ đại của đại-hạnh và đại-quả. Bởi vậy, về phần "lý", giá nếu có tìm thấy được đôi phần hợp với giáo-lý đại-thừa thì chỉ có thể do đó, chứng minh đại-thừa cũng là giáo-lý nguyên thỉ mà thôi, không thể làm căn bản phát khởi đại hạnh để thật hiện đại quả được. Cũng bởi vậy, giáo-lý tiểu-thừa mà học cho thấu lý, làm cho đến hạnh thì mới càng thấy chỉ có thể được quả La-hán, một quả vị nhỏ hẹp, chỉ tương đương với lý và hạnh đã làm nhân địa cho nó mà thôi. Giáo-lý tiểu-thừa nếu về "lý" mà thuyết minh rõ tánh tướng dụng, về "hạnh" mà buộc phải tự giác giác tha, về "quả" mà có đủ trí-đức, đoạn-đức và ân-đức, thì hành giả tiểu thừa đã chẳng chống với giáo-lý đại-thừa và đã chẳng không tự thấy mình cũng là đức Phật vị lai trong khi lạy Phật.


Cho nên, nói tóm, Phật-Pháp do căn cơ mà thiết-lập. Có căn cơ nhu cầu tiểu-thừa nên có giáo lý tiểu-thừa, có căn cơ nhu cầu đại-thừa nên có giáo lý đại-thừa, cho đến thấp hơn hai giáo lý này, có những căn cơ chỉ nhu cầu nhân thiên phước lạc nên có giáo lý biến tướng là nhân-thừa và thiên-thừa. Phật-Pháp như một viên ngọc pha lê mà bốn phía vật gì cũng ảnh hiện đủ cả, nên toàn bộ của Phật-Pháp là đủ và phải đủ cả đại-thừa và tiểu-thừa. Đó là nói phần bao quát chứ chưa nói đến phần đặc biệt. Nếu ở phần này thì "Phật ra đời là để làm cho người thành Phật", như vậy giáo lý của Ngài đương nhiên chỉ là Đại-thừa; ở Đại-thừa đó, vì căn cơ nghĩa là vì cung ứng cho mọi nhu cầu, Phật đã tỉa ra, thiết lập tiểu-thừa cho đến nhân-thừa, thiên-thừa. Phần đại cương giáo lý, với ba hệ thống đã vạch, đã nói kỹ càng những điểm trên đây.


3) Đã biết toàn bộ giáo-lý của Phật-giáo là gồm có đại-thừa và tiểu-thừa thì với toàn bộ giáo lý ấy, người xuất-gia phải làm sao?


a) Trước hết, những người trí-tuệ không đầy đủ và nhân duyên không thuận tiện thì với toàn bộ giáo lý, phải hành trì và truyền bá theo 3 hệ thống đã vạch trong phần đại cương của giáo lý. Ít nhất là phải học hiểu, tự làm và dạy người được 3 hệ thống của toàn bộ giáo lý như thế, mới là người xuất-gia.


b) Các vị trí đa văn huệ quán nhiếp khá, nhân duyên cũng có để giúp thành cho trí huệ ấy thì sự hành trì và truyền bá toàn bộ giáo lý có hai điều cần thiết:


1. Học cho đầy đủ các văn hệ của giáo-lý, ít ra cũng phải quán thông một cách tương đương giáo lý trong văn hệ Trung-Hoa;


2. Trích yếu các kinh luận theo 3 hệ thống giáo lý mà phiên dịch, nghiên cứu, chú thích ra quốc-văn.


c) Điều mà các hành giả giáo lý Đại-thừa phải lo ngại và cố gắng thật hiện, là làm sao trích yếu các kinh luận theo 3 hệ thống giáo lý, phiên dịch, nghiên cứu và chú thích ra quốc-văn rồi dịch ra anh-văn lại. Chỉ có cách đó mới giữ gìn lâu dài và truyền bá rộng rãi giáo lý Đại-thừa được.


Kinh Pháp-Hoa dạy: "Đối với diệu-pháp, phải đọc, phải tụng, phải giải, phải nói, phải làm".


Đọc tụng là học hiểu, giải nói là truyền bá, làm là thực hành. Đó là những việc phải có đối với giáo-lý. Giáo lý còn, không phải còn ở trong sách, trong tủ, mà còn ở nơi sự hiểu biết và sự thực hành của chúng ta. Bởi vậy, phải học hành giáo lý và truyền bá giáo lý mới hoàn thành nhiệm vụ chánh của người xuất-gia là nhiệm vụ "trú trì chánh pháp".


Đối với Phật-giáo hiện tại, người xuất-gia còn nhiều việc đáng nói nữa ngoài hai điều đối với nền thống nhất và đối với giáo lý. Những điều ấy đáng nói nhất là đối với công việc và đối với tín-đồ.


Đối với tín-đồ thì người xuất-gia phải nhớ rằng mình có bổn phận phải hướng dẫn. Nhưng hướng dẫn tín-đồ không phải đem con người của mình ra hướng dẫn mà phải hướng dẫn bằng tư cách xuất-gia của mình. Kinh luận dạy sự giáo-hóa có thân-giáo, khẩu-giáo, ý-giáo giáo hóa người bằng thân thì làm gương, miệng thì giải thích và ý thì từ bi là vừa minh định sự giáo-hóa không phải chỉ có nói mà phải cần làm nữa, vừa chỉ rõ rằng hướng dẫn người là đem cả ba nghiệp đã đồng hóa với chánh-pháp của mình ra mà hướng dẫn.

Đối với công việc thì công việc thiệp-thế cố nhiên không phải là công việc chánh của người xuất-gia. Công việc chánh của người xuất-gia là hoằng-pháp. Cho nên dầu cho người xuất-gia phải làm một cán bộ trung kiên của Phật-giáo, nhưng cán bộ ấy phải lo công việc hoằng-pháp đã. Công việc thiệp-thế nếu cần lắm, người xuất-gia cũng chỉ làm mà không giữ địa vị. Địa vị thiệp-thế bất cứ dưới hình thức nào, trong địa hạt gì, cũng mâu thuẫn không nhiều thì ít, đối với địa vị người xuất-gia, địa vị tăng-bảo: Địa vị Đạo-sư của tín-đồ.

9. Đoạn kết


Người xuất-gia thực đúng như kinh Pháp-Hoa đã dạy, là người bỏ nhà thế gian vào nhà của Phật, cởi áo thế gian mặc áo của Phật, bỏ chỗ thế gian ngồi chỗ của Phật. Ngồi chỗ của Phật là xác nhận "các pháp đều không" nên không thấy có gì quan trọng hết và không một việc gì không làm được. Mặc áo của Phật là vận dụng "đức tánh nhẫn nhục" nên chông gai không sờn mà thế sự không chuyển nổi. Vào nhà của Phật là hoạt dụng "tâm tánh từ bi" nên giải thoát hết thảy khổ não cho người mà đem sự an lạc cứu cánh đến cho họ.


Đó là ba điểm có thể coi là đại cương về tất cả mọi mặt của Người Xuất-gia. Có ba điểm này là thực hành và hoàn thành được tất cả, không những các điều đã trình bày trên đây mà cả đến bao nhiêu pháp hạnh trong kinh đã phán định nữa.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


Thích Trí Quang

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nguoi-xuat-gia-phan-cuoi-d25084.html)
Từ khóa: xuất gia

Chủ đề liên quan:

xuất gia

Tin cùng nội dung

  • Ý nghĩa ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật. Do đó kỷ niệm ngày Phật xuất gia nhằm nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia noi theo gương sáng của Ngài để tu hành, để tinh tấn, để tăng trưởng trí tuệ và để giải thoát.
  • Phật là cha, Pháp là mẹ. Thuận lời Phật, làm theo Pháp, ấy là hành động đúng với cha mẹ. Người Xuất-gia từ bỏ tất cả, thoát ly gia đình, lấy Phật làm cha, lấy Pháp làm mẹ, thì phải có sự sinh hoạt đúng với cha mẹ ấy. Cho nên vấn đề hành trì được coi là phần chánh, là kết quả phải có của sự lý giải và nguyên nhân cần thiết của sự chứng ngộ mà Người Xuất-gia, đúng với danh nghĩa của mình, không thể không có.
  • Xuất-gia nghĩa là bỏ tất cả: Bỏ gia đình, bỏ hình đẹp, bỏ bà con, bỏ thân mạng, bỏ cả tự lợi. Đó là năm tư cách của người Xuất-gia. Mà bỏ tức giải thoát, nên bỏ năm điều trên thì đạt đến sự Giải-thoát chỉ vì chánh-pháp và vì muôn loài.
  • Đạo Phật rất cần những người tu trẻ, có tài đức để làm mới đạo Phật. Ngược lại, những người có hoàn cảnh éo le trong đời, thất bại trong sự nghiệp hoặc tình duyên đi tu, theo Phật họ là những người ẩn dương nương Phật.
  • Trước khi xuất gia, ta cần có quyết tâm, thấu rõ động cơ tốt, hiểu được bản thân, xác định lý tưởng. Không nên lấy thiện cảm hay tình cảm với một vị thầy nào để làm mục đích xuất gia, vì như thế sẽ không có giá trị.
  • Yêu cầu trụ trì các Tự viện thực hiện đầy đủ các quy định tại điều 28 chương VI Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; khoản B phần 1 Thông tư 005/TT. HĐTS ngày 15/01/2016 đối với việc cho phép xuất gia, nhận người vào tập tu tại Tự viện.
  • Khi bước chân vào đạo, quy y Tam bảo, người đệ tử Phật đã phát lời thệ nguyện: “Con nay quy y Phật-Pháp-Tăng, nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y trời, thần, quỷ, vật; không quy y ngoại đạo, tà giáo; không quy y thầy tà, bạn xấu”. Làm trái, nghĩa là bội nghịch với Tam bảo.
  • Dù vẫn hết lòng tuân theo tín ngưỡng của mình nhưng sư thầy Tuân vẫn không dứt bỏ hồng trần bằng việc nhận nuôi 11 đứa trẻ bất hạnh bị bỏ rơi.
  • Người tu Thiền xả là luôn luôn để cho tâm thanh tịnh, khi làm việc chỉ biết làm việc, hoàn toàn làm chủ mình, không để tạp niệm xen lẫn.
  • Buổi lễ qua rồi nhưng hình ảnh bà mẹ già đứng phía ngoài nhìn vô cứ in đậm trong lòng tôi, khiến tôi cứ mãi nặng lòng.