Kinh tế xã hội hôm nay

Nhà báo Hữu Thọ: “Nghề báo, nghề không có tuổi”

Nhà báo lão thành Hữu Thọ - nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1995-2001)...
Nhà báo lão thành Hữu Thọ - nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1995-2001)... Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” do báo Sức khỏe&Ðời sống tổ chức các lần I, II, III, IV (từ năm 2009 đến nay). Trong cuộc đời hoạt động của mình, dù đã từng ở những cương vị với các chức danh cao hơn, nhưng ông vẫn luôn muốn được gọi là: nhà báo hữu thọ. Hiện nay dù đã ở tuổi ngoài 80, nhưng ông vẫn luôn tâm huyết và trăn trở với nghề báo. Những câu chuyện của ông về nghề báo luôn hấp dẫn, mới mẻ.

Bởi vì ông luôn yêu nghề, ham viết báo ngay cả khi bận mải với những trọng trách, hay khi tuổi tác đã đè nặng trên vai.

Trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng nhà báo hữu thọ - Người mà bạn đọc cũng như đồng nghiệp thường gọi ông là “người hay cãi”.

Nghề báo đã đem lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Đó là cảm giác luôn luôn muốn tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề mới trong dòng thời sự nóng hổi với tâm thế thích đối thoại ngay với chính mình trong từng bài viết. Nhà báo lão thành Hữu Thọ đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi như vậy. Ông hóm hỉnh: Những thủ trưởng cũ của tôi, ít người thích tôi bởi cái tội hay... cãi. Nhưng chả ai bỏ tôi bởi vì mình tận tâm, kể cả khi không được làm công việc mình thích thì cũng cố gắng để thích việc mình đang làm.

Nhà báo không được phép sai lầm

Ông từng khẳng định, nhà báo là một nghề đòi hỏi phải có năng khiếu. Dấu hiệu ban đầu của năng khiếu là khả năng quan sát và đưa ra ý kiến độc lập. Vậy theo ông, cần những phẩm chất gì nữa để một người viết báo yên tâm rằng mình đang hành nghề một cách chuyên nghiệp?

Nghề nào cũng cần tính chuyên nghiệp, ngay cả khi người ta làm thợ. Thợ sơn, thợ đúc đồng... chẳng hạn. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói: “Chức vụ chỉ là chiếc áo khoác ngoài”, bỏ ra anh cũng chỉ là con người bình thường. Làm báo là một nghề. Chỉ làm nghề thì không có tuổi. Nghề nào cũng phải đạt cho được mục tiêu là đưa ra những sản phẩm có ích, được xã hội công nhận. Để đạt được điều đó, với nghề báo, cần lòng yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội, bạn đọc, tính cẩn trọng. Tôi đã từng viết trong một bài báo đại ý nhà báo không được phép sai lầm. Có bạn cho rằng như thế là tôi đòi hỏi cao. Tôi nói lại thế này: Khi nhà báo đưa tin sai, dẫu sau đó có cải chính thì cũng chưa chắc người ta đã đọc, mà đọc chưa chắc người ta đã tin. Đó là do tính bền vững của thông tin ban đầu, dễ khiến người ta không tin vào mọi sự “đính chính”.

Có thể hiểu rằng đó là sự trung thực trong nghề nghiệp, thưa ông?

Trung thực là yêu cầu số 1 của báo chí. Đó cũng là vấn đề của đạo đức nghề nghiệp. Nhìn rộng ra, những nghề có sự ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội, con người như nghề báo, nghề y, tòa án... cần nhất đề cao đạo đức nghề nghiệp. Dễ hiểu vì sao ngành y của các bạn có Lời thề Hyppocrates, Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông, lời dạy của Bác Hồ... Những người làm báo từ thế kỷ XVII đã đề ra những quy chuẩn đạo đức riêng với mục đích là hạn chế mọi khả năng khiến ngòi bút thiên lệch.

“Tai họa của các trường báo chí có lẽ là ở chỗ, khi truyền thụ một số kỹ năng có ích cho nghề lại không giảng giải đầy đủ về bản chất của nghề”. Ông có tán thành ý kiến này của nhà báo, nhà văn G. Marquez - tác giả tiểu thuyết Trăm năm cô đơn?

G. Marquez là nhà văn nổi tiếng thế giới được giải thưởng Nobel, nhưng đồng thời cũng là nhà báo sắc sảo chuyên viết phóng sự điều tra mà tôi thích. Tôi thuộc nằm lòng một câu nói của ông: Tin nào cũng phải điều tra. Đấy, ông ấy nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiếp cận sự thật. Nhà báo bao giờ cũng chỉ nên viết những gì mà mình quan sát thấy, chứ không qua... tin đồn, qua sự nghe ngóng thiếu kiểm chứng. Không chỉ Marquez, mà Bác Hồ, người thầy của báo chí cách mạng cũng đã dặn chúng ta: Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Đại hội Đảng lần thứ sáu cũng nhấn mạnh chỉ “nói rõ sự thật” (hiểu là công bố thông tin) khi đã “đánh giá đúng sự thật”, đặt ra trách nhiệm rất lớn của chúng ta khi thông tin tới độc giả. Nhà trường chỉ có thể cung cấp những kỹ năng và yêu cầu cơ bản của nghề. Những cái khác, chẳng hạn như sự trải nghiệm xã hội, tính nhân văn cao cả của nghề... phụ thuộc vào sự học hỏi không ngừng của người làm báo, một khi đã xác định sống ch*t với nghề.

Ông vừa nhắc đến việc làm báo qua... tin đồn. Có một thực tế là mạng xã hội đang gây ảnh hưởng rất lớn đến cách thức đưa tin truyền thống của báo chí. Vậy báo chí hiện đại phải ứng xử thế nào với mạng xã hội, trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí của người làm báo trong thời đại kỹ thuật số sẽ được thể hiện như thế nào?

Đặc điểm của thông tin trên mạng xã hội là “ẩn danh”, tự do tỏ rõ “ý kiến cá nhân” không bị ràng buộc bởi trách nhiệm gì, do đó thật giả - tốt xấu lẫn lộn và là những thông tin không được kiểm chứng. Nhưng nó lại dễ thỏa mãn tâm lý con người là thích cái lạ, cái khác, thậm chí thích nghe những tin... xấu. Trong thời đại hiện nay, khi xác định là phải sống chung với thông tin trên mạng xã hội nhưng còn phải bàn về tư cách của người sống chung. Thông tin mạng có thể gợi ý đề tài nhưng không thể sử dụng như nguyên liệu để hình thành các bài báo. Điều này tùy thuộc vào bản lĩnh của người làm báo, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thông tin gay gắt này. Thời tôi làm báo ngày trước người ta nói rằng: Cái gì cũ nhất là tờ báo của ngày hôm qua. Với nghề báo có khi chậm một giây là chậm một đời (vì một thông tin nhanh nhạy nhà báo có thể trở thành... ngôi sao truyền thông, hoặc ngược lại). Nhưng không vì thế mà không cẩn trọng vì chỉ thông tin đúng, bình luận đúng thì mới được tin cậy. Phải nhanh nhưng nếu phải chọn lựa giữa nhanh và đúng thì người làm báo chân chính có trách nhiệm phải lấy sự “đúng” làm đầu. Một số anh chị em làm báo lại để mạng... dẫn dắt mình, rất nguy hiểm. Rồi làm báo sau máy tính, lười đi thực tế, làm báo theo kiểu cắt - dán. Đó là sự phi đạo đức nghề nghiệp, thậm chí phạm pháp. Từ đó đặt ra yêu cầu là cần phải có những quy chế mới đáp ứng tình hình mới. Tuy nhiên, không quy chế nào thay thế được sự rèn luyện của từng phóng viên và sự quản lý sát sao của từng tổng biên tập (TBT).

TBT có lương tâm thì không phóng viên nào dám làm sai

Ông vừa nhắc đến trách nhiệm của TBT trong một tòa soạn báo...?

Lâu nay người ta hay nhắc đến vai trò của cơ quan chủ quản. Thông thường thủ trưởng cơ quan chủ quản hay giao công việc phụ trách báo chí cho người phụ trách mảng tuyên huấn, thường thì là những người cũng rất bận và không giỏi nghề. Theo tôi thì trách nhiệm chính là các TBT. Cần phải chọn cho đúng người sẽ gánh trọng trách này. Khi TBT có lương tâm, trách nhiệm thì không phóng viên nào dám làm sai. Vì đó là người quyết định việc ký hợp đồng hay không, quyết định cho phóng viên tiếp tục làm việc hay không.

TBT cần phải quyết định vấn đề mà tờ báo đặt ra có phải là vấn đề bức xúc của xã hội hay không, độc giả có quan tâm hay không. Tòa soạn phải có những cây bút có tầm, có dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong tình hình hiện nay, với sự phát triển của đất nước, sự phát triển phong phú của xã hội khó có được một cây bút sắc sảo toàn diện. Nói như một đại văn hào Đức, trên đời này mỗi người chỉ nên sắm một chiếc chìa khóa để mở thành công một cánh cửa. Tất nhiên, cũng có những cái chìa khóa vạn năng mở được mọi cánh cửa dẫn tới thành công, nhưng chỉ có hai loại người có được chìa khóa vạn năng đó. Đấy là thiên tài và kẻ trộm... Thực tế, thiên tài thì rất ít, còn kẻ trộm lại quá nhiều. Cho nên cái tài của TBT là biết phát hiện, vun vén những tài năng thành những cây bút có thẩm quyền của từng lĩnh vực, là các phóng viên của bản báo và cả những cộng tác viên. Đấy là sự lựa chọn sinh tử đối với cơ quan báo chí, vì chính quyền lợi của mình mà mình phải dùng người ta, không còn cách nào khác! Trong những trường hợp cần thiết, lại còn phải biết bảo vệ phóng viên, cũng tức là bảo vệ thương hiệu tờ báo của chính mình. Trong nền kinh tế thị trường, cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão đối với các nhà báo, các lãnh đạo báo là rất lớn. Một doanh nhân đã từng phát biểu: Nghèo thì mua nhà báo. Giàu thì mua chủ báo. Đấy, TBT mà không “cứng” thì làm sao mà rèn được phóng viên.

Phải có những câu hỏi hay thì mới có bài phỏng vấn hay

Tờ báo sẽ hấp dẫn bạn đọc hơn bởi những bài phỏng vấn hay. Là người nổi tiếng “chịu đối thoại”, theo ông, để làm một bài phỏng vấn hay, nhà báo cần phải có những kỹ năng/kinh nghiệm gì?

Phỏng vấn chính là một quá trình giao tiếp và thể loại rất hấp dẫn. Nhưng trình độ của người hỏi đến đâu thì sẽ nhận được câu trả lời đến đấy, sẽ quyết định người ta có trải lòng, có nói hết “gan ruột” không. Nhà báo cần hiểu kỹ về đối tượng mà mình dự định phỏng vấn, cả về công việc, tính tình... Biết đặt những câu hỏi khó cũng là một cách để giúp người ta trả lời hay. Đặc biệt, luôn phải nhớ câu hỏi đặt ra là vấn đề bạn đọc quan tâm chứ không phải là thắc mắc chủ quan của mình. Như vậy thì mới có câu trả lời phù hợp với đối tượng bạn đọc riêng của mỗi tờ báo.

Câu trả lời bao giờ cũng là một gợi mở cho một câu hỏi kế tiếp, giúp bạn đọc được hưởng một câu chuyện liền mạch, người ta sẽ hứng thú hơn. Đó cũng có thể xem như một bí quyết.

Câu hỏi do bạn đọc đặt ra thường sát thực tiễn và gay gắt. Những người làm báo lại cần khiêm tốn, lịch sự khi nêu ra những câu hỏi khó. Đặc biệt, không bao giờ được gài bẫy đối tượng phỏng vấn.

Quan niệm báo chí là quyền lực thứ tư theo tôi vừa không chính xác vừa dễ gây ảo tưởng cho những người làm báo. Thực tế, báo chí không thể... ra lệnh cho ai được. Nói thế này thì đúng hơn: Báo chí là một thế lực tạo ra dư luận xã hội, khởi đầu cho những hành vi của đám đông, từ đó dẫn đến những tác động mạnh mẽ trong xã hội

(nhà báo hữu thọ)

Minh Hồng - Hồng Thu

(Thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-nha-bao-huu-tho-nghe-bao-nghe-khong-co-tuoi-15736.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY