Hà Nội đang ngày một văn minh, hiện đại. Chỉ cách những con phố lung linh, các cao ốc rực rỡ, sang trọng vài trăm mét...
Hà Nội đang ngày một văn minh, hiện đại. Chỉ cách những con phố lung linh, các cao ốc rực rỡ, sang trọng vài trăm mét, vẫn còn những xóm trọ ô nhiễm,
nhếch nhác, là nơi bao người lao động nghèo nương náu đã nhiều năm. Dẫu biết vất vả, ngột ngạt, song dường như những người lao động nghèo không còn lựa chọn khác…
Sống tềnh toàng
Cứ 5 giờ chiều, ngoài phố còn chang chang nắng, thế nhưng khu “xóm tạm” phía sau chợ Long Biên, thuộc Khu dân cư số 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã trở nên âm u. Chẳng phải nơi đây có một điều kiện khí hậu khác biệt, mà bởi chính những ngôi nhà tạm, cùng với khói từ hàng chục bếp đun di động bằng củi gây ra. Đi vào những ngách nhỏ chợt tối rồi chợt sáng, tôi tưởng chìm vào thế giới khác. Những gương mặt rám nắng ló ra mỉm cười giúp không gian phần nào bớt âm u. Dừng chân cuối một dãy nhà, nơi bạt ngàn quần áo được phơi trên những sợi dây thép han gỉ và phía dưới là rác thải, cũng là chỗ nấu ăn của chị Lê Thị T., quê ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì). Vừa luộc rau, T. vừa tâm sự: “Người lao động chúng em giờ này hối hả bắc bếp nấu ăn. Có thể hôm nay đặt bếp chỗ này, mai lại đặt chỗ khác”. Nấu ăn xong xuôi, hai người phụ nữ lo sắp mâm, chị T. lấy nước tưới vội vào bếp và những que củi cháy dở xèo xèo cho nguội, rồi mời tôi vào phòng.
Căn phòng 18 mét vuông, tối om, chỉ có những gương mặt rịn mồ hôi và nụ cười lễnh loãng pha mỏi mệt là lờ mờ sáng. Tuy có điện nhưng chỉ với số quần áo lao động cũ kỹ của 9 con người đã đủ khiến nó xám xịt, chưa nói đến còn lỉnh kỉnh bao thứ xe đạp, sọt đựng hoa quả, mũ, nón, rồi cả nơi vệ sinh chung cũng được che chắn sơ sài qua quýt bằng bao tải rách. Em Nguyễn Thị D., cùng xã chị T. đùa: “Phòng chúng em đẹp không anh?”. Nóng và rờn rợn, những cảm giác ấy ập đến khi tôi dõi theo ngón tay chỉ của D., lòng chợt thổn thức tự hỏi liệu đây có phải phòng dành cho những người phụ nữ trẻ xa gia đình gửi gắm giấc mộng mưu sinh nơi phố xá? Phòng được chắp vá bằng bìa các-tông, những mảnh gỗ ép thải loại, phên nứa rách và lợp bằng tấm brô xi-măng vụn thủng lỗ chỗ. “Dựa” vào phòng của nhóm D. là phòng bà Hoàng Thị Ất ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Phía sau đó là phòng của 4 chị em gái với những cái tên rất đẹp, cũng chật và không thể ngột ngạt hơn.
Theo thống kê của UBND phường Phúc Xá, xóm trọ tạm bợ mà người dân gọi đùa là “Hà Nội thiếu”, hay “khu ổ chuột” quy tụ khoảng 1.400 người lao động sống trong hàng trăm phòng trọ tềnh toàng tạm bợ. Tại sao lại là “Hà Nội thiếu”? Ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá lý giải: “Mấy chục năm qua, người ta đã gọi vui như vậy, vì người dân xóm trọ thiếu thốn nhiều thứ. Từ xa gia đình đến chuyện thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt cơ bản”. Qua tìm hiểu, địa bàn Hà Nội có không ít những “khu ổ chuột” nằm xen với những tuyến phố lớn, cạnh những mảnh “đất vàng” như xóm nhà tạm gồm hơn 10 túp lều ở ven hồ Văn Chương, thuộc phường Văn Chương (quận Đống Đa); xóm đồng nát trong ngõ 34 Hoàng Cầu; xóm Đồng Bát sau bến xe Mỹ Đình; xóm chợ Đồng Xa thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy)... Ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng Khu dân cư số 2 phường Phúc Xá cho biết: “Họ chủ yếu là cư dân ở các vùng quê Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Tây (cũ)... Có cặp vợ chồng “bốc” luôn con cái theo ra phố, cặp khác gửi lại quê nhờ ông bà trông nom. Có cặp nuôi con đang học đại học. Họ chấp nhận làm đủ thứ nghề lao động chân tay vất vả, từ cửu vạn, bán hoa quả rong, nước vỉa hè, đánh giày đến thu gom đồng nát... miễn là có tiền và không phạm pháp”.
Ăn uống “siêu tiết kiệm”
Làm sao mọi người có thể ở được khi mưa thì dột, nắng thì nóng? Trả lời câu hỏi ấy, chị Tạ Thị T. quê ở Lý Nhân (Hà Nam), thuê trọ trong “khu ổ chuột” ven hồ Linh Quang (phường Văn Chương) và chị Nguyễn Thị H., thuê trọ trong xóm đồng nát (ngõ 34 Hoàng Cầu) chung tâm sự: “Thuê trọ ở đây giá rẻ, cũng tiện đi làm, cốt là có chỗ để tối về ăn và ngủ. Biết là khổ hơn ở nhà nhiều, nhưng kiếm tiền dễ hơn”. Ngày 13/5, trận hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều căn phòng trọ ven hồ Linh Quang. Nhiều người lao động nghèo thuê trọ tiếc nuối khóc cạn nước mắt vì đồ đạc, vật nuôi không còn. “Chúng tôi sốt sắng xin chủ nhà dựng lại phòng tạm để tiếp tục được thuê rẻ, đồng thời bóp mồm bóp miệng, ăn uống tiết kiệm nhất những đồng tiền kiếm được trong ngày để sắm dần đồ đạc. Người chỉ có một mình thì ra vỉa hè ở. Bình thường hai người ở thì chúng tôi phải trả tám trăm/tháng, ba người thì triệu mốt. Còn ở nhiều người, tính theo đêm thì 10 nghìn một đêm. Trước đây chỉ 2 nghìn/đêm thôi!”, chị T. nói thay tâm sự của những người nghèo cùng cảnh.
Năm năm trước tôi đã đến xóm trọ tại phường Phúc Xá. Nay trở lại, gặp những người tôi từng trò chuyện, đời sống họ chẳng thay đổi gì, ngoài khuôn mặt thì già hơn, đen hơn. Trong số đó nhiều người đã bám trụ đến 40 năm, số người ở sống và mưu sinh trên 15 năm cũng nhiều không kể xiết. Đa số người thuê trọ chung bộc bạch, đã chấp nhận vất vả thì cũng chấp nhận thắt lưng buộc bụng để dành tiền gửi về nhà. Bởi thế, nhiều người rủ nhau “nhồi” càng nhiều người càng tốt để gánh chung tiền thuê và nấu nướng sao cho đơn giản nhất, miễn là no bụng. “Công dân” phường Phúc Xá - chị Lê Thị T., quê ở huyện Ba Vì, cho hay: “Em lớn tuổi nhất, lại nấu ăn khá nhất nên phụ trách nấu ăn cho cả phòng. Thực đơn của chúng em đều là những thứ mua cuối giờ chiều, ế và ôi thiu nên rẻ lắm. Chi phí chỉ 15 nghìn đồng/người là no bụng”. Chị T. quay mặt đi, chị Đ. khoe: “Chúng em ăn uống siêu tiết kiệm. Hằng ngày, công việc của chúng em bắt đầu từ 12 giờ đêm, ra chợ lấy hàng. Việc chọn hàng cũng rất vất vả, lấy xong thì về nghỉ được một chút là lại lẽo đẽo bán rong đến chiều. Do ăn uống khá kham khổ nên đôi khi cũng mệt, nhưng chấp nhận thôi anh ạ!”.
Không vơi niềm tin
Giữa trung tâm thành phố, sao vẫn để những nhà trọ
nhếch nhác đến thế? Đem câu hỏi này tới cán bộ địa phương, ông Phan Trí Luyện, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương và ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá đều có chung ý kiến: Những nơi người dân làm nhà tạm cho thuê trọ là nơi trong diện quy hoạch, người dân không được phép xây nhà kiên cố. “Tuy nhiên, sở hữu đất đai vẫn là chủ đất, họ có quyền làm nhà tạm cho thuê. Người lao động cũng có quyền thuê trọ, chúng tôi quản không cho xây dựng kiên cố và bảo đảm về an ninh trật tự, nhân khẩu, cùng công an phường giữ gìn bình yên cho người dân làm ăn. Còn quy hoạch chậm dẫn đến chuyện còn nhà trọ
nhếch nhác thì vượt quá sức của phường”, ông Hải nhấn mạnh.
Rõ ràng, hai vị cán bộ phường cũng muốn bộ mặt của phường trở nên khang trang sạch đẹp. Và thành phố cũng có thể đưa ra những giải pháp giải tỏa, triển khai nhanh các dự án, tổ chức xây nhà trọ giá rẻ cho người lao động nghèo thuê. Nhưng làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội, ngay như việc cải tạo các chung cư cũ còn tắc, huống hồ... Và những căn nhà trọ xập xệ tiếp tục có “cơ hội” nâng cao độ tuổi cùng độ ì của các dự án. Tuy nhiên, vấn đề quản lý, gìn giữ an ninh trật tự tại các xóm trọ tạm bợ cũng không hề đơn giản. Ban Chỉ đạo 197 phường Phúc Xá, mà lực lượng công an phường là thường trực, với sự kết hợp của lực lượng tự quản, tổ bảo vệ các khu dân cư, nhiều năm qua đã tích cực bám sát địa bàn, gìn giữ an ninh trật tự, bảo đảm an ninh để không xảy ra đánh nhau, giảm tình trạng trộm cắp trong các dãy nhà trọ. Theo đó, lãnh đạo phường cũng tạo điều kiện cho các tổ chức từ thiện vào giúp đỡ bà con, phối hợp với Mái ấm 19/-5 tạo điều kiện cho con em người ở trọ nghèo vào học tập.
Trời nhá nhem tối. Những dãy phòng trọ xôn xao tiếng người bán hàng dắt xe đạp về. Bữa cơm thắp cho họ chút niềm vui, để nửa đêm lại “đầu tắt mặt tối” với công việc đến cuối ngày hôm sau. Niềm tin trong lòng những người lao động nghèo chưa bao giờ vơi. Xóm trọ đột nhiên mất điện. Những que củi được đốt lên để lấy ánh sáng. Gió đưa đẩy mùi hôi thối từ bãi rác và con kênh nhỏ bốc lên. Tôi chợt lặng người, khi thấy anh Lê Văn D. - một người bị vẹo cột sống vì làm cửu vạn nhiều năm quá sức, đứng nhìn đống lửa. Vóc dáng anh như một dấu hỏi mảnh khảnh. Chẳng biết đã dồn hết số tiền kiếm được bấy nhiêu năm vào việc chữa lưng, anh đã muốn hồi hương?
Bài, ảnh:
Diên Khánh