Xu hướng đáng lo ngại về dịch COVID-19 ở trẻ em đã được ghi nhận ở Mỹ. Các dữ liệu thống kê cho thấy có tới gần 4 triệu trường hợp mắc COVID-19 và 385 trường hợp Tu vong liên quan đến căn bệnh này ở Mỹ thuộc độ tuổi dưới 17. Nguy cơ tương tự cũng hiện diện ở nhiều quốc gia khác. COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.200 trẻ em Indonesia, 1.500 trẻ em Ấn Độ và hơn 2.000 trẻ em Brazil.
Do đó, song song với việc tiêm vaccine cho người trưởng thành, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển và tiêm vaccine cho trẻ em, chủ yếu là ở độ tuổi từ 12 -17, nhất là trong bối cảnh các trường học đang dần mở cửa trở lại.
Trung Quốc đã bắt đầu cho phép nhóm đối tượng từ 3 - 17 tuổi tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào đầu tháng 6, và trở thành quốc gia đầu tiên thông báo phê duyệt tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm tuổi nhỏ như vậy. Giới chức nước này sau đó đã phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3 - 17 tuổi vào hôm 18/8.
Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG), một chi nhánh của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), cho biết vaccine đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, cho thấy mức độ kháng thể trung hòa cho nhóm tuổi này. Khoảng 96,1% những đối tượng được tiêm hai liều vaccine đã tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và kết quả không khác biệt đáng kể so với người lớn. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận ở người được tiêm chủng.
Trung Quốc và UAE lựa chọn sử dụng vaccine Sinopharm cho trẻ em từ 3 - 17 tuổi (Ảnh: Reuters)
Một trong những quốc gia khác cũng đi đầu trong việc phê chuẩn vaccine dành cho trẻ dưới 12 tuổi là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Hôm 2/8, UAE đã phê chuẩn dùng khẩn cấp vaccine COVID-19 của Sinopharm cho trẻ em từ 3 - 17 tuổi sau khi đã phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 - 15 tuổi hồi tháng 5. UAE hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, lên tới hơn 75% dân số.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác lại tỏ ra thận trọng hơn khi áp dụng việc tiêm chủng cho các độ tuổi lớn hơn, hoặc thậm chí chưa có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong năm nay.
Tại Australia, chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện mới chỉ nhắm đến các đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Trong giai đoạn này, chỉ những trẻ em từ 12 - 15 tuổi có vấn đề về sức khỏe, thuộc cộng đồng thổ dân hoặc sinh sống ở những khu vực xa xôi hẻo lánh mới đủ điều kiện để tiêm vaccine Pfizer.
Tuy nhiên, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ nước này sẽ sớm bổ sung thêm nhóm trẻ em từ 12 - 15 tuổi vào chương trình tiêm vaccine COVID-19. Các nguồn tin chính phủ đã xác nhận với Đài Truyền hình Australia (ABC) rằng các trẻ em thuộc độ tuổi này có thể đặt lịch hẹn tiêm kể từ tuần tới. Dẫu vậy, việc tiêm phòng của các em có thể sẽ phải chờ đợi trong vòng một tháng hoặc lâu hơn do nguồn cung vaccine còn hạn chế. Hiện các kế hoạch về việc thành lập trung tâm tiêm chủng tại trường học từ đầu tháng 12 tới đã được xúc tiến.
Australia sẽ bắt đầu xúc tiến các nỗ lực tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi trong tuần tới (Nguồn: ABC News)
Tại New Zealand, hồi tháng 6, cơ quan quản lý y tế nước này đã chấp thuận tạm thời cho việc sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên, phải đến tuần trước, chính phủ New Zealand mới đồng ý mở rộng đợt triển khai vaccine trên toàn quốc đối với nhóm đối tượng này.
Tại Nhật Bản, vaccine Pfizer đã được phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi từ cuối tháng 5. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn đang tập trung vào việc tiêm phòng cho các nhóm tuổi lớn, dễ mắc bệnh nghiêm trọng và Tu vong nếu mắc COVID-19 hơn. Hiện một số thị trấn và thành phố tại Nhật Bản đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em nhưng vẫn chưa có đợt triển khai trên quy mô toàn quốc cho nhóm này.
Ấn Độ, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, hiện vẫn chưa tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em mà mới chỉ dừng lại ở các cuộc thử nghiệm để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine Covaxin và ZyCoV-D (do công ty dược phẩm Zydus Cadila của Ấn Độ sản xuất) trên nhóm đối tượng trẻ tuổi.
Hiện vaccine ZyCoV-D đã được chấp thuận để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết trẻ em có thể nằm trong kế hoạch tiêm vaccine từ tháng 9 tới, nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được công bố.
Còn tại Hàn Quốc, vaccine Pfizer mới chỉ được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 16 tuổi trở lên. Hiện chính phủ Hàn Quốc không có ý định tiêm vaccine cho các nhóm tuổi thấp hơn trong năm nay. Tiến sĩ Jung Jae Hun, chuyên gia tư vấn cho Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc về các chính sách vaccine, chia sẻ với báo Korea Herald rằng việc mở rộng độ tuổi tiêm vaccine có thể được thực hiện trong năm 2022. Ông cho biết: "Tôi không nghĩ rằng trẻ em sẽ được tiêm trong năm nay… Đầu năm sau có lẽ là thời điểm hợp lý nhất".
Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm vaccine cho trẻ em dưới 16 tuổi trong năm 2022 (Nguồn: ABC News)
Tại Mỹ, vaccine Pfizer đã được cung cấp cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên ngay sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt việc tiêm vaccine cho nhóm tuổi này hồi tháng 5. Các thử nghiệm để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 (bao gồm Pfizer và Novavax) trên trẻ em dưới 12 tuổi hiện cũng đang được tiến hành.
Em Ameron Mabins, 13 tuổi, đang được tiêm vaccine Pfizer tại San Antonio, Mỹ hồi tháng 5/2021 (Nguồn: New York Times)
Hôm 27/8, điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cho hay một nửa trong số trẻ em từ 12 - 17 tuổi tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Ông Zient chia sẻ tại một cuộc họp báo: "Đây là một bước tiến quan trọng khi hàng triệu trẻ em quay trở lại trường học và trên thực tế, tỷ lệ tiêm chủng ở thanh thiếu niên đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi cách để nhóm trẻ vị thành niên này được tiêm chủng".
Tốc độ tiêm chủng cho trẻ em tại Mỹ đã tăng nhanh lên trong những tuần gần đây sau khi biến thể Delta dễ lây lan đã làm gia tăng số ca mắc, nhập viện và Tu vong ở trẻ em trên khắp nước Mỹ.
Tất cả các con số thống kê này đều đạt mức cao chưa từng thấy kể từ mùa đông năm ngoái. Tiến sĩ Rochelle P.Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho biết việc tiêm chủng cho trẻ vị thành niên là đặc biệt quan trọng vào thời điểm các trường học đang dần mở cửa trở lại, bởi các trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine và việc các em ở độ tuổi lớn hơn được tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp tạo ra một môi trường an toàn hơn.
Tiến sĩ Walensky chia sẻ: "Cách tốt nhất để bảo vệ những trẻ em chưa đủ điều kiện tiêm chủng là bao quanh các em bằng những người đã được tiêm chủng ngừa COVID-19". Bà cũng nói thêm rằng việc tiêm chủng rộng rãi cùng với các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ giúp giữ an toàn cho trẻ em tại trường học.
Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi hồi tháng 5 năm nay, và sau đó cũng đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi hôm 23/7. Mặc dù vậy, việc sử dụng vaccine để tiêm chủng cho trẻ em được các nước châu Âu áp dụng với những chính sách khác nhau tùy vào điều kiện của mình.
Em Gloria Raudjarv, 13 tuổi, đang được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Estonia (Nguồn: AP)
Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên kể từ hôm 15/6. Các số liệu do Cơ quan y tế công cộng Pháp công bố cho thấy tính đến ngày 19/8, hơn 56% trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 17 đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 32,4% đã tiêm chủng đầy đủ.
Đây là cơ sở để quốc gia này yêu cầu những người dưới 18 tuổi bắt đầu sử dụng thẻ sức khỏe (xác nhận tình trạng tiêm vaccine hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ) nếu muốn vào các địa điểm công cộng như rạp chiếu phim hay nhà hàng kể từ cuối tháng 9 tới.
Tỷ lệ trẻ từ 12 - 18 tuổi đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 tại một số quốc gia châu Âu (Nguồn: Euronews)
Tại Tây Ban Nha, báo cáo sức khỏe của Bộ Y tế công bố hôm 20/8 cho thấy 55,4% trong số 3,9 triệu người ở độ tuổi 12 - 19 đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Quyết định về việc có cung cấp vaccine cho những người dưới 18 tuổi hay không hiện do chính quyền các địa phương quyết định. Do vậy, các khu vực khác nhau tại Tây Ban Nha đã bắt đầu tiêm vaccine cho nhóm đối tượng này vào những thời điểm khác nhau.
Một quốc gia khác là Italy đặt mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết thanh thiếu niên trước khi các em quay trở lại trường học trong tháng 9. Báo cáo của chính phủ Italy hôm 24/8 cho thấy hiện đã có 49,86% số người thuộc nhóm đối tượng này được tiêm một mũi vaccine và 28,39% được tiêm chủng đầy đủ.
Kể từ hôm 16/8, trẻ em từ 12 - 18 tuổi đã có thể tiêm vaccine mà không cần hẹn trước để thúc đẩy tỷ lệ tiêm phòng cao hơn nữa. Vaccine Pfizer đã được cấp phép cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi từ cuối tháng 5, trong khi vaccine Moderna được chấp thuận sử dụng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi kể từ đầu tháng 8.
Còn tại Đức, ban đầu vaccine chỉ được khuyến nghị dành cho những trẻ em có bệnh lý nền. Tuy nhiên, trước sự lan rộng của biến thể Delta, hôm 16/8, giới chức nước này đã quyết định cung cấp vaccine cho tất cả trẻ em trên 12 tuổi. Ủy ban STIKO, cơ quan chuyên tư vấn cho chính phủ Đức về vaccine, cho biết quyết định được đưa ra sau khi kiểm tra các dữ liệu an toàn mới, đặc biệt là từ Mỹ. Theo các chuyên gia, "các cơ sở hiện tại cho thấy lợi ích của việc tiêm chủng cho trẻ em vượt trội hơn nguy cơ tác dụng phụ của vaccine, vốn rất hiếm gặp".
Tại Anh, chương trình tiêm chủng cho những người dưới 18 tuổi chỉ mới bắt đầu được triển khai ở một số khu vực. Tất cả thanh thiếu niên 16 và 17 tuổi đã bắt đầu được tiêm vaccine kể từ hôm 23/8, trong khi những trẻ em từ 12 - 15 tuổi dễ bị tổn thương vì COVID-19 hoặc sống chung với người lớn có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng sẽ được tiêm vaccine trong tuần tới.
Hiện vẫn chưa có thông tin nào về thời điểm chương trình tiêm vaccine mở rộng sang phần còn lại của nhóm tuổi 12 - 15. Trong khi cơ quan quản lý y tế Anh đã phê duyệt vaccine Moderna và Pfizer cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi.
Chủ đề liên quan:
Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona