Tâm linh hôm nay

Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli (P.15)

Có bốn nghiệp này, này các Tỳ kheo, được Ta thuyết giảng sau khi chứng ngộ với thắng trí. Thế nào là bốn? Có nghiệp đen, quả đen; có nghiệp trắng, quả trắng; có nghiệp đen trắng, quả đen trắng; có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, đưa đến đoạn diệt nghiệp.

TRÍCH LỤC

V. CON ĐƯỜNG ĐỂ TÁI SINH TỐT ĐẸP

1. LUẬT NGHIỆP QUẢ

(1) Bốn loại nghiệp

Có bốn nghiệp này, này các Tỳ kheo, được Ta thuyết giảng sau khi chứng ngộ với thắng trí. Thế nào là bốn?

Có nghiệp đen, quả đen; có nghiệp trắng, quả trắng; có nghiệp đen trắng, quả đen trắng; có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, đưa đến đoạn diệt nghiệp.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là nghiệp đen, quả đen? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm thân hành có tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại, làm ý hành có tổn hại. Do làm như thế, người ấy tái sinh vào thế giới có tổn hại. Do người ấy sinh vào ở thế giới có tổn hại, các xúc có tổn hại đến với người ấy.

Tiếp nhận các xúc có tổn hại, người ấy trực nghiệm những cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ, như những chúng sinh trong địa ngục. Đây được gọi là nghiệp đen, quả đen.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là nghiệp trắng, quả trắng? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại. Do làm như thế, người ấy tái sinh vào thế giới không có tổn hại. Do người ấy sinh vào thế giới không có tổn hại, các xúc không có tổn hại đến với người ấy.

Tiếp nhận các xúc không có tổn hại, người ấy trực nghiệm những cảm thọ không có tổn hại, thuần nhất lạc, như chư thiên ở Biến tịnh thiên. Đây được gọi là nghiệp trắng, quả trắng.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là nghiệp đen trắng, quả đen trắng? Ở đây, này các Tỳ kheo, có người làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, làm ý hành có tổn hại và không tổn hại. Do làm như thế, người ấy tái sinh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại. Do người ấy sinh vào thế giới có tổn hại và không tổn hại, các xúc có tổn hại và không tổn hại đến với người ấy.

Tiếp nhận các xúc có tổn hại và không tổn hại, người ấy trực nghiệm những cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, khổ và lạc xen lẫn nhau, như loài người và một số chư thiên ở các cõi trời thấp. Đây được gọi là nghiệp đen trắng, quả đen trắng.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, đưa đến đoạn diệt nghiệp? Có tư tâm sở để đoạn tận nghiệp đen, quả đen; có tư tâm sở để đoạn tận nghiệp trắng, quả trắng; có tư tâm sở để đoạn tận nghiệp đen trắng, quả đen trắng. Đây được gọi là nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, đưa đến đoạn diệt nghiệp.

Có bốn nghiệp này, này các Tỳ kheo, được Ta thuyết giảng sau khi chứng ngộ với thắng trí. (AN 4:232)

(2) Chúng sinh đi về đâu sau khi ch*t

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala (Kiều-tất-la) cùng với đại chúng Tỳ kheo đi đến một làng bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Sālā.

2. Các gia chủ bà-la-môn ở Sālā nghe rằng: “Người ta nói Sa-môn Gotama, là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, đang du hành trong nước Kosala với đại chúng Tỳ kheo và đã đến Sālā. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: Ngài là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiên Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Sau khi tự thực chứng, Ngài đã giảng dạy chư thiên và loài người, hàng tu sĩ và cư sĩ, vua chúa cùng thường dân, Ngài đã giảng Pháp cao diệu từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối; Ngài đã giảng đời sống phạm hạnh chi tiết và rõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng tôi được yết kiến một vị Ứng Cúng như vậy”.

3. Rồi các gia chủ bà-la-môn ở Sālā đi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên những lời chào đón, thân hữu xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số chắp tay vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên tên họ của mình trước mặt Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số giữ im lặng ngồi xuống một bên.

4. Sau khi ngồi xuống một bên, các gia chủ bà-la-môn ở Sālā bạch Thế Tôn: “Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào thiện thú, thiên giới?”

5. – Này các gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, mà như vậy, ở đây có một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, mà như vậy, ở đây có một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới.

6. – Chúng con không thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt mà không giải thích rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt.

– Như vậy, này các gia chủ, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, Tôn giả.

7. – Này các gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

8. Này các gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, có người sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình. Người này lấy của không cho, lấy trộm bất cứ tài vật gì của người khác tại thôn làng hoặc tại rừng núi. Người ấy sống tà dâm, giao cấu với các nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, hay đã đính hôn. Như vậy, là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo.


9. Này các gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi:“ Này người kia, hãy nói những gì ông biết;” dù cho người ấy không biết, người ấy nói: “Tôi biết;” dù cho người ấy biết, người ấy nói: “Tôi không biết;” hay dù cho người ấy không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy;” hay dù cho người ấy thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”.

Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân cho tha nhân, hoặc vì nguyên nhân cho một vài quyền lợi. Người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ; nghe điều gì ở chỗ kia, đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ.

Như vậy, người ấy ly gián những người khác đang sống hòa hợp; người ấy tạo ra nhiều sự chia rẽ, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. Người ấy là người nói lời thô ác. Người ấy nói những lời gì thô ác, tàn ác, khiến người khác đau khổ, khiến người khác tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến thiền định.

Người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời không đúng sự thật, nói những lời vô ích, nói những lời phi Pháp và phi Luật. Vào lúc phi thời, người ấy nói những lời không có giá trị, không thuận lý, không ôn hòa, không có lợi ích. Như vậy, là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo.


10. Và này các gia chủ, thế nào là ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, có người có tham ái, tham lam tài vật của người khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!” Lại có người có tâm sân hận, khởi lên ý tưởng: “Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát; mong chúng bị tiêu diệt, không còn tồn tại!”.

Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: “Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường; không có kết quả dị thục từ các hành vi thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ, không có cha; không có các loại hóa sinh; trong đời không có các sa- môn, bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, tuyên bố lại cho đời này và cho đời sau”. Như vậy, là ba ý hành phi pháp, phi chánh đạo.


Như vậy, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.


11. Này các gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

12. Này các gia chủ, thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng thánh đạo? Ở đây, có người từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ bi đối với tất cả các loài hữu tình. Người ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, không lấy trộm bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi.

Người ấy từ bỏ lối sống tà dâm, tránh xa lối sống tà dâm, không giao cấu với các nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, hay đã đính hôn. Như vậy, là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

13. Này các gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì ông biết”, nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”, nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”, hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”, nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”.

Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân cho tha nhân, hoặc vì nguyên nhân cho một vài quyền lợi. Người ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa từ bỏ nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ; nghe điều gì ở chỗ kia, không đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ.

Như vậy, người ấy tạo hòa hợp những người khác đang sống ly gián; khuyến khích tình thân hữu, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Người ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói nhu hòa, dễ nghe, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người.

Người ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Pháp và Luật. Vào đúng thời, người ấy nói những lời có giá trị, thuận lý, ôn hòa, có lợi ích. Như vậy, là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

14. Và này các gia chủ, thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!” Lại có người không có tâm sân hận, khởi lên ý tưởng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không lo rầu! Mong họ được sống an lạc!”

Người ấy có chánh kiến, không có tưởng điên đảo, nghĩ rằng: “Có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường; có kết quả dị thục từ các hành vi thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loại hóa sinh; trong đời, có các sa-môn, bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, tuyên bố lại cho đời này và cho đời sau”. Như vậy, là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Như vậy, do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào thiện thú, thiên giới.

15. Này các gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sinh vào đại phú vương tộc!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào đại phú vương tộc. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

16-17. Này các gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sinh vào đại phú bà-la-môn ... đại phú gia chủ!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sinh vào đại phú gia chủ. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

18-42. Này các gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước:

“Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sinh cộng trú với chư thiên Tứ thiên vương ... với chư thiên cõi trời Ba mươi ba ... với chư thiên Dạ-ma ... với chư thiên Ðâu-suất-đà ... với chư thiên Hóa lạc ... với chư thiên Tha hóa tự tại ... với chư thiên Phạm chúng ... với chư thiên Phạm phụ thiên ... với chư thiên Đại phạm thiên ... với chư thiên Thiểu Quang thiên ... với chư thiên Vô lượng quang thiên ... với chư thiên Quang minh thiên ... với chư thiên Thiểu tịnh thiên ... với chư thiên Vô lượng tịnh thiên ... với chư thiên Biến tịnh thiên ... với chư thiên Quảng quả thiên ... với chư thiên Vô tưởng thiên ... với chư thiên Vô đọa thiên ... với chư thiên Vô phiền thiên ... với chư thiên Thiện hiện thiên ... với chư thiên Thiện kiến thiên ... với chư thiên Vô song thiên ... với chư thiên Không vô biên xứ thiên ... với chư thiên Thức vô biên xứ thiên ... với chư thiên Vô sở hữu xứ thiên ... với chư thiên Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên!”

Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sinh cộng trú với chư thiên Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.


43. Này các gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: “Ôi, mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!” Sự kiện này xảy ra, vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

44. Khi nghe nói vậy, các gia chủ bà-la-môn ở Sālā bạch Thế Tôn:


– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vị diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để trình bày. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỳ kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng. (MN 41, Kinh Sāleyyaka)


(3) Nghiệp và quả

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthī (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-lâm), tại tinh xá ông Anāthapinḍịka (Cấp Cô Ðộc).


2. Rồi thanh niên Subha, con của Todeyya, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Subha bạch Thế Tôn:


3. – Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu?


4. – Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.


5. – Tôi không thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt mà không giải thích rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt.

– Vậy này thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả.


Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:


5. – Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nhưng sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường đưa đến đoản mạng là sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh.


6. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sinh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sinh vào thiện thú, thiên giới, nhưng sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy được trường thọ. Con đường đưa đến trường thọ là từ bỏ sát sinh, tránh xa sát sinh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh.


7. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh hay não hại chúng sinh, với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nhưng sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy bị nhiều bệnh hoạn. Con đường đưa đến nhiều bệnh hoạn là tánh hay não hại chúng sinh với tay, hay với cục đất, hay với cây gậy, hay với cây đao.


8. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tánh không hay não hại chúng sinh, với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy ít có bệnh hoạn. Con đường đưa đến ít có bệnh hoạn là tánh không não hại chúng sinh, với tay, hay với cục đá, hay với cây gậy, hay với cây đao.

9. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, ... ác thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có sắc diện xấu. Con đường đưa đến sắc diện xấu là phẫn nộ ... bất mãn.

10. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dù cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có sắc diện đẹp. Con đường đưa đến sắc diện đẹp là không phẫn nộ ... không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn.

11. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, tật đố, đối với người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, sinh tật đố, sinh tâm, ôm ấp tâm tật đố.

Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... ác thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có quyền thế nhỏ. Con đường ấy đưa đến quyền thế nhỏ là tật đố ... ôm ấp tâm tật đố.


12. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có tật đố, đối với những người khác được quyền lợi, được tôn trọng, cung kính, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường, không sinh tật đố, không sinh tâm, không ôm ấp tâm tật đố.

Do nghiệp ấy ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có quyền thế lớn. Con đường ấy đưa đến quyền thế lớn là không tật đố ... không ôm ấp tật đố.

13.Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không bố thí cho sa-môn hay bà-la-môn, đồ ăn uống, y phục, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Do nghiệp ấy ... ác thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có tài sản nhỏ. Con đường đưa đến tài sản nhỏ là không bố thí ... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

14.Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, có bố thí cho sa-môn hay cho bà-la-môn, đồ ăn uống... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

Do nghiệp ấy ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có nhiều tài sản. Con đường đưa đến nhiều tài sản nhỏ là có bố thí ... ngọa cụ, nhà cửa, đèn đuốc.

15. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, ngạo nghễ, kiêu mạn, không đảnh lễ những người đáng đảnh lễ, không đứng dậy đối với người đáng đứng dậy, không mời ngồi những người đáng mời ngồi, không nhường chỗ đi cho những người đáng được nhường chỗ đi, không tôn trọng những người đáng tôn trọng, không cung kính những người đáng cung kính, không cúng dường những người đáng cúng dường.

Do nghiệp ấy ... ác thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy thuộc gia đình hạ liệt. Con đường đưa đến gia đình hạ liệt là ngạo nghễ ... không cúng dường những người đáng cúng dường.

16. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không có ngạo nghễ, không kiêu mạn, đảnh lễ những người đáng đảnh lễ ... cúng dường những người đáng cúng dường.

Do nghiệp ấy ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy thuộc gia đình cao quý. Con đường đưa đến gia đình cao quý là không ngạo nghễ ... cúng dường những người đáng cúng dường.


17. Ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không đi đến sa-môn hay bà-la-môn và không hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thế nào là phạm tội? Thế nào là không phạm tội? Thế nào là cần phải thực hành? Thế nào là không cần phải thực hành? Hành động nào sẽ tạo nguy hiểm và đau khổ lâu dài? Hành động nào sẽ tạo phúc lợi và an lạc lâu dài?”

Do nghiệp ấy ... ác thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có trí tuệ yếu kém. Con đường đưa đến trí tuệ yếu kém là không đi đến sa-môn hay bà-la-môn và không hỏi những câu như thế.

18. Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, có đi đến Sa-môn hay bà-la-môn và có hỏi: “Thưa Tôn giả, thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện ... phúc lợi và an lạc lâu dài?”

Do nghiệp ấy ... thiện thú ... sinh vào loài người, chỗ nào người ấy sinh ra, người ấy có trí tuệ đầy đủ. Con đường đưa đến trí tuệ đầy đủ là có đi đến sa-môn hay bà-la- môn và có hỏi những câu như thế.


19. Như vậy, này thanh niên, con đường đưa đến đoản thọ, dẫn đến đoản thọ, con đường đưa đến trường thọ, dẫn đến trường thọ; con đường đưa đến nhiều bệnh, dẫn đến nhiều bệnh; con đường đưa đến ít bệnh, dẫn đến ít bệnh; con đường đưa đến sắc diện xấu, dẫn đến sắc diện xấu; con đường đưa đến sắc diện đẹp, dẫn đến sắc diện đẹp; con đường đưa đến quyền thế nhỏ, dẫn đến quyền thế nhỏ; con đường đưa đến quyền thế lớn, dẫn đến quyền thế lớn; con đường đưa đến tài sản nhỏ, dẫn đến tài sản nhỏ; con đường đưa đến tài sản lớn, dẫn đến tài sản lớn; con đường đưa đến gia đình hạ liệt, dẫn đến gia đình hạ liệt; con đường đưa đến gia đình cao quý, dẫn đến gia đình cao quý, con đường đưa đến trí tuệ yếu kém, dẫn đến trí tuệ yếu kém; con đường đưa đến trí tuệ đầy đủ, dẫn đến trí tuệ đầy đủ.

20. Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

21. Khi nghe nói vậy, thanh niên Subha, con của Todeyya, nói với Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.

Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỳ kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. (MN 135, Tiểu kinh Nghiệp phân biệt)


Tỳ kheo Bodhi biên soạn và giới thiệu
Bình Anson dịch
Trích trong Những lời Phật dạy - Trích lục các bài giảng trong Kinh điển Pāli
Còn nữa…

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Bodhi

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/nhung-loi-phat-day--trich-luc-cac-bai-giang-trong-kinh-dien-pli-p15-d22961.html)

Tin cùng nội dung

  • Nguyên nhân theo y học cổ truyền phần nhiều do nội thương ăn uống thất thường, lo nghĩ quá độ, ngoại thương do nhiễm phong hàn, thấp hoặc sang thương, viêm nhiễm...
  • Khi hành kinh, phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi, vì bị mất máu nhiều. Những món cháo dễ thực hiện, dễ ăn, nhất là vào những ngày hè nóng nực, sẽ là bài Thu*c hữu hiệu cho phụ nữ khi đến tháng. Sau đây Mạng Y Tế xin mời các bạn tham khảo nhé.
  • Một chu kỳ bình thường sẽ kéo dài từ 28 đến 32 ngày, thời gian hành kinh trung bình 3 - 5 ngày. Máu kinh có màu đỏ sẫm, không đông, có nhiều chất vụn của tế bào niêm mạc *m đ*o - tử cung và nhiều vi khuẩn có sẵn trong *m đ*o.
  • Rong kinh là một trong những rối loạn kinh nguyệt thường gặp ở chị em. Nếu kinh kéo dài trên 7 ngày gọi là “rong kinh”, có người kinh ra hết rồi lại có, một tháng có hai ba lần.
  • Vì vòng Tr*nh th*i nằm trong ổ bụng suốt 32 năm trời, bà Nguyễn T. P. (59 tuổi, Bình Tân) đã phải mổ cấp cứu vì bị hoại tử ruột
  • Cùng “check” những câu nói lừa tình kinh điển của những người đàn ông để chị em tự bắt thóp hoặc biết đường mà tránh nhé.
  • Việc tìm hiểu những tật xấu của đàn ông lại giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về người đàn ông đang bên mình.
  • Em gái ở lứa tuổi dậy thì, cơ thể đang hoàn thiện và cũng phải đối mặt với những nguy cơ mắc bệnh phụ nữ nhiều hơn
  • Rong kinh là hiện tượng hành kinh đúng chu kỳ nhưng kéo dài trên 7 ngày và lượng máu mất đi vượt quá 80ml/chu kỳ kinh nguyệt (bình thường khoảng 50 - 80ml/chu kỳ).
  • (Mangyte) - Em nghĩ là do mới dậy thì nên kinh nguyệt chưa ổn định là chuyện bình thường, nhưng ngày nào cũng ra máu nhiều rất hại sức khỏe.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY