Những người bảo tồn vua cá quý hiếm ở miền Tây
Nằm trong sách Đỏ với nguy cơ tuyệt chủng, song cá hô được các kỹ sư cho sinh sản nhân tạo thành công và đang trở thành loài cá phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Nửa thế kỷ trước, chuyện các ngư dân miền Tây quăng lưới bắt được cá hô nặng hàng trăm kg không phải ít. Nhưng khoảng 30 năm trở lại đây, loài cá khổng lồ này dần biến mất, nằm trong sách Đỏ Việt Nam vì nguy cơ tuyệt chủng.Cá hô có tên khoa học Catlocarpio siamensis là loại có kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae), sống trên dòng Mekong. Cái tên "cá vua" xuất phát từ đây, khi có con được ghi nhận nặng đến 600 kg, dài 3 m. Thịt cá rất ngon và có giá lên đến 2 triệu đồng mỗi kg.Tuy khan hiếm ngoài tự nhiên, song tại Trung tâm giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (huyện Cái Bè, Tiền Giang) hiện có quần thể cá hô lớn nhất nước. Hơn trăm con bố mẹ nặng hàng chục kg có thể sinh sản, cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 cá giống mỗi năm.Để nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo, bảo tồn thành công giống cá quý, Thạc sĩ Thi Thanh Vinh cùng với các đồng sự mất gần 5 năm nghiên cứu. Họ cũng trải qua nhiều thất bại liên tiếp, đi lại như thoi giữ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm nguồn cá bố mẹ."Hễ nghe ở đâu có nuôi hay bắt được cá hô lớn, tôi lại tìm đến mua. Do giá cá cao nên khi đến nơi ngư dân đã bán cho thương lái. Còn với những hộ nuôi trong ao 1-2 cá thể xem như biểu tượng may mắn thì lại tưởng chúng tôi là thương lái nên nhất quyết không bán", ông Vinh kể.Sau nhiều lần thuyết phục, trình bày nguyện vọng muốn bảo tồn loài cá này, người nuôi mới để lại. Đặc biệt, có lão ngư khi biết mục đích của nhóm đã tặng luôn cá, không chịu lấy tiền.Sau 2 năm tìm kiếm, nhóm ông Vinh thu thập được 70 con, bắt đầu nghiên cứu. "Lúc đó chỉ có tài liệu về những loài cá cùng họ hoặc có tập tính sinh sản, đặc điểm sinh học gần nhau. Nhóm căn cứ vào đó để triển khai nghiên cứu trên cá hô", thạc sĩ Vinh chia sẻ.Năm 2005, các kỹ sư nhân giống được cá hô con với tỷ lệ 1% trong ao và 13% trong bể nuôi. Kết quả khá khiêm tốn so với mong đợi, anh Vinh và các cộng sự không hài lòng nên không công bố kết quả. Nghiên cứu lại, nhóm tìm được nguyên nhân."Chúng là loài hoang dã sống tại môi trường sông nước, trong khi ao nuôi của trung tâm tĩnh nước, không phải là điều kiện lý tưởng sinh sản. Nguồn thức ăn tự nhiên trong ao lại ít, chất lượng tinh và trứng vì thế thấp", ông Vinh cho biết.Sau lần đó, nhóm kỹ sư nghiên cứu các đặc điểm sinh học của cá. Họ cũng quan sát, để ý độ tuổi, trọng lượng đạt yêu cầu của cá khi sinh sản… Đến năm 2007, nhóm thành công khi tỷ lệ cá sinh sản trong bể lên đến 50%."Tuổi sinh sản lần đầu của chúng phải từ 9 năm trở lên, trọng lượng lúc đó phải đạt 15 kg. Thiếu một trong hai tiêu chí này thì không sinh sản được", ông Vinh kết luận.Từ năm 2008, trung tâm bắt đầu bán cá hô con cho người dân. Loài cá quý hiếm trong sách Đỏ trở thành loài nuôi thương phẩm. Hiện, trung tâm lưu giữ 3 bầy, trong đó bầy cá bố mẹ sinh sản 90 con, đàn hậu bị trên 140 con, đàn sinh sản nhân tạo hàng trăm con.Cá hô giống tùy kích cỡ giá từ 3.500 đến 7.000 đồng. Nuôi trong 3 năm cá đạt trọng lượng 5-6 kg và sau đó mới là thời điểm tăng trọng nhanh. Hiện, cá hô được nuôi tại nhiều địa phương từ Cà Mau đến Hà Nội. Tuy nhiên, do vùng địa lý có nước dưới 20 độ không hợp nên mùa đông ở Hà Nội cá sẽ không lớn. Khi trời rét đậm chúng có thể ch*t."Nuôi cá hô hiệu quả nên có diện tích trên 1.000 m2, sâu 2-4 m. Nếu sâu quá cá cũng không sống được vì nước lạnh, áp lực cao. Cá thích thức ăn có nguồn gốc thực vật như bèo cám, rau củ hoặc cả thức ăn công nghiệp... Người nuôi không lo về bệnh tật, việc chăm sóc dễ", anh Vinh chia sẻ và cho biết các kỹ sư đang nghiên cứu, bảo tồn nhiều giống cá quý hiếm của dòng Mekong như cá trà sóc, vồ cờ, thái hổ...Ngoài trung tâm giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ thì trung tâm giống thủy sản An Giang cũng nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công cá hô năm 2012.
Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhung-nguoi-bao-ton-vua-ca-quy-hiem-o-mien-tay-3534812.html)