Phóng sự hôm nay

Đánh bắt đi đôi với bảo tồn

Rất nhiều người dân ở các tỉnh ven biển, không có khả năng mua tàu thuyền lớn vươn khơi, phụ thuộc vào nguồn thủy sản gần bờ đã khai thác tận diệt.

Nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và họ sẽ gặp khó khăn, thậm chí phải bỏ nghề để đi tìm kiếm nghề mới. Vừa đánh bắt, vừa có biện pháp cần được mau chóng tính đến.

Buổi sáng đến chợ Đồng Hới (Quảng Bình), chứng kiến nhiều tàu thuyền tập kết hải sản tấp nập, gấp gáp, khuôn mặt bà con ngư dân vui phơi phới. Một số thương lái đến cân hàng, đếm tiền thanh toán sột soạt. Nhưng khi nhìn thấy những gì họ thu được thì lòng tôi chùng xuống. Hải sản lớn thì chẳng nói làm gì. Đằng này tất cả cá lớn, cá bé, tôm, mực nhỏ, bề bề, cua... tất thảy đều bị “quét” lên. Nhìn những gì ngư dân thu được sau đêm đánh bắt, rồi lại nhìn ra biển, lão ngư dân Hoàng Văn Út, trải lòng: “Những loại bé người không ăn mà chỉ để làm mắm hoặc thức ăn gia súc. Xưa chúng tôi hiền. Nay dữ quá, dùng cả giã cào mà cào vào bụng biển, chả tha cái gì. Còn dùng cả mìn nữa”.

Lực lượng chức năng Đà Nẵng tuyên truyền cho ngư dân khai thác, bảo vệ nguồn hải sản. Ảnh: Bá Vĩnh

Qua tìm hiểu, năm 2018 do ngư dân sử dụng giã cào, lồng bát quát quá nhiều, lực lượng chức năng vào cuộc, tình trạng tạm lắng xuống. Từ tháng 3/2019 tình trạng khai thác tận diệt lại diễn ra phổ biến. Đặc biệt vào ngày 26/4/2019, tại vùng biển huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), lực lượng chức năng bắt quả tang tàu đánh cá mang số hiệu QB1039TS do ông Đặng Thế Dỹ, sinh năm 1969, trú tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, là chủ phương tiện cùng ba thuyền viên trên tàu đang có hành vi sử dụng vật liệu nổ trái phép để đánh cá. Lực lượng chức năng thu giữ 18 quả mìn các loại cùng 74 kíp nổ và 21 dây cháy chậm.

Tại vùng biển tỉnh Quảng Nam, tình trạng khai thác trái phép, tận diệt cũng diễn biến phức tạp. Một ngày cuối năm 2018, tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), nhiều tàu thuyền hướng lên thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp) khai thác trái phép. Lực lượng tuần tra liên ngành đã phát hiện gần chục tàu khai thác trong vùng cấm, tiếp cận tàu QNa05475TS khi tàu này phát hiện lực lượng chức năng nên định bỏ trốn. 5 cán bộ của tổ tuần tra, trong đó có 2 chiến sĩ biên phòng lên tàu QNa 05475TS yêu cầu chủ tàu Huỳnh Thanh Bích (trú tại huyện Thăng Bình) xuất trình giấy tờ. Nhưng anh Bích nói không có. Tổ tuần tra yêu cầu thực hiện các thủ tục quy định khi trái phép, nhưng anh Bích và bạn nghề vẫn không hợp tác mà còn nhảy xuống biển bỏ trốn. Tổ tuần tra phải xin tăng cường lực lượng, lai dắt tàu vào bờ để tạm giữ. Thời gian đó, lực lượng chức năng cũng bắt giữ tàu QNa 00595TS, chủ tàu là Nguyễn Hùng (trú tại huyện Núi Thành). Điều đáng nói chủ tàu và bạn nghề đã bỏ trốn khi bị phát hiện trái phép.

Theo Phòng tuần tra, kiểm soát (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), năm 2018 đơn vị đã phối hợp với lực lượng Biên phòng Cù Lao Chàm, công an triển khai gần 300 lượt tuần tra, phát hiện việc trái phép trong khu bảo tồn biển diễn ra hằng đêm. Gần 40 trường hợp vi phạm bị phát hiện, trong đó chủ yếu là khai thác bằng giã cào, lặn trong vùng cấm, khai thác bằng lưới vây... Giữa tháng 5/2019 tiếp tục xuất hiện nhiều tàu thuyền khai thác trái phép, có hiện tượng khiêu khích, chống đối lực lượng chức năng. Lão ngư dân Dương Mạnh Tấn (40 năm làm nghề), trú tại xã Tân Hiệp, tỏ ra lo lắng: “Vì khai thác tận diệt, dưới nhiều hình thức nên nguồn hải sản ở đây đang ngày càng cạn kiệt. Chẳng biết sau này người dân chúng tôi sẽ kiếm sống thế nào”. Còn ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, nói: “Tỉnh Quảng Nam đã có định hướng phát triển thế mạnh khai thác hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá phù hợp. Vậy nhưng, kiểu hủy diệt vẫn xảy ra do một bộ phận ngư dân chưa thể có phương tiện công suất lớn để chuyển đổi ngư trường từ tuyến bờ sang lộng hoặc xa bờ. Vì đời sống khó khăn, vì sinh nhai nên nhiều khi họ phải sản xuất trái phép trên biển”.

Lực lượng chức năng Quảng Ninh yêu cầu ký biên bản vi phạm, nhưng một ngư dân mang con ra để gây áp lực.

Đến các vùng ven biển Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên... chúng tôi cũng nhận được không ít điều phàn nàn về chuyện khai thác tận diệt. Hậu quả là đã gây khó khăn lớn cho chính những người dân ven biển, sống nhờ khai thác gần bờ. Nhiều người đi đánh lưới, khai thác tuân thủ quy định thì sau đêm đánh lưới chỉ thu về được vài cân cá.

Để phần nào giải quyết tình trạng khai thác tận diệt, ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai các phương án như mật phục, ngụy trang để khống chế các đội tàu khai thác hải sản trái phép ở khu vực ven bờ. Đối với hành vi chống đối, chúng tôi sẽ áp dụng mức phạt cao nhất để răn đe. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được triển khai sát sườn hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong ngư dân”.

Đánh giá trữ lượng hải sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ rõ: Theo đánh giá của chúng tôi sản lượng và cường độ khai thác gần bờ đã vượt quá giới hạn cho phép, ở mức báo động rồi. Khảo sát cho thấy so với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng hải sản tầng đáy khu vực vịnh Bắc Bộ đã giảm 15,1%; ở Trung Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 57,8%; vùng biển Đông Nam Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 25,6%...Do đó cần nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả để bảo vệ.

Giờ giã cào vét dưới đáy biển ven bờ huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), đa số thu được cá tạp nhỏ xíu.

Tại Quảng Nam, khi nhận thấy nguồn lợi hải sản vơi cạn, từ năm 2013, nhiều xã đảo, khu vực bãi ngang đã có những biện pháp để bảo vệ nguồn hải sản ven bờ. Nhiều xã đã thành lập Ban đồng quản lý khai thác hải sản, các mô hình này góp phần đã đẩy lùi nạn khai thác tận diệt, như tại xã Bình Hải (huyện Thăng Bình), xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên), xã Tam Tiến (huyện Núi Thành)... Ở những vùng ven biển này, chính quyền và ngư dân thống nhất phương pháp quản lý hải sản bền vững. Họ cũng ban hành các quy chế khai thác trong vùng biển như kích thước, lượng cá, phương tiện khai thác bao nhiêu mã lực, thời gian khai thác... Từ đó nâng cao nhận thức ngư dân khi tham gia quản lý tài nguyên và môi trường vùng khai thác.

Lão ngư dân Trần văn Hướng (sinh sống tại xã Tam Tiến), cho hay: Cũng nhờ chính quyền vào cuộc rốt ráo, người dân hưởng ứng nên hoạt động của Ban đồng quản lý khai thác hải sản trở nên thuận lợi. Từ đó ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi chung. Chúng tôi cũng tổ chức trên biển bằng nhật ký chuyến biển, tham gia phát hiện và ngăn chặn các trường hợp khai thác hải sản gần bờ không đúng quy định của các tàu các bên ngoài.

Còn tại Đà Nẵng, một trong những hướng tích cực là ngoài những biện pháp hạn chế khai thác tận diệt, thì cũng đẩy mạnh thúc đẩy phát triển khai thác xa bờ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, cho biết: hiện thành phố có khoảng 1.300 tàu cá, trong đó hơn 500 tàu công suất 400 CV trở lên. Đà Nẵng đã xây dựng được 4 tổ đội khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thành lập văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản, đến nay, không có tình trạng tàu cá của ngư dân thành phố Đà Nẵng vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Ý thức của ngư dân ngày nay vẫn là mạnh ai nấy làm, như lời ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, bởi thế ngoài tuyên truyền để người dân vừa đánh bắt, vừa nuôi và bảo vệ, thì cần phải có chiến lược nuôi biển. Cụ thể, ông Dũng dẫn ra là phải quy hoạch những vùng nuôi giống, bảo vệ nghiêm ngặt để hải sản có thể phát triển, tràn ra những khu vực lớn hơn để phát triển, rồi nuôi dưỡng một lực lượng ngư dân nghèo, vốn chỉ phụ thuộc vào biển ven bờ.

Hải Miên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/danh-bat-di-doi-voi-bao-ton-n162165.html)

Chủ đề liên quan:

bảo tồn đánh bắt

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY