Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Những thay đổi tích cực mà dịch bệnh COVID-19 đem lại cho thế giới

Đại dịch COVID-19 đang khuynh đảo khắp mọi nơi, đem đến nhiều hậu quả nặng nề cho thế giới. Nhìn ở một góc độ khác, đại dịch không phải đưa đến toàn những điều tiêu cực, nó cũng đem đến cho thế giới không ít những đổi thay tích cực …

Thương mại trực tuyến lên ngôi

Khi mọi nơi đều thực hiện phong tỏa, giãn cách phòng ngừa dịch bệnh, con người tìm đến các hình thức kết nối trực tuyến, online. Từ học hành, hội họp, triển lãm đến quảng cáo, bán hàng… đều chuyển sang hình thức trực tuyến.

Một nghiên cứu của Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, tại 7 nước công nghiệp phát triển (G7), doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 1/5 doanh thu của năm 2020. Đại dịch COVID-19 với các đợt phong tỏa liên tiếp vào năm ngoái được cho là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng đó. So với các năm trước, bán hàng trực tuyến chỉ đạt khoảng 16%, thì năm 2020, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 19%.


Các cuộc hội họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến để phòng ngừa dịch bệnh

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ Australia, Anh, Canada, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ. Các quốc gia này chiếm khoảng 2/3 thương mại trực tuyến trên toàn thế giới. Nghiên cứu khẳng định: “Cần thời gian để có được bức tranh đầy đủ về tác động của COVID-19 đối với thương mại điện tử, nhưng tại một số quốc gia phát triển cho thấy có sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử trong năm 2020”.

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 59% ở Australia, 46,7% ở Anh, 32,4% ở Mỹ và 14,6% ở Trung Quốc. Đặc biệt gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến của châu Phi Jumia, lượng giao dịch tăng hơn 50% trong 6 tháng đầu năm 2020.

Sự bùng nổ của công nghệ

Tác giả của báo cáo Torbjorn Fredriksson cho rằng, các thống kê trên cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các hoạt động trực tuyến, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Khi màn hình máy tính thay thế các giảng đường đại học, lớp học thì cũng là lúc thị trường công nghệ giáo dục lên ngôi.

Thị trường này trị giá khoảng 200 tỷ USD, người học và người dạy có thể đến từ bất kỳ đâu trên thế giới, không còn bất cứ khoảng cách nào về không gian. Cơ hội học đại học Mỹ với những học sinh nghèo, học sinh thiểu số được mở ra.


Học tập online

Theo nghiên cứu được công bố trên Science Advances, ứng dụng công nghệ trong giáo dục giúp giảm chi phí tới 80% cho sinh viên so với học trực tiếp. Thực tế cho thấy những người trưởng thành, sinh viên đã tìm thấy nhiều cơ hội học tập hơn trên nền tảng trực tuyến.

Công ty nghiên cứu Insight Partners dự đoán rằng ngành công nghiệp giáo dục sẽ tăng lên 234 tỷ USD  vào năm 2027, tăng 15,3% so với năm 2020.

Người nghèo tiếp cận gần hơn với công nghệ, các quốc gia xích lại gần nhau

Đại dịch COVID-19 đã khiến 114 triệu việc làm đã bị mất đi trong năm 2020, thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3%, tương đương với 3,7 nghìn tỷ USD hay 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Con số thực tế có thể còn cao hơn, người lao động  bị mất kế sinh nhai do nhiều nước áp dụng các biện pháp phong tỏa.

Chính đại dịch là “chất xúc tác” giúp người nghèo phải vận động, bằng mọi cách họ phải tiếp cận công nghệ để đi tìm việc,  tìm sự trợ giúp xã hội, các phúc lợi khác …. Nhờ thế, từ những người xa lạ với công nghệ và các dịch vụ trực tuyến  giờ đây người nghèo đã có thêm cơ hội việc làm, kể cả khi đại dịch kết thúc trong tương lai.  

Bên cạnh đó, đại dịch cũng khiến các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Do tính chất lây lan của dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, ông cho rằng không quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi  quốc gia được an toàn.  COVAX Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19” đã ra đời, giúp cho các nước nghèo có khả năng tiếp cận được vắc xin.

Gần đây, các nước châu Âu quyết định bắt tay nhau trong Chiến lược mới về phương pháp điều trị COVID-19, trong đó  bao gồm việc phát triển các nghiên cứu, sản xuất, phân phối các loại Thu*c, dược phẩm và trang thiết bị y tế để chống lại sự lây nhiễm của đại dịch trong năm 2021.

Ủy viên Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề Y tế và An toàn thực phẩm Stella Kyriakides nói: “EU sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp 40 triệu Euro để nâng cao năng lực sản xuất các loại Thu*c đặc trị”. Đây là sự hợp tác chung hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay.

Nguyễn Trần

(theo ILO, Newsweek, DW)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/6097c0baf8ec6e8fe578d7b3)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY