GD&TĐ - Chưa có điện lưới quốc gia, hệ thống đèn năng lượng mặt trời do Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á và Qũy Vì Tầm vóc Việt trao tặng thực sự trở thành món quà ý nghĩa đối với các trường học ở huyện biên giới. Giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 và bộ đội Biên phòng lắp đèn năng lượng mặt trời ở khuôn viên sân trường.
Có điện chiếu sáng khi đêm về, việc dạy và học cũng như cuộc sống sinh hoạt của giáo viên, học sinh nhà trường đỡ vất vả hơn nhiều.
“Món quà vô cùng ý nghĩa” Khi Mặt trời vừa xuống núi chưa được bao lâu, bản Xằng Trên, xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nhanh chóng bị màn đêm bao phủ. Những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái định cư trong khu vực cũng chỉ leo lét ánh đèn dầu. Thế nhưng ở khuôn viên sân trường, phòng sinh hoạt của thầy và trò Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 đứng chân ở bản Xằng Trên vẫn được chiếu sáng nhờ hệ thống đèn năng lượng mặt trời. Sau bữa cơm tối, có rất đông học sinh đang vui đùa, chạy nhảy dưới ánh đèn điện được lắp đặt ở sân trường. Khi được hỏi, em Lô Thị Hoa, học sinh lớp 4A, chia sẻ: “Có điện chiếu sáng, chúng cháu thích lắm, sau khi ăn cơm tối có thể dạo chơi một lát rồi về phòng ôn bài cũ. Trước đây, cứ tối đến cả trường tối om buồn và sợ lắm, không ai muốn ra ngoài!”.
Đến khu ký túc xá, mỗi phòng ở của các em đều được lắp 2 bộ đèn chiếu sáng, nhiều học trò đang ngồi ôn bài, đọc sách ngay trên giường ngủ của mình. Chứng kiến sự đổi thay của học trò khi có điện năng lượng mặt trời, thầy giáo Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lý 2, không giấu được niềm vui: “Món quà của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á và Qũy Vì Tầm vóc Việt dành tặng giáo viên, học sinh nhà trường quả thật rất ý nghĩa.
Hệ thống đèn năng lượng mặt trời được chúng tôi ưu tiên lắp đặt ở sân, khu vực nhà vệ sinh, cho đến phòng học, phòng nghỉ của các em. có điện không chỉ thuận lợi cho việc dạy và học tập, mà còn đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho các em khi màn đêm buông xuống. không nói gì xa, trước đây việc các em thức giấc đi vệ sinh trong đêm cũng khiến chúng tôi rất lo lắng bị rắn rít cắn...”. cũng theo thầy hà cho biết thêm, hệ thống đèn năng lượng mặt trời đều có điều khiển từ xa, thầy cô giáo sẽ giao cho một em học sinh phụ trách phòng quản lí để bật, tắt đèn theo thời gian nhà trường qui định.
Từ trước đến nay, các trường Tiểu học Bắc Lý 2; Nậm Cắn 2 và Bảo Nam 2 (huyện Kỳ Sơn) cũng chung cảnh chưa có điện lưới quốc gia. Trong những ngày cuối năm, giáo viên, học trò các trường cũng có chung niềm vui được Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á và Qũy Vì Tầm vóc Việt tặng đèn năng lượng mặt trời. Trung bình mỗi ngôi trường ở vùng biên giới đều được đón nhận 10 bộ đèn chiếu sáng có công suất lớn. Ngay sau khi tiếp nhận, giáo viên các trường học đã rất vui mừng, nhanh chóng bắt tay lắp đặt đưa vào sử dụng.
Giờ đây, khi màn đêm buông xuống, tất cả các điểm trường chính ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều đã có điện chiếu sáng thuận lợi cho việc dạy và học cũng như sinh hoạt của giáo viên, học sinh. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng nghĩ đến giải pháp đèn năng lượng mặt trời cho 4 trường học nói trên. Nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể thực hiện được, món quà của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á và Qũy Vì Tầm vóc Việt trao tặng có ý nghĩa lớn với ngành Giáo dục địa phương”.
Còn đó nhiều trăn trở Thực tế cho thấy, việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học ở các địa phương vùng cao của tỉnh Nghệ An đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giảm tình trạng quy mô trường lớp manh mún. Chính vì vậy mà trong vài năm gần đây, việc tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học được các huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông triển khai, nhân rộng. Tuy nhiên, mô hình trường học bán trú tại Nghệ An hiện chỉ mới áp dụng với bậc THCS và THPT, còn bậc tiểu học lại chưa có cơ chế triển khai. Việc tổ chức bán trú hiện chủ yếu dựa vào sự linh hoạt của từng trường và tự nguyện chăm nuôi học trò của các thầy, cô giáo.
Có học sinh bán trú nhưng không được công nhận cơ sở bán trú đã đặt ra nhiều áp lực về cơ sở hạ tầng cũng như gây ra nhiều thiệt thòi cho cán bộ, giáo viên công tác tại các trường học. Trong câu chuyện với thầy giáo Trần Sỹ Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lý 2, đã bộc bạch rằng: “Sau một thời gian về ăn ở bán trú, các em học sinh đã thay đổi tiến bộ rất nhiều, không chỉ việc học, mà cả về thể chất, tinh thần.
Thế nhưng khó khăn mà giáo viên và học sinh gặp phải thì không thể kể hết, nhất là những ngôi trường ở địa bàn xa xôi, chưa có điện lưới quốc gia như chúng tôi”! trong vấn đề này, thầy giáo hà chỉ rõ khó khăn nhất phải kể đến như việc bố trí đảm bảo việc ăn ở, sinh hoạt cho học sinh. vì không có kinh phí đảm bảo nên từ giường, chiếu, chăn ấm cho các em đều trông chờ vào sự góp sức, hỗ trợ của giáo viên nhà trường và nguồn xã hội hóa. ở trường ngoài giờ đứng lớp, giáo viên phải thay bố, mẹ chăm sóc cho học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ, khiến cho công việc tăng lên nhiều lần mà không có bất kỳ thêm sự đãi ngộ nào khác cũng là trăn trở lớn.
Còn theo ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, cũng chia sẻ thêm, toàn huyện có 33 trường tiểu học, trong đó có 25 trường đủ tiêu chuẩn để công nhận trường bán trú. Nhưng trên thực tế chỉ mới có 11 trường được công nhận còn 14 ngôi trường khác đều duy trì học sinh bán trú nhưng chưa được công nhận.
“Quá trình triển khai cho thấy, việc tổ chức bán trú cho học sinh bậc tiểu học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như đã giảm số lượng điểm trường và cả giáo viên. Tuy nhiên, cơ sở các trường học vẫn chưa hoàn thiện, khiến cho công tác dạy và học của giáo viên, học sinh các trường còn nhiều khó khăn. Cùng với nguồn ngân sách, chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng hỗ trợ cho giáo viên, học sinh ở các trường vùng cao, biên giới của địa phương” - ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Kỳ Sơn chia sẻ.