Hơn 1 năm nay, cụ Nguyễn Trường (83 tuổi) ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sức khoẻ bỗng sa sút, trí nhớ kém dần. Con cháu và gia đình ở nhà cụ phải luôn thay nhau để mắt đến cụ, bởi ngoài việc lo cụ sinh hoạt đại tiện hay tiểu tiện bừa bãi mọi nơi trong nhà, thì nay con cháu còn phải liên tục nhắc nhở, giúp cụ giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nỗi khổ nhất vẫn là cụ luôn ức chế, kêu than khi các cháu nội, ngoại được gửi về ông bà "tránh dịch" để bố mẹ chúng đi làm.
Các buổi trưa, hầu như cụ không ngủ, mà thích ra đường phố xem người đi lại (Ảnh minh hoạ) |
Ngày nào cụ Trường cũng quát tháo bọn trẻ không được nô đùa, không được cười nói to. Hễ gặp ai, cụ cũng than thở: "Sao giờ xã hội lạ thế, không có trường nào dạy học, thế này bọn trẻ con ở nhà hư hỏng hết", có lúc cụ lại chửi mắng cháu ầm ĩ: "Tao không hiểu kiểu gì mà giờ không có đứa nào chịu đi học, chúng mày ở nhà thì cả nhà hoá điên hết rồi".
Dẫu con cháu thi nhau giải thích cả trăm lần, thậm chí ngày nào cụ cũng ngồi xem ti vi, mắt vẫn xem các chương trình thời sự, ca nhạc ngoài giờ ăn và ngủ, nhưng dường như trong ký ức của cụ không có tí thông tin nào về đại dịch COVID-19 đang lây lan khắp thế giới và trong nước. Cả nhà cũng không tài nào giải thích cho cụ nhớ được về sự nguy hiểm của bệnh dịch Covid, nên các trường học đều phải nghỉ học để tránh dịch.
Cụ Bùi Văn Giang, (81 tuổi) ở khu tập thể trên phố Kim Mã (Hà Nội) cùng con cháu đã nhiều năm. Do tuổi già nên hơn 2 năm qua, cụ cũng lẩn thẩn. Lúc nào ngoài giờ ăn, ngủ là cụ thích lang thang ra đường, cứ đi 1 vòng ngó khắp hàng quán, phố phường lại về. Rất nhiều lần, con cháu và hàng xóm nhắc cụ đeo khẩu trang khi ra ngoài, về nhà thì vệ sinh tay sạch sẽ, nhưng cụ luôn quên hoặc vứt luôn khẩu trang đi cho khỏi vướng mặt.
Các buổi trưa, hầu như cụ không ngủ, mà thích ra đường phố xem người đi lại. Mỏi chân thì cụ ngồi bệt ở vỉa hè, gốc cây nghỉ chân, xong lại đi. Không may cho cụ Giang, con gái cụ làm ở cơ quan Nhà nước có tiếp xúc với một ca COVID-19. Chị đã được y tế phường đưa đi cách ly tập trung ngay, nhưng cụ Giang và các cháu của cụ cùng chị giúp việc đều phải cách ly tại nhà.
Đôi chân quen đi khám phá phố phường của cụ không thể chịu nổi khi phải ở trong nhà cả ngày, huống hồ kéo dài đến 2 tuần lễ. "Mấy ngày đầu, cụ đòi mở cửa, hét ầm ĩ, chửi bới tôi và các cháu, cả nhà rất khổ sở giải thích cho cụ về bệnh dịch nguy hiểm, mà cụ không hiểu cho. Con gái cụ cũng gọi điện về nhắc nhở, dặn dò cụ, nhưng cụ nghe xong một lúc lại nổi cáu. Cơm đưa đến, cụ tức giận hất phăng đi, đổ hết cơm canh ra nhà. Nhất là khi có y tế đến nhà đo khám, vừa sơ hở chút là cụ Giang đã lẻn ra cầu thang định "bỏ trốn" khiến cả khu tập thể hoảng sợ, cán bộ y tế và gia đình phải rất vất vả mới đưa được cụ vào lại nhà" – chị Tín, giúp việc của gia đình cụ Giang kể.
Các cụ già vẫn có thói quen ra công viên tập thể dục và đi bộ buổi chiều nhưng mùa Covid lại phải ở nhà (Ảnh minh hoạ, không phải nhân vật trong bài) |
Còn ở gia đình chị Nguyễn Thanh Bình, ở Q. Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chung nỗi khổ với mẹ già. Mẹ chồng chị Bình năm nay 78 tuổi, cụ vẫn ăn 2 bát cơm mỗi bữa, ngày 3 bữa đều, sức khoẻ của cụ khá tốt, chỉ trí nhớ kém, lúc nhớ lúc quên khiến ngày bình thường đã vất vả với cụ, thì vào mùa COVID càng khốn khổ với cụ hơn.
Chị Bình kể: "Có hôm trời đang mưa lâm thâm, bệnh dịch thì lây lan mạnh, Chính phủ khuyến cáo người già không nên ra đường, nhưng cụ vẫn tha thẩn che ô đi ra công viên để đi bộ, ngồi ghế đá hóng mát như mọi ngày, dù ghế đá mưa ướt rượt. Con cháu đã lắp đồng hồ đeo tay định vị được nơi cụ đến, vội vã phóng xe đi tìm cụ, cụ cười hồn nhiên: "Mẹ đi tập thể dục chút thôi, đường vắng đi lại càng dễ quá. Mẹ tập xong là về ngay mà".
Con cháu hốt hoảng lo cụ không tỉnh táo để tránh được sự lây lan của dịch bệnh, khi đi đâu cụ cũng có thể vịn tay, bám vào cây cối, ghế đá công viên, nhà vệ sinh công cộng… sẽ dễ mang mầm bệnh về nhà. Thế nhưng, giải thích cho cụ cả buổi tối, cụ ậm ừ nghe chừng đã hiểu, nhưng ngày hôm sau, cụ lại xỏ giày để lên đường…
"Không phải một lần, mà từ Tết đến nay, con cháu trong nhà cứ giải thích, khuyên bảo cụ suốt ngày, phân tích cho cụ hiểu về sự nguy hiểm của dịch bệnh với người già, với những nơi công cộng, nhưng cụ vẫn lúc ậm ừ, sau lại quên. Nếu không may cụ mắc phải COVID-19, không chỉ cụ khổ sở chữa bệnh, mà con cháu trong nhà chắc chắn không ai thoát khỏi liên quan, nhưng nói mãi cụ vẫn không thể hiểu" – chị Bình nói như cố xả nỗi vất vả chăm mẹ chồng ở tuổi xưa nay hiếm.
"Bình thường con cháu đã vất vả với cụ, mùa bệnh dịch, cần phòng tránh COVID-19 càng khó khăn hơn ngay trong gia đình. Chả có cách nào, cứ đi làm là vợ chồng tôi khoá cửa ngoài, cất hết chìa khoá đi. 2 con gái ở nhà cũng học cấp 2, cấp 3 rồi, chúng nó tự biết trông nhau, rồi để mắt đến bà. Biết bà nội khó chịu khi "bị nhốt" trong nhà, có lúc bà tức quá thì chửi con, chửi cháu là "mất dạy", nhưng tôi chỉ có thể làm thế để cả nhà an toàn trong mùa COVID-19. Mong bệnh dịch sẽ được đẩy lùi, để mọi sinh hoạt gia đình sẽ trở lại bình thường, mẹ chồng tôi cũng đỡ bực dọc với con cháu, vì cụ vẫn nghĩ do không muốn cụ đi chơi, con dâu cố tình "nhốt" cụ trong nhà" – chị Bình khẽ thở dài chia sẻ.
Chủ đề liên quan:
cha mẹ cha mẹ già Covid 19 COVID_19 đại dịch COVID 19 dịch bệnh Covid 19 gia đình mẹ già mùa COVID nỗi khổ phòng dịch COVID 19