Nới lòng giãn cách xã hội, nhất là khi học sinh đi học vẫn rất cần cảnh giác với dịch bệnh. Ảnh: Quang Vinh.
Nhận định về thời gian dài vừa qua nước ta ít có người mắc mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, cho hay: “8 ngày kỷ lục vừa qua không có ca mắc mới, các ổ dịch được xét nghiệm cũng không phát hiện thêm ca mắc mới. Đó là một tín hiệu khả quan. Tuy nhiên PGS Huy Nga cũng cho rằng có khả năng các ca mắc trong cộng đồng chưa được phát hiện ra. Do đó, thời điểm này vẫn rất cần sự cảnh giác trong cộng đồng. Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cũng cho rằng tín hiệu tốt trong những ngày qua cũng phần nào nói lên việc lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa đáng kể. Song ông cũng lo ngại khi thực tế nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng rất nhẹ nên không vào viện để được xét nghiệm. Do đó, số lượng người nhiễm này có thể đã bị bỏ qua.
PGS Nga cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Theo ông, Hà Nội gặp khó bởi không biết được nguồn phát sinh đầu tiên (F0) và nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân. Hà Nội vừa rồi đã xét nghiệm hàng chục nghìn người, với kết quả âm tính. Gần 69.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 352 người, tại cơ sở tập trung gần 18.000 người, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú. Song vẫn còn nhiều điều đáng lo vì có nghĩa nhiều người trong cộng đồng chưa có miễn dịch. Những người này khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sẽ dễ bị lây nhiễm. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp như vậy, dịch có thể bùng phát rất mạnh theo cấp số nhân nếu chúng ta không kịp thời không chế.
Theo Bộ Y tế, cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, tiếp tục thực hiện chủ trương: Ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài, dập dịch bên trong. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao với hình thức cách ly linh hoạt, nhưng phải đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện ca bệnh để cách ly, điều trị hiệu quả; sử dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng truy vết, khoanh vùng dập dịch…
Trong hơn một tuần qua, Việt Nam chỉ có thêm 2 người mắc mới, có thể thấy tình hình dịch hiện nay đang được kiểm soát khá tốt, cũng như hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế cần tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch mới phát hiện như tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) và rà soát, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm mới gần đây. Bên cạnh đó, do dịch đã lây lan ra cộng đồng nên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm và có thể bùng phát thành ổ dịch bất cứ lúc nào, đòi hỏi các cơ quan y tế, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tích cực, nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi cá nhân, không được phép chủ quan, lơ là.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho rằng hiện, dịch ở nước ta không bùng phát và giãn cách xã hội chính là yếu tố quan trọng mang tới thành công này.Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, không được chủ quan vì có những diễn biến khó lường. Theo ông, người mắc Covid-19 có thể có những triệu chứng nhẹ, nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát.
“Covid-19 vẫn chưa có vắc xin và Thu*c điều trị. Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Nước ta cũng xác định phải ứng phó lâu dài. Chỉ có thể nói thời điểm này chúng ta đang kiểm soát tốt. Không được lơ là, chủ quan, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân”, PGS Phu khẳng định.
Còn PGS Nga cũng cho rằng nhiều người dân đã chủ quan khi nhiều ngày không có ca bệnh mới trong cộng đồng. Điều này rất nguy hiểm. Khi người dân chủ quan, không tiếp tục giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện để virus lây lan. Ông cho rằng cả nước, đặc biệt Hà Nội và các vùng lân cận phải tiến hành xét nghiệm rộng kể cả những người không thuộc diện F1, có tiếp xúc gần, xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm tỷ lệ kháng thể với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tức là những người đã và đang nhiễm bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Kết quả xét nghiệm sẽ cho chính quyền thành phố hình dung được bức tranh dịch tễ hiện tại để có các biện pháp xử lý.
Về tâm lý có phần chủ quan của một bộ phận người dân, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới Hans Kluge nhấn mạnh: Mọi tín hiệu cho thấy virus đang được kiểm soát là thông tin tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục phải đưa ra cảnh báo rằng, chủ quan có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của thế giới vào thời điểm hiện nay. Chúng ta không thể cho phép mình tin rằng mọi thứ đã an toàn. Bất kỳ bước nào nhằm giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội đều phải được xem xét cẩn thận và thực hiện theo từng bước và chỉ khi có khả năng cách ly các trường hợp nhiễm bệnh và truy dấu những người từng tiếp xúc…
Gần đây, trên thế giới lan truyền thông tin về việc kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy những nước nào có chương trình tiêm đại trà vắc xin ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân Tu vong vì đại dịch Covid-19. Liên quan đến thông tin này, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương chủ trì phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai nghiên cứu tìm mối liên hệ giữa vắc xin BCG với Covid-19 trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay đã có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của Hà Lan và của Australia, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao nhất là những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 để xem tỷ lệ lây nhiễm trong điều kiện tái chủng BCG. Pháp cũng sẽ thử nghiệm với khoảng 1.000 bác sĩ ở tuyến đầu và một số đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi.
Một số nghiên cứu ở Nam Phi và một số nghiên cứu khác đánh giá “hình như BCG giúp cho việc cơ thể giảm tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp do một số virus hoặc một số các tác nhân khác” thì đấy chỉ là giả thuyết và vẫn là những nghiên cứu quan sát, còn để khẳng định thì phải là những thử nghiệm trên nghiên cứu lâm sàng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nêu rõ: “Tôi tin rằng vắc xin ngừa bệnh lao (BCG) không có khả năng ngăn chặn mắc Covid-19 mà chỉ có thể điều hòa hệ thống miễn dịch và đây cũng chỉ là một giả thuyết. Hiện nay không có một chỉ định nào về tiêm vắc xin BCG phòng Covid-19, kể cả các nước trên thế giới”.
Chủ đề liên quan:
bệnh dịch chủ quan Covid 19 giãn cách Giãn cách xã hội nới lỏng cách ly xã hội sức khỏe xã hội