Tâm linh hôm nay

Nội quy Tổ chức và hoạt động Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (viết tắt là VNCPHVN) là cơ sở nghiên cứu và ứng dụng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1984 theo quyết định số 38/QĐ/UB của UBND TP.HCM

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

- -



NỘI QUY TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM


CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Điều khoản chung


1. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (viết tắt là VNCPHVN) là cơ sở nghiên cứu và ứng dụng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1984 theo quyết định số 38/QĐ/UB của UBND TP.HCM.


2. VNCPHVN có tư cách pháp nhân, tự chủ về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và tài chính.


3. Tài khoản của VNCPHVN thuộc quyền sở hữu tập thể của những nhà nghiên cứu Phật học được Hội đồng Trị sự GHPGVN bổ nhiệm. VNCPHVN hoạt động theo phương pháp lấy thu bù chi, tự chủ về tài chính và theo qui định của Nhà Nước.


Điều 2. Tên Viện


1. Tên Viện bằng tiếng Việt là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, viết tắt là VNCPHVN, hoặc Viện.


2. Tên Viện bằng tiếng Anh là Vietnam Buddhist Research Institute, viết tắt là "VBRI”.


Điều 3. Trụ sở chính và Phân viện

1. Trụ sở chính của VNCPHVN được đặt tại số 750 Nguyễn Kiệm, phường 4, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.


2. Do nhu cầu nghiên cứu và ứng dụng Phật học tại miền Bắc, Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (gọi tắt là Phân viện) được đặt tại Chùa Quán Sứ, số 73 Phố Quán Sứ, Hà Nội. Ngoài ra còn có Phân Viện Nghiên cứu Phật học Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ. Hai Phân viện này hoạt động theo tinh thần của Nội quy này.


Điều 4. Quản lý Nhà nước và Giáo hội


1. VNCPHVN chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN.


2. VNCPHVN có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Ngân hàng Thương mại hoặc kho bạc Nhà nước để giao dịch.


Điều 5. Mục đích


Mục đích của VNCPHVN bao gồm:


1. Bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức, triết lý và tâm linh của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng.


2. Phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam từ các Đại Tạng kinh Hán ngữ, Pali ngữ, Tạng ngữ.


3. Phát huy tính sáng tạo trong việc xiển dương và truyền bá Phật pháp bằng cách vận dụng phương pháp luận của các ngành học hiện đại, như triết học, đạo đức, tâm lý học, xã hội học, chính trị học, nhân học, ngôn ngữ học, môi trường học, v.v… để khám phá, giới thiệu và ứng dụng đạo Phật tại Việt Nam.


4. Nghiên cứu sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam cho nền văn hóa và lịch sử Việt Nam; đồng thời nghiên cứu các ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước và bảo vệ đất nước, đặc biệt là các phương diện xã hội, nghệ thuật, kiến trúc, văn học, đạo đức và nhận thức luận v.v…


5. Nghiên cứu quá trình du nhập và phát triển của các nước Phật giáo trên thế giới, cũng như sự đóng góp của Phật giáo tại các nước đó.


6. Thiết lập các mối liên hệ và giao lưu về bản sắc văn hóa Việt Nam và truyền thống tâm linh của Phật giáo Việt Nam với các nền văn hóa của các nước khác, cũng như các truyền thống tâm linh Phật giáo tại các nước này.


Điều 6. Phương hướng hoạt động


VNCPHVN có các phương hướng hoạt động như sau:


1. Tổ chức phiên dịch, biên tập, in ấn, và phát hành Đại Tạng Kinh Việt Nam như nguồn Pháp bảo của GHPGVN.


2. Tổ chức biên tập và xuất bản tủ sách nghiên cứu Phật học và tủ sách ứng dụng Phật học.


3. Tổ chức phiên dịch và xuất bản các tác phẩm nghiên cứu và ứng dụng Phật học có tính chuyên môn cao.


4. Tổ chức các hội thảo về những đề tài liên quan đến Phật giáo.


5. Hợp tác và trao đổi nghiên cứu về Phật học và các vấn đề liên hệ với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Học viện trong và ngoài nước.


CHƯƠNG II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VNCPHVN


Điều 7. Chức năng tổng quát


Cơ cấu tổ chức của VNCPHVN là Hội đồng Quản trị (viết tắt là HĐQT), tức tổ chức đại diện và có thẩm quyền cao nhất trong tập thể VNCPHVN, có trách nhiệm và quyền tự chủ quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản của Viện; về mục tiêu, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và kế hoạch phát triển của Viện đúng với pháp luật của Nhà Nước và chủ trương của GHPGVN.


Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng Quản trị


1. Xác định và điều chỉnh mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng Phật học theo tinh thần Phật giáo đồng hành với dân tộc.


2. Huy động các nguồn vốn để xây dựng VNCPHVN, thẩm định kế hoạch và phê duyệt dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm về tổ chức hội thảo, xuất bản Đại Tạng kinh và tủ sách nghiên cứu và ứng dụng do Viện trưởng duyệt và thông qua; giám sát việc quản lý tài chính và tài sản của VNCPHVN.


3. Đề cử và đề nghị công nhận hoặc không công nhận nhân sự Hội đồng Quản trị của VNCPHVN, trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN quyết định công nhận.


4. Phê duyệt phương án về tổ chức bộ máy nhân sự của VNCPHVN do Ban Thư ký đề xuất.


Điều 9. Thể thức họp, thông qua quyết định và nhiệm kỳ Hội đồng Quản trị


1. Các cuộc họp của Hội đồng Quản trị được xem là hợp lệ khi có ít nhất quá nửa số thành viên tham dự. Các quyết định của Hội đồng Quản trị chỉ có giá trị khi có quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Quản trị nhất trí.


2. Việc họp Hội đồng Quản trị được tiến hành định kỳ 1 tháng/lần, gọi là cuộc họp thường kỳ, các cuộc họp khác gọi là họp bất thường, được triệu tập trong các trường hợp quan trọng liên quan đến hoạt động của VNCPHVN. Các cuộc họp của Hội đồng Quản trị được xem là hợp lệ khi có ít nhất quá nửa số thành viên tham dự.


3. Viện trưởng có thẩm quyền triệu tập các cuộc họp thường kỳ và bất thường.


4. Nhiệm kỳ của Hội đồng Quản trị là 5 năm, ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự GHPGVN. Các thành viên của Hội đồng Quản trị được quyền tái ứng cử.


5. Trong nhiệm kỳ, nếu có yêu cầu đột xuất về việc bổ sung hoặc thay đổi nhân sự Hội đồng Quản trị, thì Viện trưởng ra quyết định.


Điều 10. Thành phần Hội đồng Quản trị


1. Hội đồng Quản trị gồm có: (1) Viện trưởng, (1) Phó viện trưởng Thường trực, (5) Viện phó đặt trách chuyên môn, (2) Viện phó kiêm Phân viện trưởng, (1) Tổng thư ký, (4) Phó tổng thư ký, (1) Chánh văn phòng, (2) Phó văn phòng, (8) Giám đốc các Trung tâm phụ trách chuyên môn, (1) Trưởng Ban dịch thuật, (1) Trưởng Ban In ấn, (1) Trưởng Ban tài chính, (1) Kế toán, (1) Thủ quỹ, (1) Thư viện trưởng, (1) Nhân viên văn thư và các ủy viên.


2. Hội đồng Quản trị có thẩm quyền điều hành toàn bộ các hoạt động của Viện bao gồm các Trung tâm và Ban trực thuộc.


3. Văn phòng của Hội đồng Quản trị là đơn vị thay cho Viện trưởng và Hội đồng Quản trị thực thi các công việc thuộc hành chánh của Viện.


Điều 11. Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam

Có trách nhiệm điều hành công tác phiên dịch, biên tập và ấn hành Đại Tạng Kinh tiếng Việt.


Điều 12. Viện trưởng


1. Viện trưởng VNCPHVN phải có quốc tịch Việt Nam, là người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của VNCPHVN. Viện trưởng do Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ra quyết định bổ nhiệm.


2. Viện trưởng là người điều hành hoạt động của VNCPHVN, đại diện VNCPHVN trước xã hội và pháp luật, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Trị sự GHPGVN.


3. Viện trưởng phải có kinh nghiệm và năng lực điều hành và quản lý, nghiên cứu và ứng dụng Phật học, có uy tín về học thuật, có phẩm chất đạo đức và có sức khỏe.


4. Nhiệm kỳ và thời gian phục vụ của Viện trưởng do Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN quyết định, sau khi tham khảo các kiến nghị của Hội đồng Quản Trị và dựa vào năng lực chuyên môn. Viện trưởng không giữ chức vụ Viện trưởng liên tiếp quá 03 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm.


5. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Trị sự GHPGVN về các Nghị quyết của Hội đồng quản Trị, chủ trì các hoạt động của Hội đồng Quản trị và tổ chức kiểm soát việc điều hành của các Trung tâm và Ban trực thuộc. Các nghị quyết của Hội đồng Quản trị chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên Hội đồng Quản trị nhất trí. Các quyết định của Hội đồng Quản trị phải do Viện trưởng ký.


6. Viện trưởng có chức năng bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức vụ Phó viện trưởng, Tổng thư ký, Giám đốc, Phó giám đốc Trung tâm, Trưởng Ban, Phó Ban, kế toán trưởng, thủ quỹ, theo đề nghị của Hội đồng Quản trị và khi xét thấy các vị ấy không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ.

7. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng có quyền bảo lưu ý kiến không nhất trí với quyết định của Hội đồng Quản trị và báo cáo Hội đồng Trị sự GHPGVN.


8. Có quyền quyết định chi tiêu tài chánh không giới hạn, trong trường hợp cấp bách không thể tiến hành cuộc họp được.


9. Có thẩm quyền quyết định các vấn đề bất đồng ý kiến giữa các thành viên của Viện.


10. Có thẩm quyền triệu tập các cuộc họp bất thường.


11. Trong tình huống bệnh duyên, vắng mặt do Phật sự ở hải ngoại, hoặc nghỉ phép vì việc riêng, Viện trưởng giao quyền điều hành của Viện trưởng cho Phó Viện trưởng Thường trực.


Điều 13. Phó Viện trưởng Thường trực


1. Thay mặt cho Viện Trưởng trong các mặt hoạt động của Viện về đối nội cũng như đối ngoại khi Viện trưởng vắng mặt.


2. Có các chức năng khác như các Phó Viện trưởng.


Điều 14. Các Phó Viện trưởng


1. Hỗ trợ Viện trưởng trong Hội đồng Quản trị, có các phó Viện trưởng. Viện trưởng thỉnh mời hoặc đề cử người có khả năng vào các vai trò Phó Viện trưởng, trình Hội đồng Trị sự GHPGVN ra quyết định công nhận.


2. Giúp Viện Trưởng Điều hành mọi hoạt động của Viện theo từng chức năng được phân công.


3. Phó Viện Trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh trực tiếp chỉ đạo hoạt động của văn phòng Viện.


4. Có trách nhiệm cố vấn tham mưu cho Viện trưởng về các lãnh vực chuyên môn.


5. Có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc hoạt động của Văn phòng, các Trung tâm và Ban.


6. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng tương ứng với nhiệm kỳ của Viện trưởng.


Điều 15. Tổng thư ký


1. Nghiên cứu, đề xuất phương hướng nghiên cứu và ứng dụng Phật học trước Hội đồng Quản trị.


2. Lập dự trù kinh phí và đề xuất việc sử dụng kinh phí trong công tác nghiên cứu, phiên dịch, biên tập, xuất bản Đại Tạng Kinh Việt Nam và tủ sách Phật học của Viện.


3. Kiến nghị biện pháp huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng Phật học, nhằm đảm bảo hiệu quả nghiên cứu Phật học.


4. Hoạch định chiến lược phát triển về mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng Phật học.


5. Chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Hội đồng Quản trị (Dự thảo các công tác, chuẩn bị các đề án dựa trên chương trình hoạt động hàng năm được Hội đồng Quản trị thông qua).


6. Có trách nhiệm đôn đốc việc tổ chức, triển khai các mặt hoạt động của Viện.


7. Có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các kế hoạch hoạt động của các Trung tâm Ban đã đề xuất.


8. Có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của các Trung tâm, Ban và các bộ phận trực thuộc Viện, tham mưu ý kiến trình Hội đồng Quản trị thẩm tường và cho chuẩn duyệt các kế hoạch nghiên cứu của các Trung tâm và Ban trực thuộc VNCPHVN.


9. Có trách nhiệm liên hệ với các tổ chức trong và ngoài nước về lãnh vực nghiên cứu học thuật Phật học.


10. Có trách nhiệm cố vấn đề xuất các nhân sự của các đầu ngành bao gồm các Phó Viện trưởng chuyên môn, giám đốc các Trung tâm và các Trưởng Ban.


11. Có trách nhiệm ký các thư mời họp.


Điều 16. Phó Tổng thư ký


1. Các Phó Tổng Thư Ký có trách nhiệm tham mưu và trợ lý cho Tổng Thư ký, nhằm giúp Tổng Thư ký hoàn thành tất cả công việc được Hội đồng Quản trị giao phó.


2. Khi Tổng Thư ký vắng mặt, các vị Phó tổng Thư ký có trách nhiệm thực thi công việc được Tổng Thư ký phân công.


3. Phó Tổng Thư ký thứ nhất chịu trách nhiệm về các hoạt động hành chính - văn phòng của Viện.


4. Phó Tổng Thư ký thứ hai kiêm Thư ký Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.


5. Phó Tổng Thư ký thứ ba chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của: (i) Trung tâm Phật học Hán truyền, (ii) Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, (iii) Trung tâm nghiên cứu Phật giáo thế giới, (iv) Trung tâm phiên dịch Phật học.


6. Phó Tổng thư ký thứ tư chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hoạt động của: (i) Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, (ii) Trung tâm Pali học, (iii) Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền, (iv) Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Nam truyền.


Điều 17. Chánh và Phó văn phòng


Chánh văn phòng và Phó Văn phòng chịu trách nhiệm:


1. Có trách nhiệm quản lý các bộ phận thuộc văn phòng, như kế toán, thủ quỹ, văn thư đến, đi…


2. Có trách nhiệm trình báo các vấn đề thuộc hành chánh trước Hội đồng Quản trị.


3. Có trách nhiệm soạn thảo văn thư.


4. Có trách nhiệm tổ chức các buổi hội họp của Viện.


5. Khi Chánh văn phòng vắng mặt, Phó văn phòng có trách nhiệm thực thi công việc khi Chánh văn phòng đã phân công.


Điều 18. Ban Tài chính


1. Ban Tài chính gồm có (1) Trưởng Ban, các Phó ban, (1) Kế toán, (1) Thủ quỹ, các ủy viên tài chính.


2. Lập kế hoạch, dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm, trình Hội đồng Quản trị phê duyệt, chịu trách nhiệm về tài chánh và những dịch vụ khác liên hệ cho lãnh đạo Viện.


2. Kiểm tra, giám sát việc thu chi tài chính của VNCPHVN. Báo cáo định kỳ về tài chính và các hoạt động của VNCPHVN theo qui định với Hội đồng Quản trị và các cơ quan có liên quan.


Điều 19. Kế toán


1. Có trách nhiệm kiểm tra, quản lý về mặt chi thu tài chánh của Viện (và các Trung tâm, Ban) bằng sổ sách, chứng từ, không để thất thoát.


2. Có trách nhiệm báo cáo tài chánh bằng văn bản trước Hội đồng quản trị theo định kỳ, hoặc báo cáo bất thường khi Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng đặc trách hành chánh yêu cầu.


3. Có trách nhiệm báo cáo với Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng đặt trách hành chánh về việc chi thu bất thường của Viện.


4. Có thẩm quyền ký duyệt những đề xuất chi thu hợp lệ và có quyền không ký duyệt những đề xuất chi thu không hợp lệ.


Điều 20. Thủ quỹ


1. Có trách nhiệm gìn giữ tài chánh của Viện bằng sổ sách, chứng từ.


2.Có trách nhiệm báo cáo với Chánh văn phòng hoặc Viện trưởng, Phó viện trưởng đặt trách hành chánh, khi phát hiện có sự chi thu bất thường hoặc trái qui định.


3. Có thẩm quyền xuất chi, thu tài chánh, đối với những đề xuất chi thu hợp lệ. Có quyền từ chối không chi hay thu tài chánh đối với những đề xuất chi, thu không hợp lệ.

Điều 21. Giám đốc Trung tâm


1. Điều hành các mặt hoạt động nghiên cứu và ứng dụng Phật học thuộc phạm vi chuyên môn của Trung tâm. Có thẩm quyền quyết định những vấn đề thuộc phạm vi của Trung tâm đã được Hội đồng Quản trị chuẩn duyệt.


2. Xây dựng và triển khai các kế hoạch của Trung tâm được Hội đồng Quản trị thông qua.


3. Có trách nhiệm mời các nhà chuyên môn cộng tác nghiên cứu chuyên môn cho Trung tâm.


4. Có trách nhiệm phối hợp, phân chia từng tổ nhóm để tiến hành nghiên cứu những chủ đề khác nhau, hoặc phân chia phiên dịch những tác phẩm có giá trị học thuật.


5. Có thẩm quyền từ chối không nhận những cộng tác viên không đủ kiến thức chuyên môn. Có thẩm quyền từ chối hủy bỏ những công trình nghiên cứu không đủ tính khoa học, cũng như những tác phẩm phiên dịch không đúng tiêu chuẩn. Có quyền tổ chức Hội thảo riêng của Trung tâm. Có quyền từ chối những đề án nghiên cứu không phù hợp với tinh thần khoa học. Có thẩm quyền đề xuất hướng nghiên cứu mới, nhưng phải phù hợp mục đích chung của Viện. Có thẩm quyền quyết định lương bỗng cho các thành viên trong Trung tâm của mình nhưng phải đảm bảo sự minh bạch trong thu chi.


6. Báo cáo kịp thời với Hội đồng Quản trị về tình hình hoạt động của Trung tâm để hoạt động của Trung tâm được thuận lợi và hiệu quả.


Điều 22. Phó Giám đốc và Thư ký Trung tâm


1. Khi Giám đốc vắng mặt, Phó giám đốc giải quyết các vấn đề của Trung tâm. Phó giám đốc có trách nhiệm phối hợp cùng Giám đốc giải quyết những vấn đề của Trung tâm.


2. Thư ký Trung tâm có trách nhiệm trợ giúp Giám đốc soạn thảo kế hoạch hoạt động, hướng nghiên cứu và viết báo cáo của Trung tâm.


Điều 23. Ban In ấn và phát hành


1. Biên tập, layout, xin giấy phép xuất bản Tạp chí, Đại Tạng Kinh Việt Nam, tủ sách nghiên cứu và tủ sách ứng dụng đúng qui định của Luật xuất bản.


2. Lập kế hoạch phát hành và giám sát việc phát hành Tạp chí, Đại Tạng Kinh Việt Nam, tủ sách nghiên cứu và tủ sách ứng dụng của VNCPHVN.


Điều 24. Điều kiện ứng cử viên cho các vai trò phụ trách


1. Ứng cử viên cho các vai trò thuộc Hội đồng Quản trị và Giám đốc một Trung tâm trực thuộc VNCPHVN phải có học vị Tiến sĩ.


2. Chánh phó văn phòng, kế toán, thủ quỹ, trưởng phó các Ban phải có học vị chuyên ngành, hoặc có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm đối với công tác chuyên môn.


3. Các ủy viên của VNCPHVN phải có học vị Thạc sĩ. Trong trường hợp ngoại lệ, phải có uy tín trong lãnh vực trước tác, dịch thuật và biên tập các tác phẩm nghiên cứu được đánh giá cao.


Điều 25. Quyền sử dụng con dấu


1. Có hai loại con dấu: a) Dấu tròn do Viện trưởng ký, hoặc ủy nhiệm cho Phó viện trưởng Thường trực ký, khi vắng mặt; b) Dấu vuông sử dụng tại các Trung tâm.


2. Tùy theo chức năng và quyền hạn được Hội đồng Quản trị giao phó theo tinh thần của Nội quy này, các Phó viện trưởng được quyền ký các văn bản thuộc thẩm quyền của mình.


3. Các Trung tâm có con dấu vuông để giao dịch và điều hành các hoạt động thuộc phạm vi của Trung tâm mình.


CHƯƠNG III

CÁC TRUNG TÂM TRỰC THUỘC VNCPHVN


Điều 26. Các Trung tâm trực thuộc VNCPHVN


VNCPHVN hiện có tám Trung tâm trực thuộc bao gồm:


1. Trung tâm Phật học Hán truyền


2. Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang


3. Trung tâm Pali học


4. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam


5. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo thế giới


6. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Bắc truyền


7. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Nam truyền


8. Trung tâm phiên dịch Phật học


Điều 27. Điều kiện thành lập Trung tâm


1. Số lượng các Trung tâm có thể được bổ sung, tùy vào nhu cầu thực tế và khi có đủ 05 nhân sự chuyên môn điều hành.


2. Trung tâm trực thuộc VNCPHVN được hình thành dưới sự đề xuất của nhóm chuyên môn, được Hội đồng Quản trị thông qua tại một phiên họp có quá bán số thành viên Thường trực của Hội đồng Quản trị tham dự.


3. Nhóm chuyên môn tối thiểu gồm 5 thành viên, nếu muốn thành lập Trung tâm phải trình kế hoạch, chương trình hoạt động, cơ sở làm việc và danh sách nhân sự của Trung tâm để được duyệt xét.


4. Các Trung tâm trực thuộc VNCPHVN phải treo bảng hiệu Trung tâm ở địa điểm được chấp thuận và làm việc theo bảng đăng ký kế hoạch hoạt động với Hội đồng Quản trị theo tinh thần của Nội quy này.


5. Chức năng, quyền hạn của Ban giám đốc Trung tâm và các thành viên trực thuộc được Hội đồng Quản trị quyết định bằng một văn bản.


6. Đứng đầu Trung tâm là Giám đốc. Giám đốc của một Trung tâm trực thuộc VNCPHVN phải có học vị Tiến sĩ.


7. Thành phần nhân sự của các Trung tâm do các Giám đốc đề xuất bằng văn bản và được Viện trưởng quyết định. Số lượng thành viên của các Trung tâm này có thể tăng giảm tùy theo nhu cầu thực tế.


8. Các thành viên trực thuộc Trung tâm phải có học vị Thạc sĩ. Trong trường hợp ngoại lệ, đương sự phải có tác phẩm, dịch phẩm mang tính học thuật, được đánh giá cao.


Điều 28. Trung tâm Phật học Hán truyền


1. Có nhiệm vụ nghiên cứu và phiên dịch nguồn tư liệu Phật học Hán tạng. Qua đó phân tích đánh giá, giới thiệu sự liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Trung Quốc, nhằm làm nổi bật các điểm đặc thù của Phật giáo Việt Nam.


2. Tổ chức đào tạo luyện dịch song ngữ Hán - Việt, Việt - Hoa.


Điều 29. Trung tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang


1. Tổ chức đào tạo các chuyên gia phiên dịch Hán – Nôm, phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Phật học.


2. Nghiên cứu dịch thuật các vấn đề Phật học qua văn hệ chữ Hán, chữ Nôm đặc biệt là của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.


Điều 30. Trung tâm Pali học


1. Tổ chức phiên dịch, biên tập và xuất bản các Kinh Luật Luận và sớ giải từ tiếng Pali sang tiếng Việt, góp phần hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam từ văn hệ Pali.


2. Tổ chức nghiên cứu, đào tạo các chuyên gia về Phật giáo Nguyên thủy và tiếng Pali, đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại các trường Phật học.


Điều 31. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam


1. Tổ chức nghiên cứu về Lịch sử, tư tưởng, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… của Phật giáo Việt Nam, và sự liên hệ giữa văn hoá Phật giáo và văn hoá dân tộc.


2. Tổ chức nghiên cứu và biên soạn về lịch sử địa chí Phật giáo Việt Nam, lịch sử các giáo phái, môn phái, tổ đình, lịch sử các ngôi chùa cổ, danh tăng và cư sĩ hữu công, biên niên sử các sự kiện của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.


3. Tổ chức nghiên cứu và biên soạn về văn học, thư tịch Hán Nôm, báo chí Phật giáo, các bản văn của Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ.


4. Tổ chức nghiên cứu và biên soạn về các thể loại kiến trúc, cổ vật, tranh tượng, điêu khắc, liễn đối, phong tục, lễ hội, nghệ thuật sân khấu của Phật giáo Việt Nam.


Điều 32. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo thế giới


Tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và trước tác các tác phẩm về lịch sử và tư tưởng của của Phật giáo tại các nước trên thế giới, thông qua đó, rút ra các bài học có giá trị về kinh nghiệm nhập thế, phụng sự nhân loại.


Điều 33. Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Thiền học Phật giáo

1. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thiền học Nam truyền, đặt trụ sở tại Chùa Bửu Long, Q. 9, lấy thiền Tứ niệm xứ và Minh sát tuệ làm căn bản.

2. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thiền học Bắc truyền, đặt trụ sở tại Thiền viện Thường Chiếu, lấy thiền Tổ sư bao gồm thiền công án, thiền thoại đầu, thiền tri vọng v.v... làm trọng tâm.


3. Có nhiệm vụ phiên dịch và trước tác những tác phẩm có liên quan đến thiền học, bao gồm những điểm tương đồng và dị biệt giữa Thiền học Nam tông và Bắc tông, Thiền học Việt Nam và Thiền học Trung Quốc.


4. Tổ chức nghiên cứu các giá trị của thiền Phật giáo trong trị liệu thân bệnh và tâm bệnh, nhằm giúp con người sống an vui và thong dong, bây giờ và tại đây.


5. Tổ chức các khóa tu thiền Vipassana và thiền Tổ sư cho các thiền sinh, góp phần mang lại sức khỏe, tuổi thọ, hạnh phúc và an vui cho con người.


Điều 34. Trung tâm phiên dịch Phật học


1. Tổ chức phiên dịch song ngữ các tác phẩm nghiên cứu và ứng dụng Phật học có giá trị, nhằm cung ứng nguồn tài liệu tham khảo cho người học Phật.


2. Tổ chức đào tạo các chuyên gia phiên dịch song ngữ Hán – Việt và Anh – Việt, phục vụ công tác nghiên cứu của VNCPHVN và các trường Phật học có nhu cầu.


CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, HỢP ĐỒNG, LƯƠNG BỔNG VÀ XUẤT BẢN


Điều 35. Tài sản của VNCPHVN


Tài sản của VNCPHVN gồm tài sản thuộc phần cúng dường của các thành viên Hội đồng Quản trị, các mạnh thường quân và tài sản tăng thêm trong quá trình hoạt động. Tài sản của VNCPHVN được bảo vệ theo quy định của pháp luật, không ai được chiếm đoạt.


Điều 36. Tài chính của VNCPHVN


Viện được tự chủ về tài chính theo nguyên tắc tự cân đối thu chi, duy trì các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng Phật học.


Điều 37. Nguồn thu của VNCPHVN


1. Nguồn thu tại Viện:


 Lãi tiền gởi ngân hàng.


 Thu về thanh lý tài sản thuộc nguồn vốn của VNCPHVN.


 Các hoạt động dịch vụ (nếu có).


2. Nguồn tài trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.


3. Nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng, ngân hàng.


4. Các khoản thu khác.


Điều 38. Các khoản chi của VNCPHVN


1. Chi thường xuyên:


 Chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, in ấn kinh sách của VNCPHVN.


 Văn phòng phẩm, mua sắm tài sản và sửa chữa tài sản của Viện.


 Chi trích khấu hao tài sản cố định.


 Trả lãi vốn vay, vốn góp.


2. Chi đầu tư phát triển, bao gồm xây dựng cơ sở vật chất của VNCPHVN và mua sắm máy móc, trang thiết bị hằng năm.


Điều 39. Chủ tài khoản


1. Viện trưởng là chủ tài khoản của VNCPHVN, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị về toàn bộ công tác quản lý tài chính, tài sản của Viện. Việc thu, chi phải thực hiện theo đúng quy định hoạt động về tài chính do Hội đồng Quản trị ban hành.


2. Trường hợp không muốn đứng chủ tài khoản, Viện trưởng có thể đặc cách một Phó viện trưởng đứng tên.


Điều 40. Thanh lý tài sản


Khi cần thanh lý tài sản, Viện trưởng thành lập Hội đồng định giá để xác định giá và phương thức thanh lý tài sản.


Điều 41. Quản lý thu chi và Sổ sách kế toán


1. Tài sản và toàn bộ các hướng dẫn thu chi tài sản của VNCPHVN đều phải quản lý và hạch toán, kế toán, quyết toán hằng năm theo qui định của Bộ tài chính.


2. Hằng năm VNCPHVN lập dự toán thu, chi và mở sổ sách kế toán theo dõi thu, chi theo các nguồn vốn hình thành và tài sản VNCPHVN. Toàn bộ khoản thu của Viện phải phản ánh tập trung vào tài khoản của Viện tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước. Toàn bộ số tiền lãi từ tiền giữ phải được phản ánh vào nguồn thu của Viện.


Điều 42. Chuyển giao tài chính


Khi mãn nhiệm kỳ, tài chánh của VNCPHVN phải được bàn giao cho Hội đồng Quản trị của nhiệm kỳ mới để tiếp tục hoạt động. Tài chánh và tài sản của VNCPHVN chỉ được sử dụng vào các mục đích nghiên cứu, hội thảo, xuất bản, đào tạo, không được sử dụng vào mục đích khác, trừ trường hợp cần thiết phải được 2/3 thành viên Hội đồng Quản trị bỏ phiếu tán thành.


Điều 43. Tài chính của các Trung tâm


1. Các Trung tâm, các Ban được quyền tự tìm nguồn kinh phí sinh hoạt, tự quyết định việc thu chi trong nội bộ Trung tâm. Nhưng phải báo cáo tài chánh thu chi của Trung tâm, trước Hội đồng Quản trị Viện.


2. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Giám đốc phải có trách nhiệm Báo cáo chuyển giao sổ sách tài chánh cho người kế thừa nhiệm kỳ mới.

3. Việc vận động tài chánh cho các hoạt động của Trung tâm phải công khai, minh bạch, không được gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Viện.

4. Việc chi thu tài chánh của Trung tâm phải bằng sổ sách, chứng từ.


Điều 44. Hợp đồng


1. Hội đồng Quản trị, các ủy viên, nhân viên các Trung tâm và Ban trực thuộc VNCPHVN sẽ làm việc theo: (i) Hợp đồng theo thời vụ, (ii) Hợp đồng theo công việc.


2. Các hợp đồng nêu trên sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ của Hội đồng Quản trị, tương ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự GHPGVN.


3. Trước khi mời tham gia vào giữ những chức vụ đầu ngành, các bộ phận chuyên môn của Viện, Tổng Thư ký và Chánh văn phòng cùng đương sự cần trao đổi về công việc và tinh thần làm công quả rõ ràng, khi được hai bên đồng ý thì ký kết bằng văn bản. Sau đó Viện trưởng thay mặt Hội đồng Quản trị ký quyết định mời đương sự tham gia cộng tác với chức vụ mà hai bên đã thống nhất.


4. Nếu bên A (người được mời) không thực hiện đúng hợp đồng thì bên B (Viện) có quyền xoá bỏ hợp đồng khi hợp đồng chưa hết thời hạn và ngược lại.


5. Các Trung tâm, Ban có quyền ký hợp đồng với người chuyên môn trong phạm vi hoạt động của Trung tâm, với điều kiện tự trang trải các kinh phí.


Điều 45. Trợ cấp lương


1. Hội đồng Quản trị làm việc không ăn lương.


2. Nhân viên văn phòng, tùy theo nhu cầu thực tế, được hưởng phụ cấp theo quyết định của Hội đồng Quản trị.


3. Các tác giả và các dịch giả được hưởng 10% tác quyền từ ấn phẩm được VNCPHVN xuất bản, tính theo giá bìa và số lượng phát hành.


4. Các Trung tâm tự tìm nguồn kinh phí hoạt động, tự thu chi, tự quyết định lương bổng nhưng phải được Hội đồng Quản trị chuẩn duyệt và phải báo cáo định kỳ hàng năm cho Hội đồng Quản trị.


Điều 46. Quy định về xuất bản


1. Phạm vi xuất bản của VNCPHVN gồm Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tủ sách nghiên cứu, Tủ sách ứng dụng, Tạp chí nghiên cứu của Viện. Gọi chung là Tủ sách VNCPHVN.


2. Tất cả các ấn phẩm dưới danh nghĩa của VNCPHVN đều có giấy phép xuất bản và in chính thức tại một nhà in được ghi rõ trong hợp đồng với Nhà xuất bản.


3. Chủ nhiệm của Tủ sách VNCPHVN là Viện trưởng của VNCPHVN. Chủ biên của Tủ sách VNCPHVN là Tổng Thư ký VNCPHVN.

4. Trong mỗi ấn phẩm thuộc Tủ sách VNCPHVN cần ghi rõ: (1) Ban chứng minh (trong trường hợp cần thiết), (ii) Chủ biên và (iii) Ban biên soạn/tập.


5. Các kinh sách thuộc Tủ sách VNCPHVN khi xuất bản phải ghi rõ tên VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM ở hàng trên hết của bìa 1 của sách và ghi địa chỉ của VNCPHVN ở bìa 4.


6. Các ẩn phẩm của các Trung tâm trực thuộc VNCPHVN ngoài tên VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM, còn có tên của Trung tâm. Các tác phẩm/ dịch phẩm do Trung tâm xuất bản, mang tên Viện và Trung tâm cần gửi bản thảo MS Word đến Hội đồng Quản trị, thông qua Tổng Thư ký để chuẩn duyệt. Tổng Thư ký Viện sẽ thay mặt Hội đồng Quản trị, trả lời trong thời gian chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận bản thảo. Tuyệt đối không xuất bản sách nhân danh VNCPHVN và Trung tâm trực thuộc Viện mà chưa được Hội đồng Quản trị chuẩn duyệt.


7. Các tác giả, dịch giả muốn đóng góp tác phẩm/ dịch phẩm của mình cho Tủ sách VNCPHVN nên gửi bản thảo dưới dạng MS WORD cho Tổng Thư ký VNCPHVN chuẩn duyệt và gửi Ban In ấn của Viện trình bày và xin giấy phép xuất bản.


CHƯƠNG V

THANH TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM


Điều 47. Khen thưởng thành viên và tập thể


1. Ban Thường trực Hội đồng Quản trị có trách nhiệm theo dõi các hoạt động nghiên cứu và có ý kiến đề xuất Hội đồng Trị sự GHPGVN trao bằng Tuyên duyên công đức cho các tập thể, Trung tâm, Ban và cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, trước tác, dịch thuật, xuất bản, hội thảo của Viện, theo định kỳ hằng năm và cuối nhiệm kỳ.


2. Cá nhân và tập thể thuộc Trung tâm, Ban nào có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu, trước tác, dịch thuật, xuất bản, hội thảo của Viện, sẽ được Hội đồng Quản trị khen thưởng theo quy định của Viện.


Điều 48. Thanh tra và khen thưởng


1. VNCPHVN có trách nhiệm tổ chức thực hiện thường xuyên việc tự kiểm tra và thanh tra các hoạt động của Viện theo các qui định hiện hành.


2. VNCPHVN không cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa, sử dụng cơ sở của Viện để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp và thực hiện các hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục, vụ lợi, không đúng với tôn chỉ mục đích của Viện.


Điều 49. Xử lý vi phạm


Cá nhân nào có một trong các hành vi sau đây, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý cảnh cáo, kỷ luật, xử phạt, khai trừ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:


(i). Vi phạm các quy định về tổ chức và hoạt động của Viện.


(ii). Làm ảnh hưởng đến thanh danh và lợi ích hợp pháp của Viện.


(iii). Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong Viện; hoặc gây thiệt hại về cơ sở vật chất của Viện.


(iv). Làm thất thoát kinh phí; lợi dụng hoạt động nghiên cứu để thu tiền sai quy định.



(v). Các hành vi khác vi phạm pháp luật và đời sống giới luật của Phật giáo.


CHƯƠNG VI

SỬA ĐỔI - THI HÀNH


Điều 50. Thể thức sửa đổi Nội quy


1. Bất kỳ thành viên nào của Hội đồng Quản trị, đều có tư cách đề xuất dự thảo bổ sung hoặc sửa đổi Nội quy này.


2. Khi muốn sửa đổi, bổ sung Nội quy này, Hội đồng Quản trị phải họp để thảo luận, trên cơ sở đồng thuận quá bán thành phần tham dự, thông qua quyết định nội dung thay đổi và ban hành.


Điều 51. Hiệu lực thi hành


Nội quy Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam gồm 06 chương, 51 điều, được Hội đồng Quản trị xem xét từng chương, từng điều và thông qua ngày 23/4/2013 tại Văn phòng của Viện; được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày 02 tháng 07 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành.



Tp.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 07 năm 2013

TM. HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Viện trưởng

(đã ký)


HT.TS.THÍCH TRÍ QUẢNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/noi-quy-to-chuc-va-hoat-dong-vien-nghien-cuu-phat-hoc-viet-nam-d11333.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY