Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Ở nơi ánh sáng không bao giờ tắt

Tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, những ngày này có một toà nhà mà ánh sáng không bao giờ tắt. Ở đó đang níu giữ những hơi thở mong manh của những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng giữa đôi bờ “sinh – tử”…

Kiên cường giữa tâm dịch

"Thành phố trong những ngày tháng 6, không phải là mùa hè quen thuộc mà là “mùa COVID-19”. Để đối đầu với con siêu vi nhỏ bé nhưng vô cùng quái ác này, tất cả nhân viên y tế của bệnh viện như những tấm lá chắn vững chắc góp phần vào việc đẩy lùi dịch bệnh đang hoành hành. Tòa nhà ánh sáng - Chúng tôi gọi khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn của mình là như thế kể từ ngày nhận nhiệm vụ mới”- những nhân viên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn, BV Bệnh nhiệt đới bắt đầu câu chuyện.

Từ những ngày đầu, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu “nóng” lên, BV Bệnh nhiệt đới trở thành bệnh viện đầu tiên của TP.HCM nhận trách nhiệm trở thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19. Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn trở thành nơi tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân COVID-19 nặng.


Hiện nay, tại khoa đang điều trị cho 14 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tất cả các bệnh nhân này đều bị suy hô hấp cấp nặng do tổn thương phổi gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Ảnh: BVCC

Bất ngờ, bệnh viện rơi vào tình trạng phong tỏa kiểm dịch “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Giữa muôn trùng khó khăn từ khách quan lẫn chủ quan, thế nhưng “lá chắn” ở khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn vẫn vững chãi, kiên cường. Bởi toàn bộ ban giám đốc và nhân viên bệnh viện đều dành hết tâm, sức, dõi mắt hướng về đó. Việc giữ vững nhân lực, vật lực ở khoa cũng giống như giữ vững biểu tượng trái tim của bệnh viện.

Kể từ ngày nhận nhiệm vụ mới, công suất làm việc tại đây xuyên suốt 24/7. Ở tòa nhà này, ánh sáng không bao giờ tắt. Dù nắng gắt hay mưa rào, bất kể ngày đêm, các bác sĩ tại đây luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận những bệnh nhân COVID-19 rất nghiêm trọng được chuyển đến từ các nơi trong TP.HCM hoặc từ các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Tất cả nhân viên trong khoa hầu như quên mất khái niệm ngày giờ, chỉ còn sự tập trung cao độ vào việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Miệt mài từ ngày này sang ngày khác.

Hiện nay, tại khoa đang điều trị cho 14 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tất cả các bệnh nhân này đều bị suy hô hấp cấp nặng do tổn thương phổi gây ra bởi virus SARS-CoV-2, phải nhờ máy thở mới đảm bảo chức năng hô hấp cho họ.

Trong số này, có 4 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Đây là Kỹ thuật “trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể”, một phương pháp hồi sức mới nhất, hỗ trợ nhân tạo thay cho hoạt động của tim và phổi đã bị suy giảm chức năng nghiêm trọng; có 3 bệnh nhân phải lọc máu liên tục.

Thời gian làm việc của mỗi kíp hiện nay là từ 8 đến 12 tiếng, tăng gấp rưỡi so với thời gian làm việc bình thường trước đây. Mỗi lần ra hay vào ca, là mỗi lần nhân viên phải mặc vào hoặc tháo ra trang phục bảo hộ kín mít, tuân thủ đúng các bước mặc vào – tháo ra trang phục bảo hộ, sát khuẩn toàn thân để tránh lây nhiễm cho mọi người. Một thách thức cũng không hề nhỏ, nhưng họ đã vượt qua bằng sự kiên cường…

Hồi sinh những nụ cười

Các bác sĩ kể, trong bộ quần áo trắng xóa, kín mít và nặng nề, họ vẫn di chuyển như con thoi giữa các buồng bệnh để liên tục đánh giá tình hình bệnh nhân, điều chỉnh máy thở, điều chỉnh máy lọc máu, máy ECMO cho phù hợp với diễn biến bệnh.

Các điều dưỡng nhỏ nhắn thì  như “phình to” trong bộ đồ bảo hộ. Sau lớp kính bảo hộ mờ hơi nước là ánh mắt chăm chú lên đôi tay thao tác tiêm Thu*c, hút đàm, ghi chép sinh hiệu bệnh nhân, vệ sinh drap giường và vệ sinh bệnh nhân…


Các bác sĩ nỗ lực níu giữ tính mạng cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BVCC

Tất cả công việc trong khoa đều căng thẳng và không kém phần nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ. Các bác sĩ kể: “Có bạn đã ngất đi vì kiệt sức, cũng có bạn mệt lả và thiếp đi trong giây lát trong những căn phòng áp lực âm ngột ngạt. Trong khoa, hầu như không có tiếng nói cười. Những thước phim “thường nhật” tại khoa chỉ nghe được âm thanh tít tít phát ra từ monitor, tiếng máy ECMO, tiếng máy lọc máu chạy rè rè như một đĩa hát bị hư. Trong khi bên ngoài bức tường khoa là cả một bầu trời nắng gió, vườn cây xanh ngắt của bệnh viện, hàng hoa bằng lăng, tiếng ve ran ran. Chúng tôi nào kịp nhìn ngắm và lắng nghe”.

Cũng có những ngày trong tòa nhà ấy cũng nặng nề và u ám cho dù ánh sáng đèn ngập tràn. Đó là những khi một bệnh nhân vừa hồi phục đôi chút, bỗng chốc trở nặng rất nhanh như trường hợp của bệnh nhân N.T.K.P. (BN 2983, An Giang). Bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng, viêm phổi tiến triển nhanh, phổi chỉ còn 10% chức năng. Ngay từ đầu, ê kíp điều trị đã đánh giá bệnh nhân “có bệnh cảnh COVID-19 nặng nề không kém bệnh nhân 91” (BN 91 - phi công người Anh, đã điều trị tại khoa trước đây). Bệnh nhân được can thiệp ECMO và nhiều biện pháp hỗ trợ sự sống khác ngay trong ngày nhập viện. Sau hơn 1 tháng vật lộn với thần ch*t, các bác sĩ, điều dưỡng đã đưa bệnh nhân vượt qua cơn hiểm nguy. Ngày 10/6/2021, bệnh nhân P. hồi phục tốt, tỉnh táo, hô hấp ổn định nên được cai ECMO, tập vật lý trị liệu, chuẩn bị giảm thông số máy thở. Tuy nhiên, sự phấn khởi của đội ngũ điều trị chưa được bao lâu. 2 tuần sau đó, bệnh nhân P. đột ngột mê sâu. Bệnh nhân được chụp CTscan sọ não phát hiện có xuất huyết sọ não. Dù tia hy vọng mong manh nhưng toàn bộ các bác sĩ và nhân viên y tế vẫn kiên cường, tiếp tục giành giật sự sống cho bệnh nhân, quyết không chùn bước.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Người lớn BV Bệnh Nhiệt đới chia sẻ: “Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được giành giật khỏi lưỡi hái của “tử thần” COVID-19. Những tín hiệu vui này cho chúng tôi thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch. Chúng tôi không thể nào quên các bệnh nhân Đ. (BN 4780), N.T.K.T (BN 6768), N.H.L. (BN 6788), H.H.L (BN 7553), N.T.D (7960), T.V.P (8362), N.H.M (BN 8973),.T (BN 9209) … Là những bệnh nhân COVID-19 nặng, viêm phổi, suy hô hấp cấp và phải thở máy. Có trường hợp xảy ra “cơn bão Cytokine” phải lọc máu hấp phụ nhiều đợt. Có trường hợp bệnh nhân bị tràn khí màng phổi gây tổn thương phổi nghiêm trọng, tưởng chừng như phải can thiệp ECMO. Tất cả bệnh nhân này đều đã hồi phục thật ngoạn mục, cai máy thở, trở lại sinh hoạt bình thường.”

Đến nay, tại BV Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 trường hợp COVID-19 nặng, trong đó 56 trường hợp trong số đó đã hoàn toàn khỏi bệnh. Giữa “cuộc chiến” không tiếng súng này, ở nơi tuyến đầu, toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện luôn vững lòng thực hiện sứ mệnh của người thầy Thu*c, không chỉ níu giữ những hơi thở, họ đang nỗ lực tái sinh những nụ cười…

Hoài Thương (Ghi)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/60d6c971f8ec6e81242d5eb2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY