Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Pháp: Các bệnh viện kích hoạt chế độ “khủng hoảng”

Nhằm đối phó với tình huống số ca mắc COVID-19 tăng nhanh do biến thể mới, Bộ Y tế Pháp đã yêu cầu các bệnh viện của nước này kích hoạt chế độ khủng hoảng từ ngày 18/2 tới.

Bệnh viện Pháp chuẩn bị ứng phó với khủng hoảng

Bộ Y tế Pháp đã yêu cầu các cơ quan y tế và bệnh viện chuẩn bị đối phó với sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 do các biến thể mới dễ lây lan. Động thái này lặp lại các biện pháp được thực hiện hồi tháng 3 và tháng 11/2020 khi Pháp rơi vào tình trạng đóng cửa toàn quốc, các bệnh chuẩn bị tăng thêm số lượng giường bệnh, trì hoãn những phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nguồn lực nhân viên y tế ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế Pháp yêu cầu các cơ quan y tế và bệnh viện chuẩn bị đối phó với sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19

Cơ quan y tế Pháp cho biết, chế độ này cần được thực hiện ở từng khu vực, bất kể mức độ căng thẳng của bệnh viện và phải kích hoạt từ thứ năm tới (ngày 18/2).  Đây là biện pháp nhằm ứng phó với nguy cơ gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới do các biến thể mới xuất hiện, tỷ lệ lây lan mạnh, ngành y tế Pháp sẽ chịu nhiều áp lực nặng nề khi số ca bệnh gia tăng. Pháp liên tiếp ghi nhận hơn 20.000 ca mắc COVID-19 mới theo ngày, số tích lũy trường hợp mắc bệnh đã lên gần 3,5 triệu người, hơn 81.000 người Tu vong, đứng thứ 6 thế giới.

Trái ngược với một số nước láng giềng đang phong tỏa để kiểm soát  dịch bệnh với các biến thể mới dễ lây lan hơn, Pháp đã không thực hiện phong tỏa  quốc gia dể  ngăn chặn  đại dịch. Một số nhà khoa học cho rằng Tổng thống Pháp  Emmanuel Macron đang  đánh một canh bạc khi quyết định không áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch. Hiện Pháp cũng đi sau một số nước châu Âu khác, chẳng hạn như Anh, trong việc triển khai tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran  ý rằng biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh chiếm 25% số ca nhiễm mới được xác nhận ở Pháp, Chính phủ Pháp sẽ quyết định trong những tuần tới liệu các biện pháp hạn chế ở tầm quốc gia có cần thiết hay không.

Ông Arnaud Fontanet, thành viên của hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ về chính sách COVID-19, đã bày tỏ lo ngại rằng biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh có thể chiếm phần lớn các ca mắc COVID-19 vào tháng 3 tại Pháp.

Châu Âu đẩy nhanh  quy trình phê duyệt vaccine COVID-19

Trong một động thái liên quan tới công tác tiêm chủng vaccine tại lục địa già,  Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides cho biết khối này đã đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các loại vaccine ngừa COVID-19 được cập nhật để nhắm mục tiêu vào các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, EU đã xem xét quá trình này cùng với Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) và đã quyết định rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 được cải tiến dựa trên vaccine trước đó để chống lại các đột biến mới sẽ không cần phải trải qua toàn bộ quy trình phê duyệt. Do đó, EU có thể phê duyệt nhanh hơn để có vaccine phù hợp mà vẫn đảm bảo an toàn.

EU đã đồng ý đẩy nhanh việc phê duyệt các loại vaccine ngừa COVID-19

Trước đó, EU đã nhận nhiều chỉ trích bởi sự chậm trễ trong việc phê duyệt vaccine, khiến khối này tụt hậu so với các quốc gia như Mỹ, Anh hay Israel, nơi có tỷ lệ dân số đã được tiêm vaccine ở mức cao.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, đã có sai lầm trong quá trình mua vaccine cho tất cả 27 quốc gia thành viên. Bà cho biết,  EU đã chậm trễ trong việc cấp phép cho các hãng đưa vaccine vào tiêm chủng cũng như đánh giá thấp những khó khăn của việc sản xuất vaccine hàng loạt.

Bà von der Leyen cũng cảnh báo rằng các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu các loại vaccine đã được phê duyệt cho đến nay gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca/Oxford và Moderna - có còn hiệu quả đối với các biến thể mới hay không. Chủ tịch EC đánh giá những biến thể mới sẽ tiếp tục xuất hiện, do vậy khối cần phải tiên liệu và có sự chuẩn bị ngay lập tức.

Trước tình huống này, đã có quốc gia châu Âu như Hungary bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga dù đây là loại vaccine chưa được EU phê chuẩn. Hungary cho rằng nước này cần có quyết định của riêng mình để theo đuổi kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng nhằm cứu vãn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Hải Yến

(Theo Reuters)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/602b0d61f8ec6eb84d08a432)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY