Theo thực tế mà nói, Phật giáo là giáo dục, truyền dạy tâm pháp dẫn đến giác ngộ cuối cùng, nhưng hiện nay nhiều người hiểu lầm cho là một tôn giáo mê tín. Nói giáo dục là bao gồm vũ trụ vạn vật, chẳng có một sự vật nào thiếu sót gọi là vạn pháp duy tâm. Vì nguồn gốc của vạn sự vạn vật là tâm-linh, nên Phật Thích-ca nói tất cả do tâm tạo.
Vậy tâm là thế nào ?
Tâm là một danh từ ai cũng nói được, nhưng tâm là gì thì chẳng ai biết. Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ là Ngài Long Thọ Tôn giả dùng hư không vô sở hữu (虚空無所有) để thí dụ cho tâm. Tâm linh vốn không có hình thể số lượng. Do đó dùng bộ não suy nghĩ chẳng thể tiếp xúc, nên chẳng thể dùng lời nói văn tự để diễn tả. Phật pháp chỉ có thể miễn cưỡng nói là tính không (性空). Dù nói không, không này tức là để hiển bày sự dụng của tâm, cũng như hư không vô sở hữu mà dung nạp tất cả vật. Tất cả vũ trụ vạn vật từ mặt trăng, mặt trời, cho tới núi sông, đất đai, nhà cửa, cây cối, bất cứ cái gì đều phải nhờ cái vô sở hữu này dung nạp và ứng dụng.
Cuộc sống hằng ngày của con người như ăn cơm, mặc áo, nói chuyện, tiếp khách, làm việc đều phải nhờ cái vô sở hữu này mới được hiển bày, chỉ tiếc rằng chúng ta ứng dụng hằng ngày mà chẳng tự biết. Nên Phật Thích Ca dạy Pháp Thiền Trực Tiếp (từ Nghi đến Ngộ) để mọi người đều được tự hiện toàn vẹn chính tâm mình. Cái giờ phút hiện ra tâm mình gọi là kiến tánh thành Phật. Dù nói thành Phật thực chẳng có Phật để thành, chỉ là ở trong mở mắt chiêm bao tỉnh dậy mà thôi, cũng như ở trong nhắm mắt chiêm bao tỉnh dậy thì tự chứng tỏ tất cả sự vật trong chiêm bao đều chẳng thật gọi là chứng ngộ.
Tham Tổ sư Thiền tức là: Tham thoại đầu (参話頭) và khán thoại đầu (看話頭).
Nay nói sơ về cách thực hành: Thoại là lời nói, Đầu là trước khi muốn nói. Nghĩa là khi chưa khởi ý niệm muốn nói gọi là thoại đầu. Tham là hỏi câu thoại để kích thích sự không hiểu không biết. Khán là nhìn chỗ không biết (thoại đầu-話頭), muốn xem chỗ không biết đó là gì? Chỗ không biết thì không có chỗ, không có chỗ thì không có mục tiêu để nhìn. Nên nhìn mãi không thấy gì vẫn còn không biết, chính cái muốn biết (hiểu) mà biết không được Thiền tông gọi là nghi tình (疑情). Hành giả tham thiền cứ hỏi (tham) và nhìn (khán) đồng thời đi song song để giữ cái nghi tình. Nghi tình này sẽ đưa hành giả đến thoại đầu.
Thoại đầu tức là vô thuỷ vô minh, cũng gọi là đầu sào trăm thước, cũng là nguồn gốc của ý thức. Từ đây tiến lên một bước ngay đó liền lìa ý thức bỗng dứt hết nghi. Cái sát na lìa ý thức đó gọi là kiến tánh thành Phật (見性成佛) , tức là Trí Bát nhã (般若智) được hiện hành khắp không gian và thời gian, sự hiểu biết chẳng còn gì thiếu sót. Giáo môn gọi là chánh biến tri (正遍知)”.
Thiền sư
Thích Duy Lực Thích Duy Lực