Khoa học hôm nay

Phát hiện bằng chứng trực tiếp đầu tiên về việc loài lười khổng lồ cổ đại không phải là động vật ăn chay

Bằng cách nghiên cứu lượng đồng vị nitơ trong bộ lông của những con lười khổng lồ, các nhà khoa học xác định rằng những con quái vật đáng sợ này là động vật ăn tạp và có khả năng chúng đã lùng sục khắp Nam Mỹ để tìm kiếm thịt.

Những con lười ngày nay nhỏ bé và di chuyển chậm chạp. Chúng là động vật ăn chay thức ăn chủ yếu của chúng là lá và trái cây, mặc dù một số loài đã được biết là ăn trứng chim không thường xuyên khi chúng có thể lấy được. Nhưng tổ tiên xa xưa của chúng là những gã khổng lồ thực sự - lười đất khổng lồ và theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng chúng là loài ăn tạp và rất tích cực ăn thịt.

Tác giả chính của nghiên cứu julia tejada, một cộng sự nghiên cứu của bảo tàng lịch sử tự nhiên hoa kỳ và là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại đại học montpellier, cho biết: "liệu chúng có phải là những kẻ ăn xác thối hay những kẻ chuyên đi cướp con mồi của những động vật săn mồi khác thì trước khi có thể khẳng định chắc chắn, vẫn cần phải nghiên cứu sâu và chi tiết hơn".

"Nhưng giờ đây chúng ta đã có bằng chứng rõ ràng chống lại giả thuyết lâu đời rằng loài lười đất khổng lồ là động vật thuần ăn chay".

Từ lâu được cho là những người ăn chay, bằng chứng mới cho thấy những con lười khổng lồ cũng là động vật ăn xác thối. Mylodon là một chi lười đất đã tuyệt chủng thuộc họ Mylodontidae, được biết đến từ vùng Patagonia ở Chile và Argentina ở miền nam Nam Mỹ. Với tổng chiều dài từ 3 đến 4 m, nó là một trong những đại diện nổi tiếng nhất và lớn nhất của nhóm. Những phát hiện cổ nhất có lẽ có niên đại vào kỷ Pleistocen

Để xác định những con lười trên mặt đất cổ đại đã ăn gì, các nhà nghiên cứu đã phân tích lượng đồng vị nitơ được tìm thấy trong bộ lông của chúng. Họ đã tìm kiếm một đồng vị gọi là nitơ-15, cho biết vị trí của động vật trong chuỗi thức ăn - đồng vị này càng có nhiều thì điều đó chứng tỏ chúng càng ăn nhiều thịt.

Mặc dù các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số loài lười đất khổng lồ như Nothrotheriops shastensis ở Bắc Mỹ, thực sự là động vật ăn cỏ, nhưng họ cũng phát hiện ra một số loài lười đất khổng lồ khác là động vật ăn tạp. Một loài lười đất được tìm thấy ở Patagonia, Mylodon darwinii (M. darwinii), còn được gọi là lười mặt đất Darwin, có đủ lượng đồng vị nitơ-15 trong bộ lông để cho thấy chúng ăn cả thực vật và thịt.

Loài lười đất khổng lồ này được Charles Darwin phát hiện vào năm 1832 và sau đó nó được đặt theo tên của ông - chúng là loài động vật nặng từ 2.200 đến 4.400 pound (1đến 2 tấn) và có thể dài tới 13 feet (4 mét). Nó sống ở Nam Mỹ từ 1,8 triệu đến 10.000 năm trước trong kỷ nguyên Pleistocen.

"Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rõ ràng rằng Mylodon không phải là động vật ăn thuần chay, mà thay vào đó là động vật ăn tạp", Tejada và các đồng tác giả của cô ấy giải thích trong một nghiên cứu được xuất bản trong Báo cáo Khoa học.

Mylodon và họ hàng của nó là nhóm thống trị của những con lười trên mặt đất Nam Mỹ. Chúng được phân biệt với những con lười mặt đất khác bởi sự hiện diện của răng nanh trên, răng má hình tam giác, và một ngón chân đầu nhỏ ở chi sau. Hai chi có họ hàng gần với chúng là Paramylodon và Glossotherium được phân bố rộng rãi và thậm chí lan rộng ra nhiều vùng của Bắc Mỹ.

Nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng M. darwinii giống một loài ăn xác thối hơn là một kẻ săn mồi. Việc thiếu xương trong phân của con lười cho thấy rằng nó đã nhặt xác của những con vật khác bị giết hoặc có thể lấy protein động vật từ việc ăn trứng.

Mặc dù những phát hiện mới rất đáng ngạc nhiên, chúng cũng giải đáp một số câu hỏi lâu nay về cách những con lười đất khổng lồ cổ đại này sống sót.

Ví dụ, M. darwinii có răng nhỏ - những chiếc răng và dạ dày dường như quá nhỏ đối với một loài động vật ăn cỏ đang phát triển mạnh. Điều này dường như sẽ gây ra những vấn đề đáng lo ngại đối với những loài ăn thuần chay, tuy nhiên nó lại là lợi thế đối với những loài động vật ăn tạp, cho phép chúng dễ dàng tiêu hóa thức ăn có năng lượng cao như thịt.

Hơn nữa, các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ rằng đơn giản là không có đủ thảm thực vật cho tất cả các loài ăn cỏ sống ở Nam Mỹ cùng thời với con lười đất khổng lồ.

Do đó, con lười có thể ăn cả thịt và thực vật. Thật vậy, chế độ ăn uống đa dạng của nó đã giúp cho loài động vật này tồn tại mặc dù nguồn tài nguyên khan hiếm. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng nó có thể đã bắt đầu thích nghi với việc ăn thịt để tồn tại trong tình trạng cạn kiệt tài nguyên.

"Những kết quả này, cung cấp bằng chứng trực tiếp đầu tiên về khả năng ăn tạp ở loài lười cổ đại, và theo đó là việc cần phải đánh giá lại toàn bộ cấu trúc sinh thái của các cộng đồng động vật có vú cổ đại ở Nam Mỹ", Tejada nói, "vì lười đất khổng lồ đại diện cho một thành phần chính của các hệ sinh thái này trong suốt vài triệu năm qua".

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về thói quen kiếm ăn của chúng và làm sáng tỏ cách những con lười khổng lồ từng sống. Chắc chắn, còn nhiều điều để tìm hiểu về những gã khổng lồ bí ẩn này.

Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc

Link bài gốc Lấy link

http://ttvn.toquoc.vn/phat-hien-bang-chung-truc-tiep-dau-tien-ve-viec-loai-luoi-khong-lo-co-dai-khong-phai-la-dong-vat-an-chay-720211812184119154.htm

Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc

Mạng Y Tế
Nguồn: Doanh nghiệp VN (https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/phat-hien-bang-chung-truc-tiep-dau-tien-ve-viec-loai-luoi-khong-lo-co-dai-khong-phai-la-dong-vat-an-chay/20211218092449393)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY