Hiện bệnh nhân nhân tỉnh, tiếp xúc tốt; mạch: 110 lần/ phút; huyết áp: 130/70 mmHg; T 37oC, SpO2: 95%... Bác sĩ Thức cho biết: “Dù bệnh nhân đang bỏ máy tập thở, nhưng vẫn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới”.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện bệnh nhân 91vẫn đang tiếp tục điều trị kháng sinh Ceftazidim/avibactam (N12), micafungin (N5). Bệnh nhân cũng đã ngưng Linezolide vì kết quả vi sinh không ra vi khuẩn Gram dương; kháng đông dự phòng đường uống xarelto; dinh dưỡng qua đường tiêu hoá; vật lý trị liệu ngày 2 lần; điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.
Như vậy, nếu so với 2 ngày trước đó, bệnh nhân 91 đã hồi phục một cách ngoạn mục. Trước đó 2 ngày, bệnh nhân 91 còn đàm nhiều, loãng, trong, bụng còn chướng nhẹ, đã cho ăn lại, tiêu phân vàng sệt 400 ml, tiểu 3000 ml/24 giờ.
Sau đó, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ tay 4/5, sức cơ chân 3/5. Mạch của bệnh nhân dao động 90 - 120 lần/phút, huyết áp: 120/60 đến 140/70 mmHg (có dùng Thu*c hạ áp), hết sốt; phổi trao đổi oxy khá hơn, chỉ cần nồng độ oxy FiO2 30%, SpO2 đạt 93% - 97%.
Bệnh nhân bắt đầu tập bỏ máy tập thở ngắt quãng, nhưng còn thở nhanh, oxy máu vẫn ổn; sử dụng mode thở psv để tập cai máy thở dần, mức áp lực hiện sử dụng 12 cmh2o, vt 240 -360 ml, nhịp thở còn nhanh 32-35 lần/phút lúc thức, lúc ngủ sâu nhịp thở chậm dưới 30 lần/phút.
Kết quả cấy máu 3/6 mọc nấm men Candida parapsilosis nhạy với Thu*c kháng nấm đang dùng. Cấy đàm đã âm tính với vi khuẩn Burkholderia cenocepacia và Ralstonia pickettii.
Theo yêu cầu của bệnh nhân đã cho bệnh nhân dùng điện thoại, máy tính bảng, bệnh nhân nhớ mật khẩu và có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím điện thoại.
Bệnh nhân 91 là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất, đến nay đã hơn 80 ngày ngày điều trị. Bệnh nhân này có những diễn biến rất bất thường. Từ lúc nhập viện ngày 18.3.2020, bệnh nhân liên tục diễn tiến xấu dần. Đến ngày 5.4, bệnh nhân phải thở máy xâm nhập, ngày 6.4, bệnh nhân phải hỗ trợ máy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc máu liện tục, đến này 24.4 các bác sĩ buộc phải mở nội khí quản cho bệnh nhân. Cả 2 phổi bệnh nhân bị đông đặc, có thời điểm phổi chỉ còn hoạt động 10%, bệnh nhân lệ thuộc hoàn toàn vào máy tim phổi nhân tạo ECMO.
Trong suốt thời gian trên, có những thời điểm bệnh nhân chuyển biến tốt, nhưng sau đó lại chuyển biến xấu, có lúc tưởng chừng bệnh nhân không qua khỏi.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tính đến ngày hôm nay (10.6) TP có tất cả 415 người nghi nhiễm COVID-19, nhưng tất cả đều có két quả âm tính. Như vậy, tính đến nay TP chỉ có 59 người mắc COVID-19, trong đó có 55 người đã khỏi bệnh được xuất viện.
Theo ThS.BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hiện TP còn 160 người đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung và 59 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Ngành y tế TP đang tiếp tục cách ly tập trung các hành khách nhập cảnh; giám sát COVID-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP; giám sát người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh thành khác về cư trú tại TP.
Ông Dũng cho biết, hiện đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đối với 1.326 người là thành viên tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP, trong đó có 1.310 người có kết quả âm tính, 2 người có kết quả dương tính (bệnh nhân 321, 322), 14 người đang chờ kết quả. Đồng thời cũng đã lấy mẫu xét nghiệm theo dõi 49 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh được xuất viện cư trú tại TP.
“Người dân không nên chủ quan trong phòng chống COVID – 19 và sốt xuất huyết. Mọi người dân phải giữ sạch tay, giữ khoảng cách an toàn với người khác khi đến nơi công cộng; thường xuyên làm sạch, khử trùng các vật, bề mặt tiếp xúc nơi công cộng”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Chủ đề liên quan:
bấm bàn phím bệnh viện chợ rẫy Bỏ máy tập thở chức năng thận hồi phục.... Covid 19 COVID_19 mắc COVID 19 người Anh phi công phi công người Anh tập thở trò chuyện