Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Phòng tránh bệnh đường tiêu hóa cho trẻ

Chỉ trong tháng 9-2022, thống kê từ cơ sở y tế tại TP Cần Thơ có gần 3.000 trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa đến khám và điều trị. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, thời điểm này

THU SƯƠNG

Chỉ trong tháng 9-2022, thống kê từ cơ sở y tế tại TP Cần Thơ có gần 3.000 trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa đến khám và điều trị. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, thời điểm này các gia đình có trẻ nhỏ cần thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh để nâng cao sức đề kháng, giữ ổn định hệ tiêu hóa cho trẻ. Ðồng thời, khi thấy những triệu chứng bất thường, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám sớm, tránh biến chứng.

bs ckii trương cẩm trinh, trưởng khoa khám thăm khám cho bệnh nhi. ảnh bv cung cấp

Mỗi ngày, Khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp nhận từ 120-200 bệnh nhi mắc các bệnh như nhiễm trùng đường tiêu hóa, khó tiêu chức năng, viêm dạ dày - tá tràng, với các triệu chứng: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám, thời điểm giao mùa hiện tại, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và gây ra các bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nên phụ huynh cần hết sức lưu ý. Những nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa ở trẻ gồm sức đề kháng yếu, nhất là đối với trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú sữa mẹ hoàn toàn. Trẻ bị mất cân bằng hệ vi sinh do thường xuyên dùng kháng sinh, tiêu diệt một số lợi khuẩn trong đường ruột, dẫn đến tiêu chảy, táo bón, đi phân sống. Ngoài ra, còn do trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, môi trường sống bị ô nhiễm. Trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm, hệ vi sinh chưa hoàn thiện, chưa quen với việc tiêu hóa thức ăn. Khi thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Chế độ ăn uống không hợp lý cũng khiến trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa: ăn nhiều đạm, nhiều đường, ít chất xơ, ít vitamin và khoáng chất.

Các bác sĩ cũng nhận định, thời điểm nắng mưa thay đổi liên tục là điều kiện thời tiết lý tưởng cho các loại virus, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, lỵ… phát triển mạnh, có thể xâm nhập vào cơ thể làm nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Do đó, khả năng trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa thời gian này rất cao. Ngoài ra, vào thời điểm này, cơ thể trẻ có thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết nên hệ miễn dịch rất dễ bị tấn công. Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm, ho, sốt, đau họng… Khi trẻ bệnh, cha mẹ có xu hướng cho con sử dụng thuốc điều trị trong thời gian dài, có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi.

BS CKII Trương Cẩm Trinh khuyến cáo phụ huynh có con nhỏ chủ động phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa cho trẻ. Ðó là không nên cho trẻ sơ sinh ăn quá sớm, chỉ nên cho trẻ ăn dặm khi được 4-5 tháng tuổi, nuôi trẻ bằng sữa mẹ đến 18-24 tháng tuổi. Tạo môi trường nhà cửa xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát. Giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và thường xuyên, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Thực hiện ăn chín, uống sôi (không ăn rau sống, uống nước lã, không ăn thức ăn ôi thiu, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh). Giữ nhà vệ sinh sạch sẽ. Hạn chế lây lan mầm bệnh, bằng cách không đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa thì nên đưa trẻ đến BV để các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống. Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy... có thể không đạt hiệu quả điều trị mà con gây hại cho trẻ. Bên cạnh đó, có chế độ ăn uống phù hợp theo lứa tuổi, đa dạng thực phẩm, chú ý cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin. Ðối với trẻ đang bệnh đường tiêu hóa, tiếp tục bú sữa mẹ nếu trẻ đang bú, nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế dầu mỡ. Thức ăn nấu cho trẻ cần được nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.

Những trường hợp cha mẹ cần đưa trẻ đến khám với bác sĩ: Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính, hay đang bị nhiều bệnh cùng lúc. Trẻ sốt cao liên tục trên 38,50C. Khi trẻ tiêu chảy quá 3 ngày. Ói hoặc đi tiêu nhiều lần trong ngày, liên tục. Ðau bụng, quấy khóc nhiều. Trẻ có các triệu chứng mất nước (lừ đừ, mệt mỏi, da khô, mắt trũng, nước tiểu ít,...). Không ăn uống được, nôn ói nhiều lần, đi tiêu lẫn máu.

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo cần thơ (https://baocantho.com.vn/phong-tranh-benh-duong-tieu-hoa-cho-tre-a151729.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY